Thay đổi sợi bọc tuyến vú có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Thay đổi sợi bọc tuyến vú hay xơ nang tuyến vú là một tình trạng thường gặp ở các chị em phụ nữ. Tình trạng này gây ra các triệu chứng căng tức và khó chịu ở vùng vú. Vậy đây là “bệnh” gì? Có nguy hiểm không? Và có cách nào để giảm các triệu chứng không? Cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?
Thay đổi sợi bọc tuyến vú hay xơ nang tuyến vú thường có cảm nhận như một khối hoặc một cấu trúc xơ dày bên trong mô tuyến vú.
Đây không phải là tình trạng hiếm gặp ở phụ nữ. Hơn một nửa phụ nữ trải nghiệm thay đổi sợi bọc tuyến vú một lần trong đời. Thực tế, các chuyên gia y khoa đã không còn dùng thuật ngữ “bệnh xơ nang tuyến vú” hay bệnh “thay đổi sợi bọc tuyến vú” nữa, bởi vì tình trạng này không phải là bệnh. Những thay đổi ở tuyến vú như xơ nang tuyến vú được xem là bình thường.
2. Triệu chứng
Dấu hiệu và triệu chứng của thay đổi sợi bọc tuyến vú bao gồm:
- Sờ thấy khối ở vú hay một vùng dày lên. Vùng này dường như hòa vào mô vú xung quanh mà không có giới hạn rõ ràng.
- Đau hay căng tức vú.
- Khối ở vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt.
- Chảy dịch núm vú, dịch xanh hay xám không lẫn máu. Thông thường, dịch này tự chảy mà không cần ấn hay đè.
- Những thay đổi xuất hiện ở cả hai bên vú và tương tự nhau.
- Đau vú tăng hoặc khối tăng kích thước đều đặn hàng tháng từ giữa chu kỳ (rụng trứng) cho đến trước ngày hành kinh.
Thay đổi sợi bọc tuyến vú thường xảy ra ở phụ nữ 20 – 50 tuổi. Đây là độ tuổi còn ảnh hưởng bởi nội tiết tố nữ. Rất hiếm khi tình trạng này xảy ra ở phụ nữ đã mãn kinh, trừ khi họ sử dụng các liệu pháp nội tiết thay thế.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết thay đổi sợi bọc được xem là bình thường. Tuy nhiên, hãy đặt lịch khám với bác sĩ nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau:
- Sờ thấy một khối mới, ở vị trí khác hoặc một vùng dày lên phân biệt với mô vú xung quanh.
- Đau vú ở một vị trí xác định hoặc cơn đau vú ngày càng tăng hoặc tệ hơn.
- Thay đổi ở vú như căng, đau hay khối ở vú kéo dài ngay cả sau những ngày hành kinh.
- Bác sĩ đã kiểm tra khối ở vú nhưng bạn sờ thấy nó tăng kích thước hoặc có những thay đổi khác với những chu kỳ trước.
Để theo dõi chính xác những dấu hiệu ở vú, bạn nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng. Việc tự khám vú sẽ giúp bạn nhận biết những thay đổi bình thường của vú qua mỗi chu kỳ. Khi có những dấu hiệu bất thường, bạn sẽ phát hiện được ngay.
4. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra những thay đổi của sợi bọc ở tuyến vú chưa rõ ràng. Các chuyên gia đều cho rằng các nội tiết tố nữ – đặc biệt là estrogen – đóng một vai trò quan trọng.
Thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra những thay đổi ở vú. Những thay đổi cảm nhận thường là căng tức, ngực to lên, khó chịu ở vú hoặc một vùng hay một khối sờ được ở vú sưng và đau. Thay đổi sợi bọc thường gây khó chịu nhiều hơn ở những ngày trước hành kinh. Cơn đau cũng như khối này sẽ giảm hay biến mất khi bạn hành kinh.
Khi xem xét dưới kính hiển vi, thay đổi sợi bọc thường bao gồm các thành phần như sau:
- Nang tròn hay oval chứa dịch.
- Tình trạng dày lên của mô xơ (như vết sẹo).
- Phát triển quá mức của tế bào trong ống dẫn sữa hoặc tiểu thuỳ tạo sữa của tuyến vú.
Thay đổi sợi bọc có dẫn đến ung thư vú không?
Thay đổi sợi bọc ở tuyến vú không phải là ung thư. Tình trạng này không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
5. Chẩn đoán
Các bước bác sĩ cần làm để đánh giá tình trạng của bạn bao gồm:
5.1. Khám vú
- Bác sĩ sẽ kiểm tra các vùng bất thường bằng cách nhìn và khám bằng tay vùng vú cũng như hạch lympho ở vùng nách và vùng cổ. Nếu đã từng được chẩn đoán thay đổi sợi bọc, kèm theo khám lần này không có gì khác biệt, bạn sẽ không cần làm thêm xét nghiệm gì. Nhưng nếu bác sĩ tìm thấy một khối ở vú khác và/hoặc chưa rõ thay đổi này là gì, bạn có thể sẽ phải quay lại sau vài tuần để kiểm tra.
- Thời điểm khám vú thích hợp là sau hành kinh vài ngày. Nếu những thay đổi này kéo dài, bạn sẽ phải chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm.
5.2. Các xét nghiệm cần làm
- Nhũ ảnh. Thường được đề nghị khi bác sĩ tìm thấy khối ở vú hoặc vùng dày lên ở mô vú. Đây là xét nghiệm dùng tia X (tương tự như X quang) để chụp hình mô vú.
- Siêu âm tuyến vú. Siêu âm sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh của mô tuyến vú. Đây là xét nghiệm thường được làm đầu tiên hoặc cùng với nhũ ảnh. Bác sĩ sẽ dùng một đầu dò để quét khắp mô vú và cả vùng nách. Mục đích là tìm các khối bất thường, các nang hoặc vùng xơ hoá, vùng hạch và các tổn thương khác nếu có. Nếu bạn trẻ hơn 30 tuổi, bác sĩ sẽ có thể đề nghị siêu âm vú mà không cần chụp nhũ ảnh.
- Chọc hút tế bào tuyến vú bằng kim nhỏ (FNA tuyến vú). Đối với những khối dạng nang lớn, FNA có thể giúp rút bớt dịch trong nang, làm xẹp nang và giảm căng tức.
- Sinh thiết kim lõi. Nếu những xét nghiệm hình ảnh chưa rõ ràng, bác sĩ vẫn còn nghi ngờ về khối ở vú, họ sẽ đề nghị sinh thiết bằng kim lõi. Thủ thuật này sẽ lấy một phần mô vú nghi ngờ để soi tế bào dưới kính hiển vi xem bản chất khối này là gì. Sinh thiết kim lõi thường được làm dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc dùng nhũ ảnh để xác định chính xác vị trí đâm kim.
7. Điều trị
Nếu triệu chứng nhẹ và không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, bạn không cần điều trị gì thêm. Những tình trạng cần điều trị bao gồm: sưng nhiều, các nang lớn gây đau và khó chịu.
Điều trị thay đổi sợi bọc bao gồm:
- Nếu cơn đau vú gây khó chịu, có thể điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường. Khi cơn đau nhiều, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thuốc giảm đau khác.
- Điều trị bằng nội tiết tố.
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA).
- Phẫu thuật. Hiếm khi cần phải phẫu thuật để điều trị. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật cắt khối này nếu các phương pháp khác không hiệu quả.
8. Làm thế nào để giảm bớt căng đau vú?
Bạn có thể giảm bớt các triệu chứng căng đau vú bằng các cách sau:
- Mặc áo ngực nâng đỡ.
- Mặc áo ngực thể thao khi tập thể dục và khi ngủ. Đặc biệt là những khi ngực đang nhạy cảm, dễ đau khi đụng chạm.
- Ngưng dùng các đồ uống có chứa caffeine.
- Giảm cân nếu thừa cân. Không ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất béo.
- Nếu đang dùng các thuốc/thực phẩm chức năng chứa nội tiết tố, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu việc này liên quan đến các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể gợi ý ngừng sử dụng.
- Chườm nóng cũng có thể giúp giảm đau.
>> Xem thêm: Chườm nóng và chườm lạnh: bạn có đang làm đúng cách?
Hy vọng qua bài viết vừa rồi, chị em đã hiểu thêm về thay đổi sợi bọc tuyến vú. Đây là tình trạng thay đổi lành tính thường gặp và liên quan đến nội tiết tố. Nếu có các triệu chứng đau dai dẳng kéo dài hay mức độ nhiều, chị em hãy đến gặp bác sĩ nhé. Đừng quên tự khám vú đều đặn mỗi tháng. YouMed thương chúc chị em khoẻ mạnh và xinh đẹp!
Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fibrocystic-breasts/symptoms-causes/syc-20350438, accessed on June 20th, 2020.
2. Mayo Clinic (2019) Fibrocystic-breasts: Diagnosis and Treatment.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fibrocystic-breasts/diagnosis-treatment/drc-20350442, accessed on June 20th, 2020.