YouMed

Tinh dầu húng chanh: công dụng, lưu ý và cách làm

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Húng chanh là loại cây có khả năng chữa bệnh và giá trị dinh dưỡng, được đánh giá cao trong ngành dược phẩm. Bên cạnh đó, húng chanh có khả năng cho một lượng lớn tinh dầu. Vậy tinh dầu húng chanh có những lợi ích gì với con người. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin đến quý bạn đọc.

Tinh dầu húng chanh là gì?

Tên khoa học của húng chanhColeus aromaticus Benth (Coleus crassifolius Benth) hoặc Coleus amboinicus Lour. Loài dược liệu này thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).1

Lá và thân cây húng chanh sau khi thu hái về, được sơ chế, rửa sạch. Sau đó, dùng phương pháp chưng cất hydro (hydro distillation) trong vòng khoảng 3 – 4 giờ, thu được tinh dầu. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp khác như chưng cất hơi nước.

Tinh dầu thu được có màu vàng, trong suốt, thơm mùi đặc trưng của húng chanh.2

Húng chanh là loài cây thân quen với mọi nhà
Húng chanh là loài cây thân quen với mọi nhà

Tinh dầu thu được từ lá và thân cây húng chanh chứa lượng lớn hai hợp chất phenolic chính, đó là carvacrol và thymol. Đây là 2 chất được đánh giá cao về mặt dược lý. Cụ thể thành phần như sau: terpinolene, α-pinen, β-pinen, β-caryophyllene, metyl eugenol, thymol, 1, 8-cineole, carvacrol và β-phellandrene.

Ngoài ra, tinh dầu húng từ chanh rất giàu monoterpen oxy hóa, hydrocacbon monoterpene, hydrocacbon sesquiterpene và sesquiterpenes oxy hóa.

Thành phần hóa học của tinh dầu phụ thuộc vào vị trí địa lý, cách chiết xuất, bộ phận cây thu hái, yếu tố môi trường và các mùa khác nhau. Hàm lượng tinh dầu ở cây thu hoạch vào tháng 9 cao hơn so với tháng khác.2

Tinh dầu húng chanh có tác dụng gì?

Húng chanh được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để điều trị các bệnh thông thường. Ví dụ như cảm lạnh, hen suyễn, táo bón, nhức đầu, ho, sốt và các bệnh ngoài da. Lá của cây thường được ăn sống hoặc làm rau thơm gia vị.1

Khả năng kháng vi sinh vật của tinh dầu húng chanh

Các hợp chất phytochemical trong thực vật họ nhà Lamiaceae (điển hình là húng chanh) có khả năng chống lại nhiều loại vi khuẩn, nấm men và nấm mốc. Tuy nhiên, tùy vào thành phần hoạt tính sinh học mà khác nhau về số lượng và chất lượng.2 3

Kháng vi khuẩn2 3

Ở Cuba, người ta sử dụng húng chanh trong ho mạn tính hoặc sau lao phổi. Họ nhận thấy húng chanh có thể kháng vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.

Một thí nghiệm cho thấy tinh dầu từ húng chanh ức chế nhóm vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli, Salmonella. Đồng thời, nó cũng giúp tăng lợi khuẩn đường ruột Lactobacillus plantarum.

Nghiên cứu cũng chứng minh các vết thương ở người bệnh đái tháo đường rất lâu lành và các vi khuẩn khó điều trị. Các vi khuẩn thường gặp là E. coli, S. aureus, P. mirabilis, P. aeruginosa và K. pneumonia. Tinh dầu chiết xuất từ húng chanh có khả năng ức chế những vi khuẩn này và giúp mau lành vết thương.

Tinh dầu của húng chanh có tác dụng hiệp đồng khi kết hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycosid. Nó giúp tăng hoạt động của kháng sinh đối với các chủng vi khuẩn kháng thuốc, làm vỡ màng tế bào của vi khuẩn.

Tinh dầu húng chanh có khả năng kháng khuẩn
Tinh dầu lá húng chanh có khả năng kháng khuẩn

Kháng vi nấm2 3

Tinh dầu từ húng chanh tác dụng hiệp đồng với itraconazole chống lại vi nấm C. albicans, C. Tropicalis, C. krusei và C. stellatoidea.

Trong một nghiên cứu khác, hoạt tính chống nấm của tinh dầu húng chanh đã được chứng minh hiệu quả với các loại nấm khác nhau. Trong đó, với 10 µL tinh dầu từ húng chanh đã ức chế hơn 60% nấm Aspergillus ochraceus, Aspergillus niger và Penicillium sp.

Hiện nay, các nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm của tinh dầu này vẫn còn khan hiếm. Chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh điều này.

Đối với các bệnh đường hô hấp2

Lá húng chanh thường dùng trong điều trị ho mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản và đau họng ở Ấn Độ và các đảo Caribe.

Ở miền Đông Cuba, tinh dầu húng chanh được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn. Đồng thời, tinh dầu này làm giảm nhiễm trùng, làm loãng đờm trong đường thở. Khả năng này là do có một lượng lớn Carvacrol và Thymol được tìm thấy trong tinh dầu này. Chúng là hợp chất giúp long đờm hiệu quả và được sử dụng để điều trị các bệnh về hô hấp khác nhau.

Tinh dầu từ húng chanh là thành phần của thuốc ho tự nhiên
Tinh dầu từ húng chanh là thành phần của thuốc ho tự nhiên

Các bệnh về da2

Lá húng chanh đã được dùng trong y học ở Brazil, Ấn Độ dùng để chữa dị ứng ngoài da, giúp vết thương loét nhanh lành.

Tinh dầu từ húng chanh có thể ức chế sự phát triển của nấm gây gàu Malassezia furfur. Hiệu quả này tương đương với dầu gội đầu có chứa Ketaconazole.

Hoạt động chống oxy hóa2 3

Tinh dầu húng chanh có khả năng chống oxy hóa mạnh, do chứa các hợp chất phytochemical như Carvocrol và Thymol. Chất chống oxy hóa tăng rõ rệt ở những con chuột được uống tinh dầu từ húng chanh. Không có bất kỳ tác dụng phụ nào trên mô hình động vật.

Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng này.

Bệnh răng miệng2

Sâu răng và bệnh nha chu đang được sức khỏe cộng đồng đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng đến một bộ phận lớn người dân. Tinh dầu húng chanh giàu carvacrol đã cho thấy hiệu quả khi dùng kết hợp với nước súc miệng để tránh vi khuẩn phát triển trong khoang miệng. Đây là một phương pháp điều trị thay thế cho các bệnh liên quan đến răng miệng.

Tiềm năng diệt côn trùng2

Muỗi có khả năng mang và truyền bệnh cho người và động vật qua các quốc gia. Hàng năm gây ra hàng trăm triệu ca bệnh lâm sàng và hàng triệu ca tử vong. Người ta nhận thấy khả năng của tinh dầu húng chanh có thể ức chế nhiều loài muỗi khác nhau.

Cụ thể, tinh dầu này được nghiên cứu là có khả năng ức chế

Đây là biện pháp kiểm soát sinh học tuy chậm nhưng là giải pháp thay thế lâu dài, có lợi ích kinh tế và vô hại đối với hệ sinh thái.

Cách sử dụng tinh dầu húng chanh

Cách dùng tại nhà

Có nhiều cách để chúng ta có thể sử dụng loại tinh dầu này:

1. Liệu pháp hương thơm

Tinh dầu từ húng chanh khuếch tán trong không khí làm trong lành, diệt khuẩn, và đuổi được những loại côn trùng khó chịu. Bạn nên pha loãng từ 10 – 15 giọt tinh dầu mỗi 30 ml nước vào máy khuếch tán hoặc bình xịt.2

Lưu ý: bạn cần đảm bảo không gian ở được thông gió tốt. Không sử dụng bình xịt nhựa vì tinh dầu phân hủy nhựa theo thời gian.

2. Dùng ngoài da

Tinh dầu từ húng chanh pha loãng cũng có thể được sử dụng để bôi ngoài da. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng như ho, suyễn, đờm do cảm lạnh.

Bạn nên làm hỗn hợp dầu xoa bằng cách pha loãng 1 – 2 giọt tinh dầu với dầu nền. Sau đó có thể xoa toàn thân, chú trọng vào vùng ngực, bụng, bàn chân. Vào mùa đông hoặc thời tiết chuyển mùa có thể thêm hỗn hợp dầu trên vào nước ấm để tắm.2

Tất nhiên, bạn cũng có thể sử dụng cây húng chanh tươi với những công dụng đã kể trên.1

Các dạng chế phẩm hiện có

Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy trên thị trường các dạng chế phẩm từ tinh dầu húng chanh khác nhau. Có thể kể đến như thuốc ho – siro ho, nước súc miệng, chai xịt họng, dầu gội đầu, xịt vết côn trùng cắn… 2

Hạn chế của tinh dầu húng chanh

Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào về tính an toàn cho con người khi dùng tinh dầu húng chanh. Mặc dù nó được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian.2

Trên một số nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú cần cẩn trọng khi sử dụng tinh dầu này. Khi sử dụng, bạn nên chọn tinh dầu đã qua bào chế thành dạng dược phẩm chuyên biệt cho bôi ngoài, đường uống,… Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng tinh dầu.2

Có thể làm tinh dầu tại nhà không?

Hiện nay, nhiều người nhầm lẫn giữa việc nấu húng chanh trong nước với chưng cất tinh dầu từ húng chanh. Chưng cất tinh dầu cần có những dụng cụ, công đoạn thực hành và lưu ý phức tạp mới thu được tinh dầu. Thay vào đó, bạn có thể giã húng chanh tươi, vắt lấy nước để sử dụng hoặc nấu lá trong thời gian ngắn để tránh bay mất tinh dầu.

Húng chanh và tinh dầu húng chanh là một loại dược liệu quan trọng với sức khỏe con người. Có thể khẳng định rằng tinh dầu từ húng chanh có triển vọng to lớn trong tương lai. Đặc biệt là hiệu quả về chi phí thấp hơn, an toàn hơn trong các ngành công nghiệp dược phẩm và dinh dưỡng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi, 2004. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản y học. Trang 708 – 709.

  2. Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng: Botanical, Phytochemical, Pharmacological and Nutritional Significancehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6274163/

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  3. Coleus aromaticus: a therapeutic herb with multiple potentialshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5052183/

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người