Tăng đường huyết ở trẻ có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Tăng đường huyết ở trẻ thường xuất hiện đến 25% mỗi khi nhập viện. Nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường ở trẻ. Tuy nhiên, đa số trẻ không có tiền sử bệnh tiểu đường trước đó. Ngoài ra, những bệnh lí có thể được xem như là một stress với cơ thể cũng làm tăng đường huyết, bao gồm nhiễm trùng nặng, bỏng, chấn thương…
1. Tăng đường huyết xảy ra như thế nào?
Tăng đường huyết được chẩn đoán khi mức glucose (lượng đường) trong máu của con bạn cao hơn ngưỡng cho phép. Đường huyết cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Trong trường hợp, tăng đường huyết kéo dài qua nhiều tháng hoặc năm, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tim, mắt, thận, thần kinh và mạch máu. Đường huyết rất cao có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Khi trẻ ăn một số thực phẩm, trong đó có nhiều chất dinh dưỡng như đường. Lượng đường này là dạng đường có nhiều liên kết, sẽ được tế bào của cơ thể phân cắt nhỏ thành glucose. Máu có nhiệm vụ vận chuyển glucose đến các tế bào của cơ thể. Cơ thể trẻ cần glucose để tạo ra năng lượng. Nhưng nếu quá nhiều glucose trong máu sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Insulin là một hormon (nội tiết tố) được tạo ra bởi tuyến tụy – cơ quan trong bụng nằm gần dạ dày. Chức năng của insulin là giúp đưa glucose từ máu vào các tế bào.
Quá trình này sẽ giúp đảm bảo lượng đường trong máu ở mức ổn định. Khi cơ thể trẻ không sinh đủ insulin hoặc gặp vấn đề khi sử dụng insulin (có thể tạo đủ số lượng nhưng không có tác dụng). Lúc này, glucose không thể đi vào vào các tế bào và tích tụ trong máu của con bạn.
2. Nguyên nhân gây tăng đường huyết ở trẻ
Đường huyết tăng cao là vấn đề chính của bệnh đái tháo đường ở trẻ. Nếu con bạn đã được chẩn đoán và đang điều trị bệnh đái tháo đường, lí do trẻ vẫn tăng đường huyết là tình trạng bệnh hiện tại không được kiểm soát tốt.
Một số nguyên nhân tại sao đường huyết có thể tăng quá cao là:
- Không dùng thuốc điều trị đái tháo đường đúng thời điểm hoặc đúng liều lượng.
- Thuốc điều trị đái tháo đường ở trẻ thường là insulin dạng tiêm. Nếu không được bảo quản đúng cách, thuốc có thể không đạt hiệu quả như mong đợi. Trường hợp khác, có thể trẻ cần chuyển sang loại insulin khác.
- Bút tiêm insulin cũng có thể là nguyên nhân. Đó là khi bút tiêm bị tắt, cài đặt liều sai hoặc bị rỉ thuốc ra ngoài.
- Ăn uống quá nhiều thực chẩm giàu chất đường trong một bữa ăn (Ví dụ như cơm, trái cây chín, sinh tố, nước ngọt, bánh kẹo, chè…)
- Không hoạt động thể chất đầy đủ (Vận động cơ thể sẽ giúp giảm đường huyết của con bạn)
Những yếu tố khác có thể chỉ gây tăng đường huyết thoáng qua như:
- Trẻ đang gặp một số vấn đề căng thẳng.
- Trẻ có những bệnh lí như nhiễm trùng nặng, cảm cúm hay bệnh mạn tính …
- Trẻ đang uống thuốc có tác dụng phụ làm tăng đường huyết như kháng viêm …
Nếu trẻ bị đái tháo đường, dù đã tuân thủ điều trị, những yếu tố này có thể làm tăng đường huyết của trẻ.
3. Triệu chứng tăng đường huyết
Tăng đường huyết có thể không gây ra triệu chứng. Đặc biệt nếu đó chỉ là cơn thoáng qua. Tuy nhiên, nếu đường huyết của con bạn tăng rất cao và kéo dài lâu hơn một ngày, các triệu chứng sau có thể xuất hiện:
- Đi tiểu nhiều: Thận đáp ứng với lượng glucose trong máu tăng cao bằng cách thải hết glucose trong nước tiểu. Do đó, trẻ thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu cũng nhiều hơn.
- Khô miệng, khát nước: Hậu quả của đi tiểu nhiều là mất nhiều nước do đi tiểu. Do đó, trẻ sẽ bù nước lại cho cơ thể bằng việc tích cực uống nước.
- Sụt cân: Không có đủ insulin để giúp cơ thể sử dụng glucose. Cơ thể sẽ lấy năng lượng từ những chất có trong cơ bắp hay luowgj mỡ dự trữ để cung cấp năng lượng.
- Cảm thấy mệt mỏi: Vì cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng đúng cách, trẻ em bị tăng đường huyết có thể mệt mỏi. Trong đó, biểu hiện có thể là choáng váng, nhìn mờ, đau đầu, cáu gắt hay bứt rứt, buồn nôn, nôn, đau bụng.
Nếu đường huyết rất cao (trên 600 mg/dl) có thể khiến trẻ hôn mê và thậm chí tử vong.
4. Cách chẩn đoán tăng đường huyết
Mức glucose trong máu của trẻ có thể được xác định bằng xét nghiệm máu tại nhà hoặc tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân tùy thuộc vào triệu chứng và một số xét nghiệm hỗ trợ khác.
Nếu trẻ đã được chẩn đoán đái tháo đường, việc kiểm tra đường huyết trước và sau bữa ăn rất quan trọng. Ngoài ra, tùy theo mục tiêu điều trị của Bác sĩ, trẻ có thể cần phải lặp lại ở một vài thời điểm khác như buổi sáng mới thức dậy…
Những xét nghiệm khác như HbA1C cũng có thể giúp bác sĩ ước tính lượng glucose trung bình tương đương. Bạn có thể sử dụng kết quả HbA1C của con bạn và bảng bên dưới để biết đường huyết trung bình của trẻ là bao nhiêu:
HbA1C | Mức đường huyết tương đương (mg/dl) |
7 | 154 |
8 | 183 |
9 | 212 |
10 | 240 |
11 | 269 |
12 | 298 |
5. Điều trị tăng đường huyết ở trẻ
Đường huyết tăng rất cao có thể là một tình huống cần được xử trí cấp cứu. Trong trường hợp này, trẻ có thể cần phải ở lại bệnh viện để điều trị mức đường huyết trở lại bình thường. Hơn nữa, việc điều trị nguyên nhân và bất kỳ biến chứng của tăng đường huyết cũng quan trọng không kém.
Tăng đường huyết do loại thuốc nào đó mà trẻ đang dùng thường biến mất khi con bạn ngừng sử dụng. Bạn không nên tự ý cho trẻ ngưng dùng thuốc khi chưa hỏi thăm ý kiến của Bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc khác có tác dụng tương tự hoặc giảm liều thuốc mà con bạn dùng. Tùy thuộc vào loại thuốc, có thể mất vài ngày đến vài tuần để đường huyết trở lại mức ổn định.
6. Chăm sóc trẻ bị tăng đường huyết
Bạn nên thực hiện theo các hướng dẫn của Bác sĩ một cách cẩn thận để giữ cho đường huyết của con bạn bình thường. Trong đó, những lời khuyên chung thường là:
- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh theo khuyến nghị của bác sĩ. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn không chắc chắn con bạn nên ăn gì.
- Duy trì hoạt động thể chất theo lời khuyên của bác sĩ. Vận động gắng sức hay ngồi nằm lâu một chỗ không phải là điều nên làm.
- Dùng thuốc chính xác theo hướng dẫn. Kể cả về thời gian lẫn liều lượng.
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên theo từng thời điểm mà bác sĩ đề nghị. Lưu ý là bạn nên ghi lại kết quả mỗi ngày để giúp bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp.
Trẻ cần phải tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa về bệnh đái tháo đường, nếu đó là nguyên nhân chính gây tăng đường huyết. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn, bạn cũng nên tham khảo ý kiến Bác sĩ về những vấn đề sau:
- Mức đường huyết ở ngưỡng nào thì bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện.
- Mất thời gian bao lâu để hồi phục.
- Thói quen và hoạt động nào cần phải tránh hay hạn chế, nhất là khi trẻ có thêm những bệnh khác như cảm cúm, nhiễm trùng …
- Những triệu chứng nên theo dõi và cách xử trí nếu chúng xảy ra.
- Hãy chắc chắn rằng bạn biết khi nào con bạn nên quay lại để tái khám.
Bằng cách thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, bạn sẽ biết khi nào lượng trẻ tăng đường huyết. Đó là một trong những cách theo dõi điều trị tốt nhất nếu trẻ được chẩn đoán đái tháo đường. Biết thêm thông tin và tìm hiểu cách giúp kiểm soát bệnh tháo đường của con bạn sẽ ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn sau này.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Pediatric Advisor 2019, ” Diabetes: High Blood Glucose (Hyperglycemia) “, https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_hypergly_crs.htm, accessed on 05 April 2020. 2. UPMC Children’s Hospital of Pittsburgh, “High Blood Sugar (Hyperglycemia)”, https://www.chp.edu/our-services/endocrinology/schools/high-blood-sugar, accessed on 05 April 2020. 3. Society of Hospital Medicine, “Prevalence and clinical outcome of inpatient hyperglycemia in a community pediatric hospital”, https://www.journalofhospitalmedicine.com/jhospmed/article/128243/inpatient-hyperglycemia-children, accessed on 05 April 2020.