Thai trứng: Những điều bác sĩ muốn bạn biết!
Nội dung bài viết
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc thai trứng cao trên thế giới. Thai trứng là một trong những bệnh lý bất thường nguyên bào nuôi thai kì. Vậy thai trứng là gì? Làm sao để biết các triệu chứng của bệnh? Bệnh lý này nguy hiểm đến mức nào? Cùng đọc bài viết để tìm hiểu các thông tin về thai trứng nhé.
1. Thai trứng là gì?
Bệnh nguyên bào nuôi thai kì là một nhóm các bệnh lý bất thường tế bào nuôi thai. Nhóm này gồm các bệnh lý xâm lấn cho đến các tình trạng ác tính khác như ung thư nguyên bào nuôi hay u nguyên bào nuôi tại vị trí nhau bám. Thai trứng – hay chửa trứng – là loại thường gặp nhất của nhóm bệnh lý này.
Một thai kì diễn ra khi phôi phát triển từ một trứng thụ tinh với tinh trùng. Tế bào sẽ mang 46 cặp nhiễm sắc thể, mỗi cặp có 2 nhiễm sắc thể: một từ mẹ và một từ cha. Thai trứng xảy ra khi có bất thường trong quá trình thụ tinh và kết quả là sự mất cân bằng trong thành phần nhiễm sắc thể.
Thai trứng có thể gây ra biến chứng nặng – bao gồm tiền sản giật sớm hay diễn tiến thành ung thư nguyên bào nuôi. Do đó, nó đều cần phải được điều trị và theo dõi để tránh các biến chứng.
2, Phân loại thai trứng
Có 2 tuýp loại toàn phần và bán phần.
- Thai trứng toàn phần: bánh nhau bất thường, phồng lên và hình thành những nang chứa đầy nước như những chùm nho. Không có sự hình thành phần thai.
- Thai trứng bán phần: Có thể có sự hình thành của phần thai, nhưng đáng tiếc là thai nhi này không có khả năng phát triển. Đa số bán phần bị sẩy sớm trong những tháng đầu thai kì.
2. Thai trứng có phát triển được không?
Đáng tiếc là không có sự hiện diện phần thai trong thai toàn phần, do đó thai kì không thể tồn tại cũng như phát triển. Đối với bán phần, có thể có phần thai nhìn thấy được qua siêu âm, nhưng vì bất thường nhiễm sắc thể, nên em bé này không thể tồn tại được.
3. Thai trứng có triệu chứng gì?
Ở những tuần đầu,có thể biểu hiện giống như thai kì bình thường.
Nhưng sau đó, hầu hết thai trứng gây ra những triệu chứng rất đặc biệt, bao gồm:
- Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt 1: máu nâu đậm cho đến đỏ sẫm.
- Nghén nặng: buồn nôn và nôn nhiều, liên tục.
- Thấy bụng to bất thường.
- Không thấy thai máy.
- Đau tức vùng bụng dưới.
- Có thể thấy những nang như chùm nho trôi ra từ âm đạo.
Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào tương tự như trên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Khi khám thai, bác sĩ có cũng thể phát hiện ra các dấu hiệu khác
- Tử cung to so với tuổi thai.
- Tăng huyết áp.
- Tiền sản giật khởi phát trước 20 tuần: tình trạng tăng huyết áp và có thêm các biến chứng trên cơ quan khác như tiểu đạm, tăng men gan, tán huyết, đau đầu nhìn mờ,…
- Nang hoàng tuyến
- Thiếu máu.
- Cường giáp.
4. Tại sao tôi bị thai trứng?
Thai trứng gây ra bởi sự bất thường thụ tinh của trứng và tinh trùng. Tế bào con người bình thường chứa 23 cặp nhiễm sắc thể. 1 cặp nhiễm sắc thế gồm 1 nhiễm sắc thể từ cha và 1 nhiễm sắc thể từ mẹ.
- Ở thai toàn phần, 1 trứng trống thụ tinh với 1 hoặc 2 tinh trùng, và tất cả vật liệu di truyền đều đến từ cha. Ở tình huống này, nhiễm sắc thể của người mẹ bị mất hoặc bị bất hoạt; và nhiễm sắc thể của người cha bị nhân đôi.
- Ở thai bán phần, nhiễm sắc thể của mẹ thì bảo tồn nhưng của người cha lại cho 2 bộ nhiễm sắc thể. Kết quả là có 69 nhiễm sắc thể thay vì 46 như bình thường. Điều này thường xảy ra khi 2 trứng cùng thụ tinh với 1 tinh trùng.
5. Yếu tố nguy cơ của thai trứng là gì?
Thường gặp ở nhiều quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến thai trứng, bao gồm:
- Tuổi mẹ: Thường xảy ra khi tuổi mẹ < 20 tuổi hay > 40 tuổi.
- Tiền căn thai trước đó.
- Tiền căn sẩy thai tự nhiên hay sẩy thai không rõ nguyên nhân.
- Thai toàn phần có thể liên quan đến chế độ ăn thiếu Vitamin A và mỡ động vật.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ rất cao. Tỷ lệ này khoảng 1/200, tức 200 thai phụ thì có 1 người mắc .
6. Thai trứng có nguy hiểm không?
Sau khi thai trứng bị sẩy hay được hút nạo, phần mô có thể còn tồn tại và tiếp tục phát triển. Đây là các dạng khác của bệnh lý nguyên bào nuôi, bao gồm:
- Thai xâm lấn: các tế bào nhau xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung.
- U nguyên bào nuôi tại ví trí nhau bám: tại vị trí nhau bám cũ, hình thành khối u của nguyên bào nuôi. Khối u này có thể ác tính hay lành tính.
- Ung thư nguyên bào nuôi: các tế bào nhau thai thành lập các khối ác tính.
Thai toàn phần dường như có khả năng xảy ra biến chứng cao hơn thai bán phần. Tỷ lệ xảy ra biến chứng chiếm khoảng 15 đến 20% của thai toàn phần, và khoảng 5% thai bán phần. Triệu chứng của các bệnh lý này là nồng độ hCG (chất do tế bào thai tiết ra) sau điều trị thai không giảm. Do đó, cần theo dõi nồng độ hCG sau điều trị cho đến khi về bình thường theo chỉ định của bác sĩ.
7. Thai trứng được điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị thường được dùng cho thai toàn phần là nạo hút thai. Quá trình này được tiến hành ở phòng mổ với gây mê. Trước khi nạo hút, bác sĩ sẽ dùng thuốc làm mềm cổ tử cung. Sau đó, cổ tử cung được nong và đặt dụng cụ để hút toàn bộ phần mô bất thường trong lòng tử cung. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho thai bán phần. Tuy nhiên, đôi khi thai bán phần quá lớn và cần phải dùng thuốc gây sẩy thai.
Đối với những thai nguy cơ cao có thể phát triển thành u nguyên bào nuôi, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị thêm với thuốc Methotrexate. Điều quan trọng là theo dõi nồng độ hCG sau điều trị để chắc chắn là khỏi bệnh hoàn toàn.
Thai trứng là một bệnh lý lành tính, tuy nhiên nó có thể được xem là bệnh lý tiền ung thư vì có thể diễn tiến đến các bệnh lý ác tính như ung thư nguyên bào nuôi. Rất đáng tiếc là thai trứng thì không thể phát triển như một thai kì bình thường, nên luôn phải điều trị. Cách tốt nhất để phát hiện sớm thai trứng là theo dõi thai kì đều đặn trong tam cá nguyệt và chú ý các dấu hiệu như chảy máu âm đạo, nghén nặng, đau tức hạ vị…
Bác sĩ : Lê Mai Thùy Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Mayo Clinic (2017) Molar Pregnancy
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/molar-pregnancy/symptoms-causes/syc-20375175 ,accessed on December 21, 2019
RCOG (2011) Gestational Tropoblastic Disease
https://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/gestational-trophoblastic-disease-gtd/ ,accessed on December 23, 2019.