YouMed

Theo dõi cử động thai như thế nào là đúng?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Theo dõi cử động thai hay còn gọi là thai máy là một trong những kiến thức quan trọng để mẹ theo dõi sức khỏe của con mình hằng ngày. Bài viết này dành cho mẹ muốn biết nhiều hơn về chuyển động của bé khi mang thai. Đặc biệt là khi bé không cử động nhiều như thường ngày hoặc có thay đổi so với bình thường và làm cho mẹ lo lắng.

Mẹ cảm nhận được cử động thai vào lúc nào?

Hầu hết người mẹ có thể theo dõi cử động thai trong bụng khoảng từ 18-20 tuần thai. Tuy nhiên, nếu đây là lần đầu mẹ mang thai, mẹ có thể cảm nhận được chuyển động của bé trễ hơn, khoảng sau 20 tuần thai kỳ. Với những phụ nữ đã từng mang thai, cảm nhận này lại sớm hơn, khoảng tuần thứ 16 thai kỳ. Mẹ sẽ cảm thấy sự chuyển động của bé giống như đang đạp hoặc đang xoay trở thân mình.

Khi bé lớn lên, cả số lượng và kiểu chuyển động của bé gần như hình thành một chu kì. Thông thường, khoảng thời gian buổi chiều và buổi tối là thời gian bé hoạt động dữ dội nhất. Tuy nhiên, bé cũng cần phải ngủ trong cả ngày lần đêm. Thông thường khoảng thời gian ngủ của bé từ 20-40 phút, hiếm khi kéo dài hơn 90 phút. Lúc này mẹ sẽ thấy em bé hầu như không cử động. Trường hợp mẹ đang bận rộn, đôi khi không để ý và bỏ qua những cử động của bé.

Số lượng cử động của bé có xu hướng tăng cho đến tuần thứ 32 của thai kỳ và sau đó giữ nguyên. Tuy vậy, cử động của bé có thể thay đổi khi mẹ gần đến ngày dự sinh.

Tại sao theo dõi cử động thai lại quan trọng?

Trong khi mang thai, cảm giác được cử động thai của bé làm cho mẹ được an tâm hơn rằng em bé của mình đang khỏe mạnh.

Vì thế, nếu mẹ nhận thấy em bé của mình cử động ít hơn hoặc thay đổi chu kì khác lạ hơn so với bình thường. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy em bé không khỏe. Lúc này, mẹ cần đến cơ sở Sản phụ khoa ngay lập tức để được đánh giá tình trạng sức của bé kĩ càng hơn.

Nếu mẹ nhận thấy em bé của mình cử động ít hơn hoặc thay đổi chu kì khác lạ hơn so với bình thường mẹ cần đến cơ sở sản phụ khoa ngay lập tức để được đánh giá tình trạng sức của bé kĩ càng hơn.

Mẹ không nên đợi đến ngày hôm sau mới đi khám. Ngoài ra, không nên tự kiểm tra nhịp tim thai của bé bằng dụng cụ hoặc thiết bị y tế nào tại nhà.

Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến cảm giác của mẹ về cử động thai?

Có những lúc bận rộn với công việc, đôi khi mẹ sẽ không chú tâm đến chuyển động của bé trong bụng.

Ngoài ra, trong trường hợp nhau nằm vị trí phía trước thành tử cung, mẹ có thể cảm nhận cử động thai ít rõ ràng hơn. Hoặc trong trường hợp bé nằm ở phía trước tử thành tử cung, mẹ có thể cảm nhận bé ít cử động hơn so với khi lưng của bé nằm dọc theo lưng mẹ.

Những tác động nào có thể làm cho cử động thai ít hơn?

Một số loại thuốc như giảm đau mạnh hoặc thuốc an thần có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn của em bé và khiến em bé chuyển động ít hơn. Rượu và hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển động của em bé. Trong một số trường hợp, em bé có thể di chuyển ít hơn vì bé không khỏe.

Theo dõi cử động thai như thế nào là đúng?

1. Trường hợp mang thai dưới 24 tuần

Hầu hết người mẹ lần đầu cảm nhận được sự cử động của bé vào khoảng 18-20 tuần thai. Trường hợp nếu đến 24 tuần mẹ vẫn chưa bao giờ cảm nhận được cử động của bé, mẹ cần đến phòng khám hoặc cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra. Bác sỹ sẽ kiểm tra nhịp tim của bé và siêu âm kiểm tra tình trạng thai nhi trong bụng mẹ.

2. Trường hợp mang thai từ 24 tuần đến 28 tuần

Khoảng thời gian này, mẹ đã cảm nhận rõ hơn về cử động thai. Trong trường hợp, mẹ thấy cử động thai một ngày lạ hơn so với những ngày trước, cử động yếu hơn hẳn hoặc không cử động, mẹ cần nên đi khám.

Ngoài việc kiểm tra nhịp tim thai, bác sỹ sẽ đo kích thước tử cung, đo huyết áp của mẹ, có thể cần làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Nếu tử cung của mẹ nho hơn kích thước dự định, siêu âm có thể được đề nghị để kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.

3. Theo dõi cử động thai trên 28 tuần

Đây là khoảng thời gian mà mẹ sẽ cần chú trọng theo dõi cử động thai để theo dõi sát tình trạng sức khỏe của thai nhi.

Khi theo dõi cử động thai, việc này thường được thực hiện sau khi mẹ ăn no. Mẹ nên đếm 3 lần mỗi ngày, và tối thiếu đếm 1 lần trong ngày. Khi mẹ đếm số nên nằm nghỉ ngơi yên tĩnh và đếm trong 1 giờ xem có bao nhiêu cử động thai.

4. Việc đánh giá cử động thai như sau:

  • Thai khỏe khi có hơn 4 lần cử động mỗi giờ.
  • Nếu trong 1 giờ thai chỉ cử động 3 lần hay ít hơn, người mẹ cần đếm thêm 1 giờ nữa vì có thể là lúc thai đang ngủ. Nên nằm nghỉ ngơi hoàn toàn để dễ theo dõi cử động thai.
  • Nếu trong 1 giờ kế tiếp thai vẫn cử động 3 lần hay ít hơn thì đây là dấu hiệu báo động cần nghi ngờ thai nhi bị yếu. Lúc này người mẹ nên đi khám và nhập viện nếu cần thiết để được theo dõi sức khỏe thai bằng máy Monitor.
  • Trường hợp bất tiện trong việc lập tức nhập viện, người mẹ có thể tiếp tục đếm cử động thai trong 12 giờ liên tục. Nếu có ít hơn 10 lần cử động thì cần nhập viện ngay để được xử lý tích cực.

Khi được nhập viện tại cơ sở Sản phụ khoa, mẹ sẽ:

  • Được bác sỹ hỏi về chuyển động của bé.
  • Khám thai đầy đủ, bao gồm cả kiểm tra nhịp tim của thai nhi trong ít nhất 20 phút. Điều này giúp mẹ yên tâm hơn về tình trạng của con mình. Mẹ có thể thấy nhịp tim của bé tăng lên khi bé đang cử động. Khi đánh giá tình trạng thai nhi vẫn tốt, mẹ có thể an tâm về nhà.

Siêu âm được thực hiện kiểm tra tình trạng của bé và lượng nước ối, nếu như:

  • Bề cao tử cung của mẹ nhỏ hơn tiêu chuẩn thai kỳ, đặc biệt có các yếu tố nguy cơ liên quan đến thai lưu.
  • Theo dõi nhịp tim vẫn bình thường nhưng mẹ vẫn cảm thấy chuyển động của con mình ít hơn bình thường.

Việc khám và kiểm tra này để đảm bảo rằng em bé đang khỏe mạnh và phát triển tốt. Hầu hết phụ nữ trải qua một giai đoạn giảm cử động thai đều có thai kì diễn tiến về sau tốt và sinh con khỏe mạnh.

Nếu có bất kỳ lo lắng nào cho em bé của bạn, bác sỹ và nhân viên y tế hỗ trợ sẽ bàn luận với mẹ về vấn đề này. Trong một số trường hợp, mẹ có thể được khuyên sinh con càng sớm càng tốt sẽ an toàn hơn. Tình huống này phụ thuộc vào tình hình cá nhân của mẹ, bé và khoảng thời gian mẹ mang thai.

Xem thêm: Huyết áp thấp có sinh thường được không: Giải đáp từ bác sĩ

Trường hợp khi về nhà cử động thai lại bị giảm, mẹ nên làm gì?

Khi về nhà, mẹ sẽ được khuyên nên để ý nhiều hơn cử động của thai. Nếu trường hợp cử động thai lại bị giảm, mẹ vẫn cần đến cơ sở sản phụ khoa để kiểm tra ngay lập tức. Đừng nên chủ quan và trì hoãn thăm khám dù cho việc giảm cử động thai xảy ra nhiều lần.

Theo dõi cử động thai là cách mẹ có thể kiểm tra sức khỏe của bé hằng ngày. Trong khi đó khám thai chỉ có thể thực hiện thường xuyên nhất là một tuần một lần.

Tuy nhiên, không phải cứ cử động thai yếu rằng bé chắc chắn đang gặp vấn đề. Bác sĩ lúc này sẽ kiểm tra lại tình trạng của trẻ bằng đo nhịp tim thai và siêu âm. Vì thế, khi mẹ có giảm cử động thai, đừng quá hốt hoảng nhưng cũng không được chủ quan. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa sớm để được đảm bảo bé đang an toàn trong bụng mẹ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Counting Baby Kickshttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/while-pregnant/counting-baby-kicks-71051

    Ngày tham khảo: 30/09/2020

  2. Your baby’s movements in pregnancyhttps://www.rcog.org.uk/for-the-public/browse-all-patient-information-leaflets/your-babys-movements-in-pregnancy-patient-information-leaflet/

    Ngày tham khảo: 30/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người