Vitamin B2 (riboflavin) và vai trò quan trọng đối với cơ thể
Nội dung bài viết
Vitamin B2, với tên quốc tế là riboflavin, là một vitamin nhóm B cần thiết bổ sung khi cơ thể thiếu hụt vitamin B. Vậy tác dụng của vitamin B2 là gì? Được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về vitamin này thông qua bài viết sau của YouMed.
Thuốc Vitamin B2 là gì?
Dạng thuốc và hàm lượng
Các dạng thuốc và hàm lượng của vitamin B2 (riboflavin) là:
- Viên nén: 5 mg, 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg, 250 mg.
- Thuốc tiêm 5 mg/ml, 10 mg/ml. Thường kết hợp với các vitamin khác trong các dung dịch tiêm truyền đa vitamin.
Cơ chế tác dụng
Trong cơ thể, vitamin B2 biến đổi thành 2 coenzym hoạt động cần cho sự hô hấp của mô. Những coenzym này có hoạt tính:
- Chất mang phân tử hydro cho các enzym quan trọng khác ảnh hưởng đến phản ứng oxi-hóa khử các chất hữu cơ.
- Chuyển hóa trung gian và sự hình thành một số vitamin và các coenzym của chúng như niacin, vitamin B6, vitamin B12.
- Gián tiếp liên quan đến việc duy trì sự toàn vẹn của hồng cầu.
Các nguyên nhân có thể gây thiếu hụt vitamin B2
Nhu cầu về vitamin B2 (riboflavin) liên quan đến năng lượng được đưa vào cơ thể, lượng protein và mức chuyển hóa của cơ thể, phụ thuộc độ tuổi; các thời kỳ đặc biệt như có thai, cho con bú…Thiếu hụt vitamin B2 có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như sau:
- Tuy có sẵn trong thực phẩm nhưng do vitamin B2 kém bền với nhiệt độ và ánh sáng nên quá trình bảo quản, chế biến không đúng sẽ làm giảm nhanh hàm lượng vitamin này.
- Nhu cầu tăng, nhưng cung cấp không đủ: dậy thì, có thai, cho con bú, người dùng thuốc tránh thai, người nhiễm khuẩn lâu ngày, bệnh gan, nghiện rượu, người ung thư, bệnh tim, đái tháo đường và đang dùng probenecid hoặc những thuốc khác làm giảm hấp thu vitamin B2.
- Giảm hấp thu: Tiêu chảy kéo dài, người cao tuổi.
- Do mất nhiều vitamin này khi thẩm phân phúc mạc, thẩm phân thận nhân tạo.
Vitamin B2 (riboflavin) tan trong nước, đào thải nhanh qua thận và có thải theo phân cũng như khi thẩm phân màng bụng và lọc máu nhân tạo. Vitamin B2 đi qua nhau thai và đào thải theo sữa.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những loại thực phẩm giàu vitamin B2
Triệu chứng khi thiếu vitamin B2 (riboflavin)
- Sần rám da, chốc mép, khô nứt môi, viêm da bã nhờn.
- Viêm lưỡi và viêm miệng.
- Thay đổi thị lực, rát mắt, nhạy cảm ở mắt.
- Thiếu máu hồng cầu bình thường và viêm dây thần kinh trong những trường hợp nặng.
- Thiếu vitamin B2 (riboflavin) nói chung thường liên quan đến thiếu các chất dinh dưỡng khác và có thể xảy ra cùng với thiếu các vitamin B, ví dụ như ở bệnh pellagra.
Chẩn đoán thiếu vitamin B2
Chẩn đoán thiếu vitamin B2 (riboflavin) có thể dựa trên kết quả đo:
- Glutathion reductase hồng cầu.
- Flavin hồng cầu.
- Nồng độ riboflavin nước tiểu.
Dù các phép thử này không có tính chẩn đoán nhưng với kết quả thử nồng độ vitamin B2 nước tiểu ít hơn 19 – 27 microgam/g creatinin được coi là thiếu vitamin B2 (riboflavin).
Vitamin B2 giá bao nhiêu?
Vitamin B2 2mg Traphaco:
- Quy cách đóng gói: Hộp 60 vỉ x 30.
- Giá vitamin B2: 30.000 VNĐ/hộp.
Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Tác dụng của vitamin B2?
Vitamin B2 được chỉ định để phòng và điều trị thiếu vitamin B2 (riboflavin).
Được chỉ định để phòng và điều trị thiếu riboflavin, nhưng vitamin B2 còn có thể có ích trong:
- Điều trị thiếu máu hồng cầu bình thường xảy ra ở người có bệnh chuyển hóa mang tính gia đình có kèm lách to và thiếu hụt glutathion reductase.
- Giảm đau nửa đầu: Ở người có tiền sử đau nửa đầu dùng liều cao (400 mg riboflavin/ngày) có thể giảm được tần số và thời gian kéo dài các cơn đau, lợi ích thấy rõ nhất sau 3 tháng dự phòng bằng vitamin B2 (riboflavin).
- Điều trị bệnh trứng cá, methemoglobin máu bẩm sinh, co rút cơ, hội chứng bỏng chân.
- Làm chất chỉ thị trong việc theo dõi thải trừ thuốc trong phác đồ sử dụng một số loại thuốc khác do vitamin B2 (riboflavin) thải trừ theo đường nước tiểu nhanh.
Hướng dẫn dùng thuốc Vitamin B2
Cách dùng
Vitamin B2 thường được dùng để uống, nếu liều cao, nên chia thành nhiều liều nhỏ dùng cùng với thức ăn để tăng hấp thu.
Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần thiết trong các trường hợp không thể dùng đường uống, như khi có rối loạn tiêu hóa (nôn nhiều) hoặc ỉa chảy, kém hấp thu. Vitamin B2 dạng tiêm thường là thành phần của thuốc tiêm đa vitamin.
Liều lượng
Dạng uống
Điều trị thiếu vitamin B2 (riboflavin):
- Trẻ em 3 – 10 mg/ngày, chia thành những liều nhỏ.
- Người lớn: 5 – 30 mg/ngày, chia thành những liều nhỏ.
Lượng vitamin B2 (riboflavin) cần trong một ngày có thể như sau:
- Sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 0,4 mg; 6 tháng đến 1 năm tuổi: 0,5 mg.
- 1 đến 3 tuổi: 0,8 mg; 4 đến 6 tuổi: 1,1 mg; 7 đến 10 tuổi: 1,2 mg.
- 11 đến 14 tuổi: 1,5 mg; 15 đến 19 tuổi: 1 mg.
- nam 19 tuổi trở lên: 1,3 mg; nữ từ 19 tuổi trở lên: 1,1 mg.
Dạng tiêm
Vitamin B2 (riboflavin) là một thành phần trong dịch truyền nuôi dưỡng toàn phần. Khi trộn pha trong túi đựng mềm 1 lít hoặc 3 lít dịch truyền và dung dịch chảy qua hệ dây truyền dịch thì lượng vitamin B2 có thể mất 2%. Do đó, cần cho thêm vào dung dịch truyền một lượng vitamin B2 để bù vào số bị mất này.
Trường hợp không nên dùng thuốc vitamin B2
Không dùng vitamin B2 cho người có tiền sử quá mẫn với vitamin B2 (riboflavin) hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Lưu ý khi dùng vitamin B2
Sự thiếu vitamin B2 (riboflavin) thường xảy ra khi thiếu những vitamin nhóm B khác.
Tác dụng không mong muốn
- Không thấy có tác dụng không mong muốn khi sử dụng vitamin B2.
- Dùng liều cao vitamin B2 (riboflavin) có thể làm nước tiểu chuyển màu vàng nhạt, gây sai lệch trong một số xét nghiệm nước tiểu.
Tương tác với vitamin B2
- Đã gặp các trường hợp “thiếu vitamin B2 (riboflavin)” ở người đã dùng clopromazin, imipramin, amitriptylin và adriamycin.
- Rượu có thể gây cản trở hấp thu vitamin B2 (riboflavin) ở ruột.
- Probenecid làm giảm hấp thu vitamin B2 (riboflavin) ở dạ dày, ruột khi sử dụng chung.
Đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc
Thời kỳ mang thai: Liều bổ sung theo nhu cầu hàng ngày không gây tác dụng có hại trên thai nhi.
Thời kỳ cho con bú: Không gây ảnh hưởng gì đến trẻ bú mẹ khi người mẹ dùng theo nhu cầu hàng ngày hoặc bổ sung liều thấp các vitamin.
Cách bảo quản thuốc
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng.
- Dạng khô không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, nhưng dạng dung dịch thì bị hỏng rất nhanh khi có ánh sáng.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
- Để xa tầm tay trẻ em.
- Không dùng thuốc có dấu hiệu ẩm mốc, thay đổi màu sắc bất thường.
Vitamin B2 (riboflavin) là một vitamin nhóm B cần thiết bổ sung khi cơ thể thiếu hụt vitamin. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về vitamin B2. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dược thư quốc gia Việt Nam II, RIBOFLAVIN (Vitamin B2), trang 1244-1245
Ngày tham khảo: 19/05/2020
-
Vitamin B2https://www.drugs.com/mtm/vitamin-b2.html
Ngày tham khảo: 19/05/2020