Tiểu cầu: Cấu trúc và chức năng
Nội dung bài viết
Máu của con người bao gồm hai thành phần: huyết tương và tế bào máu. Huyết tương chứa các chất cần thiết cho mọi hoạt động sống của cơ thể. Tế bào máu có ba loại: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong bài viết sau đây của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc, chúng ta cùng tìm hiểu về tiểu cầu. Đây là tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Hiểu biết thêm về tiểu cầu (TC) giúp chúng ta phát hiện sớm các bệnh lý đông cầm máu.
Tiểu cầu là gì?
Máu chứa 3 loại tế bào máu cơ bản quan trọng trong cơ thể con người bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu (TC). Chúng là những tế bào máu có chức năng cầm máu thông qua quá trình hình thành nút chặn TC.
Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong tất cả các tế bào máu. Khi xem trên kính hiển vi, các tế bào này là những đốm màu tím sẫm, đường kính bằng 20% hồng cầu.
Cấu tạo của tiểu cầu như thế nào?
TC không có nhân tế bào. Chúng thực chất là một mảnh tế bào vỡ ra từ các tế bào nhân khổng lồ. Tế bào này được tạo ra trong tủy xương cùng với các tế bào bạch cầu và hồng cầu.
TC có dạng hình đĩa hai mặt lồi (giống như thấu kính). Đường kính lớn nhất của nó vào khoảng 2 – 3 µm. Tuy nhiên, khi ra ngoài cơ thể, hình dáng TC thay đổi vô định. Ở một người khỏe mạnh, tỉ lệ TC so với hồng cầu là 1:10 đến 1:20.
Có 2 loại hạt bên trong các tế bào này là:
- Thứ nhất là hạt alpha chứa PDGF (platelet-derived growth factor) có tác dụng giúp liền vết thương.
- Thứ hai là hạt đậm đặc chứa ADP, ATP, Ca2+, serotonin và epinephrine. Ngoài ra, TC còn chứa các enzym để tổng hợp thromboxane A2. Yếu tố ổn định fibrin, tiêu thể và các kho dự trữ Ca2+. Đặc biệt, trong tiểu cầu có các phân tử actin, myosin, thrombosthenin giúp nó co rút. Màng của tế bào này chứa một lượng lớn phospholipid. Bề mặt của TC có một lớp glycoprotein ngăn cản nó dính vào nội mạc bình thường.
Số lượng và đời sống của tiểu cầu trong cơ thể
Khi TC được tạo ra và di chuyển vào máu, chúng sẽ sống trong 5 đến 7 ngày. Trong cơ thể, cơ quan đảm nhiệm vai trò tiêu hủy các tế bào TC già là lách. Lách là nơi bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu cũng như các tế bào máu khác trong cơ thể.
Bất thường của lách như lách to có thể làm tăng quá trình bắt giữ và tiêu hủy TC. Điều này dẫn đến hậu quả là gây giảm số lượng TC trong máu ngoại vi. Do vậy, trong nhiều trường hợp giảm các tế bào này nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt lách nhằm giảm quá trình tiêu hủy TC
Bình thường, tủy xương là nơi tạo ra các tế bào máu. Chúng ta có thể làm xét nghiệm máu gọi là tổng phân tích tế bào máu toàn phần để tìm hiểu xem liệu tủy xương có tạo ra đủ số lượng TC không. Số lượng TC bình thường là 150.000 đến 450.000 TC trên mỗi micro lít máu.
Nguy cơ chảy máu xảy ra nếu số lượng TC giảm xuống dưới 10.000 đến 20.000. Khi số lượng tế bào này dưới 50.000, chảy máu có thể nghiêm trọng hơn sau khi có một vết thương. Số lượng TC dưới 20.000 thậm chí có nguy cơ chảy máu tự nhiên (không cần vết thương). Một số người có thể tạo quá nhiều TC. Họ có thể có số lượng tế bào này từ 500.000 đến hơn 1 triệu.
Chức năng của tiểu cầu là gì?
Chức năng chính của TC là góp phần vào sự cầm máu. Tức là quá trình dừng chảy máu tại nơi nội mạc mạch máu (thành trong của mạch máu) bị thương. Khi đó, chúng sẽ tập trung tại vết thương và bịt lỗ này lại, trừ khi lỗ hổng quá lớn.
Quá trình có 3 giai đoạn
- Kết dính tiểu cầu. Khi thành mạch bị tổn thương, lớp collagen nằm bên dưới tế bào nội mạc mạch máu được lộ ra. TC sẽ đến dính vào lớp collagen này.
- Tiểu cầu giải phóng các yếu tố hoạt động. Sau khi TC kết dính với collagen, nó trở nên được hoạt hoá. Tế bào này phình to ra, thò các chân giả và giải phóng nhiều chất. Trong đó có một lượng lớn ADP, thromboxane A2.
- Kết tập tiểu cầu. ADP và thromboxane A2 hoạt hoá các TC ở gần. Hoạt hóa làm chúng có khả năng dính vào lớp TC ban đầu gọi là kết tập tiểu cầu. Rồi lớp tiểu cầu đến sau này lại giải phóng các chất hoạt động làm hoạt hoá và dính thêm lớp tế bào TC khác. Cứ như vậy, các lớp tế bào TC đến dính vào chỗ tổn thương càng lúc càng nhiều tạo nên nút TC.
Nếu thương tổn ở mạch máu là nhỏ thì bản thân nút chặn có thể làm ngừng chảy máu. Nhưng nếu thương tổn lớn hơn thì phải nhờ thêm sự hình thành cục máu đông.
Ý nghĩa
Sự hình thành nút tiểu cầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bít kín các thương tổn nhỏ ở các mạch máu nhỏ xảy ra hàng trăm lần mỗi ngày.
Ngoài tác dụng cầm máu, TC còn giúp cho thành mạch trở nên dẻo dai, mềm mại. Tác dụng này nhờ chức năng làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc của các tế bào này.
Điều gì xảy ra nếu số lượng tiểu cầu thấp hoặc cao?
Dưới đây là những tình trạng sức khỏe liên quan đến chất lượng hoặc số lượng TC bất thường.
Giảm tiểu cầu
Trong tình trạng này, tủy xương của bạn tạo ra quá ít TC hoặc các tế bào này bị phá hủy nhiều. Nếu số lượng quá thấp, chảy máu có thể xảy ra dưới da như một vết bầm tím. Hoặc nó có thể xảy ra bên trong cơ thể như xuất huyết nội.
Nó có thể xảy ra bên ngoài cơ thể thông qua vết cắt không cầm máu. Hoặc nguy hiểm hơn là chảy máu tự nhiên ở mũi, khớp và não. Giảm TC có thể được gây ra bởi nhiều lý do khác. Có thể do một số loại thuốc, ung thư, bệnh gan, mang thai, nhiễm trùng. Ngoài ra, nó còn có thể do hệ thống miễn dịch bất thường.
Xem thêm: Xuất huyết giảm tiểu cầu: Những điều cần biết.
Tăng tiểu cầu nguyên phát
Trong tình trạng này, tủy xương của bạn tạo ra quá nhiều TC. Những người mắc bệnh này có thể có số lượng hơn 1 triệu. Các triệu chứng có thể bao gồm các cục máu đông hình thành và ngăn chặn cung cấp máu cho não hoặc tim. Các bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra loại tăng TC này.
Xem thêm: Tăng tiểu cầu nguyên phát, bạn đã biết gì về căn bệnh này?
Tăng tiểu cầu thứ phát
Đây là một tình trạng khác gây ra bởi quá nhiều tế bào này. Tăng TC thứ phát phổ biến hơn. Nó không được gây ra bởi một vấn đề tủy xương. Thay vào đó, một bệnh hoặc tình trạng khác kích thích tủy xương tạo ra nhiều TC hơn.
Nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, viêm, một số loại ung thư và phản ứng với thuốc. Các triệu chứng thường không nghiêm trọng. Số lượng TC trở lại bình thường khi tình trạng khác trở nên tốt hơn.
Rối loạn chức năng tiểu cầu
Nhiều bệnh hiếm gặp có liên quan đến chức năng TC kém. Điều đó có nghĩa là số lượng của chúng bình thường nhưng TC không hoạt động như bình thường. Các loại thuốc như aspirin có thể gây ra điều này. Điều quan trọng là phải biết loại thuốc nào ảnh hưởng đến chức năng. Trong khi dùng các loại thuốc này, bạn có nguy cơ chảy máu cao hơn.
Tiểu cầu là những tế bào nhỏ nhưng quan trọng trong máu giúp cơ thể bạn kiểm soát chảy máu. Nếu có các triệu chứng như dễ bị bầm tím, vết thương chảy máu không cầm được hoặc chảy máu mũi thường xuyên, bạn cần đến khám bác sĩ sớm. Xét nghiệm máu thường quy là xét nghiệm đơn giản và phổ biến giúp kiểm tra số lượng tiểu cầu của bạn có bình thường không.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Thrombocytopenia (low platelet count)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thrombocytopenia/symptoms-causes/syc-20378293
Ngày tham khảo: 30/07/2020
-
Low Platelet Count (Thrombocytopenia)https://www.healthline.com/health/thrombocytopenia
Ngày tham khảo: 30/07/2020