Tạm biệt nỗi sợ xa bố mẹ của bé (Phần 1)
Nội dung bài viết
Là bố mẹ, bạn rất ngại khi bé cứ bám dính lấy mình. Bạn nghĩ bé đang nhõng nhẽo, mè nheo để được dỗ dành, nuông chiều. Tuy nhiên, bạn cũng nên cảnh giác với rối loạn lo âu chia ly thường gặp ở trẻ. Trong rối loạn này, bé con đang thật sự cảm thấy sợ hãi và lo lắng rất nhiều. Điều này không còn phù hợp với lứa tuổi, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt hiện tại và có thể kéo dài đến lúc trưởng thành.
Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ là gì?
Rối loạn lo âu chia ly (tên tiếng Anh: Separation anxiety disorder) là một vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một đứa trẻ bị bệnh này thường lo lắng nhiều, thậm chí quá mức về việc phải chia xa các thành viên trong gia đình hoặc người thân cận, gần gũi khác.
Ai dễ mắc bệnh?
Thật ra, mọi trẻ nhỏ và trẻ thành niên đều có vài điều để lo. Điều đó là bình thường trong quá trình phát triển của bé. Gần như tất cả trẻ từ 18 tháng tuổi đến 3 tuổi đều lo sợ phải xa người thân và đeo bám bố/mẹ ở một mức độ nào đó. Thế nhưng các triệu chứng của rối loạn lo âu chia ly thì nặng nề hơn. Tỉ lệ mắc rối loạn này sẽ giảm dần từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành và đa phần thường gặp nhất ở trẻ dưới 12 tuổi.
Nguyên nhân
Các chuyên gia tin rằng rối loạn này là do sự kết hợp của các yếu tố sinh học và môi trường. Trẻ có thể được “thừa hưởng” tính hay lo của bố hoặc mẹ hoặc cả hai. Cả sự mất cân bằng của hai chất hóa học trong não là norepinephrine và serotonin cũng đóng vai trò một phần. Bên cạnh đó, bé cũng học sự lo lắng và sợ hãi từ các thành viên trong gia đình và những người con thường xuyên tiếp xúc. Ngoài ra, nếu bé trải qua một sang chấn nào đó, nó cũng có thể gây ra rối loạn lo âu chia ly.
Chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly
Như đã nói ở trên, vì đây là triệu chứng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nên nó chỉ trở thành bệnh lý khi thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn chẩn đoán đã được quy ước trước đó. Nói nôm na thì người bệnh phải “đạt” ít nhất ba trong số các triệu chứng dưới và kéo dài ít nhất bốn tuần đối với trẻ dưới 18 tuổi, và trên sáu tháng đối với người trưởng thành.
Các tiêu chuẩn:
- Rất khó chịu khi phải xa nhà, xa người mà bé gắn bó thân thiết kể cả khi tình huống đó mới chỉ được suy nghĩ, tưởng tượng trong đầu.
- Lo lắng về sức khỏe, sự an nguy, thậm chí là cái chết của người mà bé muốn gắn bó. Đặc biệt là khi phải xa họ, bé luôn muốn biết họ đang ở đâu và muốn họ giữ liên lạc với mình.
- Lo về những sự kiện không hay xảy ra với chính mình như đi lạc, bị bắt cóc hoặc bị tai nạn khiến bản thân không thể gặp lại người mà bé gần gũi.
- Mỗi khi được yêu cầu ra khỏi nhà hoặc đi đâu xa khỏi “người thương”, bé sẽ từ chối hoặc miễn cưỡng phải làm theo.
- Các bé không thể ở trong phòng một mình. Chúng sẽ “đeo bám” bố mẹ khắp mọi nơi hoặc “núp bóng” cha mẹ để được chở che hoặc yêu cầu phải có một người nào đó cùng ở trong phòng bé mới chịu.
- Bé không thể ngủ xa nhà, xa “người thương”. Bé gặp nhiều khó khăn khi ngủ “lạ nhà” và luôn nài nỉ ai đó ở với mình cho đến khi ngủ say. Nếu ở nhà, bé sẽ tìm mọi cách để leo lên giường ngủ chung với ba mẹ hoặc anh chị em khác. Cũng chính vì vậy, bé thường từ chối đi cắm trại hoặc ngủ lại nhà bạn.
- Ngoài ra, các bé có thể gặp ác mộng lặp đi lặp lại với cảnh tượng mình bị tách khỏi người gắn bó do một thảm họa nào đó như hỏa hoạn, bị sát hại…
- Nhiều bé thường than đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng… mỗi khi ở trong tình huống phải xa “người thương”. Hồi hộp đánh trống ngực, tim nhanh, chóng mặt, cảm giác như ngất thường gặp ở người lớn hơn là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ nếu thấy bé có triệu chứng này, trước hết nên đưa bé đi khám để bác sĩ loại trừ các bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt là nếu triệu chứng lần đầu xuất hiện, kéo dài.
Vì các triệu chứng của rối loạn lo âu chia ly có thể giống với các bệnh lý tâm thần khác nên bé cần được gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán đúng nhất.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về rối loạn này trong bài viết Hiểu rõ hơn về lo âu chia ly và rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em (Phần 1)
Các triệu chứng khác
Vài đặc điểm không nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán nhưng cũng có thể gặp ở những đứa trẻ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly. Ví dụ như chúng thường sống thu rút, không muốn tham gia chơi hay nói chuyện với người khác, vô cảm, hay buồn hoặc rất khó để tập trung vào công việc hoặc trò chơi.
Tùy theo độ tuổi mà trẻ có thể sợ nhiều thứ khác nhau. Điều làm trẻ lo sợ có thể là động vật, quỷ dữ, bóng tối, kẻ trộm, bắt cóc, tai nạn xe hoặc các tình huống khác có thể là mối nguy hiểm đối với gia đình hoặc chính bản thân. Vài trẻ cảm giác nhớ nhà và cực kỳ khó chịu khi phải xa nhà. Trẻ có thể thể hiện sự tức giận hoặc hành vi như gây hấn, đánh nhau với người cố tình chia cắt chúng với bố mẹ hoặc người mà con gắn bó.
Khi ở một mình, đặc biệt trong bóng tối, trẻ nhỏ thường có những trải nghiệm lạ thường. Đó có thể là nhìn thấy có người chăm chú nhìn vào phòng bé, có những sinh vật rất đáng sợ đang lại gần mình, cảm giác có ánh mắt đang chằm chằm nhìn vào mình.
Trẻ bị rối loạn này có thể luôn mong muốn bản thân phải luôn được chú ý và khi lớn có thể trở thành một người lệ thuộc và cần được bảo vệ quá mức. Với những yêu cầu quá mức như vậy, bản thân người bệnh dần trở thành nguồn thất vọng đối với các thành viên trong gia đình và là nguồn cơn xung đột trong gia đình. Hy vọng bố mẹ có thể nhận biết được các triệu chứng dấu hiệu gợi ý rối loạn lo âu chia ly. Ở phần sau sẽ là diễn tiến và những mẹo nho nhỏ hỗ trợ bố mẹ và bé có thể tạm biệt nỗi sợ xa nhà này nhé. Mời các bạn đón đọc: Tạm biệt nỗi sợ xa bố mẹ của bé (Phần 2)
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Stanford Children's Health Separation Anxiety Disorder in Childrenhttps://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=separation-anxiety-disorder-90-P02582
- American Psychiatric Association (2013) Diagnostic and statistical manual of mental disorders, fifth edition, American Psychiatric Publishing, pp. 190-193.