Sử dụng thuốc kháng sinh Moxifloxacin (Avelox) để không bị đề kháng thuốc
Nội dung bài viết
Thuốc kháng sinh từ lâu đã là một loại thuốc cực kì quan trọng trong điều trị nhiễm trùng và moxifloxacin (Avelox, Aviflox) là một trong số đó. Vậy thuốc moxifloxacin được dùng trong những trường hợp bệnh lý nào? Bạn cần uống thuốc như thế nào để tránh bị đề kháng thuốc? Hãy cùng YouMed theo dõi và phân tích thật kỹ bài viết dưới đây để hiểu moxifloxacin là thuốc gì nhé!
Thành phần hoạt chất: moxifloxacin
Thuốc có hoạt chất tương tự: Megamox, Aviflox, Moxflo,..
Moxifloxacin (Avelox) là thuốc gì?
Thuốc moxifloxacin là kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon. Moxifloxacin hoạt động bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc được sử dụng ở những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Moxifloxacin (Avelox) có 2 dạng bào chế gồm:
- Viên nén 400 mg
- Dung dịch tiêm truyền 400mg/250ml
Công dụng của thuốc moxifloxacin (Avelox) là gì?
Thuốc moxifloxacin được chỉ định trong các trường hợp:
- Chỉ nên sử dụng moxifloxacin để điều trị các bệnh nhiễm trùng khi kháng sinh thông thường không thể sử dụng hoặc không có tác dụng:
- Nhiễm trùng xoang với tình trạng xấu đi đột ngột do viêm đường hô hấp hoặc nhiễm trùng phổi (viêm phổi) (trừ trường hợp nặng).
- Trường hợp nhiễm trùng đường sinh dục từ nhẹ đến trung bình (bệnh viêm vùng chậu), bao gồm: nhiễm trùng ống dẫn trứng và nhiễm trùng niêm mạc tử cung.
- Điều trị nhiễm khuẩn xoang cấp.
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính .
- Viêm phổi cộng đồng mức độ nhẹ và vừa.
- Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da: áp xe dưới da không biến chứng, nhọt, chốc lở và viêm mô tế bào.
Chống chỉ định
- Dị ứng với hoạt chất moxifloxacin, bất kỳ loại kháng sinh quinolone nào khác hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này.
- Đối tượng phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng.
- Bệnh nhân <18 tuổi.
- Đã từng bị bệnh hoặc bị rối loạn gân gót có liên quan đến điều trị kháng sinh quinolone trước đây.
- Nếu bẩm sinh đã có hoặc đã từng có bất kỳ tình trạng bất thường với nhịp tim.
- Mất cân bằng muối trong máu.
- Có bệnh về tim: nhịp tim chậm, suy tim, đã từng xuất hiện tình trạng nhịp tim đập bất thường.
- Bị bệnh gan nặng hoặc men gan (transaminase) cao hơn 5 lần giới hạn bình thường trên.
Giá thuốc moxifloxacin (Avelox) bao nhiêu tiền?
- Thuốc kháng sinh moxifloxacin (Avelox) 400mg có giá 230.000 VND/ Hộp
- Thuốc moxifloxacin (Avelox) 250ml có giá 400.000 VNĐ/ Lọ dung dịch
Giá thuốc có thể dao động so với giá đưa ra ở trên tùy vào nhà thuốc và thời điểm khác nhau.
Liều dùng thuốc moxifloxacin (Avelox)
Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong mọi trường hợp để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và phòng ngừa tình trạng đề kháng thuốc.
Liều dùng tham khảo: 400 mg x 1 lần/ngày.
Thời gian điều trị:
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: 5 ngày
- Nhiễm khuẩn xoang cấp: 10 ngày
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng mức độ nhẹ và vừa: 7 – 14 ngày
- Với nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da: 7 – 21 ngày.
Cách dùng thuốc moxifloxacin
- Thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn nhưng nên uống với nhiều nước.
- Uống thuốc theo đúng liều lượng, thời gian mà bác sĩ đã kê toa.
- Điều quan trọng là phải uống moxifloxacin xa với thời điểm uống các thuốc sau (ít nhất trước 4 giờ hoặc sau 8 giờ): Các thuốc dạ dày chứa magnesi, nhôm hoặc calci; thuốc có chứa sắt, sucralfat, kẽm, multivitamin, thực phẩm chức năng có chứa sắt hoặc magnesi.
- Thuốc dạng tiêm truyền tĩnh mạch 400 mg có thể pha loãng. Trước khi dùng, phải kiểm tra bằng mắt sự có mặt của các tiểu phân trong thuốc tiêm moxifloxacin.
- Thuốc chỉ sử dụng điều trị nhiễm khuẩn, không dùng cho điều trị nhiễm
virus. - Trẻ em < 18 tuổi nên thận trọng.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc moxifloxacin
- Độ an toàn và hiệu quả sử dụng toàn thân chưa được xác định đối với trẻ em <18 tuổi.
- Thận trọng khi sử dụng moxifloxacin ở người bệnh có bệnh trên thần kinh trung ương vì có thể gây co giật.
- Viêm gân hoặc đứt gân gót khi dùng các kháng sinh quinolon đã được thông báo, đặc biệt là khi dùng thuốc với corticosteroid, người cấy ghép tạng hoặc người bệnh > 60 tuổi.
Tác dụng phụ của thuốc moxifloxacin (Avelox)
Các tác dụng phụ thường gặp
- Tiêu hoá: Nôn, tiêu chảy, giảm men amylase.
- Thần kinh: Chóng mặt.
- Gan: Giảm hoặc tăng nồng độ bilirubin.
- Tác động lên thận: Tăng albumin huyết thanh.
Tác dụng phụ ít gặp
- Tiêu hoá: Đau bụng, khô miệng, khó tiêu, rối loạn vị giác thường ở mức độ nhẹ.
- Thần kinh: Đau đầu, mất ngủ, co giật, trầm cảm, lú lẫn, run rẩy, bồn chồn, lo lắng.
- Da: Ngứa, ban đỏ.
- Tác động lên cơ xương: đau khớp, đau cơ.
Các triệu chứng hiếm gặp
- Điện tâm đồ: kéo dài khoảng QT.
- Đứt gân gót
- Tiêu chảy do vi khuẩn.
- Thần kinh: ảo giác, rối loạn tầm nhìn, suy nhược, có ý nghĩ tự sát.
Hướng dẫn cách xử trí tác động không mong muốn
- Cần ngừng ngay thuốc moxifloxacin khi: Có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng quá mẫn; có dấu hiệu lên thần kinh như co giật, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, run rẩy, có ý nghĩ tự sát; đau, viêm hoặc bong gân.
- Xảy ra các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, rối loạn vị giác, đau bụng thường ở mức độ nhẹ không cần can thiệp điều trị. Triệu chứng viêm đại tràng màng giả, cần theo dõi mức độ tiêu chảy, nếu nặng phải điều trị bằng kháng sinh khác thích hợp.
Những đối tượng đặc biệt khi dùng thuốc moxifloxacin (Avelox)
Bệnh nhân suy thận, suy gan
- Bệnh suy thận, suy gan nhẹ hoặc vừa và người cao tuổi: không cần thay đổi liều
- Hiệu quả và liều dùng thuốc moxifloxacin vẫn chưa được nghiên cứu ở người suy thận đang chạy thận nhân tạo hoặc người bị suy gan nặng.
Lưu ý: Bạn nên dùng chính xác theo liều lượng mà bác sĩ đã tư vấn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Vì nguy cơ ảnh hưởng đối với thai nhi rất lớn, do đó không sử dụng moxifloxacin khi đang mang thai.
- Không dùng moxifloxacin cho người đang cho con bú vì thuốc có thể gây tác hại cho trẻ nhỏ.
- Trường hợp cần phải sử dụng moxifloxacin, có thể ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
Các tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng chung với thuốc moxifloxacin (Avelox)?
Hãy nói với bác sĩ những thuốc mà bạn đã, đang và dự định sẽ dùng bất kỳ các thuốc nào dưới đây:
- Thuốc chống loạn nhịp tim: quinidin, hydroquinidin, disopyramid, amiodaron, sotalol, dofetilid, ibutilid.
- Nhóm điều trị loạn thần: phenothiazin, pimozid, sertindol, haloperidol, sultoprid.
- Chống trầm cảm ba vòng: Amitriptyline, Butriptyline…
- Một số thuốc chống virus/vi khuẩn: saquinavir, sparfloxacin…
- Các thuốc kháng histamin: terfenadin, astemizol, mizolastin.
- Cisapride, vincamine tiêm tĩnh mạch, bepridil và diphemanil.
- Thuốc lợi tiểu, một số thuốc nhuận tràng hoặc corticosteroid, amphotericin B
- Bất kỳ loại thuốc có chứa magiê hoặc nhôm (như thuốc kháng axit cho chứng khó tiêu), sắt, kẽm hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa sucralfate (để điều trị rối loạn dạ dày) có thể làm giảm tác dụng của thuốc moxifloxacin (Avelox).
Xử trí như thế nào khi dùng quá liều moxifloxacin (Avelox)?
- Khi đã uống quá liều moxifloxacin, không có thuốc đặc hiệu để điều trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ: Gây nôn và rửa dạ dày để làm loại bỏ thuốc, uống thuốc lợi tiểu để tăng thải thuốc.
- Theo dõi điện tâm đồ ít nhất trong vòng 24 giờ vì có thể khoảng QT kéo dài hoặc loạn nhịp tim.
- Lưu ý bù đủ dịch cho người bệnh.
Cách bảo quản thuốc moxifloxacin (Avelox)
Thuốc dạng viên nén
- Tránh khỏi tầm nhìn và tầm với của trẻ em.
- Không sử dụng thuốc moxifloxacin sau ngày hết hạn.
- Lưu trữ thuốc với nhiệt độ ≤ 25 ° C.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Lưu ý với thuốc dạng đường tiêm
- Không bảo quản < 15º C.
- Sử dụng ngay sau lần mở đầu tiên và/ hoặc pha loãng.
- Sản phẩm này chỉ dành cho một lần sử dụng. Nếu không dùng thì phải bỏ đi.
- Không sử dụng thuốc này nếu bạn nhận thấy xuất hiện hạt li ti trong chai thuốc bằng mắt thường.
Moxifloxacin là thuốc kháng sinh được dùng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn trên hô hấp hoặc da hoặc đường sinh dục. Tuy nhiên, bạn nên tuân theo ý kiến bác sĩ khi sử dụng. Hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ và xử trí kịp thời nếu bệnh tình trở nặng hoặc các triệu chứng xuất hiện trong quá trình dùng thuốc trở nên tệ hơn hoặc xuất hiện các tình trạng bất thường.
Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư quốc gia 2018https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf
-
Avelox đường uốnghttps://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.6771.pdf
Ngày tham khảo: 12/11/2020
-
Avelox đường tiêmhttps://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.485.pdf
Ngày tham khảo: 12/11/2020