Thiểu sản men: Nguyên nhân, cách điều trị, phòng ngừa.
Nội dung bài viết
Thiểu sản men có thể là một tình trạng mắc phải suốt đời ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của men răng. Thiểu sản men có thể dẫn đến nhiều tình trạng cần thực hiện nhiều điều trị. Có thể là: trám răng, bọc mão răng và thậm chí là nhổ răng. Để hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu sản men và cách điều trị , phòng ngừa, chúng ta cần biết cách thức hoạt động của men răng. Tại sao nó không phải lúc nào men răng cũng hình thành chính xác. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm về chứng thiểu sản men răng và cách các nha sĩ điều trị tình trạng này.
1. Men răng là gì?
Men là lớp bảo vệ cứng bên ngoài của răng. Đây là phần cứng nhất trên cơ thể bạn; hoạt động giống như một bộ áo giáp bảo vệ các vùng mềm và nhạy cảm. Men răng giúp bảo vệ bạn khỏi các kích thích nóng lạnh gây đau. Lớp phủ bảo vệ này cũng giúp chống lại các lực vật lý tác động lên răng.
Thật không may, men răng chứa gần như 90% là khoáng chất. Chúng hòa tan trong môi trường axit. Khi chúng ta ăn thực phẩm có tính axit cao như trái cây hoặc kẹo, vi khuẩn trong miệng của chúng ta sẽ biến nó thành axit lactic, có thể làm mòn men răng. Một khi lớp men bảo vệ của bạn mất đi, không thể phục hồi lại được. Đó là lý do tại sao nhiều nha sĩ nhấn mạnh việc vệ sinh răng miệng tốt từ khi còn trẻ để giữ cho lớp men được chắc khỏe.Tuy nhiên, trẻ em và người lớn không phải lúc nào cũng có đủ số lượng men răng phù hợp. Tình trạng này xảy ra được gọi là thiểu sản men.
2. Thiểu sản men là gì?
Thiểu sản men là tình trạng thiếu men răng khiến răng dễ bị tổn thương và sâu. Thường biểu hiện các dạng rãnh, lỗ rỗ hoặc đường trong răng, trên bề mặt hoặc ở một số điểm nhất định. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, thiểu sản men có thể trông giống như một vết lõm nhỏ ở một răng, hoặc trên nhiều răng trong miệng. Có thể có sự đổi màu tại một vùng răng, hoặc toàn bộ răng có thể chuyển sang màu nâu sẫm.
Mặc dù thiểu sản men có thể xảy ra ở cả răng sữa và răng trưởng thành, nhưng nó thường phát triển trước ba tuổi. Khi răng sữa đang mọc, men răng còn mềm và yếu tạo cơ hội cho việc tổn thương sớm.
3. Nguyên nhân và phân loại thiểu sản men
Theo nguyên nhân , thiểu sản men có thể phân loại: do di truyền và do môi trường.
3.1. Thiểu sản men do di truyền
Thường ở thiểu sản men di truyền, cả răng sữa và răng trưởng thành sẽ bị ảnh hưởng. Các khiếm khuyết di truyền khiến men răng bị thiếu một trong ba giai đoạn phát triển quan trọng: hình thành, khoáng hóa và trưởng thành. Khi quá trình tạo men không thể phát triển hoàn thiện, men răng sẽ giòn và dễ bị nứt, hoặc mềm và dễ bị mòn. Trong trường hợp do di truyền, không có cách nào để ngăn ngừa thiểu sản men. Trẻ sẽ phải điều trị răng khi chúng bắt đầu mọc và có dấu hiệu khiếm khuyết.
Thiểu giảm sản men bẩm sinh có thể xảy ra đơn lẻ; hoặc là một phần của hội chứng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Các hội chứng di truyền khác có thể gây ra thiểu sản men là:
- Usher
- Seckel
- Ellis-van Creveld
- Treacher Collins
- Hội chứng tâm thần
- Hội chứng 22q11 (hội chứng cơ tim)
- Heimler
3.2. Thiểu sản men do môi trường
Trong hầu hết các trường hợp, thiểu sản men có thể phòng ngừa được; nếu đó là kết quả của các yếu tố môi trường tác động trong quá trình phát triển răng. Theo Hội đồng Nha khoa Nhi khoa Châu Âu, các yếu tố môi trường trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến răng sữa, răng vĩnh viễn hoặc cả hai. Những thay đổi này có thể xảy ra: trong bụng mẹ, trong khi sinh và những tháng sau khi sinh.
Chứng thiểu sản men cũng có thể do các vấn đề trước khi sinh như:
- Mẹ thiếu vitamin D, tăng cân, hút thuốc, sử dụng ma túy.
- Thiếu chăm sóc trước khi sinh.
- Sinh non hoặc sinh thiếu cân.
Các yếu tố môi trường và các vấn đề khác ở trẻ sơ sinh có thể gây ra chứng thiểu sản men bao gồm:
- Chấn thương răng.
- Nhiễm trùng nặng: Rubella, sởi, viêm phổi, giang mai, sốt cao.
- Suy dinh dưỡng. Thiếu canxi, photphat, vitamin A, C hoặc D.
- Vàng da, bệnh gan.
- Bệnh celiac.
- Bại não do nhiễm trùng mẹ hoặc thai nhi.
- Nhiễm độc, nhiễm xạ.
Ngay cả những trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể mắc phải do chấn thương miệng hoặc răng lúc mới mọc. Trẻ đặt nội khí quản cần phẫu thuật có thể bị chấn thương răng đang phát triển. Men răng bị mềm hoặc dị dạng khi răng sữa bắt đầu mọc.
4. Đặc điểm của tình trạng thiểu sản men
Có nhiều đặc điểm riêng biệt được thấy trong các trường hợp thiểu sản men. Các dấu hiệu của thiểu sản men ở răng xuất hiện khi chúng mọc trong miệng. Các đặc điểm thông thường của chứng thiểu sản men bao gồm:
- Men chưa hình thành đủ độ dày. Lớp men mềm và mỏng, dẫn đến việc dễ bị mẻ hay lỗ rỗ, tách ra khỏi lớp ngà bên dưới.
- Thân răng có thể bị đổi màu, chẳng hạn như các đốm trắng hoặc đục. Điều này thay đổi tùy thuộc vào loại rối loạn và dao động từ trắng đến trắng vàng đến nâu.
- Thiểu sản men do giang mai bẩm sinh: Thường bị ở răng cửa và răng cối lớn thứ nhất. Các răng cửa thường có đặc điểm: nhọn phía cạnh cắn, có khía chữa V giữ cạnh cắn (răng Hutchinson). Các răng cối lớn có mặt nhai phân thùy hoặc nhiều khía gọi là răng cối quả dâu.
- Sự giảm sản xuất hiện do nhiễm trùng tại chỗ hoặc chấn thương trong quá trình hình thành răng; biểu hiện sự đổi màu men từ nâu nhẹ đến lỗ rỗ nghiêm trọng và không đều của thân răng. Điều này có thể ảnh hưởng đến một chiếc răng duy nhất, được gọi là Răng Turner.
- Khi uống nước chứa quá nhiều fluor trong thời gian hình thành răng, dẫn đến thiểu sản men hoặc men calci hóa kém. Gọi là nhiễm fluor – fluorosis. Men răng sẽ bị lốm đốm; đặc trưng bởi thỉnh thoảng có đốm trắng hoặc đốm nâu trên men. Mức độ này dao động giữa các đốm màu trắng và các vùng trắng đục đến các vùng có vết rỗ và màu nâu trên bề mặt men. Những răng này có xu hướng mòn hoặc gãy.
5. Các biến chứng tiềm ẩn của tình trạng thiểu sản men
Nếu không được điều trị thích hợp, các biến chứng có thể bao gồm:
- Tăng nguy cơ sâu răng
- Răng dễ mòn, vỡ vụn
- Ê buốt
- Răng đổi màu nâu
- Phải nhổ răng
- Lo lắng và ngại ngùng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến nụ cười
>> Tham khảo thêm: Sâu răng ở trẻ em: Những điều cha mẹ nên biết!
6. Điều trị thiểu sản men
Quá trình điều trị thiểu sản men thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và tuổi của trẻ. Mục tiêu điều trị là:
- Ngăn ngừa sâu răng.
- Duy trì khớp cắn tốt.
- Bảo tồn cấu trúc răng.
- Giữ cho răng có hình thể đẹp.
6.1. Đối với những trường hợp nhẹ
Một số khuyết tật nhỏ hơn không gây sâu hoặc nhạy cảm có thể không cần điều trị ngay. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi định kỳ. Nha sĩ có thể bôi fluoride tại chỗ để giúp bảo vệ răng.
Trong trường hợp ê buốt, sâu răng hoặc cấu trúc răng bị mòn, đổi màu nhẹ, các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Trám tái tạo:
Điều này có thể cải thiện độ nhạy cảm của răng. Sử dụng các vật liệu trám composite gốc nhựa có thể tái tạo phù hợp với màu răng.
- Tẩy trắng răng
Nếu chỉ có sự đổi màu nhẹ, nha sĩ có thể đề nghị tẩy trắng răng để nó có màu như những chiếc răng khỏe mạnh. Một số bệnh nhân có thể cần phải tẩy trắng răng thường xuyên bằng hydrogen peroxide.
6.2. Đối với các vấn đề nghiêm trọng hơn
Chẳng hạn như vết lỗ rỗ hoặc sâu răng có thể nhìn thấy, nha sĩ có thể điều trị phục hồi. Điều này sẽ giúp làm giảm ê buốt và đau nhức nếu phần ảnh hưởng chỉ nằm ở một phần nhỏ của răng.
Tuy nhiên sẽ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề nếu toàn bộ răng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp đó, nha sĩ có thể đề xuất một giải pháp lâu dài hơn, đó là bọc mão.
Có những trường hợp răng vĩnh viễn bị lệch lạc đến mức tốt nhất nên nhổ đi. Nếu vậy, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chỉnh nha trước.
Trong những trường hợp nặng hơn, răng có thể cần phải được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng cầu răng hoặc cấy ghép răng.
Mục đích của việc trồng răng là ngăn các răng khác dịch chuyển để thu hẹp khoảng trống, hỗ trợ ăn nhai, giúp nụ cười hoàn thiện hơn.
7. Phòng ngừa thiểu sản men
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong điều trị thiểu sản men là phát hiện bệnh sớm. Nha sĩ nên phát hiện sớm các vùng bị ảnh hưởng để phục hồi; trước khi sâu răng lan rộng dẫn đến nhổ răng.
Vì nhiều trường hợp bị thiểu sản men do suy dinh dưỡng. Việc bổ sung Vitamin A và D có thể giúp tăng cường sự phát triển của răng. Bệnh nhân có thể bổ sung vitamin, hoặc tăng cường tiêu thụ sữa, nước cam, rau xanh. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Vitamin A : Có quan trọng với trẻ hay không ?
Đối với nhiều bệnh nhân, thiểu sản men răng là một tình trạng kéo dài suốt đời. Do đó phải thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng tốt để ngăn ngừa sâu răng. Nha sĩ có thể yêu cầu bạn thường xuyên thăm khám định kỳ. Việc vệ sinh răng miêng cũng yêu cầu kem đánh răng và bàn chải chuyên dụng. Hạn chế tối đa thức ăn và đồ uống có đường và axit. Đồng thời luôn chải và rửa kỹ răng sau khi ăn.
Cũng giống như nhiều bệnh răng miệng khác, việc vệ sinh đúng cách và có kế hoạch điều trị thường xuyên là tất cả những gì cần thiết để người bệnh bớt khó chịu và có thể ăn uống thoải mái.
Thiểu sản men là tình trạng bẩm sinh hoặc mắc phải. Nó làm ảnh hưởng đến men răng và có thể gây ra nhiều tình trạng như: sâu răng, ê buốt, đổi màu… Việc phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị thích hợp sẽ giúp khắc phục được những ảnh hưởng tối thiểu. Tương tự như các tình trạng khác, việc vệ sinh răng miệng và chăm sóc định kỳ đóng vai trò quan trọng. Do đó những bệnh nhân được chẩn đoán tình trạng thiểu sản men cần tuân thủ tốt chăm sóc răng miệng: chải răng đúng cách, vệ sinh thường xuyên, hạn chế ăn ngọt…
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.