Bất ngờ với tác dụng của Rau ngổ, Ngò ôm
Nội dung bài viết
Rau Ngổ có tên khoa học là Limnophila aromatica (Lamk.) Merr. Ngoài ra còn có một số tên khác như Ngổ ăn, Ngổ ba lá, Ngò om, thuộc Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Liệu rau ngổ khó khả năng chữa bệnh, chữa bệnh gì?. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về công dụng và cách dùng của loài rau này.
1. Rau Ngổ là gì?
1.1. Mô tả dược liệu
Rau ngổ hay còn gọi là ngò ôm, thuộc cây thảo, có chiều cao trong khoảng từ 20 – 30cm, có rễ chùm. Thân ngầm, bén rễ ở những mấu, thân đứng hình trụ nhẵn, có khía dọc. Lá mọc vòng 3 – 5 cái, đôi khi mọc đối.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ những lá gần ngọn có cuống dài 1cm, nhẵn. Lá bắc ngắn hình sợi, đài hình chuông, 5 răng khô xác, mép có vài lông tuyến đa bào, tràng dài gấp đôi đài, có ống ngắn, chia 2 môi, có chỉ nhị nhẵn.
Quả nang, nhẵn, hình trứng, ngắn hơn đài.
1.2. Phân bố sinh thái
Chi Limnophila R. Br. Gồm một số loài là cây thảo, phân bố khắp vùng nhiệt đới châu Phi, châu Á và châu Đại dương. Ở Việt Nam, có khoảng 15 loài. Rau ngổ vốn là cây mọc hoang dại ở bờ suối hay những vũng nước nông ở vùng núi. Lượng rau để ăn hiện nay chủ yếu là do trồng. Trong khi đó, rau cũng phân bố tự nhiên khá phổ biến ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới châu Á như Ấn độ, Philippin, Lào…và được trồng ở Trung quốc, Đài Loan, Nhật Bản để làm rau gia vị thông dụng
Ngò ôm là cây ưa mọc trên đất sình lầy, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Sau khi bị ngắt ngọn hay cắt toàn thân, phần gốc còn lại vẫn có khả năng tái sinh chồi khỏe. Chồi mọc ra ở kẽ lá theo kiểu lưỡng phân, và sinh trưởng với tốc độc tương đối nhanh. Do đó trong một năm người ta có thể thu hái lên tới hàng chục lần trên cùng một cá thể.
1.3. Bộ phận dùng
Phần trên mặt đất còn non, thu hái vào đầu mùa hạ, dùng tươi
1.4. Thành phần hóa học
Rau ngổ chứa 0.13% tinh dầu, flavonoid và tanin. Trong tinh dầu chủ yếu là d-limonen và d-penlaldehyd.
2. Tác dụng của rau ngổ
Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của rau ngổ: kết quả cho thấy dược liệu này có độc tính rất thấp, không đáng kể. Cây có tác dụng lợi tiểu, dãn cơ, giải co thắt cơ trơn, dãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, do đó tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện tống sỏi thận ra ngoài.
Theo Đông y, rau có vị cay, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tiêu thũng và chỉ dưỡng.
Rau Ngổ được dùng làm gia vị nấu canh chua. Về mặt thuốc, theo kinh nghiệm của lương y Lê Quang Tốt, thảo dược được dùng trị sỏi thận mang lại kết quả tốt. Cách dùng, lấy 50g giã nhỏ, vắt lấy nước pha thêm ít muối, uống ngày 2 lần. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc lợi tiểu như Mã đề, Râu ngô. Sau khi dùng thuốc một thời gian, bệnh nhân tiểu thông, các cơn đau giảm hoặc mất hẳn.
3. Rau ngổ trị bệnh gì?
Nhiều người thắc mắc về tác hại của rau ngổ. Tuy nhiên theo nghiên cứu thì rau om không chứa độc tố. Thay vào đó, tác dụng của cây rau ngổ sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ:
- Rau ngổ chữa sỏi thận.
- Điều trị bệnh huyết trắng.
- Chữa đầy hơi, bí tiểu, đi tiểu ra máu do nhiệt.
- Điều trị sỏi túi mật.
- Chữa đái dầm, tiểu không tự chủ.
- Chữa chảy nước mũi, ho, cảm.
- Chữa rắn độc cắn.
Dùng với liều dùng 15 – 30g rau tươi hoặc 3 – 15g rau khô dưới dạng nước sắc hoặc ngâm rượu uống. Kết hợp dùng ngoài bằng cách giã nát lá đắp vắt lấy nước bôi hoặc dùng nước sắc để rửa. Hoặc sắc nước uống.
Với việc rau ngổ chữa rắn độc cắn. Bạn dùng 15g Rau ngổ, Xuyên tâm liên 24g, giã nát thêm một lượng rượu vừa đủ, vắt lấy nước uống, bã xát xung quanh vết cắn.
4. Một số lưu ý khi sử dụng
- Phụ nữ có thai không dùng, vì có thể làm giãn cơ tạng phủ, dẫn đến sảy thai.
- Khi dùng rau ngổ để ăn sống hay giã lấy nước uống sống cần rửa thật kỹ, ngâm với nước muối loãng để tránh ngộ độc vì nó rất dễ bám dính các loại vi khuẩn.
Bài viết trên đây đã cung cấp thêm nhiều thông tin về công dụng, cách dùng và việc rau ngổ chữa bệnh có thể hữu ích đối với bạn. Ngoài vai trò là một loại rau được ăn kèm trong bữa ăn hàng ngày. Dược liệu còn là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tiêu thũng và chỉ dưỡng. Tuy nhiên cũng giống như các loại thảo dược khác, Quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng và thời gian sử dụng để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, NXB Khoa học và kỹ thuật.