YouMed

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung: Nên hay không?

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Căn bệnh ung thư cổ tử cung đang là nỗi ám ảnh đối với chị em phụ nữ. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do nhiễm virus HPV. Độ tuổi có khả năng nhiễm virus này nhiều nhất là 20 – 30. Mỗi ngày ở Việt Nam có 7 ca qua đời vì ung thư cổ tử cung và 14 ca nhiễm mới. Với sự phát triển của khoa học, bạn có thể tự bảo vệ mình bằng việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ. Bệnh thường xảy ra phổ biến ở độ tuổi trung niên từ 30 đến 55. Trong đó, HPV là nguyên nhân của 99% các ca ung thư cổ tử cung.

Các triệu chứng sớm thường gặp của bệnh bao gồm chảy máu bất thường, đau khi quan hệ, tiết dịch âm đạo, đau khi đi vệ sinh… Nếu có những dấu hiệu bất thường này thì bạn nên đi xét nghiệm ung thư cổ tử cung. Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên đi tầm soát ung thư mỗi năm một lần.

chích ngừa ung thư cổ tử cung
Chị em phụ nữ nên chủ động tầm soát ung thư

HPV – Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung

1. HPV là gì?

HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus, một chủng virus phổ biến hiện nay. Người bình thường có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người đã nhiễm trước đó. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc hoặc truyền từ mẹ sang con.

Người bệnh ngay từ ban đầu có thể không có bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu gì. Những triệu chứng bệnh cũng có thể chỉ xuất hiện sau nhiều năm bị nhiễm. Do đó, rất khó để biết một người có bị nhiễm HPV hay không nếu chỉ dựa vào triệu chứng của bệnh.

2. Khả năng gây bệnh

Trong khoảng 100 loại HPV, có khoảng 30 – 40 loại có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục. Phần lớn trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi và không gây vấn đề gì về sức khỏe. Nhưng khi phát bệnh, HPV có thể gây ra những vấn đề như mụn rộp ở đường sinh dục và các bệnh ung thư. Bệnh mụn rộp thường giống các cục u nhỏ hay một nhóm cục u. Các cục u này có thể có kích thước khác nhau, nhô lên hay dẹt hoặc có hình dạng như bông cải.

HPV có thể gây nhiều loại ung thư như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật hay hậu môn. Trong đó, ung thư cổ tử cung là phổ biến nhất. Loại HPV gây bệnh mụn rộp khác với loại HPV gây bệnh ung thư. Tỉ lệ ung thư cổ tử cung hiện nay đang gia tăng. Ngoài việc thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh thì tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc phòng bệnh.

Hình dạng của virus HPV
Hình dạng của virus HPV

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung như thế nào để hiệu quả?

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vaccine HPV nên thực hiện cho nữ giới chưa có quan hệ tình dục hoặc chưa lập gia đình. Các khuyến cáo khuyên rằng nên tiêm ở độ tuổi từ 9 tới 26 để đạt hiệu quả cao. Nam giới nên tiêm trong khoảng độ tuổi dưới 21. Ngoài ra, nên tiêm vaccine cho người bị suy giảm hệ miễn dịch (kể cả người bị nhiễm HIV/AIDS) cho đến 26 tuổi nếu trước đó họ chưa được tiêm phòng.

Có hai loại vaccine hiện nay là Gardasil và Cervarix. Vaccine này có tác dụng chống lại những chủng HPV gây ung thư phổ biến nhất hiện nay. Gardasil còn có hiệu lực với cả nam giới.

Các loại vaccine HPV

1. Vaccine Cervarix

Còn được gọi là vaccine nhị giá. Cervarix giúp phòng ngừa tổn thương tiền ung thư ác tính và ung thư cổ tử cung chủ yếu gây ra bởi type HPV 16 và 18. Vaccine này còn giúp tạo miễn dịch chéo, bảo vệ các type HPV nguy cơ cao khác chứ không chỉ hai type có trong vaccine.

Lịch tiêm chủng: gồm có ba mũi. Trong đó, mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và mũi tiêm thứ ba cách mũi thứ nhất 6 tháng.

2. Vaccine Gardasil

Hay còn gọi là vaccine tứ giá. Vaccine phòng ngừa được nhiều loại ung thư khác ngoài ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư, mụn cóc sinh dục… do HPV gây ra.

Lịch tiêm chủng: cũng giống như vaccine Cervarix, chỉ khác ở chỗ khoảng cách mũi tiêm thứ nhất và thứ hai là 2 tháng.

Các tác dụng phụ của vaccine HPV thường an toàn như là đau tại chỗ tiêm, chóng mặt, xây xẩm, sốt, buồn nôn.

Bộ Y Tế khuyến cáo tiêm vaccine HPV trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi. Nếu bạn trên 26 tuổi và chưa nhiễm HPV vẫn có thể tiêm phòng nhưng hiệu quả sẽ không cao bằng.

Tiêm phòng vaccine là phương pháp dự phòng và không có tác dụng với người đã bị nhiễm virus đó. Sau khi tiêm phòng, bạn cũng nên định kỳ sàng lọc ung thư cổ tử cung. Theo khuyên cáo, người đã tiêm phòng nên kiểm tra phết tế bào cổ tử cung ba năm/lần.

Xem thêm: 5 điều cần biết về HPV vaccine

HPV là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư cổ tử cung. Việc tiêm phòng vaccine có thể giúp bạn chủ động phòng tránh nhiễm bệnh cho bản thân và người thân. Chỉ với 3 mũi tiêm, bạn đã có thể phòng ngừa những chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư hiện nay. Bạn cũng không nên chủ quan và nên đi khám tầm soát ung thư định kỳ. Đây là cách để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nhiễm HPV Sinh Dục - Tờ Thông Tin của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Nhiem-HPV-Sinh-Duc-To-Thong-Tin-cua-Trung-Tam-Kiem-Soat-va-Phong-Ngua-Dich-Benh-CDC.pdf

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người