Thời tiết lạnh có thể tàn phá hệ hô hấp và sức khỏe của bạn!
Nội dung bài viết
Vào mùa đông, chúng ta phải đối mặt với những cơn gió lạnh, hãy chắc chắn làm theo những lời khuyên dưới đây để giúp bạn vượt qua thời tiết mùa đông mà không khiến hệ hô hấp bạn gặp nguy hiểm.
1. Tại sao vào mùa đông, bệnh hô hấp dễ xuất hiện?
Hầu hết bệnh đường hô hấp do tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào theo đường không khí. Trong không khí có rất nhiều vi sinh vật gây bệnh (Vi khuẩn, virus và vi nấm), hơn nữa, lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển nhanh chóng.
Ngoài ra, vào mùa lạnh, mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập, điều này không may dẫn đến không khí quanh chúng ta kém lưu thông. Đây là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật tồn tại trong không khí có khả năng sinh sôi nảy nở nhiều hơn.
2. Những bệnh hô hấp nào có thể hay gặp?
2.1. Cảm lạnh thông thường
Có thể được gây ra bởi hơn 200 virus khác nhau. Nó được truyền từ người sang người qua không khí hoặc tiếp xúc với các bề mặt nơi vi trùng cư trú, và sau đó chạm vào miệng, mũi của bạn. Các triệu chứng bao gồm: Hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau rát họng, ho khan nhẹ, có thể sốt nhẹ.
2.2. Cúm
Triệu chứng tương tự nhưng nặng hơn so với những người bị cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng bao gồm: Sổ mũi, nghẹt mũi, sốt với ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi cơ khớp, ho.
2.3. Viêm mũi họng
Là một bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng vào mùa lạnh hay gặp nhất, gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho.
2.4. Viêm xoang
Biểu hiện của viêm xoang bao gồm: đau ở vùng xoang, sốt, chảy nước mũi màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
2.5. Viêm phế quản
Viêm phế quản đa số do virus gây ra, ngoài ra vi khuẩn cũng là một nguyên nhân hay gặp. Biểu hiện bệnh gồm: Mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau nhức xương khớp, lúc đầu ho khan sau ho khạc đờm nhầy hoặc đờm mủ, tức ngực, khó thở nhẹ.
2.6. Viêm phổi
Các triệu chứng của viêm phổi bao gồm sốt cao, ớn lạnh, ho khạc đờm mủ (Đờm trắng đục, vàng, xanh, nâu), khó thở, thở nhanh. Bệnh có thể diễn biến nặng gây suy hô hấp.
2.7. Ngoài ra, vào mùa đông các bệnh lý mạn tính của hô hấp như: Viêm phế quản mạn, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản sẽ thường có các đợt diễn biến cấp tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính, đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Làm thế nào để phòng bệnh hô hấp vào mùa đông?
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, không nên tắm nước lạnh, uống nước lạnh hoặc có đá.
- Che mũi và miệng bằng khăn quàng cổ khi đi ra ngoài.
- Vệ sinh hầu họng, khoang miệng thường xuyên: Đánh răng, súc họng bằng nước muối ấm.
- Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả để giảm lây nhiễm vi trùng gây bệnh từ người này sang người khác.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể: Tập thể dục đều đặn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả.
- Tiêm Vaccin dự phòng: Vaccin phòng cúm, phế cầu. Những Vaccin này đã có sẵn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đa số chúng ta đều đã được tiêm từ tuổi nhỏ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các bác sĩ, bạn nên tiêm phòng nhắc lại 5 năm/lần (Đối với phế cầu) và 1 năm/lần (Đối với cúm).
- Nên đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín khi có các triệu chứng của bệnh.