Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung: Có nên hay không?
Nội dung bài viết
Mỗi ngày tại Việt Nam có 14 ca mắc và 7 người tử vong do ung thư cổ tử cung. Hiện nay, ung thư cổ tử cung có khả năng được chữa trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Nhưng có phải ai cũng nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung, hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu qua bài viết sau.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh do tăng sinh mất kiểm soát tế bào ở cổ tử cung. 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến việc nhiễm virus HPV. Đây là một loại virus cực kỳ phổ biến lây truyền qua đường tình dục hoặc đường tiếp xúc da.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi và không gây ra triệu chứng. Nếu không tự biến mất, nhiễm HPV dai dẳng có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tùy thuộc hệ thống miễn dịch của mỗi người, diễn tiến bệnh có thể mất từ 5 đến 20 năm.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường;
- Bí tiểu, táo bón;
- Mệt mỏi;
- Giảm cân.
Các triệu chứng này không quá rõ ràng và đặc hiệu nên khó để phát hiện và điều trị sớm. Do đó, rất cần thiết phải tầm soát và tiêm phòng ung thư cổ tử cung từ sớm để có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Độ tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung là từ 21 – 65 tuổi.
Có nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung không?
Tháng 8 năm 2020, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua một nghị quyết kêu gọi loại bỏ ung thư cổ tử cung vì những nguy cơ nó mang lại. Nếu bạn có sức khỏe bình thường và đủ điều kiện tiêm ngừa thì tôi khuyên bạn nên tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt.
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung sẽ bảo vệ bản thân chủ động và hiệu quả hơn điều trị. Khi được chẩn đoán, ung thư cổ tử cung có thể được trị thành công. Nhưng điều kiện là nó phải được phát hiện sớm và quản lý hiệu quả. Trong khi phần lớn do không có dấu hiệu rõ ràng, người mắc khó phát hiện bệnh. Điều này khiến bệnh trở nên phức tạp và khó điều trị, vậy bạn hãy phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Một trong những lí do có nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là để bảo vệ những người xung quanh. Dù không phổ biến, nhưng phụ nữ mang thai nhiễm HPV có nguy cơ truyền virus cho con của họ. Khi đó, một tình trạng nghiêm trọng ở trẻ gọi là u nhú đường hô hấp có thể xảy ra.
Người thân cũng có nguy cơ mắc HPV do giặt chung đồ, tiếp xúc với vùng nhiễm của người bệnh. Để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, bạn nên chủ động phòng tránh virus này bằng cách chích ngừa.
Tác dụng không mong muốn khi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Bất kỳ loại thuốc hay vắc xin nào dù đã được kiểm nghiệm và thử lâm sàng cẩn thận xong tùy cơ địa từng người mà có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:
- Sưng, đỏ, đau;
- Sốt nhẹ;
- Nổi mề đay;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Đau cơ;
- Đau khớp;
- Buồn nôn và nôn;
- Tiêu chảy, đau bụng;
- Quá mẫn…
Tuy nhiên tần suất của các tác dụng không mong muốn này rất thấp và không gây nguy hiểm. Các loại vắc xin hiện có trên thị trường cũng được sử dụng rộng rãi ở trong và ngoài nước. Bạn hoàn toàn có thể an tâm về độ an toàn của vắc xin.
Đối tượng không nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Hiệu quả vắc xin phụ thuộc rất nhiều vào hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Vì vậy không phải ai cũng nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung. Bạn chỉ nên tiêm khi đảm bảo sức khỏe bình thường, không đang sốt hay dị ứng nổi mề đay. Các đối tượng không nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú hay có ý định mang thai. Nếu bạn có thai khi chưa hoàn thành 3 mũi, hãy hoãn tiêm cho đến khi kết thúc thai kỳ.
- Người đã hoặc đang mắc các bệnh mạn tính, rối loạn đông máu. Đối đối tượng này rất dễ gây biến chứng khi tiêm vắc xin.
- Người phải dùng thuốc trị tăng huyết áp, đái tháo đường, suy gan, suy thận,… Những bệnh nhân này thường phải sử dụng thuốc lâu dài và thường xuyên nên rất dễ tương tác làm giảm hiệu quả của vắc xin.
- Người bị suy giảm miễn dịch, ghép nội tạng hay có cơ địa dị ứng. Nếu không được kiểm soát cẩn thận, vắc xin có thể gây ra các phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Độ tuổi nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam có khuyến cáo nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi. Với những người trên 26 tuổi nếu chưa tiêm phòng HPV vẫn đủ điều kiện để chích ngừa.
Tuy nhiên, tăng dần theo độ tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, rối loạn đông máu cũng tăng. Các bệnh này và thuốc điều trị chúng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vì vậy, nếu quá tuổi được khuyến cáo, hãy đảm bảo bạn được chuyên gia tư vấn trước khi quyết định có nên tiêm hay không.
Xem thêm: Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu?
Nên tiêm ngừa HPV ở đâu?
Cả nước ta có đến 40 trung tâm, cơ sở, bệnh viện hỗ trợ chích ngừa HPV. Hầu hết các cơ sở đều đảm bảo chất lượng vắc xin được bảo quản và sử dụng an toàn. Bạn có thể tham khảo một số địa điểm hỗ trợ chích ngừa HPV uy tín sau đây:
- Trung tâm tiêm chủng VNVC
- Phòng tiêm chủng SAFPO
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội
- Viện Pasteur
Cả 4 cơ sở trên đều đảm bảo công tác tiêm phòng HPV an toàn, hợp lí, hiệu quả. Ngoài ra bạn sẽ được hỗ trợ các tiện ích như đặt lịch online hay nhắc lịch tiêm tự động. Mỗi trung tâm cũng có nhiều chi nhánh rộng khắp cả nước sẽ giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn.
Xem thêm: Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung ở đâu: 4 địa điểm uy tín nhất
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Với một người có đủ điều kiện về sức khỏe, độ tuổi hay kinh tế thì nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung để chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cervical cancerhttps://www.who.int/health-topics/cervical-cancer#tab=tab_1
Ngày tham khảo: 22/03/2021
-
Can You Have HPV If You Don’t Have Warts?https://www.healthline.com/health/sexually-transmitted-diseases/hpv-without-warts
Ngày tham khảo: 22/03/2021
-
Launch of the Global Strategy to Accelerate the Elimination of Cervical Cancerhttps://www.who.int/news-room/events/detail/2020/11/17/default-calendar/launch-of-the-global-strategy-to-accelerate-the-elimination-of-cervical-cancer
Ngày tham khảo: 22/03/2021
-
Common Types of Human Papillomavirus (HPV)https://www.healthline.com/health/sexually-transmitted-diseases/hpv-types#prevention
Ngày tham khảo: 22/03/2021