Tại sao tôi có các vết nứt trên lưỡi?
Nội dung bài viết
Khi bạn thè lưỡi ra và nhìn vào gương, bạn có thấy các vết nứt trên lưỡi không? Nếu có thì bạn thuộc vào khoảng 5% dân số có tình trạng này. Vậy tình trạng này là gì? Có phải bạn bị bệnh không? Nó có gây nguy hiểm gì không? Hãy đọc bài viết sau của Youmed để tìm hiểu thêm nhé!
Các vết nứt trên lưỡi là một tình trạng lành tính, thường xuất hiện ở mặt trên của lưỡi. Đôi khi các vết nứt này có thể kéo dài đến cạnh bên của lưỡi. Lưỡi bình thường sẽ tương đối phẳng dọc theo chiều dài của nó. Các vết nứt này thường là các rãnh sâu, thấy rõ ở khoảng giữa lưỡi.
Cũng có khi chỉ có những nếp nhỏ trên bề mặt lưỡi, khiến cho lưỡi trông có vẻ bị nhăn. Có thể có một hay nhiều vết nứt với kích cỡ và độ sâu khác nhau.
Vết nứt trên lưỡi có thể có từ lúc mới sinh ra hoặc hình thành trong giai đoạn thơ ấu. Nguyên nhân chính xác của các vết nứt này hiện vẫn chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể có liên quan đến một số bệnh lý, chẳng hạn như suy dinh dưỡng hay hội chứng Down.
1. Vết nứt trên lưỡi biểu hiện như thế nào?
Vết nứt trên lưỡi có thể khiến cho lưỡi trông giống như bị chẻ đôi thành hai nửa. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp có nhiều vết nứt. Các vết nứt có thể nằm riêng lẻ hay có thông nối với nhau.
Các vết nứt sâu trên lưỡi thường có thể thấy rất rõ ràng, ai cũng có thể quan sát được qua gương. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán ra. Phần giữa của lưỡi là thường bị ảnh hưởng nhất, tuy nhiên cũng vẫn có xuất hiện các vết nứt ở các khu vực khác trên lưỡi.
Một tình trạng khác hay đi kèm với vết nứt trên lưỡi đó là lưỡi bản đồ, còn gọi là viêm lưỡi di trú lành tính.
Lưỡi bình thường được phủ bởi các nhú nhỏ xíu, màu trắng hồng. Người bị lưỡi bản đồ sẽ không có các nhú này ở một số vùng trên lưỡi. Các vùng này nhìn sẽ trơn láng và đỏ hơn và thường có bờ hơi lồi lên.
Vết nứt trên lưỡi và lưỡi bản đồ đều vô hại và không có tính lây lan. Chúng thường không gây ra triệu chứng gì đáng kể. Tuy nhiên, ở một số người, có ghi nhận cảm giác khó chịu và tăng nhạy cảm với một số chất. Các mảnh vụn thức ăn có thể vướng lại trong các vết nứt này. Vì vậy, nếu lưỡi có vết nứt thì bạn nên chải lưỡi thường xuyên. Điều này cũng giúp ngăn ngừa sự kích thích và viêm nhiễm có thể xảy ra.
2. Nguyên nhân gây ra các vết nứt trên lưỡi
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của các vết nứt trên lưỡi. Tình trạng này có thể do di truyền, vì chúng thường được bắt gặp nhiều ở các thành viên trong cùng gia đình. Điều này cũng có thể gây ra do các bệnh lý khác nhau.
Tuy nhiên, người ta thường cho rằng vết nứt trên lưỡi cũng chỉ là một trong những biến thể thông thường của lưỡi mà thôi. Các vết nứt này có thể tồn tại từ lúc nhỏ. Tuy nhiên cũng giống như các nếp nhăn trên gương mặt thì hình dạng của vết nứt lưỡi cũng trở nên rõ ràng hơn khi bạn lớn lên.
Nam giới có thể dễ bị nứt lưỡi hơn nữ giới. Người già bị khô miệng cũng có xu hướng nứt lưỡi nhiều hơn.
3. Các bệnh lý liên quan đến vết nứt trên lưỡi
Một số tình trạng bệnh lý có thể liên quan đến vết nứt trên lưỡi bao gồm:
- Hội chứng Down. Khoảng 80% trẻ có hội chứng Down bị các vết nứt trên lưỡi.
- Suy dinh dưỡng và thiếu vitamin
- Bệnh vảy nến
- U hạt ở miệng, mặt, một bệnh lý hiếm thường gây ra sưng nề ở môi, miệng và các vùng quanh miệng.
4. Điều trị vết nứt trên lưỡi như thế nào?
Vết nứt trên lưỡi thường không cần phải điều trị gì cả.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải duy trì vệ sinh răng miệng hợp lý. Ví dụ như bạn cần phải chải bề mặt trên của lưỡi để loại bỏ các mảnh vụn đồ ăn và làm sạch lưỡi. Vi khuẩn và mảng bám có thể đọng ở các vết nứt, khiến cho hơi thở bị hôi và tăng nguy cơ sâu răng. Nếu chỉ súc miệng không thôi thì khó có thể tiêu diệt hết các vi khuẩn đọng trên lưỡi. Chú ý dùng bàn chải mềm để chải lưỡi và chải nhẹ nhàng nếu bạn không muốn tạo thêm các tổn thương cho lưỡi. Một số người thích dùng dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng. Bạn có thể tìm được các dụng cụ này tại các nhà thuốc.
Cố gắng giữ thói quen vệ sinh răng miệng, bao gồm đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Khám răng miệng định kỳ khoảng 2 lần mỗi năm để được chăm sóc răng miệng một cách tốt nhất.
Nếu bạn cảm thấy đau nhiều ở lưỡi hay có các tổn thương khác bên cạnh vết nứt lưỡi thì hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám kĩ càng. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm được phương án điều trị tốt nhất.
Lưỡi có thể cung cấp nhiều thông tin về sức khỏe nhiều hơn bạn nghĩ. Tuy nhiên, vết nứt trên lưỡi thường là vô hại nên bạn không cần phải quá lo lắng. Hãy giữ vệ sinh răng miệng thật kĩ càng để vi khuẩn, thức ăn không bám vào các vết nứt ấy. Cám ơn bạn đã đọc và theo dõi bài viết của Youmed!
Bác sĩ Trần Thanh Long
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.healthline.com/health/tongue-cracks
https://www.healthline.com/health/fissured-tongue#treatment
https://www.webmd.com/oral-health/guide/fissured-tongue