YouMed

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là những thuật ngữ quen thuộc. Đây là một tình trạng bệnh hô hấp dai dẳng, khó chịu và nguy hiểm nếu không được chữa trị. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thanh Long sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về bệnh trên.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là một bệnh viêm phổi dai dẳng. Nó gây ra sự tắc nghẽn luồng khí từ phổi đến những nơi khác.1

Phổi khỏe mạnh và phổi tắc nghẽn mạn tính
Phổi khỏe mạnh và phổi tắc nghẽn mạn tính

Trên thế giới, có khoảng 251 triệu người mắc COPD (số liệu năm 2016). Con số này chiếm khoảng 12% dân số trong độ tuổi từ 40 trở lên. Hơn nữa, bệnh COPD còn gây ra 3,2 triệu ca tử vong hàng năm).2

Tại Việt Nam, bệnh này chiếm tỷ lệ khoảng 7.1% ở nam và 1,9% ở nữ (cũng trong độ tuổi từ 40 trở lên).2

Phân loại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm 2 dạng chính là:3

  • Viêm phế quản mạn tính: là tình trạng viêm đường thở lâu dài. 
  • Khí phế thũng: là tình trạng tổn thương các túi khí bên trong phổi.

Căn nguyên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xuất hiện khi phổi bị viêm, tổn thương hay thu hẹp. Căn nguyên chính là do thói quen hút thuốc lá. COPD tiến triển bệnh càng nặng khi bạn hút thuốc càng nhiều và càng lâu.3

Tuy nhiên, ở một số người chưa bao giờ hút thuốc lá thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh này. Với những người này, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính có thể do sự tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi độc hại. Ngoài ra, một số ít người mắc bệnh là do vấn đề di truyền hiếm gặp và khiến phổi dễ bị tổn thương.3

Thuốc lá chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thuốc lá chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Các triệu chứng chính của COPD là:3

  • Khó thở, đặc biệt là khi người bệnh hoạt động nhiều. 
  • Ho dai dẳng, kèm theo đờm – một số người xem đây chỉ là “cơn ho của người hút thuốc”.
  • Nhiễm trùng ngực thường xuyên.
  • Thở khò khè dai dẳng.

Nếu không điều trị, các triệu chứng bệnh COPD càng nặng hơn. Cũng có thể có những giai đoạn chúng đột ngột trở nên tồi tệ, được gọi là cơn COPD bùng phát hoặc trầm trọng hơn.

Người bệnh COPD thường bị khó thở khi hoạt động nhiều
Người bệnh COPD thường bị khó thở khi hoạt động nhiều

Các biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD khiến người bệnh hít thở khó khăn. Nghiêm trọng hơn nếu xung quanh bạn không đủ oxy, nó còn dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác:4

Nhiễm trùng phổi

COPD làm cho cơ thể bạn giảm khả năng chống chọi lại tác nhân nhiễm trùng. Điều này có thể khiến bạn bị nhiễm trùng phổi. Bạn cần chủ động phòng ngừa viêm phổi (có thể bằng vaccine nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước). 

Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi cũng là 1 biến chứng của COPD. Bệnh có thể làm hỏng mô phổi. Nếu không khí rò rỉ vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực của người bệnh, phổi có thể xẹp xuống như một quả bóng bị xì hơi. Người bệnh sẽ bị khó thở đột ngột, cơn đau nhói xuất hiện và đau ngực, tức ngực hay ho khan.

Bệnh tim

Nồng độ oxy trong máu thấp có thể dẫn đến các động mạch bị thu hẹp và huyết áp cao hơn trong các mạch máu đi từ tim đến phổi cũng như các mạch máu tại phổi. Điều này ảnh hưởng đến tim vì nó phải làm việc nhiều hơn bình thường. Một số trường hợp tiến triển thành bệnh suy tim bên phải – một vấn đề tim mạch “vĩnh viễn”.

Ngoài ra, COPD còn làm hỏng các sợi thần kinh kết nối với tim và gây ra nhịp tim bất thường, được gọi là rối loạn nhịp tim. Rung tâm nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. 

Tàn phế

Bên cạnh biến chứng mất xương, COPD còn làm người bệnh mất cơ. Những cơ yếu sẽ khiến các hoạt động thường ngày của người bệnh ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Giảm tuổi thọ

COPD để lại nhiều biến chứng dai dẳng và khó chịu. Nó vừa tác động đến thể chất và tinh thần người bệnh. Chúng bao gồm: loãng xương, mất ngủ, trầm cảmrối loạn lo âu,… Những vấn đề này góp phần làm cho người bệnh bị giảm tuổi thọ hoặc chất lượng cuộc sống sa sút.

Chẩn đoán COPD bằng cách nào?

Những cách giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:3

  • Hỏi về triệu chứng lâm sàng. 
  • Kiểm tra tình trạng ngực và nhịp thở bằng ống nghe.
  • Hỏi về thói quen có hút thuốc hay không.
  • Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng cân nặng và chiều cao.
  • Hỏi về tiền sử gia đình có mắc các bệnh về phổi hay không. 

Bệnh COPD có thể chữa dứt điểm được không?

Bệnh COPD không thể điều trị dứt điểm. Nhưng may mắn là nhiều người có thể được điều trị và kiểm soát được bệnh để nó không trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ở một số người bệnh vẫn trở nên tồi tệ hơn dù được điều trị.5

Mặc dù không thể chữa dứt điểm bệnh COPD nhưng phổi của bạn có thể được phục hồi một phần khi điều trị kịp thời
Mặc dù không thể chữa dứt điểm bệnh COPD nhưng phổi của bạn có thể được phục hồi một phần khi điều trị kịp thời

Tổn thương phổi do COPD gây ra là vĩnh viễn, nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Phương pháp điều trị bao gồm:5

  • Ngừng hút thuốc lá: nếu người bệnh COPD đã và đang hút thuốc, đây là điều quan trọng nhất mà họ có thể làm để cải thiện bệnh. Ngoài ra, tránh khói thuốc thụ động cũng là điều cần thiết.
  • Sử dụng ống hít và thuốc (thuốc giãn phế quản, thuốc steroid, thuốc kháng sinh,…) – để giúp bạn thở dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi và ghép phổi.
  • Phục hồi chức năng phổi – một chương trình tập thể dục và giáo dục chuyên biệt

Các cách phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Một số cách phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm: 

  • Không hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc. Hoặc bạn có thể chủ động tránh xa khói thuốc lá từ những người xung quanh.
  • Ở những người có nguy cơ cao, bạn có thể thực hiện những bài tập sau: hít thở kiểu chúm môi, thở bụng, tập ho có điều kiện.
  • Các biện pháp khác như: hạn chế tiếp xúc với khói và bụi hóa chất, tiêm vaccine cúm hay ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn thường xuyên.
Bỏ thuốc lá là phương pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa COPD
Bỏ thuốc lá là phương pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa COPD

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tránh xa khói thuốc và bỏ thuốc lá là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh và ngăn bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. COPDhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/copd/symptoms-causes/syc-20353679

    Ngày tham khảo: 02/06/2023

  2. Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)https://www.who.int/vietnam/health-topics/chronic-obstructive-pulmonary-disease-copd

    Ngày tham khảo: 02/06/2023

  3. Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)https://www.nhs.uk/conditions/chronic-obstructive-pulmonary-disease-copd/

    Ngày tham khảo: 02/06/2023

  4. COPD Complications and Other Conditionshttps://www.webmd.com/lung/copd/copd-complications

    Ngày tham khảo: 02/06/2023

  5. Chronic Obstructive Pulmonary Disease (COPD)https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/health_effects/respiratory/index.htm

    Ngày tham khảo: 02/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người