Tinh dầu trị thâm môi – Những thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Thâm môi là tình trạng có thể gặp ở nhiều người do các nguyên nhân khác nhau gây nên. Với xu hướng hiện nay dùng các phương pháp từ thiên nhiên an toàn, hiệu quả, không tác dụng phụ thì tinh dầu trị thâm môi ngày càng được biết đến. Tuy vậy, tinh dầu nào giúp trị thâm môi, cách thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao? Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên cập nhật các thông tin liên quan qua bài viết dưới đây.
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng thâm môi
Thâm môi hay sạm môi có thể là kết quả của tình trạng tăng sắc tố. Lượng melanin dư thừa làm môi có màu sậm hơn. Tăng sắc tố môi có thể do các nguyên nhân như:
Tăng sắc tố da do thói quen, yếu tố khách quan
1. Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong một thời gian kéo dài
Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ kích hoạt cơ thể tạo ra hắc tố để hấp thụ tia cực tím. Điều này sẽ giúp bảo vệ da khỏi một số tác hại mà ánh nắng mặt trời gây ra. Nó cũng khiến da bị rám nắng.
2. Uống ít nước hoặc ăn ít rau xanh, củ quả.
3. Hút nhiều thuốc lá nhiều.
Nicotine và benzpyrene trong khói thuốc có thể kích thích sản xuất hắc tố melanin trên da. Điều này có thể khiến da môi thâm, xỉn màu. Chúng xảy ra dần dần theo thời gian.1
4. Sử dụng cà phê trong thời gian kéo dài.
5. Dị ứng với các loại như son môi, kem dưỡng môi, kem đánh răng…
6. Mút môi thường xuyên.
7. Hóa trị liệu.
8. Mang thai
Một số phụ nữ có thể bị thay đổi màu sắc da khi mang thai. Điều này có thể là do thay đổi nồng độ các hormon trong cơ thể. Các khu vực này có thể bao gồm: Môi, núm vú, trán, má, mũi… Tuy nhiên, các vùng này có thể trở lại bình thường sau sanh.2
9. Tình trạng thiếu máu, thiếu vitamin và khoáng chất.
10. Sử dụng quá nhiều florua.
11. Một số loại thuốc cũng có thể gây tình trạng tăng sắc tố da.
Chúng bao gồm thuốc trị sốt rét và thuốc kháng sinh uống minocycline. Da sẽ trở lại màu sắc bình thường sau khi việc sử dụng thuốc kết thúc. Tuy nhiên, đối với một số người, tình trạng tăng sắc tố da có thể kéo dài.3
Hầu hết các nguyên nhân này có thể giải quyết được bằng việc thay đổi thói quen như:
- Hạn chế sử dụng cà phê, không hút thuốc lá.
- Ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước
- Sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần từ tự nhiên, ít chất bảo quản.
- Bôi kem chống nắng dành cho môi để hạn chế sự tổn thương trước ánh nắng mặt trời.
Tăng sắc tố da do bệnh lý4
Một trong những bệnh được biết đến nhiều nhất gây ra chứng tăng sắc tố là bệnh Addison .
Bệnh có liên quan đến hệ thống miễn dịch khiến tuyến thượng thận không thể tạo ra đủ các hormone thiết yếu. Tình trạng này gây ra các mảng da môi hoặc nướu răng sẫm màu. Các triệu chứng khác bao gồm thiếu năng lượng, suy nhược và trầm cảm…
Nếu môi có vẻ sẫm màu hơn và có tông màu xanh hoặc tím, hoặc cảm thấy khó thở, cần đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu của chứng xanh tím, một tình trạng do thiếu oxy trong máu.
Hiệu quả của tinh dầu trong việc trị thâm môi
Tinh dầu hoặc các loại kem dưỡng môi cũng chỉ là giải pháp giúp khắc phục tình trạng đang gặp phải của môi. Việc quá thần thánh hóa tinh dầu có thể gây cảm giác hụt hẫng ở nhiều người dùng. Khi mà việc sử dụng không quá mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện nay, các nghiên cứu về hiệu quả của tinh dầu đối với tình trạng thâm môi còn khá ít. Vấn đề sử dụng tinh dầu trong điều trị thâm môi cũng cần có sự kiên trì thực hiện. Hiệu quả được tính bằng thời gian dùng. Không nên nóng vội khi thấy mới sử dụng một ít mà chưa có tác dụng rồi bỏ. Bởi các loại tinh dầu chỉ có tác động một phần nào, giúp loại bỏ sắc tố melanin với lượng nhỏ. Không thể mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng ngay.
Nếu bạn không có bất cứ vấn đề dị ứng với tinh dầu, thì việc sử dụng chúng khá an toàn so với các phương pháp khác. Hiện nay, các sản phẩm sử dụng như son môi, kem dưỡng môi không rõ nguồn gốc khá nguy hiểm. Chúng có thể làm cho tình trạng môi của bạn thêm trầm trọng. Hoặc các phương pháp như xăm, phun môi có thể gây những hậu quả khó lường nếu bạn thực hiện tại những cơ sở không có uy tín.
Những người bị thâm môi do cơ địa, bẩm sinh hoặc bị lâu năm, sẽ khó lấy lại vẻ tươi trẻ, quyến rũ, hồng hào cho đôi môi ngay được.
Một số tinh dầu trị thâm môi hiệu quả
Môi thâm làm gương mặt trông kém sắc, thiếu sinh khí và ảnh hưởng đến công việc giao tiếp hàng ngày. Việc sử dụng son môi hay các phương pháp xăm môi chỉ là giải pháp tạm thời nhưng không mang lại sức khỏe thật sự cho da môi. Hơn nữa, các phương pháp này còn mang đến các nguy cơ tiềm ẩn như: khả năng nhiễm độc chì hoặc các chất độc hại khác khiến đôi môi ngày càng thâm hơn.
Sau đây là một số loại tinh dầu có thể giúp bạn cải thiện tình trạng môi bị thâm của mình:4
Tinh dầu quả gấc
Gấc là loại quả chứa nhiều vitamin A, rất tốt cho đôi mắt và trí óc. Ngoài ra các thành phần trong quả gấc còn giúp tăng sinh collagen cho môi. Từ đó, giúp đôi môi căng mọng, mềm mại và hồng hào hơn. Ngoài ra, tinh dầu gấc còn giúp sản sinh những tế bào mới, giúp loại bỏ các sắc tố melanin giúp môi hồng.
Thoa tinh dầu gấc vào tối trước khi ngủ sau đó massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất thấm sâu vào môi. Có thể sử dụng 2 – 3 lần / tuần để khử thâm và cấp ẩm cho đôi môi.
Mát-xa môi bằng dầu hạnh nhân
Xoa bóp dầu hạnh nhân vào môi có thể giúp dưỡng ẩm và tăng cường lưu thông. Các mạch máu trong môi giúp tạo màu và thúc đẩy lưu lượng máu đến khu vực này.
Sử dụng hạnh nhân hoặc dầu dừa chất lượng tốt cũng có thể cải thiện tình trạng khô môi. Nhẹ nhàng thoa dầu vào môi một vài lần mỗi ngày.
Kết hợp tinh dầu bạc hà và mật ong
Dầu dừa, tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng để làm son dưỡng môi tự nhiên. 2 thành phần này không chỉ hỗ trợ cải thiện tình trạng môi thâm mà còn giúp dưỡng ẩm môi.
Tinh dầu hạt cà rốt5
Tinh dầu hạt cà rốt có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm và chống nấm. Những đặc tính này sẽ giúp tránh nứt nẻ ở khóe miệng và nhiễm trùng nấm men trên môi. Từ đó, môi sẽ trở nên khỏe hơn và màu sắc cũng được cải thiện
Trị thâm môi bằng tinh dầu chanh
Tinh dầu chiết xuất từ chanh giúp làm giảm tình trạng thâm xỉn môi hiệu quả. Loại tinh dầu này không chỉ có mùi hương thơm ngát, giúp giải tỏa mệt mỏi mà còn có khả năng khử thâm môi hiệu quả.
Ngoài ra, tinh dầu chanh còn giúp kháng khuẩn, chống viêm và cải thiện sắc tố cho môi. Chanh có thể có một số tác dụng tẩy tế bào chết trên da vì nó có chứa axit xitric. Axit này có thể giúp loại bỏ các tế bào da chết.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chanh có tác dụng làm sáng màu môi thâm. Ngoài ra, vì có tính axit nên chanh có thể gây kích ứng da.
Dầu oliu trị thâm môi
Chiết xuất từ quả oliu là thành phần quan trọng thường có trong các loại mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên. Nhờ hàm lượng vitamin E, chất chống oxy hóa cao và chất béo dồi dào mà dầu oliu có khả năng làm hồng môi hiệu quả.
Có thể dùng 5 ml dầu oliu kết hợp với đường trắng và 1 thìa cà phê mật ong sau đó thoa hỗn hợp vừa tạo thành lên môi để tẩy da chết cho môi. Có thể thực hiện 3 – 4 lần mỗi tuần. Cách làm này không chỉ giúp giảm thâm mà còn làm cho đôi môi thêm căng mọng, mềm mại.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu trị thâm môi
Việc sử dụng tinh dầu trị thâm môi cần kiên trì thực hiện mới mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước khi sử dụng trên môi nên test thử trên da để kiểm tra tình trạng dị ứng với tinh dầu. Các biểu hiện có thể gặp như: sưng, phù, nổi mề đay, ngứa rát… Khi gặp phải tình trạng này, cần ngưng sử dụng ngay và đến gặp bác sĩ nếu diễn tiến nặng hơn.
Ngoài việc sử dụng các liệu pháp tinh dầu, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Uống đủ nước khoảng 2 lít mỗi ngày. Ăn nhiều rau quả xanh tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất. Luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe cho cơ thể phòng tránh bệnh tật.
Tinh dầu là phương thức trị liệu từ thiên nhiên ban tặng có khá nhiều công dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý trên các đối tượng dị ứng với tinh dầu để tránh những rủi ro gặp phải. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin thú vị về tinh dầu trị thâm môi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Interrelationship of Smoking, Lip and Gingival Melanin Pigmentation, and Periodontal Statushttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3905564/
Ngày tham khảo: 03/09/2022
-
Which skin conditions occur during pregnancy?https://www.medicalnewstoday.com/articles/305605#other-conditions
Ngày tham khảo: 03/09/2022
-
What to know about antibioticshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/antimicrobial-resistance-is-not-an-abstract-threat-lurking-in-the-shadows#Steps-to-reduce-the-burden
Ngày tham khảo: 03/09/2022
-
Causes and home remedies for dark lipshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/326104#_noHeaderPrefixedContent
Ngày tham khảo: 03/09/2022
-
Antifungal potential and structure activity relationship of carrot seed constituentshttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jfbc.12971
Ngày tham khảo: 03/09/2022