YouMed

Bổ sung thừa axit folic có tốt như bạn nghĩ?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Thiếu axit folic dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Chính vì thế, hiện nay có nhiều người bổ sung axit folic vô tội vạ, mặc cho nó vượt quá lượng axit folic khuyến nghị. Vậy, thừa axit folic nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Axit folic là gì?

Folate là vitamin B9, được tìm thấy tự nhiên trong các loại rau xanh và trái cây. Chúng có thể là rau bina, cải xoăn, đậu tây, đậu lăng, cam, bưởi và bơ. Nó đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe bằng cách giúp tạo ra, bảo vệ và sửa chữa DNA. Nó cũng giúp cơ thể chuyển hóa một số axit amin thành các axit khác. Nhưng không phải ai cũng có đủ folate tự nhiên trong chế độ ăn uống của họ.

Axit folic là một dạng tổng hợp của folate. Nó được thêm vào các loại thực phẩm hoặc là một thành phần trong các chất bổ sung vitamin. Cơ thể hấp thụ axit folic nhanh hơn folate. Nhưng axit folic sau đó phải được chuyển đổi thành folate trước khi nó có thể hoạt động trong cơ thể.

Axit folic là một dạng tổng hợp của folate
Axit folic là một dạng tổng hợp của folate

Tại sao cần bổ sung axit folic?

Nồng độ vitamin B9 thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm:

  • Tăng homocysteine: Mức homocysteine ​​cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
  • Dị tật bẩm sinh: Mức folate thấp ở phụ nữ mang thai có liên quan đến các bất thường khi sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh.
  • Nguy cơ ung thư: Mức độ folate kém cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.

Dị tật ống thần kinh thường xảy ra sớm, trước khi nhiều phụ nữ biết mình mang thai. Do đó, Bộ Y tế Canada khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ nên uống vitamin tổng hợp chứa 0,4 mg axit folic mỗi ngày. Nếu bạn dự định mang thai, bạn nên dùng chất bổ sung trước ít nhất ba tháng. Lượng khuyến cáo sau đó tăng lên 0,6 mg trong thai kỳ.

Vì những lý do này, việc bổ sung vitamin B9 là phổ biến. Việc bổ sung chất dinh dưỡng này vào thực phẩm cũng là điều bắt buộc ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Canada. Thậm chí, nhiều người còn bổ sung vitamin này vô tội vạ, dẫn đến thừa axit folic trong cơ thể.

Bao nhiêu là thừa axit folic?

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) của folate được tính từ nguồn folate trong thực phẩm và các chất bổ sung axit folic. Cụ thể như sau:

  • Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng: Lượng hấp thụ vừa đủ (AI)* là 65 mcg/ngày;
  • Trẻ sơ sinh từ 7 – 12 tháng: Lượng hấp thụ vừa đủ (AI)* là 80 mcg/ngày;
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 150 mcg/ngày;
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 200 mcg/ngày;
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 300 mcg/ngày;
  • 14 tuổi trở lên: 400 mcg/ngày;
  • Phụ nữ mang thai: 600 mcg/ngày;
  • Phụ nữ cho con bú: 500 mcg/ngày.

* Ở trẻ dưới 1 tuổi, không đủ dữ liệu để tính RDA, chỉ sử dụng “một lượng hấp thu vừa đủ” (AI)

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của folate ở phụ nữ mang thai là 600 mcg/ngày
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của folate ở phụ nữ mang thai là 600 mcg/ngày

Mặt khác, không phải dùng càng nhiều folate càng tốt. Lượng folate cao nhất không gây tác dụng có hại (UL) cho hầu hết mọi người như sau:

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 300 mcg/ngày;
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 400 mcg/ngày;
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 600 mcg/ngày;
  • 14 – 18 tuổi: 800 mcg/ngày;
  • 19 tuổi trở lên: 1000 mcg/ngày.

Như vậy, có thể thấy, việc tiêu thụ các thực phẩm bổ sung có chứa 0,4 mg axit folic, cộng với khẩu phần ăn giàu folate mỗi ngày là đủ để đáp ứng RDA là 0,6 mg trong thời kỳ mang thai. Nhưng nhiều phụ nữ đang tiêu thụ nhiều hơn thế, dẫn đến việc thừa axit folic khi mang thai.

Hầu hết các chất bổ sung dành cho thai phụ đều chứa 1 mg axit folic. Bản thân nó đã cao hơn nhiều so với lượng khuyến nghị, thậm chí là chạm ngưỡng trên giới hạn an toàn của axit folic.

Uống nhiều axit folic có sao không?

Một số phụ nữ có nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh được khuyên dùng liều axit folic cao hơn, dưới sự chăm sóc của bác sĩ. Tuy nhiên, đối với hầu hết phụ nữ, việc dùng axit folic liều cao hơn khuyến nghị là không có lợi. Và tất nhiên, rủi ro của nó cũng tăng lên.

Đối với người khỏe mạnh bình thường

Như đã đề cập, axit folic là dạng tổng hợp của folate. Để được cơ thể sử dụng, trước hết axit folic cần phải có thời gian để được enzyme chuyển hóa thành axit folic. Bổ sung thừa axit folic có thể dẫn đến tăng nồng độ axit folic chưa chuyển hóa trong máu. Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe theo thời gian. Chúng bao gồm:

  • Tăng nguy cơ ung thư: Nồng độ axit folic không được chuyển hóa cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh rằng axit folic chưa chuyển hóa đóng một vai trò trực tiếp.
  • Che giấu sự thiếu hụt vitamin B12: Biểu hiện của việc thiếu cả 2 loại vitamin này đều giống nhau. Việc bổ sung thừa axit folic có thể khiến việc thiếu vitamin B12 không được phát hiện kịp thời. Ở những người cao tuổi, thiếu vitamin B12 không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và làm suy giảm chức năng thần kinh.
Thừa axit folic có thể khiến việc thiếu vitamin B12 không được phát hiện kịp thời
Thừa axit folic có thể khiến việc thiếu vitamin B12 không được phát hiện kịp thời

Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh

Ngay cả một liều nhỏ 400 mcg hàng ngày cũng có thể khiến axit folic chưa chuyển hóa tích tụ trong máu của bạn. Ngoài ra, chúng còn gây suy giảm sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ em như hen suyễn, tự kỷ hoặc thúc đẩy sự phát triển của một số tế bào ung thư. Từ đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Tóm lại, việc bổ sung thiếu hay thừa axit folic đều không tốt, đặc biệt là thừa axit folic khi mang thai. Trước khi quyết định bổ sung axit folic, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cách sử dụng phù hợp bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/folic_acid_too_much_of_a_good_thing
  2. https://www.todaysparent.com/pregnancy/pregnancy-health/are-you-taking-too-much-folic-acid/
  3. https://www.healthline.com/nutrition/folic-acid-vs-folate#healthy-sources

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người