Trật mắt cá chân (lật sơ mi): Tôi nên làm như thế nào?
Nội dung bài viết
Trật mắt cá chân (Ankle sprain) hay còn gọi là bong gân mắt cá chân (lật sơ mi). Đây là một tổn thương thường gặp nhất ở vùng chi dưới. Đặc biệt là đối với các môn thể thao “vua” như đá bóng, điền kinh. YouMed đã từng đăng một bài chi tiết về bong gân mắt cá chân dưới góc nhìn của một bác sĩ y khoa. Ở bài viết này, Bác sĩ Hồ Đức Việt sẽ hướng dẫn bạn các bước sơ cấp cứu khi bị trật mắt cá chân. Cùng tham khảo để trang bị kiến thức cho mình, bạn nhé!
Trật mắt cá chân là gì?
Thoạt đầu tiên đọc, nhiều người có thể nhầm lẫn với tình trạng trật khớp cổ chân nhưng không phải như vậy. Trật mắt cá chân (ankle sprain) là một tình trạng tổn thương, dãn hoặc đứt (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) các sợi của dây chằng nối các xương (xương chày, xương mác và xương sên) ở khớp cổ chân lại với nhau.
Nguyên nhân gây trật mắt cá chân
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Đây là một tổn thương thường gây ra ra do tai nạn, đặc biệt phổ biến ở các hoạt động thể thao, đi, chạy, nhảy của con người.
Sự vận động – đặc biệt là xoay, và gập – chân là nguyên nhân chính gây tình trạng này. Nguy cơ bị bong gân lớn nhất trong các hoạt động liên quan đến chuyển động sang bên. Chẳng hạn như bóng đá, cầu lông, quần vợt hoặc bóng rổ. Tình trạng này cũng có thể xảy ra trong các hoạt động thường nhật như trượt chân, vấp ngã hoặc bước hụt chân.
Nếu trở lại hoạt động trước khi các dây chằng lành hoàn toàn có thể làm cho chúng tổn thương ở một vị trí kéo dài hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định mắt cá chân mãn tính (CAI), và tăng nguy cơ trật.
Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ trật mắt cá chân:
- Dây chằng yếu hoặc lỏng lẻo – điều này có thể là di truyền hoặc do tác động quá mức lên dây chằng dẫn đến bong gân mắt cá chân lặp đi lặp lại;
- Chạy trên bề mặt không bằng phẳng;
- Giày có hỗ trợ gót chân không đầy đủ;
- Đi giày cao gót.
Tôi nên làm gì khi bị trật mắt cá chân?
Nhiều người không chú trọng đến vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta có thể sơ cứu đúng cách, kịp thời, sẽ đem lại hiệu quả khác biệt đấy. Việc này có thể thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như giảm các triệu chứng.
Câu thần chú cho sơ cứu trật mắt cá chân là: R.I.C.E = Rest – Ice – Compression – Elevation.
Rest – Nghỉ ngơi
Khi bị trật mắt cá chân, nên cho khớp cổ chân được nghỉ ngơi, trong 48 – 72 giờ đầu ở tư thế thoải mái nhất.
Không nên đè lực lên chân này, bạn có thể sử dụng nạng để đi lại xung quanh.
Ice – Chườm đá tích cực
Dùng túi chườm lạnh chuyên dụng hoặc dùng đá cục – bọc một lớp khăn, chườm trực tiếp lên vùng sưng nề.
Bạn cần chườm 15 – 20 phút/lần, 4 – 8 lần/ngày, đặc biệt trong 48 giờ đầu hoặc cho tới khi tình trạng sưng được cải thiện. Nên tránh không chườm đá quá lâu vì khi quá lạnh, lại có thể gây thêm tổn thương mô mềm.
Compression – Quấn băng
Quấn băng thun vùng khớp bị đau.
Đảm bảo rằng áp lực vừa phải, không làm chậm lưu thông máu đến ngón chân.
Nếu bạn thấy đau, hãy gỡ ra và băng lại với một lực nhẹ hơn.
Elevation – Nâng chân cao lên
Khi trật mắt cá chân, bất kỳ khi nào có thể, đưa chân bị đau lên cao hơn tim trong 24-48 giờ đầu. Nếu ngồi thì gác chân lên, nằm ngủ thì đặt chân lên vài cái gối đặt ở cuối giường. Điều này sẽ giúp giảm sưng.
Trong thời gian chờ tự phục hồi, bạn có thể uống thuốc giảm đau khi cần (paracetamol hoặc ibuprofen).
Khi nào thì tôi nên đến gặp bác sĩ?
Sau 2 – 3 ngày bạn bị trật mắt cá chân và làm theo chỉ dẫn trên nhưng không thấy cải thiện. Hãy đến gặp bác sĩ.
Nếu bạn tham gia các môn thể thao thường xuyên, bạn nên đi khám vật lý trị liệu hoặc các nhân viên y tế chuyên về lĩnh vực thể thao. Họ sẽ hỗ trợ các bài tập phục hồi sức cơ, và độ vững chắc của khớp. Việc này giúp bạn nhanh hồi phục, và giảm nguy cơ cho tổn thương lặp lại trong tương lai.
Các dấu hiệu nên đi khám bác sĩ ngay
Nên đi khám bác sĩ NGAY nếu:
- Chân bị đau không thể chịu lực. Bạn không đứng được hoặc có cảm giác khớp không vững hoặc không sử dụng khớp được nữa. Đây có thể có gãy xương kèm theo hoặc dây chằng bị đứt hoàn toàn.
- Nếu da vùng khớp bị nề đỏ, đau hoặc có vạch đỏ chạy dọc các mạch máu – dấu hiệu nhiễm trùng.
- Nếu bong gân tái đi tái lại.
Trật mắt cá chân là một chấn thương rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Các bước sơ cấp cứu ban đầu rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết và thực hiện đúng.
Việc xử trí không đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng về sau. Đặc biệt là tình trạng mất ổn định mắt cá chân. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, vận động của người mắc phải, nhất là các vận động viên thể thao. Vì vậy, việc trang bị kiến thức tưởng chừng rất đơn giản này là điều cần thiết đối với mỗi cá nhân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sprain: First Aidhttps://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-sprain/basics/art-20056622
Ngày tham khảo: 29/04/2020
-
Sprains, Strains and Bruiseshttps://www.stjohn.org.nz/first-aid/first-aid-library/sprains-strains-and-bruises/
Ngày tham khảo: 29/04/2020
-
Acute Ankle Sprainhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459212/
Ngày tham khảo: 29/04/2020