YouMed

Thuốc Propafenone chống loạn nhịp: Cách dùng và những lưu ý

dược sĩ nguyễn hoàng bảo duy
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy
Chuyên khoa: Dược

Propafenone là thuốc gì? Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và bạn cần lưu ý những gì xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Propafenone qua bài viết dưới đây!

Tên thành phần hoạt chất: Propafenone.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Rythmol,  Rytmonorm, Arythmol,

1. Propafenone là thuốc gì?

Thuốc Propafenon là thuốc chống loạn nhịp nhóm Ic có tác dụng gây tê và còn có tác dụng trực tiếp ổn định màng tế bào cơ tim.

Thuốc được bào chế dạng viên nén dưới tên một số biệt dược sau:

2. Công dụng của thuốc Propafenone

Thuốc Propafenone được chỉ định điều trị trong một số trường hợp:

  • Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, bao gồm cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ kịch phát và nhịp nhanh kịch phát do cơ chế vòng vào lại có sự tham gia của nút nhĩ – thất hoặc đường dẫn truyền phụ. Chỉ sử dụng khi các rối loạn nhịp này không đáp ứng hoặc có chống chỉ định với điều trị tiêu chuẩn.
  • Loạn nhịp thất đe dọa sự sống: Cơn nhịp nhanh thất dai dẳng.

Bạn nên nhớ đây là thuốc được bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3. Trường hợp không nên dùng Propafenone

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Suy tim không kiểm soát được với phân suất tống máu thất trái nhỏ hơn 35%
  • Sốc tim, ngoại trừ sốc gây ra do rối loạn nhịp
  • Nhồi máu cơ tim trong vòng 3 tháng
  • Tim nhịp chậm mức độ nặng
  • Hội chứng Brugada
  • Rối loạn điện giải nặng
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng
  • Tụt huyết áp
  • Nhược cơ
  • Rối loạn chức năng xoang nhĩ
  • Rối loạn dẫn truyền nhĩ, blốc nhĩ thất từ độ 2 trở lên, rối loạn dẫn truyền trong thất
  • Có tiền sử dị ứng với propafenon hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc

4. Hướng dẫn dùng thuốc Propafenone

4.1. Liều dùng

Propafenone là thuốc được chỉ định theo đơn được kê bởi bác sĩ. Liều lượng nên được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Liều dùng của thuốc sẽ khác nhau tùy thuộc vào đối tượng sử dụng. Liều được hướng dẫn dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng thuốc mà không qua sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Phải dò liều propafenone theo từng cá nhân trên cơ sở đáp ứng và sự dung nạp phụ thuộc vào kiểu chuyển hóa nhanh hay chậm của  người bệnh.

Khởi đầu điều trị:

Nên bắt đầu điều trị với liều propafenone uống 150 mg, cứ 8 giờ một lần (450 mg/ngày). Có thể tăng liều dần theo khoảng cách tối thiểu 3 – 4 ngày, tới 225 mg, cứ 8 giờ một lần (tương đương 675 mg/ngày) và nếu cần thiết, tăng dần tới 300 mg, cứ 8 giờ một lần (900 mg/ngày).

Liều duy trì:

Liều uống duy trì bạn có thể tham khảo là 150 – 200 mg, cứ 8 giờ dùng một lần. Bắt đầu dùng propafenone phải được theo dõi nội trú tại bệnh viện. Đối với người bệnh có cân nặng dưới 70 kg thì cần phải giảm liều.

Chưa xác định được hiệu lực và độ an toàn hay những ảnh hưởng của những liều lượng vượt quá 900 mg/ngày. Ở những người bệnh phức hợp QRS giãn rộng hoặc blốc nhĩ – thất độ 2 hoặc độ 3, phải xem xét việc giảm liều lượng.

Liều ở người cao tuổi:

Cũng như với những thuốc chống loạn nhịp khác, ở người bệnh cao tuổi hoặc ở người bệnh có thương tổn cơ tim rõ rệt từ trước, phải tăng liều propafenon từng bước chậm hơn trong thời kỳ đầu điều trị.

Liều ở bệnh nhân suy gan:

Cần điều chỉnh giảm liều với viên uống thông thường: 70 – 80% liều bình thường.

Liều ở bênh nhân suy thận:

Trong suy thận, nên dùng liều propafenon có mức khởi đầu thấp hơn.

4.2. Cách dùng

Thuốc được sử dụng đường uống. Bạn nên nuốt toàn bộ viên thuốc, không nghiền hoặc nhai. Có thể uống thuốc cùng bữa ăn.

5. Tác dụng phụ của thuốc Propafenone

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Propafenone:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, đau ngực (đau thắt ngực), chóng mặt, nhức đầu, chán ăn
  • Tim mạch: Rối loạn dẫn truyền xung động, tác dụng gây loạn nhịp bao gồm nguy cơ loạn nhịp thất nặng, gây nên hoặc làm nặng thêm suy tim (tác dụng giảm lực co cơ)
  • Thần kinh trung ương: Mắt mờ, bồn chồn
  • Tiêu hóa: Táo bón, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, vị kim loại, khô miệng, đau bụng, chán ăn, đầy hơi
  • Da: Phát ban

Bạn nên kịp thời thông báo cho bác sĩ chuyên khóa những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng thuốc Propafenone

Bạn không nên sử dụng thuốc đồng thời với:

  • Các chất ức chế CYP2D6 (ví dụ desipramin, paroxetin, quinidin, ritonavir, sertralin), CYP1A2 (ví dụ amiodaron) hoặc CYP3A4 (ví dụ erythromycin, ketoconazol, ritonavir, saquinavir)
  • Quinidin: Những liều nhỏ quinidin ức chế hoàn toàn quá trình chuyển hóa hydroxyl – hóa, làm cho tất cả người bệnh trở thành người chuyển hóa chậm.
  • Thuốc tê: Sử dụng đồng thời thuốc tê (như trong phẫu thuật, trong khi đặt máy tạo nhịp tim hoặc dùng cho răng) có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc hạ áp đối kháng – beta: propranolol, metoprolol,…
  • Thuốc chống đông: wafarin
  • Một số thuốc khác như: cimetidin, fluoxetin, ritonavir, phenothiazin, cisaprid, bepridil, theophylin, rifampin, phenobarbital,…

7. Lưu ý khi dùng thuốc Propafenone

Cần thận dụng khi sử dụng thuốc do:

  • Tác dụng gây loạn nhịp của thuốc: Ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất, rung thất xoắn đỉnh.
  • Co thắt phế quản không phải do dị ứng (viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng).
  • Suy tim sung huyết
  • Rối loạn dẫn truyền tim (nghẽn nhĩ thất độ I, II, III)
  • Máy tạo nhịp vĩnh viễn: Gây thay đổi ngưỡng và nhịp của máy
  • Rối loạn tạo máu: Mất bạch cầu hạt
  • Rối loạn chức năng thần kinh – cơ
  • Tụt huyết áp, mất cân bằng điện giải
  • Suy giảm chức năng gan, thận

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Propafenone

8.1. Đối với Phụ nữ đang có thai và đang cho con bú

Chưa có những nghiên cứu đầy đủ và rõ ràng về các tác dụng và ảnh hưởng trên phụ nữ mang thai. Tuy vậy, nếu đang mang thai, bạn chỉ nên dùng thuốc khi lợi ích thuốc mang lại nhiều hơn hẳn nguy cơ đối với thai nhi.

Ở những bà mẹ đang cho con bú: sử dụng thận trọng vì thuốc có bài tiết qua sữa.

Đừng quên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc.

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Do thuốc có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, nên thận trọng khi lái tàu xe hay vận hành máy móc.

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Propafenone

Những triệu chứng quá liều thường xảy ra nặng nhất trong vòng 3 giờ tính từ thời gian sau khi uống, có thể gồm hạ huyết áp, ngủ gà, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền trong nhĩ và thất, hiếm gặp co giật và loạn nhịp thất mức độ cao.

Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Propafenone

Nếu bạn lỡ quên uống 1 liều, hãy lưu ý chỉ được uống liều sau, không được uống gấp đôi liều vì có nguy cơ gây loạn nhịp.

11. Cách bảo quản thuốc Propafenone

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để sản phẩm ở nơi xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Thuốc Propafenone là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu bạn có gặp bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ  hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời

Dược sĩ NGUYỄN HOÀNG BẢO DUY

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc Propafenone
  • Mims.com/ Propafenone
  • Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2018
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người