Tiền sản giật trong thai kỳ: Vấn đề sức khỏe cần được quan tâm
Nội dung bài viết
Tiền sản giật thai kỳ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Nhiều dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể theo dõi tại nhà. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi cần hiểu rõ hơn về bệnh và các dấu hiệu nặng. Bài viết dưới đây bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để mỗi thai phụ và người nhà hiểu hơn về tiền sản giật, các dấu hiệu báo hiệu tình trạng, cũng như cách theo dõi tại nhà.
Định nghĩa tiền sản giật
Tiền sản giật là một hội chứng bao gồm tăng huyết áp có kèm đạm niệu xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là tình trạng chỉ xảy ra trong quá trình mang thai. Mặc dù liên quan đến huyết áp nhưng không phải tất hiện tượng cao huyết áp khi mang thai đều liên quan đến tiền sản giật.1
Nguyên nhân của tiền sản giật
Tiền sản giật thai kỳ do nhiều nguyên nhân, hậu quả cuối cùng:
- Co mạch dữ dội.
- Tăng huyết áp.
- Thoát dịch tại mao mạch.
- Dẫn đến rối loạn đa cơ quan (não, gan, thận và hệ thống đông máu).
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia đồng tình nhất: Sự xâm nhập bất thường của các nguyên bào nuôi vào động mạch xoắn.
Trong giai đoạn sớm của sự phát triển nhau thai, các nguyên bào nuôi ngoài gai nhau xâm nhập vào hệ thống động mạch xoắn tử cung ở màng trứng và cơ tử cung. Các nguyên bào nuôi này thay thế cho lớp nội mô mạch máu của động mạch xoắn. Làm cho các động mạch xoắn đang có khẩu kính nhỏ, đề kháng thành mạch cao chuyển dạng thành khấu kính lớn, đề kháng thành mạch giảm giúp cho sự tưới máu bánh nhau được đầy đủ, phù hợp để dưỡng thai.
Trong tiền sản giật, sự chuyển dạng này xảy ra không hoàn toàn, các đợt xâm nhập của nguyên bào nuôi vào động mạch xoắn bị giới hạn, chỉ xảy ra ở phần nông. Đoạn trong lớp co tử cung vẫn hẹp. Hệ quả là hệ thống có kháng trở cao, tưới máu không đầy đủ.
Sự suy giảm xâm nhập của nguyên bào nuôi vào hệ thống động mạch xoắn làm cho nhau bị thiếu máu cục bộ. Để đáp ứng với tình trạng thiếu oxy ở bánh nhau, bánh nhau sản sinh ra nhiều yếu tố đi vào dòng máu mẹ gây ra nhiều tình trạng rối loạn chức năng của tế bào nội mô và các biểu hiện lâm sàng khác của bệnh.
Cơ chế bệnh sinh
Bao gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: xảy ra trước tuần 20 của thai kì, có liên quan đến sự giảm tưới máu đến nhau. Ở giai đoạn này chưa có biểu hiện hay triệu chứng trên lâm sàng.
- Giai đoạn 2: Ở mẹ: liên quan đến hậu quả của sự giảm tưới máu đến nhau thai, gây ra các triệu chứng của tiền sản giật. Các biểu hiện ở giai đoạn 2 thay đổi phụ thuộc vào mẹ có hay không tình trạng viêm và hoạt hóa tế bào nội mô trước đó như: bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, béo phì, miễn dịch, di truyền.
Tác động lên đa hệ cơ quan
Nguồn gốc xuất hiện tiền sản giật bắt đầu từ bánh nhau nhưng cơ quan đích là các tế bào nội mô của mẹ. Sự tổn thương nội mô dẫn đến sự co mạch, thoát huyết tương, thiếu máu và hình thành các mảng huyết khối. Các tổn thương này xảy ra ở đa cơ quan, nhất là gan, não, thận.
Tăng huyết áp
Là triệu chứng chính của tiền sản giật, do hậu quả của sự co mạch. Giảm thể tích tuần hoàn làm tăng hematocrit do mất đạm gây giảm áp lực keo lòng mạch. Nặng có thể gây sốc giảm thể tích làm hoại tử nhu mô tim.
Gan
Nhồi máu, hoại tử và xuất huyết trong nhu mô, gây rối loạn chức năng tế bào gan. Đồng thời làm tiến triển thêm các rối loạn đông máu.
Thận
Tổn thương tế bào nội mô của thận làm tổn thương nghiêm trọng chức năng lọc vi cầu thận. Tổn thương cấu trúc vi cầu thận gây tiểu đạm.
Tiểu đạm là một triệu chứng đặc trưng của hội chứng tiền sản giật. Tuy nhiên khoảng 10% tăng huyết áp thai kì xuất hiện cơn co giật không có đạm niệu. Thay đổi xảy ra ở siêu cấu trúc của cầu thận, các tế bào nội mô bị phù lan tỏa và hình thành bên trong, làm mất đi khoang mao mạch. Đồng thời có sự lắng đọng fibrin dưới tế bào nội mô làm giảm diện tích lọc cầu thận. Trong tiền sản giật, độ lọc cầu thận giảm tới 40% so với bình thường. Hệ quả là gây tăng creatinin máu, tăng acid uric máu, xuất hiện đạm niệu.
Thần kinh
Các triệu chứng thần kinh, mà nặng nhất là sản giật do tình trạng tổn thương tế bào nội mô ở não. Tổn thương nội mô ở não, gây phù não và xuất huyết trong nhu mô não.
Một số trường hợp có nguy cơ cao tiền sản giật
- Mang thai con đầu lòng.
- Có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật.
- Béo phì hoặc có chỉ số BMI từ 30 trở lên.
- Đa thai.
- Phụ nữ dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi.
- Phụ nữ bị huyết áp cao hoặc bệnh thận trước khi mang thai.1
Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật
Huyết áp
- Huyết áp tâm thu 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 90 mmHg (qua 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ), xuất hiện sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ ở phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó.
- Huyết áp tâm thu 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 110 mmHg.
Đạm niệu
- 300 mg trong 24 giờ (hoặc lượng đạm này được suy ra từ một khoảng thời gian thu thập nước tiểu tương ứng).
Hoặc tỷ số Protein/creatinin 0.3
Khi đạm niệu âm tính, tiền sản giật được chẩn đoán dựa vào huyết áp và một trong những tổn thương đa cơ quan mới xuất hiện. Các cơ quan bị tổn thương bao gồm:
- Giảm tiểu cầu: tiểu cầu < 100.000/mm3
- Suy thận: creatinin huyết thanh >1,1 mg/dL hoặc gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh bình thường mà không có nguyên nhân do bệnh lý thận khác.
- Suy tế bào gan: men gan trong máu tăng gấp 2 lần bình thường.
- Phù phổi.
- Các triệu chứng của thần kinh: não và thị giác.
Dấu hiệu nặng của tiền sản giật
- Huyết áp 160/110 mmHg, qua 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ khi bệnh nhân đã nghỉ ngơi (trừ trường hợp thuốc hạ áp đã được sử dụng trước đó)
- Tiểu cầu < 100.000/ mm3
Và tổn thương đồng thời các hệ cơ quan
- Suy giảm chức năng gan: men gan tăng (gấp đôi so với bình thường), đau nhiều ở hạ sườn phải hoặc đau thượng vị không đáp ứng với thuốc và không có nguyên nhân khác.
- Suy thận tiến triển (creatinin huyết thanh > 1,1 mg/dL hoặc gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh bình thường mà không do bệnh lý thận khác).
- Phù phổi.
- Các triệu chứng của não và thị giác.
Tiền sản giật khởi phát sớm là các trường hợp tiền sản giật được chẩn đoán trước tuần lễ 34. Liên quan đến các kết cục xấu của thai kỳ: tăng tỷ lệ chết chu sinh và chết sơ sinh, tăng nguy cơ chết thai, sản giật, phù phổi,…
Tiền sản giật khởi phát muộn là các trường hợp tiền sản giật khởi phát sau tuần lễ thứ 34. Tiên lượng của tiền sản giật khởi phát muộn tốt hơn so với khởi phát sớm.
Sản giật
Tình trạng có cơn co giật mới khởi phát trên phụ nữ bị tiền sản giật, đây là một triệu chứng rất nặng, thể hiện tình trạng tổn thương nội mô ở não.
Sản giật có thể xảy ra ở trước (25%), trong (50%) hoặc sau (25%) chuyển dạ.
Chẩn đoán sản giật gồm các yếu tố: những cơn co giật, hôn mê xảy ra trên bệnh nhân có hội chúng tiền sản giật.
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ trong sản giật. Xuất huyết não có thể xảy ra trong hoặc sau sản giật, có thể để lại di chứng liệt nửa người
Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP là một biến chứng nặng của tiền sản giật và sản giật, thể hiện mọi đặc điểm của tổn thương nội mô đa cơ quan, tỷ lệ khoảng 3 – 12 %. Hội chứng HELLP có thể làm hỏng hoặc phá hủy các tế bào hồng cầu và cản trở quá trình đông máu. Nó cũng có thể gây đau ngực, đau bụng và chảy máu ở gan. Tỷ lệ tử vong mẹ rất cao ở thai phụ có hội chứng HELLP, lên đến 24%.
Hội chứng HELLP đặc trưng bởi
- Tán huyết.
- Tăng men gan, triệu chứng đau thượng vị (90%), đau hạ sườn phải, buôn nôn – nôn (50%), vàng da là các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương chủ mô gan.
- Tiểu cầu giảm < 100.000/ gây chảy máu niêm mạc, các chấm xuất huyết dưới da, vết bầm, chảy máu.
- Hiện diện của hemoglobin niệu gây nước tiểu có màu xá xị, là dấu hiệu của tình trạng nặng.
Bệnh nhân có xuất hiện hội chứng HELLP thường nặng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng.
Đặc trưng của bệnh lý HELLP
- Co mạch ngoại vi, mạch máu tổn thương, dễ vỡ, gây kết tập tiểu cầu. Từ đó gây hàng loạt các biến chứng trên mẹ và thai nhi.
- Suy tế bào gan, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, vàng da, tăng men gan.
- Co thắt mạch máu trong gan, gây tắc nghẽn các mạch máu trong gan, hoại tử tế bào gan, hình thành các khối tụ máu, dẫn đến vỡ gan.
- Suy thận cấp là biến chứng thường gặp. Một trong các nguyên nhân gây tử vong ở mẹ và thai nhi của tiền sản giật.
- Co thắt mạch máu, gây tổn thương vi cầu thận, thể hiện bằng protein niệu. Ngoài ra co thắt mạch máu có thể gây hoại tử ống thận cấp, vô niệu.
Các biến chứng tiền sản giật trên mẹ
Nhau bong non
Là tình trạng nhau bong tróc trước khi thai nhi sổ ra ngoài, xuất huyết màng đệm gây ra khối tụ huyết, khối này to dần, làm bong nhau khỏi thành tử cung, sự trao đổi giữa mẹ và thai nhi bị gián đoạn, thai sẽ suy rồi chết.
Diễn biến nhau bong non rất nhanh. Nhau bong non xảy ra vào 3 tháng cuối của thai nghén, khoảng 42 – 46% là biến chứng của tiền sản giật nặng.
Băng huyết sau sinh
Làm trầm trọng thêm rối loạn đông máu đã có, kèm theo gây đờ tử cung, do tử cung bị kích thích quá mức trước đó, khả năng dẫn đến tử vong cho mẹ.
Các biến chứng có thể xảy ra trên thai nhi
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Là một biến chứng thường xảy ra, khoảng 56%.
- Do tiền sản giật nguyên nhân khởi phát từ nhau thai nên chấm dứt thai kì là biện pháp điều trị triệt để nhất trong các trường hợp nặng.
Theo dõi tăng cường ngoại trú tại nhà
Trường hợp này chỉ áp dụng đối với tiền sản giật không có biểu hiện nặng và thai chưa đủ tháng (dưới 37 tuần).
- Huyết áp < 160 / 110 mmHg.
- Tiểu cầu > 100.000 / mm3.
- Men gan bình thường.
- Kết quả test lượng giá sức khỏe thai bình thường.
Không dấu hiệu của tình huống khẩn cấp:
- Chuyển dạ.
- Cấp cứu sản khoa.
Khi xác nhận tất cả yếu tố trên. Có thể theo dõi tại nhà. Nên khám thường xuyên với tần suất 2 lần/1 tuần.
Theo dõi ngoại trú
Về phía mẹ:
- Cần nghỉ ngơi nhiều
- Chế độ ăn giàu đạm, rau cải
- Theo dõi huyết áp tại nhà với nhật ký ghi lại diễn biến huyết áp ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Không được dùng thuốc lợi tiểu, an thần.
- Không có chỉ định dùng thuốc chống tăng huyết áp cho tiền sản giật không có dấu hiệu nặng.
Về phía con:
- Đếm cử động thai hằng ngày.
- Lượng giá sức khỏe thai, siêu âm sinh trắc (chu vi vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi, …).
- Đo chỉ số ối 3 lần 1 tuần.
Nếu có thay đổi bất thường về chỉ số huyết áp và dấu hiệu nặng của tiền sản giật, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám cụ thể và nhập viện kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Preeclampsiahttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/preeclampsia-927/
Ngày tham khảo: 20/06/2020
-
Preeclampsia and High Blood Pressure During Pregnancyhttps://www.acog.org/womens-health/faqs/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy?utm_source=redirect&utm_medium=web&utm_campaign=int
Ngày tham khảo: 20/06/2020
-
Why is placentation abnormal in preeclampsia?https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26428489/
Ngày tham khảo: 20/06/2020