Bác sĩ giải thích tại sao châm cứu không chảy máu
Nội dung bài viết
Châm cứu được sử dụng từ xa xưa và vẫn được tiếp tục phát triển đến ngày nay. Những tác dụng của châm cứu đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận như giảm đau, giảm viêm trong bệnh xương khớp, đau bụng kinh, táo bón v.v… Khi nhắc đến châm cứu, nhiều người thường thắc mắc tại sao châm cứu không chảy máu hoặc châm cứu có tác dụng phụ nào không? Hãy cùng YouMed giải đáp qua bài viết sau đây.
Định nghĩa về châm cứu
Châm là dùng kim châm vào những điểm trên cơ thể (huyệt đạo) nhằm mục đích phòng và trị bệnh.
Người xưa đã dùng đá mài nhọn để châm. Sau đó cùng với lịch sử con người tìm ra kim loại, kim châm cứu không ngừng thay đổi chất liệu đồng, sắt, vàng và ngày nay là kim sử dụng một lần bằng thép không gỉ.
Các phương pháp châm cứu hiện nay
Trước khi tìm hiểu tại sao châm cứu không chảy máu, hãy cùng điểm qua những loại hình châm cứu hiện nay. Ngày nay, phương pháp châm cứu phổ biến, thường dùng là phương pháp Hào châm.
Phương pháp Hào châm
Hào châm là tên gọi theo kích thước loại kim châm cứu sử dụng. Hào châm sử dụng loại kim đường kính từ 0,25 – 0,3mm. Loại kim này ngày nay có hình dáng gần giống với kim hào châm cổ ngày xưa.
Phương pháp Điện châm
Điện châm là phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng điều trị của châm cứu và kích thích của dòng điện có xung điện đầu ra ổn định, an toàn, điều chỉnh dễ dàng. Tác dụng kích thích của dòng điện giúp giảm đau, giãn cơ, tăng dinh dưỡng vùng cơ thể bị bệnh, giảm viêm…
Phương pháp Mai hoa châm
Mai hoa châm là hình thức sử dụng phương pháp kim hoa mai (5 – 7 kim nhỏ cố định ở đầu cán gỗ) rồi gõ lên bề mặt da, nhằm mục đích chữa bệnh hoặc phòng bệnh tương tự như phương pháp hào châm.
Phương pháp Mãng châm
Mãng châm sử dụng kim to, kim dài châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng đường kinh hoặc hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh. Kim thường có độ dài từ 15cm, 20cm, 30cm, 60cm, đường kính từ 0,5 – 1mm.
Phương pháp Thủy châm
Thủy châm là phương pháp điều trị kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại: tác dụng của châm kim với tác dụng của thuốc tiêm.
Phương pháp Laser châm
Laser châm là phương pháp phát triển của châm cứu sử dụng ánh sáng đơn sắc từ thiết bị laser công suất thấp chiếu vào các huyệt trên cơ thể nhằm điều trị và phòng bệnh.
Phương pháp Cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp châm cứu kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Nó được tiến hành bằng cách dùng sợi chỉ tự tiêu chôn vào huyệt. Chỉ tự tiêu trong quá trình tự tiêu luôn tạo ra kích thích lên huyệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt.
Phương pháp Từ châm
Từ châm là phương pháp sử dụng nam châm vĩnh cửu thay cho kim châm cứu thông thường tác động vào vùng cơ thể bị bệnh để phòng và điều trị.
Sự thật đằng sau câu hỏi tại sao châm cứu không chảy máu
Châm cứu là một hình thức sử dụng kim châm tác động vào huyệt.
Đối với các huyệt ở vị trí nông, lớp cơ mỏng ít, có nhiều mạch máu; như huyệt ở đầu, mặt, đầu ngón tay, chân. Khi châm cứu đôi khi chạm trúng vào mao mạch, tĩnh mạch ở nông gây chảy máu với lượng ít, có thể có vết bầm (xuất huyết).
Đối với huyệt ở vị trí sâu, xung quanh có nhiều lớp cơ dày, ít có hiện tượng chảy máu là do những lớp cơ này bảo vệ mạch máu và cơ có thể co xiết lại để tự cầm máu.
Những bệnh lý được điều trị bằng châm cứu
Châm cứu có hiệu quả điều trị đối với những bệnh lý được WHO liệt kê dưới đây:
Châm cứu giảm đau
Châm cứu giảm đau cực kì hiệu quả và được chứng minh với bằng chứng hữu hiệu. Thống kinh, đau dạ dày, đau đầu, đau khớp gối, lưng, cổ vai, đau sau phẫu thuật, đau răng và loạn chức năng khớp thái dương hàm, …. Trong các chứng đau kể trên, Châm cứu giúp tiết ra những chất tương tự nhóm thuốc giảm đau opioid, tự tiết endorphin một cách tự nhiên. Đồng thời, kích thích châm cứu như một tín hiệu giúp các cơ đang co thắt được thư giãn. Chính những hoạt động này xảy ra trong cơ thể mới là cơ chế kéo dài hiệu quả giảm đau của châm cứu.
Châm cứu điều trị liệt
Trong phục hồi sau đột quỵ não (tai biến mạch máu não), liệt mặt, bong gân, chấn thương, bên cạnh chế độ tập vận động thì không thể thiếu châm cứu. Châm cứu để kích thích tại chỗ những nhóm cơ tổn thương, hoặc đưa tín hiệu dẫn truyền lên vỏ não vận động kích thích cơ hoạt động trở lại. Ngày nay, châm cứu sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện Phục hồi chức năng Vật lý trị liệu,…
Châm cứu điều trị bệnh lý khác
Châm cứu giúp điều chỉnh một số rối loạn cơ năng của cơ thể. Bao gồm, điều chỉnh huyết áp động mạch, giảm triệu chứng buồn nôn và nôn trong ốm nghén thai kỳ. Đặc biệt, có thể kích thích co cơ tử cung trong khởi phát chuyển dạ sinh đẻ. Vì vậy một số huyệt cấm châm ở phụ nữ có thai. Cơ chế thông qua kích thích hay ức chế hệ thống thần kinh tự động.
Một số nghiên cứu còn chứng minh châm cứu nhóm huyệt giáp tích giúp giảm phản ứng sau xạ trị, hóa trị trong ung thư như đau, biếng ăn, mệt mỏi.
Ngoài ra, châm cứu giúp thuyên giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang như chảy nước mũi, ngứa mũi, đau xoang trán và hai bên mũi, …
Lưu ý sau khi châm cứu
Tùy theo việc sử dụng phương pháp châm cứu cụ thể. Thầy thuốc sẽ yêu cầu người bệnh cần kiêng cữ sau châm cứu.
Ví dụ: Cấy chỉ và thủy châm sử dụng kim có đường kính lớn hơn bình thường. Do đó, người bệnh nên kiêng tắm trong 01 ngày để tránh nhiễm nước vào chỗ đang điều trị.
Hoặc người bệnh được thầy thuốc hơ hoặc xông ngải cứu điều trị chứng bệnh thuộc hàn lạnh nên giữ ấm; đồng thời tránh gió lạnh, ăn thức ăn ấm nóng. Mục đích là để duy trì hiệu quả của phương pháp cứu. Hoặc người bệnh vừa được châm cứu trong bệnh lý thoái hóa khớp gối; thì cần hạn chế gây hại khớp gối như ngồi xổm, ngồi xếp bằng,… Người bệnh sau châm cứu nên nghỉ ngơi, vận động tập luyện nhẹ nhàng. Đặc biệt tránh tác động mạnh lên vùng cơ thể đang điều trị.
Kỳ thực, châm cứu vẫn có thể khiến bạn bị chảy máu. Song đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Châm cứu được sử dụng từ xa xưa và vẫn được tiếp tục phát triển đến ngày nay. Quý độc giả mong muốn điều trị bằng châm cứu nên được khám và điều trị bởi các chuyên gia để đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acupuncturehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532287/
Ngày tham khảo: 08/06/2021
-
The World Health Organisation recommends acupuncture for over 100 conditions.
https://holistic-health.org.uk/world-health-organisation-recommends-acupuncture-100-conditions/#:~:text=Previous%20Next-,The%20World%20Health%20Organisation%20recommends%20acupuncture%20for%20over%20100%20conditions,are%20or%20where%20they%20live'
Ngày tham khảo: 08/06/2021