YouMed

Ung thư âm hộ: Chẩn đoán và điều trị ra sao?

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Khi phát hiện vùng âm hộ có một vết loét hay nốt sùi, chắc hẳn chị em rất lo lắng không biết mình có bị ung thư hay không. Vậy ung thư âm hộ là bệnh gì và có triệu chứng ra sao? Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán và điều trị bệnh? Hãy cùng Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh giải đáp thắc mắc trong bài viết này nhé!

Tổng quan

Ung thư âm hộ là một trong những ung thư phụ khoa thường gặp ở nữ giới, xếp thứ 4 sau ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung. Bệnh thường được chẩn đoán ở những phụ nữ lớn tuổi, trung bình từ 50 đến 70. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở phụ nữ trẻ hơn, nhất là những người có nguy cơ đặc biệt.

Các triệu chứng ung thư âm hộ thường không đặc trưng. Thường gặp nhất là ngứa rát âm hộ, chảy máu bất thường hay sùi, loét vùng âm hộ. Do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác nên ung thư âm hộ hay bị bỏ sót. Chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm giúp bệnh nhân có kết quả điều trị và tiên lượng tốt hơn.

Điều trị ung thư âm hộ thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đôi khi, ung thư ở giai đoạn tiến xa cần phẫu thuật cắt toàn bộ âm hộ. Chẩn đoán càng trễ, phẫu thuật càng phải mở rộng. Tùy giai đoạn bệnh, các phương pháp khác có thể được chỉ định là hóa và xạ trị.

Triệu chứng của ung thư âm hộ

1. Ngứa và đau rát dai dẳng vùng âm hộ

Đây là triệu chứng thường gặp ở các bệnh lý phụ khoa khác như nấm, viêm nhiễm. Nhưng nếu sau điều trị nhiều lần không khỏi hay ngứa vùng hộ tái phát mà không có yếu tố nguy cơ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

2. Vùng âm hộ có một vùng da thay đổi màu sắc hoặc có một vùng da dày lên

Nếu quan sát thấy một vùng da có màu khác thường (trắng bạch hay nhợt nhạt, vùng da màu đậm hơn…) hay sờ thấy một vùng da cộm hơn, hãy thông báo với bác sĩ để được thăm khám.

3. Nốt sùi hoặc loét vùng âm hộ

Các tổn thương này được phát hiện khi bạn vệ sinh vùng kín và vô tình sờ thấy. Chúng có thể có các triệu chứng như đau, ngứa hay rỉ máu. Bạn có thể dùng gương soi quan sát các tổn thương này và sự thay đổi của chúng qua từng ngày để cung cấp nhiều thông tin hơn cho bác sĩ.

4. Chảy máu vùng kín bất thường

Chảy máu vùng kín xảy ra ở tuổi mãn kinh là dấu hiệu báo động cần được thăm khám để loại trừ ung thư phụ khoa. Với phụ nữ còn kinh nguyệt, bất kỳ chảy máu nào không liên quan đến chu kỳ hay chảy máu kinh kéo dài đều được xem là bất thường. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn sớm phát hiện các triệu chứng chảy máu bất thường này.

Một số triệu chứng của bệnh
Một số triệu chứng của bệnh

Chú ý

Các triệu chứng của ung thư âm hộ thường không đặc hiệu và dễ dàng nhầm lẫn với những bệnh khác. Do đó, hãy đặt lịch với bác sĩ phụ khoa để được kiểm tra ngay khi có bất kỳ triệu chứng hay khó chịu nào ở vùng nhạy cảm. Ngay cả khi không có triệu chứng, vùng kín vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn, ví dụ như nhiễm HPV dai dẳng. Vì vậy, chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần để đánh giá các nguy cơ này.

Chẩn đoán

1. Chẩn đoán ung thư âm hộ

Những xét nghiệm và quy trình để chẩn đoán ung thư âm hộ bao gồm:

  • Khám vùng kín. Bác sĩ sẽ khám vùng âm hộ và các vùng lân cận để tìm những dấu hiệu bất thường.
  • Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để soi âm hộ. Khi soi, bác sĩ dùng một kính soi phóng đại để có thể quan sát kỹ hơn các vùng da bất thường.
  • Sinh thiết. Để xác định bản chất của vùng bất thường, bác sĩ sẽ lấy mô để phân tích tế bào. Quá trình này gọi là sinh thiết. Trong khi sinh thiết, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để cắt lấy mô ở vùng nghi ngờ này. Nếu vùng cắt rộng, bệnh nhân sẽ được khâu một hay vài mũi.
Dụng cụ soi âm hộ chuyên dụng
Dụng cụ soi âm hộ chuyên dụng

2. Chẩn đoán giai đoạn ung thư âm hộ

Khi đã có chẩn đoán ung thư âm hộ, bác sĩ sẽ xác định kích thước và mức độ lan rộng của ung thư. Các bước tiếp theo bao gồm:

  • Khám toàn bộ vùng chậu để tìm các dấu hiệu di căn.
  • Các chẩn đoán bằng hình ảnh: chụp X quang, chụp cắt lớp (CT Scan) hay cộng hưởng từ (MRI) ở vùng ngực và vùng bụng – chậu có thể được thực hiện để tìm kiếm các vị trí có thể di căn của ung thư.

Phân độ giai đoạn ung thư âm hộ

Phân độ giai đoạn ung thư âm hộ sẽ giúp ích cho phần điều trị và theo dõi bệnh. Theo FIGO 2009, ung thư tế bào vảy được chia làm những giai đoạn sau:

Giai đoạn I

Khối u nhỏ còn giới hạn ở âm hộ và vùng da giữa âm hộ và hậu môn. Ung thư giai đoạn này chưa lan đến hạch lympho và các cơ quan khác. Khối u có kích thước nhỏ hơn 2 cm và chiều sâu nhỏ hơn 1 mm được phân loại 1a. Nếu kích thước khối u lớn hơn và/hoặc sâu hơn 1mm thì được phân giai đoạn 1b.

Giai đoạn II

Đặc điểm là khối u lan đến các cấu trúc lân cận: phần thấp của lỗ tiểu, âm đạo hay hậu môn. Khối u ăn lan không quá một phần ba dưới các cấu trúc này và không có di căn hạch vùng.

Giai đoạn III

Khối u có hoặc không xâm lấn như giai đoạn II, nhưng đã có di căn đến nhóm hạch gần. Nhóm hạch gần là nhóm hạch vùng đùi – vùng bẹn. Theo kích thước và số lượng hạch di căn, giai đoạn III còn được chia thành: a, b và c.

Ung thư âm hộ giai đoạn III
Ung thư âm hộ giai đoạn III

Giai đoạn IV

Giai đoạn này được định nghĩa khi:

  • Những khối u di căn đến hạch lympho xa.
  • Lan đến phần cao (hai phần ba trên) của đường niệu hoặc âm đạo.
  • Lan đến túi cùng hay xương chậu.

Ung thư âm hộ cũng có thể lan đến các cơ quan khác của cơ thể.

Ung thư tế bào sắc tố sử dụng bảng phân loại khác.

Điều trị phẫu thuật ung thư âm hộ

Phương pháp điều trị ung thư âm hộ phụ thuộc vào dạng ung thư và giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ chung cũng như chọn lựa của bệnh nhân.

1. Các phương pháp cắt khối u

  • Cắt khối u và bờ mô lành xung quanh. Còn gọi là phẫu thuật cắt rộng hay phẫu thuật triệt để: cắt bỏ khối u và một phần mô lành xung quanh. Cắt rộng nhằm mục đích tránh để sót tế bào ung thư, giảm tái phát.
  • Phẫu thuật mở rộng. Cắt bỏ 1 phần âm hộ hoặc toàn bộ âm hộ, bao gồm cả mô phía dưới, được lựa chọn khi khối u có kích thước lớn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị xạ trị và/hoặc hoá trị trước mổ để giảm kích thước khối u. Các điều trị kèm theo này nhằm mục đích hạn chế cắt quá nhiều phần của âm hộ cũng như sót tế bào ung thư sau mổ.

Sau phẫu thuật cắt khối u và các vùng da lân cận, tùy kích thước và vị trí khối u, phẫu thuật viên sẽ tạo hình âm hộ bằng các vạt cơ xung quanh.

Phẫu thuật cắt toàn bộ âm hộ có thể có nguy cơ biến chứng, thường gặp như nhiễm trùng hoặc sưng tấy quanh vết cắt. Phẫu thuật vùng âm hộ cũng có thể thay đổi sự nhạy cảm ở vùng sinh dục. Tuỳ vào vị trí phẫu thuật, vùng sinh dục có thể bị mất cảm giác và khó đạt đỉnh khi quan hệ tình dục.

Tìm hiểu thêm: Giáo dục giới tính tuổi teen (Phần 3): Quan hệ tình dục có như lời đồn?

2. Phẫu thuật nạo hạch lympho

Ung thư âm hộ có thể lan đến các hạch lympho vùng bẹn, do đó bác sĩ có thể sẽ nạo các hạch vùng này trong lúc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phụ thuộc vào giai đoạn mà bác sĩ sẽ quyết định nạo hạch nhiều hay ít.

Trong vài trường hợp nhất định, phẫu thuật viên sẽ sử dụng phương pháp để nạo hạch tối thiểu nhất ở những giai đoạn sớm. Bác sĩ sẽ chỉ lấy trọn những hạch có khả năng di căn nhiều nhất, sau đó xét nghiệm để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh.

Phẫu thuật nạo hạch có thể gây ứ dịch và phù chân, gọi là phù do hạch lympho.

Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật
Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật

Các phương pháp điều trị khác

1. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp có thể được chỉ định cho khối u lớn nhằm mục đích thu nhỏ chúng trước phẫu thuật.

Nếu ung thư lan rộng đến hạch lympho, bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị sau phẫu thuật. Tia xạ nhắm đến vùng hạch lympho để tiêu diệt hết những tế bào ung thư còn sót lại.

Bác sĩ cũng có thể kết hợp hóa, xạ trị trước hay sau phẫu thuật. Việc kết hợp các phương pháp nhằm giảm kích thước khối u, tránh để lại tế bào ung thư, từ đó tăng tỷ lệ thành công và giảm tái phát.

2. Hóa trị

Hóa trị là sử dụng những loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng bằng đường tiêm mạch cánh tay hay đường uống. Với những ung thư lan rộng đến các cơ quan khác, hóa trị là một lựa chọn.

Như đã đề cập, các phương pháp này có thể kết hợp với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo dõi sau điều trị

Sau khi kết thúc điều trị ung thư âm hộ, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về thời gian tái khám và theo dõi định kỳ. Việc này sẽ giúp kiểm tra kết quả điều trị và sớm phát hiện biến chứng. Quan trọng hơn, ngay cả khi điều trị thành công, ung thư âm hộ cũng có khả năng tái phát. Tái khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm ung thư tái phát.

Bạn vẫn cần theo dõi sau khi điều trị
Bạn vẫn cần theo dõi sau khi điều trị

Bác sĩ sẽ xây dựng lịch tái khám phù hợp với bệnh nhân. Thông thường, bạn cần tái khám mỗi 3 tháng hay mỗi 6 tháng trong 2 năm đầu sau kết thúc điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ về các biến chứng có thể gặp và thời gian tái khám cụ thể.

Ung thư âm hộ là bệnh lý thường gặp và triệu chứng đôi khi gây nhầm lẫn với bệnh lý phụ khoa khác. Do đó, khi có những triệu chứng bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được khám. Chúc chị em luôn xinh đẹp và khỏe mạnh!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vulvar cancer (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vulvar-cancer/symptoms-causes/syc-20368051

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

  2. Vulvar Cancer (Diagnosis and treatment)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vulvar-cancer/diagnosis-treatment/drc-20368072

    Ngày tham khảo: 08/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người