Tinh dầu diệt rệp và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Rệp – Loài sinh vật nhỏ bé nhưng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Các phương pháp diệt rệp được tìm kiếm khá nhiều nhưng không phải lúc nào cũng an toàn và hiệu quả. Việc sử dụng tinh dầu diệt rệp hiện nay khá được ưa chuộng. Tuy nhiên hiệu quả cũng như độ an toàn của chúng như thế nào? Loại tinh dầu nào thường được sử dụng? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu các vấn đề về tinh dầu diệt rệp qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu về rệp
Rệp là loài côn trùng có kích thước rất nhỏ, thường khoảng 5mm. Chúng có màu nâu, hình bầu dục hoặc hình tròn. Rệp di chuyển nhanh và sinh sản với tốc độ chóng mặt. Chúng thường sống trong đồ nội thất, giường chiếu, chăn mền.
Chúng có thể cắn người và động vật để hút máu. Vết cắn của rệp có thể gây ngứa. Nếu không được điều trị, sẽ biến thành phát ban hoặc nhiễm trùng gây đau đớn.
Rệp giường là loài côn trùng gây hại đáng sợ. Một khi rệp xuất hiện, chúng có thể khó loại bỏ. Phương pháp diệt rệp phổ biến nhất là hóa chất diệt côn trùng được xịt vào khu vực bị ảnh hưởng.1 Các phương pháp điều trị vết cắn thường chỉ giới hạn ở các loại kem sát trùng và kem kháng histamine.
Không phải các thành phần trong phương pháp điều trị rệp truyền thống đều khiến mọi người dễ chịu. Tinh dầu chiết xuất từ thực vật đã trở thành phương pháp điều trị thay thế phổ biến cho vết cắn và sự xâm nhập của rệp.
Một số nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng một số loại tinh dầu nhất định có thể là phương pháp điều trị rệp thay thế hiệu quả và chấp nhận được.2
Làm thế nào để phát hiện bạn bị rệp cắn?
Dấu hiệu xuất hiện rõ nhất có thể nhận thấy là những vết mẩn đỏ trên da tương tự như muỗi đốt. Không giống nốt muỗi đốt, vết cắn của rệp thường sưng và lan rộng hơn. Có thể xuất hiện theo từng hàng và gây cảm giác ngứa rát. Đồng thời, kiểm tra các chỗ như: sofa, rèm cửa, giường ngủ, tủ quần áo,… để phát hiện ra nơi trú ẩn của rệp. Những vết sẫm màu là phân rệp khô có thể tìm thấy dọc theo đường khâu trên nệm hoặc bất cứ nơi nào có rệp trú ngụ. Nơi trú ẩn của rệp có thể nghe mùi quả mâm xôi thối rữa hoặc mùi máu khô.
Tác dụng của tinh dầu diệt rệp
Một số loại tinh dầu nhất định có thể ngăn rệp sống và đẻ trứng trên giường, thảm, quần áo… Các thành phần thực vật trong tinh dầu có thể làm tê liệt thần kinh của rệp.2
Một số loại tinh dầu được chứng minh có khả năng chữa lành phát ban và kích ứng da do rệp cắn. Nhiều loại có đặc tính kháng khuẩn và khử trùng.
Các loại tinh dầu diệt rệp phổ biến
Tinh dầu cỏ xạ hương
Thymol là hợp chất hoạt động chính trong tinh dầu cỏ xạ hương. Chất này được sử dụng trong nhiều năm như một loại thuốc xua đuổi côn trùng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mùi hương của cỏ xạ hương áp đảo hệ thần kinh của rệp. Điều này khiến thymol là thành phần đầy hứa hẹn cho các loại thuốc xua đuổi rệp.3
Tinh dầu sả
Tinh dầu sả từ lâu được xem là chất đuổi muỗi phổ biến. Nó cũng được dùng trên khắp thế giới như một phương pháp điều trị nấm và chữa lành vết thương. Một số nghiên cứu cho thấy tinh dầu sả có thể áp dụng để diệt rệp.4
Một số hoạt chất chiết xuất từ tinh dầu có khả năng diệt rệp
Geraniol
Geraniol là một terpene có trong tinh dầu của các cây có mùi thơm như sả, cọ và hoa hồng.
Geraniol là một trong những chất cho thấy hiệu quả xua đuổi gián và cũng có thể hoạt động để xua đuổi rệp.5
Nghiên cứu năm 2014 so sánh một sản phẩm điều trị có chứa geraniol với một loại thuốc diệt rệp truyền thống. Kết quả cho thấy không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa hai sản phẩm về mặt hiệu quả hơn.6
Eugenol
Eugenol là một hợp chất phenol có nguồn gốc từ các loại tinh dầu khác nhau. Eugenol có thể chiết xuất từ cây đinh hương. Một nghiên cứu năm 2020 cho rằng việc cho rệp tiếp xúc với hợp chất chứa eugenol đã dẫn đến một số con rệp chết.7
Carvacrol
Carvacrol được tìm thấy trong tinh dầu có nguồn gốc từ một số loại thực vật. Như trong lá kinh giới cay.
Một nghiên cứu năm 2019, cho thấy carvacrol có hiệu quả rõ rệt trong số 14 loại tinh dầu khác khi thử nghiệm để diệt rệp. Nói cách khác, nghiên cứu cho thấy carvacrol có đặc tính xua đuổi rệp mà không giết chết chúng.8
Một số loại tinh dầu giúp làm dịu vết cắn của rệp
Tinh dầu bạc hà
Tinh dầu này có đặc tính chống côn trùng ngoài ra còn mang lại cảm giác mát lạnh khi sử dụng.
Tinh dầu hoa oải hương
Có khả năng làm dịu và chữa lành vết cắn của rệp.
Tinh dầu cây trà
Có đặc tính sát trùng và làm dịu vết cắn của rệp.
Tinh dầu hương thảo
Có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đồng thời làm dịu mẩn đỏ và ngứa.
Cách sử dụng tinh dầu diệt rệp
Diệt rệp bằng tinh dầu với pha rượu hoặc cồn
Pha khoảng 20 – 30 giọt tinh dầu vào trong 100 ml rượu trắng hoặc cồn. Cho hỗn hợp trên vào bình xịt, lắc đều trước khi dùng. Có thể xịt lên giường, gối, nệm,… 2 lần mỗi ngày hoặc trước khi đi ngủ 1 giờ. Những tinh dầu này không chỉ đuổi côn trùng, rệp mà còn khử trùng giường chiếu. Chúng bay hơi khá nhanh, an toàn với trẻ nhỏ.
Diệt rệp bằng cách pha tinh dầu vào nước xả đồ
Vệ sinh nơi ở bằng cách giặt drap trải giường. Dùng tinh dầu cho ngay vào nước xả cuối cùng khi tiến hành giặt drap giường, quần áo, vỏ gối, …Điều này sẽ giúp vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà làm cho sợi vải có mùi thơm tinh dầu dễ chịu.
Sử dụng tinh dầu xông phòng để xua đuổi rệp
Sử dụng máy xông tinh dầu, đèn đốt tinh dầu hoặc các dụng cụ khuếch tán tinh dầu để diệt rệp.
Mặc dù, tinh dầu được xem là phương pháp giúp tiêu diệt rệp một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với tốc độ sinh sản nhanh chóng của rệp. Nếu chỉ áp dụng duy nhất cách diệt rệp bằng tinh dầu thì chưa đủ để loại bỏ chúng một cách hoàn toàn. Thay vào đó, chúng ta phải giữ cho các khu vực phòng ngủ sạch sẽ bằng cách:
- Thay drap giường thường xuyên, vệ sinh nệm.
- Vệ sinh các ghế sofa, giặt sạch quần áo, chăn mền… để phòng ngừa chúng tấn công.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu diệt rệp
Một số loại tinh dầu có thể gây kích ứng cho người sử dụng khi tiếp xúc hoặc ngửi phải. Do đó, cần lưu ý khi dùng những loại tinh dầu này. Bằng cách test thử trên vùng nhỏ của da trước khi sử dụng trên phạm vi rộng.
Cần liên hệ ngay với bác sĩ nêu gặp phải các dấu hiệu của tình trạng dị ứng như:
- Nổi mể đay.
- Ban đỏ.
- Khó thở.
- Các triệu chứng bất thường khác.
Tinh dầu diệt rệp đã góp phần không nhỏ vào ngành công nghiêp diệt côn trùng. Nhờ đó giúp tạo những sản phẩm diệt rệp khá an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi sử dụng cho đối tượng có cơ địa dị ứng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bed Bugs FAQshttps://www.cdc.gov/parasites/bedbugs/faqs.html
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Do Any Essential Oils Repel or Kill Bedbugs, or Treat Bites?https://www.healthline.com/health/bed-bug-essential-oil
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Toxicity and neurophysiological impacts of plant essential oil components on bed bugs (Cimicidae: Hemiptera)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6408565/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Behavioral Responses of the Common Bed Bug to Essential Oil Constituentshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7926421/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Insecticidal Properties of Essential Oils and Some of Their Constituents on the Turkestan Cockroachhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28334192/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Efficacy of an Essential Oil-Based Pesticide for Controlling Bed Bug (Cimex lectularius) Infestations in Apartment Buildingshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4592615/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Synergistic Toxicity Interactions between Plant Essential Oil Components against the Common Bed Bug (Cimex lectularius L.)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7074276/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Toxicity and neurophysiological impacts of plant essential oil components on bed bugs (Cimicidae: Hemiptera)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6408565/
Ngày tham khảo: 18/09/2022