YouMed

Tip giữ sức khỏe ổn định cho người mắc bệnh mạn tính trong mùa giãn cách

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Đại dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không ít đến đời sống của từng cá thể. Do di chuyển khó khăn cũng như sự quá tải của hệ thống y tế, nhiều người lựa chọn phương pháp tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Song với đối tượng mắc bệnh mạn tính, việc giữ sức khỏe ổn định có thể gặp đôi chút khó khăn nếu không có sự giúp đỡ của bác sĩ. Bài viết sau đây sẽ gợi ý cho bạn đọc một số bệnh nền thường gặp cũng như cách tự kiểm soát bệnh hiệu quả.

Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh mạn tính tương đối phổ biến ở người lớn tuổi. Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỉ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường khá cao, chiếm 8-10%/năm. Thông thường, tình trạng này có thể kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách ổn định và tự theo dõi đường huyết tại nhà

Để giữ đường huyết ổn định, bệnh nhân tiểu đường nên áp dụng những lời khuyên sau:

  • Ăn các thực phẩm chứa hàm lượng đường thấp (dựa trên chỉ số GI) hoặc các thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa.
  • Thu nhỏ khẩu phần ăn.
  • Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút trong 5 – 7 ngày trong tuần.
  • Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thêm hoặc bỏ thuốc.
  • Nên tự theo dõi đường huyết tại nhà 3 – 4 lần/ngày vào các thời điểm trước khi ăn, trước khi đi ngủ hoặc giữa đêm nếu bạn có dấu hiệu hạ đường huyết.

Khi nào cần sự giúp đỡ của bác sĩ?

Ở đa số các trường hợp, đường huyết bệnh nhân sẽ ổn định và có thể trở về bình thường nếu bạn chỉ mắc tiểu đường ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên giữ liên lạc với bác sĩ để được trợ giúp khi cần thiết.

Với những bệnh nhân mắc bệnh lâu năm, nguy cơ gặp phải các biến chứng như suy thận, nhiễm trùng bàn chân là khá cao. Khi gặp khó khăn, đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ qua các ứng dụng công nghệ cũng như tuân thủ quy tắc 5K khi đi khám.

Người mắc đái tháo đường nên được hướng dẫn cách tự đo đường huyết tại nhà

Bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp cũng là vấn đề nan giải với nhiều người. Đây được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do là khởi đầu cho nhiều biến chứng nguy hiểm. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp là rất cao, chiếm phần lớn ở đối tượng trên 40 tuổi. Trong giai đoạn giãn cách, nhiều bệnh nhân không thể đến bệnh viện thường xuyên để kiếm tra. Cách tốt nhất để tự chăm sóc sức khỏe là theo dõi huyết áp tại nhà và uống thuốc theo hướng dẫn.

Bác sĩ gợi ý cách tự đo huyết áp tại nhà

Để kết quả đo được chính xác, bệnh nhân nên tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Không uống đồ uống chứa chất kích thích như trà, cà phê và nên nghỉ ngơi trong 30 phút trước khi đo.
  • Ngồi thẳng lưng, chân chạm đất, đặt máy đo huyết áp trên bàn ngang với ngực.
  • Tay duỗi thẳng, thả lỏng.
  • Đặt vòng quấn của máy đo huyết áp lênt trên nếp gấp của khuỷu tay 2cm.
  • Nên đo 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 phút rồi lấy kết quả trung bình. Khoảng thời gian đo huyết áp nên cố định giữa các ngày.

Điều trị tăng huyết áp bằng liệu pháp thay đổi lối sống

Song song với liệu pháp dùng thuốc, người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh.

  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hạn chế thức ăn mặn, nhiều dầu mỡ.
  • Ưu tiên luộc, hấp thức ăn thay vì xào hay chiên rán.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
  • Tăng cường hoạt động thể lực, trung bình 30 phút từ 5 – 7 ngày/tuần.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trong quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà, bạn hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Cơn tăng huyết áp đột ngột.
  • Có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, chảy máu, hôn mê,…

Đây là những trường hợp cấp cứu, do đó bạn cần đến sự can thiệp của bác sĩ.

Để giữ sức khỏe ổn định, bệnh nhân nên đo huyết áp đều đặn

Bệnh tim mạch khác

Những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch nói chung ngày một tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Theo chuyên gia y tế, bệnh nhân có bệnh tim mạch nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong rất cao (chiếm 10% trong các ca bệnh). Do đó, đây là nhóm đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

Người mắc bệnh tim mạch cần làm gì?

1. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Trong mùa giãn cách, người mắc bệnh tim mạch vẫn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:

  • Hạn chế chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
  • Nên lựa chọn các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu phộng,…
  • Hạn chế ăn thịt đỏ do có chứa nhiều cholesterol.
  • Cắt giảm muối trong khẩu phần ăn.
  • Cân nhắc liều lượng rượu: 1 li/ngày với phụ nữ và 2 li/ngày với đàn ông.
  • Khẩu phần ăn cần đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, tinh bột.

2. Tăng cường vận động thể lực

Cũng tương tự như các bệnh mạn tính khác, tập thể dục cho thấy hiệu quả đáng kể với những bệnh nhân mắc bệnh tim. Do đó, bạn nên cố gắng duy trì tập thể dục đều đặn.

3. Khi nào cần liên hệ bác sĩ?

Bệnh tim mạch là bệnh lý cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Các chuyên gia y tế đưa ra những khuyến nghị sau đây:

  • Kiểm tra thuốc tim mạch đủ dùng trong 2-3 tháng tới.
  • Không tự ngưng dùng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép.
  • Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38.5 độ.
  • Giữ liên lạc với bác sĩ điều trị và trung tâm phòng dịch.
  • Luôn lắng nghe cảnh báo từ cơ thể.

Người có bệnh nền tim mạch thường không có các triệu chứng điển hình khi nhiễm COVID-19. Do đó, nếu bạn cảm thấy khó thở, đau ngực, nhịp tim không đều, đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ qua các ứng dụng. Bạn cũng nên gọi cho trung tâm tư vấn phòng dịch để được sàng lọc trước khi khám.

Với bệnh tim mạch, điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh

Bệnh hen suyễn

Trong thời điểm dịch bệnh, người bệnh hen suyễn khi nhiễm SARS-CoV-2 thường diễn tiến nặng và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo chung như sau:

Điều trị hen suyễn theo hướng dẫn của bác sĩ

  • Dùng thuốc kiểm soát hen (hay thuốc dự phòng).
  • Dùng thuốc cắt cơn khi cần.
  • Nếu các triệu chứng trở nặng, nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
  • Trong trường hợp không gặp được nhân viên y tế, bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc theo đơn, không ngưng điều trị đột ngột dù vẫn khỏe mạnh.

Điều trị hen suyễn tại nhà

Song song với điều trị dùng thuốc, bệnh nhân hen suyễn cần hạn chế tối đa những nguy cơ khởi phát cơn hen. Đồng thời nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng.

1. Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích ứng

Một số yếu tố khiến hen suyễn trở nặng bao gồm:

  • Thay đổi thời tiết.
  • Lông thú nuôi.
  • Nước hoa, nước xả vải hay chất tạo mùi thơm.
  • Phấn hoa.
  • Thức ăn dị ứng.
  • Khói thuốc lá.

Do đó, bạn nên tránh tiếp xúc với các tác nhân này trong thời gian điều trị hen suyễn tại nhà.

2. Duy trì lối sống lành mạnh

Cũng như các bệnh mạn tính khác, bạn nên chú trọng nâng cao sức đề kháng bằng cách duy trì lối sống khỏe mạnh. Bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục đều đặn và kiểm soát căng thẳng. Các bài tập thở được khuyến khích cho bệnh nhân hen suyễn.

>> Xem thêm: Chăm chút cho sức khỏe tinh thần mùa giãn cách

Trong mùa giãn cách, việc tự chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho bản thân là vô cùng cần thiết. Với những đối tượng nhiều bệnh nền, việc giữ sức khỏe ổn định lại càng quan trọng. Bác sĩ khuyên bệnh nhân nên duy trì đơn thuốc hiện có kèm theo xây dựng lối sống khoa học.

Trong trường hợp bệnh trở nặng, bạn hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ hoặc đặt lịch khám qua các ứng dụng để được hỗ trợ tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áphttps://kcb.vn/vanban/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap

    Ngày tham khảo: 14/08/2021

  2. Taking Care of Your Diabetes Every Dayhttps://www.webmd.com/diabetes/taking-care-your-diabetes-every-day#1

    Ngày tham khảo: 14/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người