YouMed

Tẩy giun cộng đồng : Các biện pháp phòng bệnh

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Chuyên khoa: Nhi

Bác sĩ ơi, con em 15 tháng có thể sổ giun được chưa? Em nghe người ta nói nhiễm giun có thể gây ra đau bụng, biếng ăn, có không bác sĩ? Hôm nay bé sốt uống toa thuốc này, em muốn sổ giun luôn ngày hôm nay có được không? Đây là một số câu hỏi rất thường gặp tại các phòng khám nhi. Theo điều tra của các Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng và các tỉnh thành từ năm 2013 – 2017, tỷ lệ nhiễm giun trên cả nước trong những năm qua vẫn ở mức cao. Vì vậy vấn đề sổ giun vẫn cần được quan tâm rất nhiều, nhất là ở trẻ em, là đối tượng có nguy cơ cao của việc nhiễm giun. Cùng YouMed tìm hiểu một số điểm quan trọng trong việc tẩy giun đường ruột ở cộng đồng nhé. 

1. Tại sao phải tẩy giun

Các loại giun đường ruột ở người chủ yếu gồm giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ, giun kim rất phổ biến ở Việt Nam. Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ. Nếu bị nhiễm giun, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa (ói, đau bụng…), đồng thời lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.

Khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng sẽ gây ngứa ngáy, khóc đêm, mất ngủ. Ở các bé gái nhiễm giun kim, giun còn có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm, bò vào đường tiểu gây triệu chứng tiểu lắt nhắt. Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài. Vì thế trẻ  nhiễm giun có thể bị biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu… ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, thậm chí  gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.

Tại sao chúng ta cần phải tẩy giun thường xuyên
Tại sao chúng ta cần phải tẩy giun thường xuyên

2. Đối tượng tẩy giun tại cộng đồng

2.1 Các yếu tố nguy cơ 

Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, qua bàn tay bẩn. Đối với giun móc/mỏ ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người.

Trẻ em ở độ tuổi khám phá là đối tượng dễ bị nhiễm giun nhất. Bởi vì trẻ rất hay cho tay vào miệng, hoặc hiếu động bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim. Ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi để trẻ (đi chân đất) có thể nhiễm cả giun móc, do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ.

2.2 Khi nào thì tẩy giun? 

Trước đây, trẻ từ 2 tuổi trở lên mới tẩy giun. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm giun ở nhiều địa phương còn cao, đối tượng nhiễm cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản, đặc biệt trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi. Vì vậy, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tẩy giun tại cộng đồng, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đã có thể tẩy giun.

Lưu ý: Không tẩy giun ở những đối tượng sau:

  • Người đang mắc bệnh cấp tinh, đang sốt.
  • Mắc một số bệnh mạn tính như: Suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản.
  • Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Số lần tẩy giun trong năm sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nhiễm giun tại vùng bạn đang sinh sống, thường là mỗi 6 đến 12 tháng. ở những vùng có tỉ lệ nhiễm giun thấp thì chỉ cần tẩy giun mỗi 2 năm 1 lần hoặc không cần tẩy giun hàng loạt mà chỉ tẩy giun khi có triệu chứng.

3. Thuốc sử dụng: Albendazole hoặc Mebendazole

Liều lượng:

– Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.

– Người từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.

Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất . Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.

4. Các biện pháp phòng bệnh

 4.1 Vệ sinh cá nhân

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay. Rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi, không để bé ở truồng hay mặc quần thủng đít.
  • Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất.
  • Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.

 4.2 Vệ sinh môi trường

  • Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi.
  • Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ.
  • Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không để bé bò lê la, nghịch đất cát

Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.

Bác sĩ : Phạm Thị Mỹ Anh

Xem thêm bài viết liên quan:

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/khi-nao-nen-tay-giun-cho-tre.html

Quyết định số 6437/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người