YouMed

Tăng tiểu cầu: Liệu có gì đáng lo ngại không?

bác sĩ đinh gia khánh
Tác giả: Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Chuyên khoa: Huyết học - Truyền máu

Tăng tiểu cầu là một trạng thái có thể gặp trên xét nghiệm phân tích máu. Tình huống này có đôi khi gặp trên xét nghiệm thường quy kiểm tra, trước phẫu thuật hoặc thậm chí là vì một bệnh lý khác. Khi đột nhiên thấy số lượng tiểu cầu trong máu tăng cao, nguyên nhân của tình trạng này có thể là gì, có nguy hiểm nhất định nào và cần xử trí ra sao. Hãy cùng theo dõi bài viết này nhé. 

Thế nào là tăng số lượng tiểu cầu? 

Tiểu cầu là một sản phẩm được tạo ra từ tuỷ xương. Bên cạnh hồng cầu (có chức năng vận chuyển oxi là chính) và bạch cầu (có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi sinh vật). Các tiểu cầu có nhiều chức năng, nhưng quan trọng và được nhắc đến là chức năng đông cầm máu. Chúng đóng vai trò trong việc hình thành các nút chặn để ngăn ngừa tình trạng chảy máu tiến triển. 

Bình thường số lượng tiểu cầu sẽ thay đổi khoảng từ 150.000 – 450.000 trên mỗi microlit. Tăng tiểu cầu khi con số này vượt giới hạn trên tức là trên 450.000 trên microlit. Đây là định nghĩa, còn thật sự tăng tiểu cầu có tác động như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tăng. 

máu bình thường và tăng tiểu cầu (các chấm tím nhỏ tăng số lượng)
Hình A: máu bình thường. Hình B: Tăng tiểu cầu (các chấm tím nhỏ tăng số lượng)

Các nguyên nhân gây tăng số lượng tiểu cầu?

Nhìn chung chúng ta sẽ có hai nguyên nhân chính: Tăng tiểu cầu do phản ứng hoặc tăng tiểu cầu tự phát. Có nhiều khác biệt giữa hai nhóm nguyên nhân lớn này. Nhận diện và điều trị cũng có nhiều điểm không đồng nhất với nhau.

1. Tăng tiểu cầu phản ứng

Các nguyên nhân khiến số lượng các tế bào này tăng nhìn chung là có yếu tố nào đó kích thích tuỷ xương. Tình trạng này sẽ xuất hiện và sau đó sẽ xu hướng cải thiện sau khi yếu tố kích thích được giải quyết. Bao gồm các nguyên nhân nổi bật sau: 

  • Chảy máu, mất máu cấp tính. 
  • Nhiễm trùng.
  • Stress do chấn thương, phẫu thuật,…
  • Thiếu sắt.
  • Phản ứng sau cắt lách. 
  • Thiếu máu tán huyết miễn dịch. 
  • Viêm không do nhiễm trùng: Thấp khớp, ung thư, phản ứng với thuốc,…
  • Đáp ứng với thuốc điều trị các bệnh: Giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu vitamin B12,…

Xem thêm bài viết: Vitamin B12: Những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe

2. Tăng tiểu cầu tự phát

Nói chung, đây là hiện tượng rối loạn trong quá trình sản xuất tiểu cầu. Một đột biến làm quá trình sản xuất và tiêu thụ tiểu cầu vượt ra khỏi phạm vi thông thường. Các trường hợp này là bệnh lý Huyết Học. Nổi bật là nằm trong bệnh cảnh của Hội chứng tân tăng sinh tuỷ, tạm hiểu là ung thư máu mạn tính. Bao gồm các bệnh lý sau, chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm gen (Sinh học phân tử): 

Ngoài ra còn có các bệnh lý khác như:

  • Loạn sản tuỷ xương.
  • Bạch cầu cấp dòng tuỷ (Một số báo cáo tình huống này xảy ra, nhưng giảm tiểu cầu phổ biến hơn).
  • Tăng tiểu cầu có tính chất gia đình. 

Trạng thái này biểu hiện ra sao? 

Đặc điểm của tăng tiểu cầu sẽ phụ thuộc vào số lượng và bản chất gây ra nó. Nếu là phản ứng, số lượng thường không quá cao và sẽ về bình thường sau đó. Khi nguyên nhân đáp ứng được kiểm soát. Trong khi đó khi số lượng tăng cao đáng kể, hay gặp trong các hội chứng tân tăng sinh tuỷ. Sẽ có nhiều triệu chứng gợi ý: 

  • Đau đầu. 
  • Hoa mắt, chóng mặt. 
  • Đau ngực.
  • Tê yếu cơ.
  • Dị cảm đầu chi.

Trên nền một bệnh lý ví dụ như tân tăng sinh tuỷ khác thì kèm với triệu chứng của bệnh đó: 

  • Lách to: Biểu hiện có khối ở dưới sườn – hông bên trái, ăn mau no. Gặp trong bạch cầu mạn dòng tuỷ, xơ tuỷ nguyên phát.
  • Da niêm đỏ rực, ngứa: Gặp trong Đa hồng cầu nguyên phát.

Liệu tăng số lượng tiểu cầu có nguy hiểm không? 

Như đã nói, điều này sẽ tuỳ vào nguyên nhân. Nếu là phản ứng, trọng tâm sẽ là do bệnh nền gây nên. Quan trọng là kiểm soát bệnh nền và tình trạng này nhìn chung là không đáng ngại. 

Khi số lượng quá cao trong các bệnh cảnh tăng sinh tuỷ kể trên. Nguy cơ tắc mạch tăng lên. Vị trí tắc mạch những cơ quan trọng điểm như não, tim, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người bệnh.

Điều trị tình huống này như thế nào? 

Can thiệp cũng dựa vào nguyên nhân: 

  • Phản ứng: Điều trị tích cực nguyên nhân ví dụ như chấn thương, nhiễm trùng,… Các tình huống như dị ứng nhẹ, sau cắt lách, có thể không cần can thiệp gì và con số tiểu cầu sẽ về ổn định. 
  • Bạch cầu mạn dòng tuỷ: Điều trị tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn sớm thì thuốc uống đặc trị có thể giúp kiểm soát bệnh lên đến hàng chục năm. 
  • Đa hồng cầu nguyên phát: Trích máu, ngừa tắc mạch, một số tình huống có thể bổ sung thuốc chuyên biệt hơn để kiểm soát bệnh. 
  • Tăng tiểu cầu tiên phát: Ngoài không co trích máu, thì có nhiều điểm tương tự đa hồng cầu. Quan trọng nhất vẫn ngừa cục máu đông có nguy cơ tắc mạch.
  • Xơ tuỷ nguyên phát: Thuốc giảm triệu chứng, ngừa tắc mạch,…

Khi tiểu cầu quá cao, có thể cần phải can thiệp bằng cách chiết tách liệu cầu. Sử dụng máu để lọc bỏ số lượng tiểu cầu dư thừa nhằm giảm thiểu nguy cơ. 

chiết tách tiểu cầu
Hình ảnh chiết tách tiểu cầu

Tăng tiểu cầu là một trong những bất thường hay gặp trên kết quả xét nghiệm. Khi số lượng tiểu cầu tăng nhẹ và có nguyên nhân gây tăng đáp ứng thì tình trạng này nhìn chung không đáng lo ngại nhiều, quan trọng là kiểm soát nguyên nhân nền. Số lượng tiểu cầu tăng cao trong các bệnh ung thư máu mạn tính (Hội chứng tân tăng sinh tuỷ), điều trị sẽ chuyên biệt dựa trên bệnh nền, cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa Huyết Học để điều trị phù hợp và hiệu quả nhất nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người