Thuốc glycerol, hay còn gọi là glycerin, là một trong những thuốc có công dụng nhuận tràng, giúp điều trị táo bón. Vậy thuốc glycerol được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau của YouMed.
Thuốc có thành phần tương tự:
- Dung dịch thụt trực tràng: Stiprol, Babysky, Epirosa Enfants, Epirosa Adults
- Thuốc nhỏ mắt: Vifticol 1%, Emas
- Viên đạn trực tràng: Glicerolo Nova Argentia.
- Dạng uống: Pedia-Lax, Sani-Supp
Nội dung bài viết
- 1. Thuốc glycerol là gì?
- 2. Chỉ định của thuốc glycerol
- 3. Hướng dẫn dùng thuốc
- 4. Trường hợp không nên dùng thuốc glycerol
- 5. Thận trọng khi sử dụng thuốc glycerol
- 6. Tác dụng phụ của glycerol
- 7. Lưu ý khi dùng glycerol
- 8. Xử trí khi quá liều glycerol
- 9. Phụ nữ có thai và cho con bú
- 10. Cách bảo quản thuốc glycerol
1. Thuốc glycerol là gì?
1.1. Dạng thuốc và hàm lượng
- Dạng uống
- Thuốc nhỏ mắt: Dung dịch 10 mg/ml, dung dịch 1%.
- Viên đạn trực tràng: 1 g; 1,2 g; 2 g; 2,1 g; 82,5% (các cỡ trẻ em và người lớn).
- Dung dịch thụt trực tràng: 2,3 g; 5,6 g: 3 g; 9g.
1.2. Dược lý và cơ chế tác dụng
Glycerol là một tác nhân loại bỏ nước bằng thẩm thấu, có các đặc tính hút ẩm và làm trơn. Khi uống, glycerol làm tăng tính thẩm thấu huyết tương, làm cho nước thẩm thấu từ các khoang ngoài mạch máu đi vào huyết tương. Dung dịch uống thường có vị khó uống, có thể cho kèm hương vị hoặc uống lạnh để dễ uống.
- Glycerol uống có thể làm giảm tạm thời nhãn áp và thể tích dịch kính trước và sau phẫu thuật mắt và phụ trị trong điều trị glôcôm cấp.
- Dùng uống hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm áp lực nội sọ trong các trường hợp bệnh nhồi máu não hoặc đột quỵ, hội chứng Reye, viêm màng não nhiễm khuẩn.
- Dùng ngoài để giảm phù nề giác mạc. Nhưng vì tác dụng tạm thời nên chủ yếu chỉ dùng để chuẩn bị cho việc khám và chẩn đoán nhãn khoa (thuốc tra mắt Ophthalgan).
- Dùng qua đường trực tràng dưới dạng thuốc đạn hoặc dung dịch để tăng áp lực thẩm thấu trong đại tràng, thúc đẩy thải phân khi táo bón. Thuốc thường có tác dụng trong vòng 15 – 30 phút. Thuốc còn có tác dụng kích thích đại tràng tại chỗ, gây trơn và làm mềm phân.
2. Chỉ định của thuốc glycerol
- Táo bón.
- Giảm phù nề giác mạc, giảm áp lực nhãn cầu.
- Giảm áp lực nội sọ (ít sử dụng trên lâm sàng).
- Trẻ sơ sinh: nhuận tràng để thúc đẩy bài tiết bilirubin bằng cách làm giảm tuần hoàn ruột – gan, giảm thời gian vận chuyển ở đường tiêu hoá và kích thích tống phân xu.
3. Hướng dẫn dùng thuốc
Chữa táo bón qua đường trực tràng:
Mỗi lần dùng một liều đơn và không nên dùng thường xuyên, chỉ dùng khi cần thiết và thường không nên dùng quá một tuần. Thuốc nhuận tràng dùng trong thời gian dài phải có sự theo dõi của bác sĩ.
Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi dùng khoảng từ 15 – 30 phút. Nếu thuốc không có tác dụng cũng không nên dùng thêm liều nữa.
- Trẻ sơ sinh: Liều 0,5 ml/kg, dưới dạng dung dịch thụt.
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Dùng 1 viên đạn trực tràng cho trẻ em nếu cần, hay 2 – 5 ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt.
- Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: Dùng 1 viên đạn trực tràng cho người lớn nếu cần, hay 5 – 15 ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt.
Giảm phù nề giác mạc trước khi khám: mỗi 3 – 4 giờ nhỏ 1 – 2 giọt dung dịch nhỏ mắt vào mắt.
Giảm áp lực nhãn cầu: uống liều 1 – 1,8 g/kg thể trọng trước khi mổ 1 – 1,5 giờ, cách 5 giờ uống 1 lần. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống từ 10 – 30 phút và kéo dài trong vòng 4 – 8 giờ.
Giảm áp lực nội sọ: uống liều 1,5 g/kg/ngày, chia làm 6 lần hoặc 1 g/kg/lần, cách 6 giờ uống 1 lần. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống từ 10 – 60 phút và kéo dài trong vòng 2 – 3 giờ.
4. Trường hợp không nên dùng thuốc glycerol
Không dùng thuốc glycerol cho người:
- Quá mẫn với glycerol hoặc bất kỳ một thành phần nào của thuốc.
- Phù phổi, mất nước nghiêm trọng, khó tiểu.
- Cần gây tê hoặc gây mê, vì glycerol có thể gây nôn.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc glycerol
- Glycerol làm tăng gánh tuần hoàn gây phù phổi cấp nên dùng thận trọng ở người bệnh bị bệnh tim, thận hay gan.
- Glycerol có thể gây tăng glucose huyết và glucose niệu (tăng nồng độ đường trong máu và nước tiểu), cần thận trọng khi dùng cho người bệnh đái tháo đường.
- Dùng thận trọng glucose người bệnh bị mất nước, người cao tuổi.
- Glycerol có thể gây kích ứng khi dùng tại chỗ. Có thể thể dùng thuốc tê trước khi dùng glycerol.
- Phải thận trọng khi tiêm tĩnh mạch glycerol vì có thể gây huyết tán, hemoglobin niệu và suy thận cấp.
6. Tác dụng phụ của glycerol
Các tác dụng không mong muốn bao gồm:
- Thường gặp: nôn, đau đầu
- Ít gặp: tiêu chảy, buồn nôn, choáng váng, lú lẫn, khát, uống nhiều
- Hiếm gặp: loạn nhịp tim, tăng glucose huyết, mất nước, kích ứng trực tràng, đau rát, co rút. Trường hợp nặng có thể gây mất nước trầm trọng, loạn nhịp tim, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.
Hướng dẫn cách xử trí
Khi sử dụng tại chỗ hay ở trực tràng, glycerol có thể gây kích ứng. Có thể sử dụng thuốc tê trước khi dùng glycerol tại chỗ để giảm khả năng gây đau.
7. Lưu ý khi dùng glycerol
Tương kỵ:
- Các chất oxy hóa mạnh kết hợp với glycerol tạo thành một hỗn hợp gây nổ.
- Glycerol kết hợp với bismut subnitrat hay kẽm oxyd bị biến màu đen khi để ngoài ánh sáng.
8. Xử trí khi quá liều glycerol
Dùng quá liều glycerol có thể gây tiêu chảy nặng, nôn, loạn nhịp tim, kích ứng, co rút và đau rát trực tràng và tăng glucose huyết.
Trường hợp quá liều nặng phải ngừng thuốc và đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí.
9. Phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
Tính an toàn của thuốc chưa được xác định. Glycerol có thể sử dụng trong quá trình mang thai trong trường hợp thực sự cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Chưa biết glycerol có tiết vào sữa hay không. Do tính an toàn chưa xác định nên phải thận trọng đối với phụ nữ cho con bú.
10. Cách bảo quản thuốc glycerol
- Dung dịch glycerol uống cần phải bảo quản trong đồ đựng kín ở nhiệt độ tốt nhất là 15 – 30oC hoặc dưới 40oC. Cần tránh để đông lạnh.
- Viên đặt trực tràng: bảo quản lạnh.
Thuốc glycerol, là một trong những thuốc có công dụng là nhuận tràng, giúp điều trị táo bón và giảm nhãn áp. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về glycerol. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Dược sĩ Trần Vân Thy