4 điều cơ bản cần biết về thiếu vitamin B2
Nội dung bài viết
Vitamin B2 (Riboflavin) là một trong những loại vitamin tan trong nước. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của cơ thể. Mặc dù tình trạng thiếu vitamin B2 không phổ biến nhưng nó lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về tình trạng này, bạn nhé!
Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin B2
Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Phụ nữ có thai và đang cho con bú thường có nguy cơ thiếu vitamin B2. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Hàm lượng riboflavin trong thai kỳ có mối liên quan mật thiết với cân nặng và chiều cao của trẻ. Do đó, trẻ sơ sinh bị thiếu riboflavin bẩm sinh hoặc khẩu phần ăn của bà mẹ có lượng vitamin B2 thấp (dưới 1,2 mg/ngày) trong thời kỳ mang thai, thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị mắc một số dị tật bẩm sinh (như dị tật ở tim).
Ngoài ra, thiếu vitamin B2 trong thai kỳ cũng có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
Những người ăn chay và ít tiêu thụ các sản phẩm từ sữa
Vitamin B2 có nhiều trong các sản phẩm từ động vật và từ sữa. Do đó, việc ăn chay và ít tiêu thụ các sản phẩm từ sữa sẽ làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B2.
Những người bị thiếu chất vận chuyển vitamin B2
Thiếu hụt chất vận chuyển riboflavin (hội chứng Brown-Vialetto-Van Laere hoặc Fazio-Londe) là một rối loạn thần kinh hiếm gặp. Bệnh do đột biến gen SLC52A3 hoặc SLC52A2 mã hóa chất vận chuyển riboflavin. Nó có thể bắt đầu từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành. Nó có liên quan đến tình trạng mất thính giác, bulbar bại liệt (một bệnh thần kinh vận động), khó khăn về hô hấp và các triệu chứng khác.
Kết quả là những bệnh nhân này không thể hấp thụ và vận chuyển riboflavin một cách thích hợp. Vì vậy họ bị thiếu riboflavin. Mặc dù không có cách chữa trị nào triệt để, nhưng bổ sung riboflavin liều cao vẫn có thể là một phương pháp điều trị cứu sống ở nhóm đối tượng này, đặc biệt sử dụng vitamin B2 ngay khi bắt đầu có triệu chứng.
Nguyên nhân thiếu vitamin B2
Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin B2 (riboflavin) là do ăn không đủ một số thực phẩm sau:
- Ngũ cốc;
- Sữa;
- Các sản phẩm động vật khác.
Ngoài ra, thiếu vitamin B2 cũng có thể do các nguyên nhân sau:
- Tiêu chảy mãn tính;
- Hội chứng kém hấp thu;
- Rối loạn gan;
- Chạy thận nhân tạo;
- Giải phẫu tách màng bụng;
- Sử dụng thuốc an thần trong thời gian dài;
- Nghiện rượu mãn tính.
Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì?
Các triệu chứng của sự thiếu hụt vitamin B2 (còn được gọi là chứng ariboflavinosis) bao gồm:
- Rối loạn da;
- Xung huyết (tăng lượng máu đến một phần của cơ thể);
- Phù nề miệng và cổ họng;
- Viêm ở khóe miệng (tổn thương ở khóe miệng);
- Các vết nứt ở khóe miệng có thể bị nhiễm nấm Candida albicans, gây ra các tổn thương màu trắng xám (perlèche).
- Lưỡi có thể xuất hiện màu đỏ tươi.
- Sưng, khô, nứt môi (cheilosis);
- Rụng tóc;
- Các vấn đề về sinh sản;
- Đau họng;
- Ngứa và đỏ mắt;
- Thoái hóa gan và hệ thần kinh.
Những người bị thiếu hụt vitamin B2 thường kèm theo thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Bởi vì thiếu riboflavin có thể làm giảm sự chuyển hóa các chất khác, đặc biệt là các vitamin B còn lại, thông qua việc giảm mức độ coenzyme flavin. Thiếu máu và đục thủy tinh thể có thể phát triển nếu thiếu riboflavin nghiêm trọng và kéo dài.
Thiếu vitamin B2 cũng có thể gây ra bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ em như:
- Dị tật khe hở môi và khe hở ở vòm miệng;
- Gây chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Dị tật tim bẩm sinh.
Cách điều trị thiếu vitamin B2
Bên cạnh việc bổ sung vitamin B2 từ thực phẩm, bạn có thể sử dụng thêm viên uống vitamin B2 hoặc vitamin B tổng hợp để cung cấp cho cơ thể. Nếu thiếu vitamin B2 trầm trọng, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng vitamin B2 đường tiêm. Liều dùng vitamin B2 (riboflavin) cho người lớn:
- Liều thông thường cho người lớn để phòng ngừa thiếu hụt riboflavin: dùng 1-2 mg uống mỗi ngày.
- Liều thông thường cho người lớn để điều trị thiếu hụt riboflavin: dùng 30 mg chia thành nhiều liều uống mỗi ngày.
Liều dùng thông thường cho trẻ em (3 – 12 tuổi) bị thiếu hụt vitamin B2 (riboflavin): từ 3-10 mg mỗi ngày.
Vitamin B2 (riboflavin) có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên nang 5 mg, 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg, 250 mg;
- Viên nén 5 mg, 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg, 250 mg;
- Dung dịch tiêm 5 mg/ml, 10 mg/ml.
Riboflavin là một vitamin tan trong nước, được coi là không độc và không có tác dụng phụ. Nên dùng riboflavin cùng với thức ăn, vì chỉ khoảng 15% vitamin B2 được hấp thu khi uống lúc đói. Vitamin B2 dư thừa được bài tiết qua nước tiểu, làm cho nước tiểu có màu vàng xanh huỳnh quang.
Vitamin B2 là một loại vitamin quan trọng của cơ thể. Do đó, chúng ta cần phải bổ sung đầy đủ loại vitamin này nói riêng và các vitamin khác nói chung. Vì một cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.