Bệnh thoái hóa cột sống có châm cứu được không?
Nội dung bài viết
Bệnh thoái hóa cột sống thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay đã dần trẻ hóa. Bệnh liên quan đến đến các yếu tố cơ giới, tuổi tác… Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh. Trong đó, việc sử dụng các thuốc giảm đau kéo dài để điều trị đau có thể gây nhều tác dụng phụ. Các phương pháp không dùng thuốc hiện nay được sử dụng nhiều như châm cứu chữa thoái hóa cột sống cho thấy hiệu quả giảm đau tốt. Cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên giải đáp câu hỏi thoái hóa cột sống có châm cứu được không qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương ở cột sống, đĩa đệm, dây chằng. Các lớp sụn bị bào mòn, hình thành các gai xương. Từ đó, gây nên những cơn đau ở vùng thắt lưng hoặc cột sống cổ.
Đây là một bệnh mãn tính. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi do hiện tượng thoái hóa tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, hiện nay, thoái hóa cột sống đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Mặc dù không là bệnh cấp cứu, nhưng thoái hóa cột sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
Chèn ép dây thần kinh gây nên các cơn đau kiểu chèn ép rễ. Từ đó, hình thành cơn đau vùng lưng hoặc cổ, có xu hướng lan xuống vùng hông, cẳng chân, bàn chân khiến người bệnh khó khăn trong việc di chuyển. Hoặc lan ra vai, cánh tay trong trường hợp chèn ép các dây thần kinh ở cổ.
Biến dạng cột sống: khi bị thoái hóa cột sống, người bệnh thường có xu hướng tìm những tư thế phù hợp để giảm đau. Lâu dần, cột sống sẽ bị biến dạng: cong, gù, gây mất thẩm mỹ và tạo nên những cơn đau kéo dài.
Thoái hóa cột sống nếu không điều trị kịp thời sẽ làm các đầu sụn bị bào mòn dần, ảnh hưởng đến đĩa đệm, dẫn đến bệnh gai xương và thoát vị đĩa đệm…
Đôi khi tình trạng thoái hóa cột sống chèn ép lên các dây thần kinh vùng ngực, gây ra những cơn đau ngực…
Triệu chứng của thoái hóa cột sống
Thường trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ không cảm nhận rõ các triệu chứng của bệnh. Thỉnh thoảng, có thể xuất hiện đau mỗi khi vận động nặng, nghỉ ngơi giảm. Khi thoái hóa kéo dài gây hình thành gai xương, hoặc chèn ép rễ thần kinh… Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất thường xuyên hơn. Các triệu chứng thoái hóa cột sống thường thấy là cứng khớp, nhất là buổi sáng, sau khi thức dậy. Cơn đau có xu hướng tiến triển từ nhẹ tới nặng làm bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động, di chuyển.
Bên cạnh đó, thoái hóa cột sống cũng gây ra một số triệu chứng sau:
Yếu cơ, tê tay – chân.
Giới hạn vận động các khớp cột sống cổ – lưng. Điều này gây mất thăng bằng, khó khăn trong việc di chuyển.
Co thắt cơ bắp và đau.
Một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu có thể do hẹp lỗ liên hợp làm giảm lượng máu nuôi lên vùng đầu – cổ.
Khi thoái hỏa gây chèn ép tủy hoặc chùm đuôi ngựa có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát bàng quang và ruột, gây ra đại tiểu tiện không tự chủ.
Xuất hiện tiếng lục cục phát ra mỗi khi cử động cột sống, nhất là khi xoay vặn người.
Đau cách hồi thần kinh: triệu chứng xảy ra do thần kinh tọa bị chèn ép. Cơn đau xuất hiện khi người bệnh vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân của thoái hóa cột sống
Tuổi tác
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng thoái hóa cột sống. Tuổi càng cao, hệ thống xương khớp ngày càng suy yếu. Khả năng tạo dịch khớp đảm bảo quá trình vận động trơn tru rất hạn chế. Điều này làm sụn khớp bị mài mòn dần. Từ đó, hình thành gai xương chèn ép vào rễ thần kinh gây nên những cơn đau.
Chấn thương
Thoái hóa cột sống có thể xảy ra sau chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…
Tính chất công việc
Người thường xuyên làm công việc nặng nhọc, hoạt động sai tư thế cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống.
Tư thế sinh hoạt, làm việc sai
Việc duy trì một thói quen sinh hoạt trong thời gian dài như: ngồi lâu, xách nặng một bên, nằm sai tư thế,… cũng ảnh hưởng đến cột sống gây tình trạng thoái hóa.
Thiếu dinh dưỡng
Ăn uống không đầy đủ sẽ làm chậm quá trình tái tạo sụn khớp, đẩy nhanh tốc độ mài mòn gây thoái hóa cột sống.
Di truyền
Một số nghiên cứu cho thấy người trong gia đình có bệnh xương khớp, đặc biệt thoái hóa cột sống có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
Béo phì
Căn bệnh này gây áp lực lên đĩa đệm khiến các sụn khớp phải hoạt động nhiều hơn, làm tăng tốc độ thoái hóa.
Tình trạng giảm vận động
Việc lười luyện tập thể dục làm cho hệ xương khớp kém linh hoạt. Quá trình trao đổi chất và lượng máu đến các tổ chức xương khớp bị hạn chế.
Việc xác định nguyên nhân gây thoái hóa cột sống giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Tác dụng của châm cứu chữa thoái hóa cột sống
Theo y học cổ truyền, châm cứu giúp khí huyết lưu thông điều hòa, âm dương được cân bằng. Khi sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến đau và rối loạn các chức năng khác. Châm cứu giúp khai thông khí huyết, tái lập lại cân bằng vốn có. Đông y cho rằng “đau” có liên quan đến sự bất “thông” hay nói cách khác là tắc nghẽn tại kinh lạc, quan tiết, cơ nhục… Châm cứu được chứng minh giúp điều hòa hoạt động của khí huyết trong hệ kinh lạc. Từ đó, giúp giải quyết triệu chứng đau có hiệu quả.
Theo y học hiện đại, khi châm cứu sẽ kích thích sản sinh beta – endorphin. Đây là hormon giúp giảm đau và chống viêm một cách tự nhiên. Từ đó, giúp giải quyết triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống.
Người bị thoái hóa cột sống có châm cứu được không?
Chỉ định
- Đau cột sống ở mọi lứa tuổi, cứng cơ, co thắt cơ.
- Các trường hợp đau cột sống cấp và mạn mà không có chống chỉ định.
Chống chỉ định của châm cứu chữa thoái hóa cột sống
- Các cấp cứu ngoại khoa.
- Bệnh nhân bị sốt cao kéo dài, mất nước hoặc giảm thể tích tuần hoàn.
- Bệnh nhân bị suy tim, rối loạn nhịp tim.
- Đau lưng mãn tính do lao hoặc ung thư.
- Đau cấp tính do chấn thương cột sống.
- Da vùng châm bị tổn thương như: trầy xước, lở loét…
Công thức huyệt chữa thoái hóa cột sống
Tùy vào chẩn đoán, việc lựa chọn tuân theo nguyên tắc sử dụng huyệt tại chỗ, huyệt đặc hiệu, theo lí luận đường kinh. Các huyệt có thể áp dụng là: Huyệt giáp tích 2 bên cột sống cổ/ lưng, tùy vị trí đau; các A thị huyệt. Ngoài ra, sử dụng thêm các huyệt khác tùy theo vị trí đau như:
Vùng ngang lưng
Thận du | Thứ liêu | Ủy trung |
Yêu dương quan |
Vùng cột sống cổ
Liệt khuyết | Kiên ngung | Kiên liêu |
Kiên trinh |
Cách thức chung của châm cứu chữa thoái hóa cột sống
Để thực hiện châm cứu cần chuẩn các dụng cụ châm:
- Kim châm, gòn sát khuẩn.
- Các thiết bị khác tùy phương pháp thực hiện như: máy xung điện, kim nhĩ hoàn…
- Kim châm bằng thép không gỉ. Kim được hấp tiệt trùng hoặc dùng kim vô trùng sử dụng 1 lần.
Mỗi bệnh nhân sẽ được châm số lượng huyệt tùy theo tình trạng bệnh. Thao tác châm kim đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ. Khi châm, thầy thuốc dùng ngón cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt. Tay kia châm kim nhanh qua da vùng huyệt, đẩy kim từ từ, kích thích kim cho đến khi người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau vùng huyệt vừa châm. Bác sĩ cảm giác kim vít chặt tại vị trí châm. Trước khi châm và sau khi rút kim, bệnh nhân sẽ được sát trùng vùng da để ngừa nhiễm trùng.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa thoái hóa cột sống
Trong quá trình châm cứu, nếu người bệnh thấy hiện tượng như:
- Hoa mắt.
- Chóng mặt.
- Vã mồ hôi.
- Người mệt mỏi, khó chịu.
Cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để xử trí kịp thời.
Các bệnh nhân có sẵn bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim… cần thông báo trước cho bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.
Người bệnh cần tuân theo liệu trình đầy đủ của quá trình châm để đảm bảo hiệu quả.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa thoái hóa cột sống
Xoa bóp – bấm huyệt
Xát, xoa, miết, phân, hợp, day, bóp, lăn, chặt vùng cột sống, tập trung nhiều ở vùng đau.
Ấn các huyệt
- A thị + Hoa đà giáp tích
- Các du huyệt tương ứng với khu vực bị đau.
- Phát vỗ: Vỗ từ nhẹ đến nặng, tập trung vào chỗ bị bệnh, vỗ huyệt Mệnh môn hoặc Đại chùy 3 cái tùy vùng đau.
- Vận động cột sống.
Nhĩ châm
Thực chứng
Châm tả Cột sống.
Châm bổ Não ; Thượng thận.
Hư chứng
Châm bổ Thận; Can, Tỳ, Thần môn.
Cấy chỉ
Vùng lưng
Giáp tích L2- L4 | Đại trường du | Trật biên |
Hoàn khiêu | Dương lăng tuyền | Thừa phù |
Phong thị | Huyền chung | Thừa sơn |
Địa ngũ hội | Túc tam lý | Thận du |
Ủy trung | Yêu dương quan | Thứ liêu |
Vùng cổ
Các huyệt giáp tích, A thị huyệt, Kiên ngung, Kiên trinh, Kiên liêu, Kiên ngoại du…
Ngoài ra, còn các phương pháp khác như kéo dãn cột sống bằng máy kéo, thủy châm… cũng cho thấy hiệu quả giảm đau tốt.
Bài viết đã giải đáp câu hỏi thoái hóa cột sống có châm cứu được không. Qua đó ta thấy châm cứu chữa bệnh là phương pháp được chứng minh có khả năng giúp giảm đau hiệu quả. Trước khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận. Từ đó để đưa ra chẩn đoán và lựa chọn hình thức châm cứu phù hợp. Việc lựa chọn cơ sở uy tín với bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Thoái hóa cột sống là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trịhttp://soytethainguyen.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/XQT17zvLF0Iw/content/thoai-hoa-cot-song-that-lung-trieu-chung-nguyen-nhan-cach-ieu-tri/2279735
Ngày tham khảo: 08/07/2021
- Trịnh Thị Diệu Thường, (2019), Châm cứu học ứng dụng. NXB Y học TP. HCM
-
Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứuhttps://kcb.vn/vanban/quyet-dinh-so-792qd-byt-ngay-12032013-cua-bo-y-te-ban-hanh-tai-lieu-huong-dan-quy-trinh-ky-thuat-kham-benh-chua-benh-chuyen-nganh-cham-cuu
Ngày tham khảo: 08/07/2021