Tiền sản giật là gì? Chẩn đoán và điều trị thế nào?
Nội dung bài viết
Tiền sản giật là hội chứng bao gồm tăng huyết áp và tiểu đạm hoặc tổn thương các cơ quan khác. Đây được coi là tai biến sản khoa vì mức độ nguy hiểm và những biến chứng nặng nề trên mẹ và bé. Hiểu biết về nó thực sự cần thiết cho bố mẹ và những gia đình sắp sửa đón em bé mới. Bài viết của bác sĩ Lê Mai Thùy Linh sẽ giúp tìm hiểu từ A đến Z của bệnh lý này nhé!
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là bệnh lý liên quan tăng huyết áp xảy ra trong thai kì. Đây là hội chứng gồm tăng huyết áp và dấu hiệu tổn thương cơ quan khác, thường gặp nhất là gan và thận. Thường bắt đầu sau tuần thứ 20 ở những thai phụ huyết áp trước đó bình thường.1
Dấu hiệu tiền sản giật
Hiện tượng này có thể xuất hiện mà không có bất cứ triệu chứng cụ thể nào. Một số mẹ bầu bị tiền sản giật có huyết áp tăng đột ngột nhưng cũng có trường hợp huyết áp ổn định.
Một số dấu hiệu tiền sản giật khác:
- Protein dư thừa trong nước tiểu của bạn (protein niệu) hoặc các vấn đề về thận.
- Đau đầu dữ dội.
- Những thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn của bạn ở bên phải.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Giảm lượng nước tiểu.
- Giảm mức độ tiểu cầu trong máu của bạn (giảm tiểu cầu).
- Suy giảm chức năng gan.
- Khó thở do chất lỏng trong phổi của bạn.1
Tiền sản giật có nguy hiểm không?
Đây được xem là tai biến sản khoa vì mức độ nguy hiểm của bệnh ảnh hưởng đến mẹ và bé. Những biến chứng của tiền sản giật bao gồm:
Thai bị giới hạn phát triển
Tiền sản giật ảnh hưởng lên các mạch máu nuôi thai. Nếu nhau không nhận đủ máu, thai nhi sẽ thiếu máu, oxy và nhận được ít dinh dưỡng hơn. Điều này dẫn đến thai nhi chậm phát triển hơn bình thường, nhẹ cân và sinh non.1
Sinh non
Nếu sản phụ với tiền sản giật có dấu hiệu nặng và cần phải sinh em bé sớm, để cứu mẹ và bé. Khi em bé chưa đủ tuần, phổi và các cơ quan khác chưa kịp trưởng thành. Việc sinh non sẽ ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ sau này của em bé.1
Nhau bong non
Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non. Đây là tình trạng bánh nhau bong khỏi thành tử cung trước khi em bé được sinh. Nhau bong non rất nguy hiểm, nếu nặng có thể đe dọa tính mạng mẹ và bé.1
Hội chứng HELLP
Hội chứng này là viết tắt của Hemolysis – tán huyết; Elevated Liver enzyms – tăng men gan và Low Platelet count – tăng bạch cầu. Đây là biến chứng rất nặng của diễn tiến rất nhanh và có thể đe dọa tính mạng mẹ và bé. Triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm nôn ói, đau đầu và đau vùng hạ sườn phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì sự xuất hiện của hội chứng này tức là đã có tổn thương nặng các hệ thống cơ quan.1
Sản giật
Khi không được kiểm soát tốt – sản phụ có thể xuất hiện những cơn co giật – gọi là sản giật. Những cơn co giật này gây những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Nên khi nó xảy ra, cần phải sinh em bé bất kể tuổi thai là bao nhiêu. Rất khó để dự đoán sản phụ nào sẽ có biến chứng sản giật. Do đó, cần thiết phải kiểm soát tốt huyết áp và phòng ngừa sản giật.1
Tổn thương các cơ quan khác
Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương thận, gan, phổi, tim và mắt. Nặng nề hơn, bệnh có thể dẫn đến đột quỵ hay tổn thương não. Tiền sản giật càng nặng, càng nhiều cơ quan bị tổn thương.1
Bệnh tim mạch
Nếu sản phụ bị tiền sản giật, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai cũng tăng lên. Nguy cơ càng tăng nếu người đó bị hai lần trở lên hoặc phải sanh non vì biến chứng nặng. Để giảm thiểu các nguy cơ tim mạch, sau sanh, người mẹ nên duy trì cân nặng phù hợp, ăn nhiều loại trái cây và rau củ, tập thể dục đều đặn và không hút thuốc lá.1
Chẩn đoán tiền sản giật?
Nếu nghi ngờ mẹ bầu bị tiền sản giật, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm sau đây:
Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy máu để xét nghiệm men gan, chức năng thận và đếm số lượng tiểu cầu và chức năng đông máu.2
Phân tích nước tiểu
Sản phụ sẽ cần phải giữ tất cả nước tiểu trong 24 giờ để đo lượng đạm. Một mẩu nước tiểu nhỏ để thử nhanh bằng que nhúng, hay đo nhanh các chỉ số đạm và creatinin. Xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán nhanh trước khi có nước tiểu sau 24 giờ.2
Siêu âm thai
Để kiểm tra sự phát triển, cân nặng và chiều dài của em bé cũng như tình trạng ối, bác sĩ sẽ dùng siêu âm. Siêu âm cũng giúp xác định tuổi thai ở những mẹ bầu chưa đi khám thai lần nào. Tuổi thai và sự phát triển của thai nhi góp phần vào chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp.2
Lượng giá sức khỏe thai bằng nonstress test (NST)
Nonstress test là một xét nghiệm giúp đánh giá biến động của nhịp tim thai và cử động của thai. Các chỉ số này được ghi lại thành dạng biểu đồ. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng chịu đựng của thai nhi và tìm các dấu hiệu thai nhi đang bị ảnh hưởng xấu.2
Siêu âm Doppler động mạch rốn
Đánh giá tưới máu, kháng trở động mạch rốn cũng góp phần giúp đánh giá tình trạng thai nhi.
Điều trị tiền sản giật như thế nào?
Vì nguyên nhân của tiền sản giật là bất thường bánh nhau, nên cách duy nhất để điều trị bệnh là sinh em bé và lấy bánh nhau ra ngoài. Điều trị phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Khi đó cả bác sĩ, sản phụ và gia đình phải cân nhắc thật kĩ càng. Các yếu tố đó là: tình trạng nguy hiểm hay không, sức khỏe người mẹ và sức khỏe em bé.
Tiền sản giật thường được chia ra là tiền sản giật có dấu hiệu nặng và không có dấu hiệu nặng.
Nếu em bé đã đủ tháng, nên sinh em bé ngay khi có thể để tránh tình trạng nặng hơn. Có thể chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ tùy tình trạng bệnh.
Trong trường hợp em bé dưới 37 tuần, mẹ không có dấu hiệu nặng và tình trạng em bé ổn định, sản phụ có thể được theo dõi tăng cường:
- Nghỉ ngơi tại giường, có thể ở nhà hay ở bệnh viện.
- Theo dõi cẩn thận cử động thai nhi.
- Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc hạ áp nếu cần. Lặp lại các xét nghiêm máu và nước tiểu.
- Tái khám ít nhất 2 lần 1 tuần để theo dõi sức khỏe thai theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu nhập viện để theo dõi sát hơn. Sản phụ cũng có thể được tiêm hay truyền các loại thuốc như:
- Thuốc chống co giật, thuốc hạ áp và ngăn các biến chứng khác.
- Liệu pháp steroid giúp trưởng thành phổi em bé nhanh hơn.
- Thuốc giúp giảm phù và các triệu chứng khó thở do phù phổi.
Nếu hiện tượng này có dấu hiệu nặng hay có bất kì biến chứng nào, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh em bé ngay, ngay cả khi em bé chưa đủ tháng. Nếu không thể chờ quá trình chuyển dạ xảy ra bình thường, bác sĩ cần phải mổ lấy thai. Trong và sau khi sanh, sản phụ cũng sẽ được điều trị thuốc hạ áp và thuốc ngừa co giật.3
Có thể phòng ngừa tiền sản giật không?
Vì những biến chứng nguy hiểm của nó, các nhà khoa học liên tục nghiên cứu làm sao để phòng ngừa tiền sản giật. Trong vài trường hợp nhất định, có thể giảm nguy cơ tiền sản giật bằng những cách sau:
- Xét nghiệm máu giúp dự đoán tiền sản giật. Nếu sản phụ có những yêu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm các chỉ số dự đoán khả năng mắc tiền sản giật trong 3 tháng đầu thai kì. Các chỉ số này sau đó được tính toán liệu sản phụ có nguy cơ cao hay không.
- Liều thấp aspirin. Nếu nguy cơ tiền sản giật là cao, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng aspirin liều thấp bắt đầu từ tuần thai thứ 12. Cần nhớ chỉ được dùng aspirin theo hướng dẫn của bác sĩ và đều đặn khám thai thường xuyên để được kiểm tra toàn diện.
- Bổ sung calci. Ở nhiều nơi đặc biệt là các đất nước đang phát triển, phụ nữ thường thiếu can-xi trước mang thai hoặc không cung cấp đủ can-xi trong thai kì do ăn uống thiếu chất. Có thể phòng ngừa tiền sản giật ở những bệnh nhân này bằng cách bổ sung đầy đủ can-xi.1
Điều quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ là không sử dụng bất kì loại thuốc hay viatmin nào mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi mang thai, đặc biệt đối với những bà mẹ đã từng bị tiền sản giật, hãy chuẩn bị một sức khỏe tốt nhất có thể. Chú ý về cân nặng, ăn uống điều độ và đủ chất là một ý hay. Đặc biệt là cùng bác sĩ kiểm soát các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Tiền sản giật là hội chứng bao gồm tăng huyết áp và tiểu đạm hoặc tổn thương các cơ quan khác. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí là nguy kịch – cho cả mẹ và bé. Thường xuyên theo dõi huyết áp và khám thai định kì chính là cách tốt nhất để phát hiện và phòng ngừa các biến chứng của tiền sản giật. Chúc mẹ bầu một thai kì khỏe mạnh và an vui!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Preeclampsia: Symtoms and Causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745
Ngày tham khảo: 14/11/2019
-
Preeclampsia: Diagnosis and Treatmenthttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/diagnosis-treatment/drc-20355751
Ngày tham khảo: 14/11/2019
-
Preeclampsia and Eclampsiahttps://www.webmd.com/baby/preeclampsia-eclampsia
Ngày tham khảo: 14/11/2019