Thủng màng nhĩ do chấn thương có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Đã có nhiều trường hợp do ngoáy tai bất cẩn hay trẻ nhỏ lấy vật lạ chọc ngoáy trong tai mà gây nên thủng màng nhĩ. Những trường hợp này gọi là thủng màng nhĩ do chấn thương. Hình dung những sự cố này trong đầu cũng làm bạn thấy sợ hãi rồi phải không? Vậy thủng màng nhĩ do chấn thương có nguy hiểm không? Thủng màng nhĩ do chấn thương có thể tự lành không? Hãy cùng ThS.BS Trần Thanh Long tìm hiểu về vấn đề này nhé.
1. Màng nhĩ có nhiệm vụ gì?
Màng nhĩ là lớp màng mỏng, căng ngăn cách ống tai ở ngoài và hòm nhĩ ở trong. Màng nhĩ giống như 1 mặt trống. Khi âm thanh truyền vào tai, mặt trống này rung lên để đưa âm thanh tiếp tục truyền tới não. Nhờ đó mà chúng ta cảm nhận được âm thanh. Màng nhĩ bị thủng sẽ không còn rung động tốt. Điều này dẫn đến tai bị nghe kém đi.
Có thể bạn quan tâm:
Trong đời sống thường ngày, chúng ta có thể bắt gặp các trường hợp có vật lạ (dị vật) lọt vào trong tai. Nhất là ở trẻ nhỏ. Dị vật tai có thể là bất cứ cái gì: miếng gòn, đồ chơi hay côn trùng,… Có rất nhiều phương pháp truyền miệng về cách lấy dị vật tai nhưng chưa có cơ sở rõ ràng. Liệu bạn đã xử trí dị vật tai đúng cách hay chưa? Và nếu xử trí không đúng thì có thể dẫn đến những nguy cơ gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về dị vật tai và các cách xử trí dị vật tai an toàn qua bài viết: Dị vật trong tai: Những điều bạn cần biết
2. Các loại chấn thương nào dẫn đến thủng màng nhĩ?
- Sử dụng tăm bông ngoáy tai. Đưa bất cứ vật gì vào trong tai cũng đều tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da ống tai và màng nhĩ. Tăm bông là vật dụng thuận tiện, tạo cảm giác “sướng lỗ tai”. Tuy nhiên, ráy tai có cơ chế tự đào thải ra ngoài nên việc ngoáy lỗ tai là không cần thiết và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
- Thay đổi áp lực đột ngột. Những hoạt động như đi máy bay, di chuyển đến vùng núi cao hay nhảy dù có thể gây ra sự thay đổi áp suất không khí môi trường đột ngột. Màng nhĩ bình thường đã quen với một áp suất không khí cân bằng, ít biến động. Khi phải chịu sự thay đổi quá đột ngột, màng nhĩ hoàn toàn có thể bị rách, thủng.
- Tiếng ồn quá lớn. Những âm thanh lớn, ví dụ như một vụ nổ, tạo nên sóng âm có cường độ cực mạnh có khả năng làm thủng màng nhĩ. Đôi khi, tiếng ồn quá lớn còn có tác động xấu đến những cơ quan thính giác ở sâu hơn bên trong.
- Chấn thương đầu: Một lực tác động mạnh lên tai hay một va chạm đầu mạnh có thể làm vỡ xương sọ và gây nên rách màng nhĩ.
- Chấn thương trực tiếp lên vành tai. Một cú tát vào tai bằng tay hay bất cứ vật gì khác có thể tạo một lực nén lên màng nhĩ.
- Chấn thương y tế khi đang hút rửa tai bằng dụng cụ.
3. Các dấu hiệu của thủng màng nhĩ do chấn thương:
Thủng màng nhĩ do chấn thương thường gây ra đau nhói đột ngột trong tai. Sau đó có thể có chảy máu trong tai, nghe kém và ù tai. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị chóng mặt. Chảy mủ tai có thể xảy ra sau 24-48h, đặc biệt nếu để nước lọt vô tai sau chấn thương.
4. Làm sao để biết chắc chắn là màng nhĩ có bị thủng hay không?
Để biết có thủng màng nhĩ sau chấn thương không thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ tai mũi họng có các dụng cụ để soi vào tai để quan sát rõ màng nhĩ. Tuy nhiên, thường thì sau chấn thương, ống tai sẽ còn đọng nhiều máu. Điều này làm cản trở tầm nhìn của bác sĩ. Nếu trường hợp này xảy ra thì bác sĩ có thể hẹn bạn sau 3-4 ngày quay lại tái khám. Lúc này, máu đọng đã giảm bớt thì có thể quan sát màng nhĩ rõ ràng hơn.
5. Thủng màng nhĩ có nguy hiểm không? Có tự lành được không?
Nếu chấn thương chỉ gây ra thủng màng nhĩ thì lỗ thủng có thể tự lành trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, đôi khi chấn thương còn có thể gây ra những tổn thương khác sâu hơn phía trong màng nhĩ, đặc biệt là các xương dẫn truyền âm thanh. Vì vậy, bạn cần được bác sĩ thăm khám để đánh giá hết các tổn thương có thể xảy ra.
Xem thêm: Nghe kém ở trẻ em: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị
6. Thủng màng nhĩ sau chấn thương được điều trị như thế nào?
Như đã nói thì phần lớn các lỗ thủng sau chấn thương sẽ tự lành trong vòng vài tuần mà không cần can thiệp gì. Bạn có thể dùng các thuốc giảm đau để làm êm dịu cơn đau nếu có. Nếu bác sĩ nghi ngờ có tình trạng nhiễm trùng trong tai thì bạn sẽ được thêm thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất bạn cần làm đó là giữ cho tai khô sạch, không để nước lọt vào tai. Màng nhĩ mới bị tổn thương sẽ tạo đường vào cho các loại vi khuẩn. Vì vậy cần hạn chế mọi vật lạ lọt vào tai. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh sử dụng động tác xì mũi. Xì mũi quá mạnh có thể tống hơi lên tai, gây đau và tổn thương thêm cho màng nhĩ.
Trong một vài trường hợp lỗ thủng không thể tự lành sau vài tuần, bác sĩ tai mũi họng có thể chỉ định mổ vá lại màng nhĩ. Với những lổ thủng rất nhỏ thì bác sĩ có thể vá bằng giấy. Vá nhĩ bằng giấy thì là một thủ thuật đơn giản, được làm tại phòng khám, không cần phải lên bàn mổ gây mê.
Thủng màng nhĩ sau chấn thương là một loại tai nạn nghe có vẻ đáng sợ. Tuy nhiên, những lỗ thủng trong trường hợp này hoàn toàn có thể tự lành được. Nếu không may gặp phải vấn đề này, bạn hãy đến bác sĩ tai mũi họng để được tư vấn đầy đủ nhé. Hi vọng qua bài viết trên của YouMed, bạn đã có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như gia đình của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Traumatic Perforation of the Tympanic Membranehttps://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/middle-ear-and-tympanic-membrane-disorders/traumatic-perforation-of-the-tympanic-membrane
Ngày tham khảo: 31/01/2020
-
Eardrum Rupturehttps://www.healthline.com/health/ruptured-eardrum
Ngày tham khảo: 31/01/2020
-
Ruptured eardrum (perforated eardrum) - Symptoms & causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ruptured-eardrum/symptoms-causes/syc-20351879
Ngày tham khảo: 31/01/2020