Tinh dầu hồi và những lợi ích thú vị cho sức khỏe
Nội dung bài viết
Tinh dầu hồi là một trong chiết xuất thực vật được ưa chuộng trên khắp thế giới. Người tiêu dùng yêu thích chúng không chỉ bởi hương thơm độc đáo mà con những lợi ích mang lại cho sức khỏe con người. Dưới đây, Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ cùng quý độc giả khám phá sâu hơn về tinh dầu thiên nhiên này cũng như cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả.
Đôi nét về cây đại hồi
Hồi (Illicium verum) là thực vật thân gỗ thuộc chi Illicicum L., họ Hồi Illiciaceae. Theo tài liệu, thực vật có nguồn gốc từ phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Hiện nay, hai khu vực này còn là nơi cung cấp lượng tinh dầu hồi dồi dào cho thế giới.1
Trải qua thời gian, quần thể hồi phân bố khắp nơi, tập trung nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc Mỹ…1
Ở nước ta, hồi là một trong những đặc sản quý, thường gặp ở vùng núi thấp tại Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh… với đa dạng tên gọi như hồi sao, đại hồi, bát giác hồi hương…1
Cây hồi có sức sống và sinh trưởng mạnh mẽ. Gieo giống bằng hạt và thường thu hoạch vào khoảng tháng 7-9 đến tháng 11-12 hằng năm, khi quả hồi từ màu xanh chuyển sang vàng mơ.1
Bộ phận dùng làm dược liệu thường là quả hồi (hay dân gian còn gọi là hoa hồi).
Ngoài ra, hầu hết bộ phận của hồi đều chứa lượng tinh dầu dồi dào như lá, hạt, quả, hoa…1
Tinh dầu hồi hay tinh dầu hoa hồi là gì?
Thông tin chung
Theo Dược điển Trung Quốc 1997, có thể chiết xuất tinh dầu từ cành, lá tươi hoặc quả (hoa) hồi. Trong đó tinh dầu từ quả chiếm lượng dồi dào hơn cả.1
Theo đó, hàm lượng tinh dầu trong quả sẽ có sự khác biệt đôi chút theo từng trạng thái của thảo dược:2
- Quả hồi tươi đạt 3 – 3,5%.
- Còn quả hồi khô đạt 8-13%.
Thông qua quá trình chưng cất hơi nước, thu được tinh dầu hồi có đặc trưng cơ bản gồm:1 2 3
- Chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, trong suốt.
- Mùi hồi đặc trưng ấm, cay nồng nhẹ nhàng.
- Thành phần gồm:
- Linalool, estragol, terpincol, cis-anethol, trans-anethol, pinene, limonene, acid shikimic, flavonoid…
- Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tinh dầu này cần đạt nồng độ trans-anethole ≥95% và cis-anethole <0,5%.
Bên cạnh đó, tinh dầu lá hồi cũng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đạt kết quả như:1
- Lá hồi tươi chứa 0,23% tinh dầu, tập trung ở cuống lá.
- Thành phần nổi bật gồm anethol 82,5%, chủ yếu là trans-anethol.
Ứng dụng trong thực tế:
- Làm đẹp, mỹ phẩm, nước hoa.
- Chăm sóc sức khỏe: kem đánh răng, xà phòng, dưỡng da, nước súc miệng.
- Gia vị ẩm thực.
- Liệu pháp hương thơm.
Đã có báo cáo ghi nhận hoa hồi Nhật Bản có thể gây ra phản ứng thần kinh nghiêm trọng. Chẳng hạn buồn nôn, nôn, co giật, ảo giác,… Điều này được xác định nguyên nhân bước đầu là do ô nhiễm.3
Do đó, nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của gia vị hay tinh dầu hồi mà bạn mua, nhằm đảm bảo độ nguyên chất và xuất xứ rõ ràng.
Bảo quản
- Bảo quản tinh dầu hồi vào lọ nhỏ kín, đặt nơi thoáng mát và đậy nắp kỹ sau khi dùng.
- Không nên sử dụng dung dịch tinh dầu thiên nhiên bị nấm mốc hoặc có mùi lạ, bị ôi thiu.
Tinh dầu hồi có lợi ích gì đối với sức khỏe?
Tinh dầu của cây này đã được chứng minh trong các nghiên cứu với nhiều công dụng dược lý. Các hoạt tính y học thể hiện qua tinh dầu thiên nhiên này bao gồm:
Kháng khuẩn
Hoa hồi đã được quan sát là có chất lượng tuyệt vời đặc tính kháng khuẩn. Trong đó, trans-anethol là một nguyên tố chính của cây hồi có tác dụng chống ký sinh trùng, đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm.4
Tinh dầu hoa hồi được thử nghiệm với phương pháp khuếch tán trên môi trường đặc, có tác dụng ức chế sự phát triển của chủng vi khuẩn và nấm như:1
- Trực khuẩn subtilis.
- Candida albicans.
- Salmonnella typhi.
- Tụ cầu khuẩn vàng.
Kháng nấm
Tinh dầu này giàu hợp chất kháng nấm như:3
- Nghiên cứu trong ống nghiệm ghi nhận các chất terpene, linalool…có thể ngăn hình thành màng sinh học và thành tế bào của nấm lây nhiễm ở người.
- Chất trans-anethole ức chế phát triển của nấm gây bệnh trong một số loài cây ăn trái.
Thế nhưng, nghiên cứu thêm là cần thiết để hiểu rõ hơn về các ứng dụng của cây hồi nói chung và tinh dầu hồi nói riêng trong điều trị nhiễm nấm ở người.
Chống virus3
Một trong những thuộc tính dược lý phổ biến nhất của hoa hồi là hàm lượng axit shikimic của nó. Hợp chất này có khả năng kháng virus mạnh mẽ, được ứng dụng trong phát triển một số sản phẩm dược phẩm trị cảm cúm, lợi hô hấp…
Hơn thế, có nghiên cứu trong ống nghiệm cũng đã chỉ ra, tinh dầu của cây hồi có thể điều trị các loại nhiễm vi rút khác, bao gồm cả herpes simplex loại 1. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu thêm về tiềm năng của thực vật trong việc điều trị các bệnh nhiễm vi rút khác ở người.
Liệu pháp hương thơm
Tương tự như những chiết xuất bay hơi khác, với hương thơm đặc trưng từ thảo dược, tinh dầu hồi có thể được sử dụng trong liệu pháp mùi hương. Điều này không chỉ mang lại hương thơm ấn tượng mà còn có lợi ích cho sức khỏe như kháng khuẩn, chống oxy hóa, thanh lọc không khí, thư giãn tinh thần…
Chống oxy hóa
Người ta đã chứng minh rằng tinh dầu hồi có khả năng loại bỏ các gốc tự do, ức chế quá trình peroxy hóa lipid và ức chế sự biến tính của protein. Những điều này đều có liên quan đến đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của chúng.5
Bên cạnh lợi ích kể trên, theo tài liệu nước ngoài tinh dầu này còn có tác dụng:1
- Kích thích và tăng cường nhu động ruột hoạt động.
- Hạn chế tăng tiết dịch đường hô hấp.
- Lợi tiêu hóa, chữa đau bụng.
- Dùng làm thuốc khử đờm.
Gợi ý sử dụng tinh dầu hồi đơn giản
Xông hơi
Đây là một trong những cách sử dụng tinh dầu để tận dụng khả năng kháng khuẩn, chống virus…Thao tác này sẽ đưa hơi nước vào đường hô hấp giúp dịu hơi thở và phá vỡ tắc nghẽn.
Tuy nhiên, cần lưu ý về liều lượng xông và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Sản phẩm chăm sóc cơ thể
Nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu kết hợp hương thơm này vào sản phẩm của họ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng, mà không gây độc tính hay kích ứng. Những sản phẩm thường gặp như xà phòng, nến thơm, sáp thơm,…
Khuếch tán
Tinh dầu hồi khi được lan tỏa trong không gian rộng, xung quanh phòng, căn nhà… sẽ tạo môi trường thư giãn, thoải mái cho gia chủ.
Dùng ngoài da
Khuyến khích pha loãng tinh dầu hồi với chất nền như dầu dừa, dầu jojoba… trước khi xoa bóp chúng lên các khu vực trên cơ thể. Hoặc hoàn tan vài giọt tinh dầu với nước sạch rồi xịt vào các vị trí, vật dụng muốn lưu trữ hương thơm như túi vải, gối, quần áo,…
Thực tế, bạn hoàn toàn có thể sử dụng duy nhất tinh dầu hoa hồi hoặc kết hợp chúng với một số loại tinh dầu khác tùy theo sở thích cá nhân. Vài sự gợi ý cho bạn như:
- Tinh dầu hoàng đàn (cedarwood essentail oil).
- Tinh dầu tiêu đen (black pepper essentail oil).
- Tinh dầu thông (pine essentail oil).
- Tinh dầu cam ngọt (sweet orage essentail oil).
Lưu ý gì khi sử dụng tinh dầu hồi?
Là chiết xuất thiên nhiên với các hợp chất bay hơi, dù mang lại lợi ích đa dạng nhưng một số đối tượng sau đây không khuyến khích sử dụng tinh dầu thiên nhiên này:
- Trẻ nhỏ.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Người từng dị ứng với bất kỳ thành phần của dược liệu hay tinh dầu hồi.
Khi gặp triệu chứng khó chịu như nôn, buồn nôn, kích ứng da… nên ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khuyến khích kiểm tra tinh dầu hồi trên vùng da nhỏ trước khi tiếp xúc rộng hơn. Đặc biệt tránh khu vực nhạy cảm như niêm mạc, mắt, mũi trong…
Không uống trực tiếp và sử dụng với liều lượng quá nhiều, vì sẽ gây ra rủi ro không mong muốn đối với sức khỏe.
Bởi các báo cáo về tương tác giữa tinh dầu hồi và thuốc vẫn chưa đầy đủ và hoàn thiện. Vì vậy, khi muốn dùng tinh dầu này với mục đích điều trị hay dùng chung với các dược phẩm khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Điều quan trọng là tinh dầu hoa hồi là một biện pháp hỗ trợ cho sức khỏe và hoàn toàn không thay thế các phương pháp điều trị hay thuốc trị liệu.
Có thể nói rằng, đại hồi là thảo dược có rất nhiều tiềm năng về mặt tinh dầu, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác triệt để. Hi vọng trong tương lai sẽ có thêm đa dạng nghiên cứu sâu và chi tiết hơn về tinh dầu hồi thiên nhiên này nhằm ứng dụng hiệu quả hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Phần 1, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam tập 2. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 988.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=988.
-
Nghiên cứu mô phỏng tháp chưng luyện gián đoạn chân không tinh chế tinh dầu hồihttps://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-mo-phong-thap-chung-luyen-gian-doan-chan-khong-tinh-che-tinh-dau-hoi-68524.htm
Ngày tham khảo: 06/08/2022
-
Star Anise: Benefits, Uses and Potential Riskshttps://www.healthline.com/nutrition/star-anise
Ngày tham khảo: 06/08/2022
-
Star Anise: A review on benefits, biological activities and potential useshttp://www.iscientific.org/wp-content/uploads/2019/10/13-IJCBS-18-14-13-1.pdf
Ngày tham khảo: 06/08/2022
-
Star anise (Illicium verum Hook. f.) essential oil: Antioxidant properties and antibacterial activity against Acinetobacter baumanniihttps://doi.org/10.1002/ffj.3498
Ngày tham khảo: 06/08/2022