Thụ tinh trong ống nghiệm: Tranh cãi đạo đức hay phép màu y học?
Nội dung bài viết
Đến nay, khoảng hơn 6,5 triệu em bé đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, và điều này đã truyền niềm cảm hứng và những thông điệp mạnh mẽ về niềm hy vọng của hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh trên toàn thế giới.
1. Louise – Em bé đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Ngày 25/7/1978, Lesley Brown bỗng thấy bụng mình đau nhói, cô biết mình đã tới ngày chuyển dạ. Cô được chồng đưa vào một khu sinh mổ ngay trong đêm, chỉ với một cây đèn pin rọi đường. Hai người khi ấy không muốn ai nhận ra mình, họ hoàn toàn không muốn thu hút sự chú ý của truyền thông, chỉ một vài nhân viên y tế biết họ là ai.
Cuối cùng thì cũng mẹ tròn con vuông, em bé được đặt tên là Louise, bên ngoài hành lang lúc mẹ sinh em đầy cảnh sát. Em không hề biết rằng, người ta gọi em là “phép màu y học” và sự ra đời của em sẽ là ngòi nổ cho quả bom truyền thông lúc bấy giờ. Vì đơn giản là, Louise là em bé đầu tiên được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Từ đó đến nay, có khoảng hơn 6,5 triệu em bé được ra đời bằng phương pháp IVF này, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tỉ lệ đậu thai và sinh cũng cao hơn rất nhiều. Nhưng vào năm 1978 khi ấy, tất cả – kể cả Louise – là thành công duy nhất sau hàng trăm lần thử nghiệm thất bại.
2. Thụ tinh trong ống nghiệm – Phép màu y học
Để có được thành quả như ngày hôm đó, không thể không nhắc đến công lao của hai nhà khoa học Patrick Steptoe và Robert Edwards. Mười năm trước khi Louise chào đời, họ hợp tác cùng nhau và kỳ lạ thay, họ bổ sung tuyệt vời cho nhau những điều người kia còn thiếu. Edwards tìm được cách thụ tinh cho trứng ngoài ống nghiệm còn Steptoe thì tìm được cách lấy trứng từ buồng trứng của người mẹ.
Và lẽ tất nhiên, không thành công nào đến dễ dàng, trải qua hơn mười năm với thất bại hàng trăm lần, họ gặp bà Lesley – một phụ nữ hiếm muộn vì bị tắc ống dẫn trứng. Dù cơ hội thành công khi ấy chỉ là một trên một triệu thì bà Lesley cùng chồng vẫn chấp nhận đánh cược thử phương pháp mới, vì với họ khi ấy, không gì quý hơn là được nghe tiếng con thơ chào đời.
Louise đã ra đời như thế, em là một trong những thành tựu lớn lao nhất trong lịch sử y học. Đến nổi sự ra đời của em đã phải được ghi hình lại bởi chính phủ vì người ta muốn chắc chắn rằng Louise là do bà Lesley sinh ra.
3. Sự tranh cãi dữ dội
Một điều tất yếu là sự ra đời của Louise khi ấy là một đòn giáng vào những chuẩn mực đạo đức và tôn giáo thời bấy giờ. Có người gọi Louise là “đứa trẻ thế kỷ” nhưng cũng có người gọi em là “sự ghê tởm về mặt đạo đức”. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, cô bé đã phải trải qua hơn 60 bài kiểm tra khác nhau để đảm bảo rằng cô có thể chất và tâm lý hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta còn đồn rằng Louise có năng lực siêu nhiên như đọc được tâm trí người khác hoặc dịch chuyển sang một không gian thời gian khác. Một số người tiêu cực còn gửi đến gia đình cô những bức thư hoặc những bưu phẩm với nội dung đe dọa.
Nhưng đi kèm với những biến động ấy, sự lớn lên và trưởng thành của Louise không thể bình thường hơn. Cô cũng kết hôn, sinh con và làm việc và điều này khiến truyền thông nguội dần. Và cùng với sự phát triển của y khoa, tỉ lệ thành công từ 10% vào năm 1980 đến nay đã thành 40% và vẫn tiếp tục hứa hẹn là cứu cánh cho những vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Sự tranh cãi về tôn giáo vẫn còn đó những người ta không thể phủ nhận những giá trị tích cực về mặt đời sống hôn nhân – gia đình mà kĩ thuật này mang lại. “Chỉ khi nào bạn có con, bạn mới có thể hiểu được.” – Louise đã nói trong một cuộc phỏng vấn.
4. Ba em bé đầu tiên ra đời nhờ IVF tại Việt Nam
Vượt qua dư luận và những tranh cãi về đạo đức, kỹ thuật IVF đã được rất nhiều quốc gia đem về và rất nhiều trẻ em được ra đời nhờ phương pháp này, trong đó có Việt Nam. Ngày 30-4-1998, với sự ra đời của ba em bé là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo đã trở thành ngày “lịch sử” của ngành thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Sự ra đời của ba em đã đập tan những hoài nghi cho rằng sinh con trong ống nghiệm là quái thai, đồng thời thắp sáng lên niềm hy vọng tuyệt vời cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh tại nước ta.
Để có được ngày lịch sử ấy, không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ y tế, cũng là những nhà khoa học tại Bệnh viện Từ Dũ, đã chấp nhận “đi ngược chiều gió” mà nghiên cứu phương pháp IVF thời bấy giờ.
5. Đau đáu một nỗi niềm
Thời điểm đó, người ta cho rằng chỉ nên lo ăn, lo mặc, chứ thụ tinh trong ống nghiệm là một thứ gì đó cao sang và xa xỉ vô cùng. Bởi thế, nếu có bất kỳ điều gì xảy đến với một trong ba em bé, chắc hẳn búa rìu dư luận sẽ không tha thứ cho các đội ngũ y bác sĩ.
Nhưng dù có quá nhiều áp lực, trong lòng họ vẫn biết rằng mình phải làm, vì tiếp xúc với quá nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, các bác sĩ cảm nhận được nếu không có con sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hai vợ chồng như thế nào. “Nhiều người còn không dám đi thăm ai, cả ngày sống khép kín, lễ tết cũng chả dám tới gặp ai, vì với các gia đình người Việt, không có con là một thứ gì đó ghê gớm lắm, và rất nhiều cặp vợ chồng, vì không có con nên phải chia tay dù vẫn còn rất yêu thương nhau…” – Các bác sĩ chia sẻ. Và chính những thôi thúc đó, đã khiến họ động viên nhau tiếp tục nghiên cứu IVF bằng bất cứ giá nào.
Từ đó đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 40.000 em bé đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các bệnh viện Phụ sản Trung ương, Từ Dũ, Mỹ Đức, Bạch Mai… đều đã thực hiện thành công phương pháp này. Lẽ tất nhiên, công nghệ vẫn đang không ngừng phát triển và điều này hứa hẹn thắp sáng lên niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên khắp đất nước ta.
Nếu mỗi đứa trẻ chào đời là một món quà thì với mỗi đứa trẻ được sinh nhờ IVF, đó thật sự là một sự màu nhiệm. Không chỉ là nỗ lực tuyệt vời của cả một ê kíp, em bé còn là những giọt mồ hôi, nước mắt của cả ba và mẹ trong nỗ lực của hành trình “tìm con”. Để rồi khi con trẻ cất tiếng khóc chào đời, tất cả lại vỡ òa trong hạnh phúc, một gia đình nữa lại được vang tiếng con thơ, và một cuộc hôn nhân lại tiếp tục được níu giữ…