Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Từ chẩn đoán đến điều trị
Nội dung bài viết
Thiếu máu là một tình trạng rất thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Trong đó, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là loại phổ biến nhất. Vậy, nó có nguy hiểm không? Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ khỏi thiếu máu thiếu sắt? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu ngay bố mẹ nhé!
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là gì?
Trẻ bị thiếu máu có số lượng tế bào hồng cầu thấp hơn bình thường. Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt.
Cơ thể cần sắt để tạo ra hemoglobin. Đây là một loại protein trong hồng cầu, giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ sắt, ít hemoglobin và ít hồng cầu được tạo ra, dẫn đến thiếu máu.
Việc bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu thường giúp cho tình trạng thiếu máu thuyên giảm.
Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Lúc đầu, trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi các triệu chứng xảy ra, con của bạn có thể:
- Trông nhợt nhạt;
- Mệt mỏi, ủ rũ;
- Dễ mệt mỏi hơn khi tập thể dục;
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng;
- Nhịp tim nhanh;
- Bị chậm phát triển và có các vấn đề về hành vi;
- Muốn ăn đá hoặc những thứ không phải thực phẩm (gọi là Hội chứng Pica).
Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Thiếu máu do thiếu sắt có thể xảy ra khi:
Cơ thể bé không hấp thụ sắt đúng cách. Trường hợp này xảy ra khi trẻ mắc các bệnh như bệnh celiac.
Trẻ bị mất máu do chấn thương, kinh nguyệt ra nhiều hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Trong đó, chế độ ăn uống không đủ chất sắt chính là nguyên nhân. Tình trạng này có thể xảy ra do:
- Trẻ uống quá nhiều sữa bò và uống sữa bò trước 1 tuổi;
- Trẻ ăn chay, vì chúng không được ăn thịt. Đây là một nguồn sắt dồi dào;
- Trẻ bú sữa mẹ không được bổ sung sắt;
- Trẻ sơ sinh được cho uống sữa công thức ít sắt;
- Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân có thể cần nhiều sắt hơn, mặc dù trẻ đã uống sữa công thức hoặc sữa mẹ.
Làm thế nào để chẩn đoán trẻ thiếu máu thiếu sắt?
Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt bằng cách:
- Hỏi thăm các triệu chứng, chế độ ăn uống, bệnh sử của trẻ
- Kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm máu để:
-
- Soi các tế bào hồng cầu bằng kính hiển vi;
- Kiểm tra lượng hemoglobin và sắt trong máu;
- Kiểm tra tốc độ tạo ra các tế bào hồng cầu mới;
- Tiến hành các xét nghiệm máu tiếp theo để loại trừ các loại thiếu máu khác.
Điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Các bác sĩ điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em bằng cách bổ sung sắt ở dạng lỏng hoặc thuốc viên trong ít nhất 3 tháng.
Bên cạnh đó, để giúp sắt được hấp thụ tốt vào cơ thể, bố mẹ hãy để ý:
- Tránh bổ sung sắt cùng với thuốc kháng axit, sữa hoặc trà. Bởi vì những thuốc này cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
- Cho trẻ uống sắt trước khi ăn (trừ khi điều này gây khó chịu cho dạ dày).
Người bị thiếu máu rất nặng có thể được truyền sắt hoặc truyền máu qua đường tĩnh mạch.
Nếu nguyên nhân của trẻ thiếu máu thiếu sắt không phải do chế độ ăn uống, việc điều trị cũng có thể bao gồm:
- Điều trị giảm chảy máu trong kỳ kinh nguyệt;
- Giảm lượng sữa bò trong khẩu phần ăn;
- Điều trị bệnh tiềm ẩn gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em.
Cha mẹ có thể giúp gì?
Nếu con bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, đừng lo lắng. Căn bệnh này có thể được chữa khỏi, việc của bố mẹ cần làm lúc này là:
- Đảm bảo rằng con bạn uống bổ sung sắt đúng theo quy định.
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống của gia đình. Các nguồn chất sắt tốt bao gồm: ngũ cốc tăng cường chất sắt, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu hũ, lòng đỏ trứng, đậu, nho khô,…
- Ăn các loại trái cây và rau quả có nhiều vitamin C hoặc uống một ly nước cam vào bữa ăn. Điều này sẽ giúp sắt được hấp thụ tốt hơn.
- Nếu con bạn ăn chay, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ. Họ có thể giới thiệu các loại thực phẩm để giúp con bạn có đủ chất sắt.
Ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Để ngăn ngừa tình trạng này, bố mẹ cần lưu ý:
- Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa bò.
- Hạn chế sữa bò ở trẻ trên 1 tuổi dưới 2 ly sữa mỗi ngày.
- Cho trẻ ăn vừa đủ, đừng quá no. Bởi vì nếu trẻ cảm thấy no thì chúng sẽ giảm tiêu thụ các thức ăn giàu chất sắt.
Trẻ em cần bao nhiêu sắt?
Trẻ sinh ra với lượng sắt dự trữ trong cơ thể, nhưng lượng sắt bổ sung ổn định là cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của trẻ. Dưới đây là hướng dẫn về nhu cầu sắt ở các độ tuổi khác nhau:
- Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi: 11 mg sắt.
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 7 mg.
- Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 10 mg.
- Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 8 mg.
- Trẻ từ 14-18 tuổi: 15 mg (nữ), 11 mg (nam).
Tóm lại, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thường không nguy hiểm như bố mẹ nghĩ. Trẻ chỉ cần bổ sung chất sắt và tăng cường thêm các loại thực phẩm giàu sắt. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh mắc phải tình trạng này bố mẹ nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Iron-Deficiency Anemiahttps://kidshealth.org/en/parents/ida.html
Ngày tham khảo: 09/05/2021
-
Iron deficiency in children: Prevention tips for parentshttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/childrens-health/in-depth/iron-deficiency/art-20045634
Ngày tham khảo: 09/05/2021