Phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi hiệu quả
Nội dung bài viết
Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý xảy ra không ít ở trong dân số. Tình trạng này gây cho người bệnh nhiều trở ngại trong các hoạt động sinh hoạt; làm việc cũng như giao tiếp hằng ngày. Bài trình bày của YouMed ngày hôm nay sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán cũng như các phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi hiệu quả.
Tăng tiết mồ hôi là gì?
Trước khi tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi, hãy cùng điểm qua những thông tin về chứng bệnh này. Chức năng của mồ hôi đối với cơ thể chúng ta. Các tuyến mồ hôi được tiết ra từ các tuyến nằm ở lớp hạ bì của da. Đây là lớp cuối cùng của da. Mặc dù phân bổ ở khắp nơi trên cơ thể nhưng chúng tập trung ở các vị trí như nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân và trán.
Hoạt động tiết mồ hôi ra có chức năng làm mát và điều hòa nhiệt độ cho cơ thể. Chúng ta tiết mồ hôi khi vận động thể lực nhiều hay trời quá nóng và rất ít hay hầu như không tiết mồ hôi khi trời lạnh.
Người có đổ mồ hôi nhiều có thể đã mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Khi đó, cơ thể của họ sẽ tiết mồ hôi ngay cả khi không hoạt động nhiều hoặc đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Tình trạng này sẽ diễn ra vô cùng thường xuyên. Người mắc bệnh sẽ luôn có cảm giác ẩm ướt, mệt mỏi. Chúng ảnh hưởng đến công việc và đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Chữa bệnh tăng tiết mồ hôi
Như đã trình bày ở các phần trước, tình trạng diễn ra thường xuyên hằng ngày. Thậm chí nhiều lần trong ngày. Nó sẽ khiến cho người bệnh luôn cảm giác ẩm ướt, khó chịu và gây ảnh hưởng đến công việc cũng như giao tiếp. Nhu cầu điều trị bệnh cũng khá cao, người bệnh luôn mong muốn tìm được một biện pháp điều trị hiệu quả và an toàn. YouMed sẽ thông tin đến các bạn những ưu và nhược điểm của từng phương pháp điều trị ngay sau đây.
Phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi bằng thuốc
Tại chỗ
Các chất chống tăng tiết mồ hôi chứa muối nhôm là lựa chọn hàng đầu để điều trị tăng tiết mồ hôi. Hoạt động của các chất này là làm tắc nghẽn các tuyến mồ hôi. Từ đó giúp giảm tiết mồ hôi.
Muối nhôm Aluminum chloride 1-2% được thoa lên da hoàn toàn khô và lặp lại mỗi 24-48 giờ giúp cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi đáng kể. Tác dụng không mong muốn đó là kích ứng da, ngứa da và cảm giác dính khi thoa. Có thể thoa trên da khô và thoa vào buổi sáng để giảm kích ứng của thuốc.
Toàn thân
Thuốc uống kháng cholinergic như glycopyrrolate, oxybutynin có thể được kê toa để chữa bệnh tăng tiết mồ hôi. Tuy có hiệu quả trong điều trị nhưng các tác dụng phụ do thuốc gây ra rất khó chịu như khô mắt; khô miệng nên ít được sử dụng để điều trị.
Tiêm Botulinum toxin
Botulinum toxin là một chất ngăn cản phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh. Các thần kinh này điều khiển tăng tiết mồ hôi nên khi tiêm chất này vào khu vực tăng tiết sẽ giúp cải thiện được tình trạng.
Hiệu quả của tiêm Botulinum toxin trong điều trị mồ hôi nách và tay tương đối cao (trên 80%). Tác dụng kiểm soát mồ hôi có thể kéo dài 6-12 tháng và cần lặp lại liều tiêm sau đó.
Tác dụng không mong muốn của phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi này là đau vị trí tiêm; và yếu cơ tạm thời ở khu vực tiêm. Tuyệt đối không sử dụng phương pháp này cho người có bệnh lý rối loạn thần kinh như yếu cơ xương, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Điện di ion
Phương pháp này thường được lựa chọn trong điều trị tăng tiết mồ hôi tay, chân. Nguyên lý là đưa các ion qua da để ức chế hoạt động thần kinh điều khiển tuyến mồ hôi hay các ion này làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi từ đó giúp giảm tiết mồ hôi.
Hiệu quả mà phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi đem lại cũng tương đối cao (trên 80%). Tuy nhiên cần phải thực hiện nhiều lần, cách nhau mỗi 2-3 ngày để đạt được hiệu quả mong muốn. Tác dụng không mong muốn của phương pháp điện di ion là không thoải mái, tạo bóng nước và đau nhẹ ở tay chân.
Laser
Các bước sóng được sử dụng điều trị mồ hôi nách cho thấy có giảm tiết mồ hôi tương đối. Và nó còn đang được nghiên cứu thêm để chứng minh hiệu quả. Tác dụng không mong muốn của phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi bằng laser là đau, phù nề và giảm sắc tố ở vùng da của khu vực được điều trị.
Vi sóng
Với phương pháp này, một thiết bị cung cấp năng lượng vi sóng để phá hủy các tuyến mồ hôi. Tác dụng không mong muốn của phương pháp vi sóng là phù nề, Tiếp đến là đau và xuất huyết kéo dài vài ngày. Có thể gặp tình trạng nổi bóng nước hay khối u sau khi làm nhưng thường sẽ tự khỏi theo thời gian.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thần kinh cắt hạch giao cảm cũng được lựa chọn để chữa bệnh tăng tiết mồ hôi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt, đốt các dây hay hạch thần kinh kiểm soát tiết mồ hôi ở khu vực bị bệnh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh phải chấp nhận rằng sự giảm tiết mồ hôi sau phẫu thuật có thể kích hoạt tăng tiết mồ hôi ở khu vực khác (tăng tiết mồ hôi bù trừ).
Nhìn chung, các phương pháp chữa bệnh tăng tiết mồ hôi đều có hiệu quả trong điều trị bệnh. Và nó có những ưu điểm cũng như nhược điểm riêng. Tăng tiết mồ hôi gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Khi có nhu cầu điều trị, các bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Từ đó được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bản thân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hyperhidrosishttps://www.healthline.com/health/hyperhidrosis
Ngày tham khảo: 18/09/2019