Nguyên nhân trẻ bị ho lâu ngày và cách khắc phục tại nhà
Nội dung bài viết
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp đường thở thông thoáng và hít thở dễ dàng. Nhưng tình trạng trẻ bị ho lâu ngày có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ cũng như tinh thần của cha mẹ. Vì vây, hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu về tình trạng này nhé!
Ho lâu ngày là gì?
Khi trẻ bị ốm hoặc phổi của trẻ bị kích thích, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách ho. Đây là cơ chế bảo vệ của cơ thể để loại bỏ mọi chất nhầy, chất gây dị ứng hoặc chất ô nhiễm ra khỏi cơ thể. Trẻ bị ho thường không có gì đáng lo ngại. Khi ho là một triệu chứng của cảm lạnh, nó có xu hướng tự khỏi trong hai hoặc ba tuần.
Ho kéo dài hoặc ho mãn tính không phải do cảm lạnh gây ra có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Ho kéo dài hơn tám tuần với người lớn hoặc bốn tuần ở trẻ em, được coi là mãn tính. Các bệnh như bệnh phổi mãn tính hoặc hen suyễn có thể kéo dài cơn ho.
Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu ý nghĩa của việc trẻ bị ho lâu ngày.
Nguyên nhân trẻ bị ho lâu ngày
Một số loại ho, chẳng hạn như ho do viêm phế quản hoặc do nhiễm trùng đường hô hấp, có thể kéo dài hơn cơn ho khi trẻ bị cảm lạnh. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị ho lâu ngày bao gồm:
- Dị ứng mãn tính, buồn nôn và trào ngược acid dạ dày có thể tạo ra kích ứng trong cổ họng của trẻ và gây ra ho liên tục.
- Hội chứng chảy dịch mũi sau.
- Một số loại thuốc có tác dụng phụ là ho.
- Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc và tình trạng di truyền có thể khiến trẻ dễ bị viêm phế quản mãn tính, có thể dẫn đến ho mãn tính.
- Bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi khác chưa được chẩn đoán có thể gây ho mãn tính.
Ảnh hưởng của việc ho lâu ngày
Trẻ bị ho lâu ngày có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ. Các cơn ho có thể:
- Đánh thức trẻ khỏi giấc ngủ. Trẻ bị ho về đêm cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và tinh thần của cha mẹ khi trẻ ho suốt đêm.
- Gây buồn nôn hoặc chóng mặt.
- Gây nôn ói.
- Khiến trẻ mất khả năng kiểm soát bàng quang.
- Ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày như nói chuyện, ca hát hoặc tập thể dục.
- Ho thậm chí có thể dẫn đến ngất xỉu nếu cơn ho của trẻ nặng và liên tục.
Trẻ bị ho lâu ngày có thể dẫn đến nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Để bảo vệ cơ thể nhạy cảm của con, bố mẹ có thể dẫn trẻ đi khám tại các bác sĩ tai mũi họng giỏi tại TPHCM.
Mẹo chăm sóc tại nhà cho trẻ bị ho lâu ngày
Nếu trẻ của bạn đang gặp phải tình trạng ho không thuyên giảm, hãy cân nhắc một số cách chữa trẻ bị ho biện pháp điều trị tại nhà đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, những điều này sẽ không thay thế bất kỳ phương pháp điều trị bằng thuốc nào được bác sĩ khuyến nghị.
Trà bạc hà mật ong
Trà bạc hà đã được nghiên cứu về tác dụng giúp cho cơ thể thư giãn về tinh thần. Đồng thời, nó còn có thể giúp làm dịu hệ thống hô hấp của trẻ. Khi kết hợp với mật ong, trà bạc hà có thể giúp trẻ giảm cơn ho dai dẳng.
Mật ong đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Bạn cũng có thể cho trẻ từ 1 tuổi trở lên uống một thìa mật ong, nếu cần, để giảm các triệu chứng ho. Tác dụng của mật ong tương tự như tác dụng của dextromethorphan (thuốc giảm ho) trong việc cải thiện mức độ ho và chất lượng giấc ngủ.
Lưu ý rằng trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng các sản phẩm từ mật ong. Điều này là do mật ong có nguy cơ xảy ra ngộ độc ở trẻ sơ sinh.
Lá thường xuân
Lá thường xuân hoạt động bằng cách mở đường dẫn khí và làm dịu sự tắc nghẽn bằng cách kích thích tiết nước trong đường thở. Bạn chỉ nên cho trẻ trên 2 tuổi sử dụng chế phẩm này. Vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó thở ở trẻ dưới 2 tuổi.
Bạn có thể cho trẻ xông tinh dầu của lá thường xuân thông qua máy khuếch tán tại nhà. Bạn cũng có thể mua chúng dưới dạng cồn lá thường xuân hoặc bạn cũng có thể sử dụng các loại siro trị ho cho trẻ em được chiết xuất từ lá thường xuân được bán tại các nhà thuốc.
Các tác dụng phụ của lá thường xuân là không phổ biến, nhưng chúng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mề đay, phát ban trên da và khó thở. Chiết xuất lá thường xuân cũng có thể có mùi vị khó chịu.
Uống đủ nước và cung cấp không khí ẩm
Cha mẹ của trẻ nên cố gắng đảm bảo rằng trẻ uống đủ nước. Vì nước giúp cơ thể làm loãng chỗ tắc nghẽn, khiến trẻ cảm thấy không khó chịu khi ho và ít đau hơn.
Máy tạo độ ẩm và vòi hoa sen nước ấm có thể giữ ẩm cho đường hô hấp. Giữ máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ có thể là một phương pháp đơn giản giúp giảm bớt các triệu chứng ho của trẻ.
Xoa bóp
Bạn có thể sử dụng thuốc xoa bóp bằng tinh dầu bạc hà cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Bạn nên xoa một lớp mỏng lên ngực và phía trước cổ của trẻ. Thuốc bay hơi vào không khí, cho phép trẻ hít vào và làm dịu các triệu chứng ho. Thuốc xoa bóp cũng giúp trẻ ngủ ngon. Dùng tinh dầu bạc hà xoa lên da và cất hộp đựng xa tầm tay trẻ em.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám
Nếu trẻ bị ho lâu ngày, hãy chú ý đến âm thanh của tiếng ho. Bất kỳ tiếng huýt sáo, ông ổng hoặc khò khè kèm theo ho có nghĩa là bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Nếu không có triệu chứng nào khác ngoài ho, hãy liên hệ với bác sĩ của con bạn nếu cơn ho kéo dài hơn ba tuần.
Ho gà là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây tử vong ở trẻ em dưới hai tuổi. Hãy cho trẻ đến bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ có những cơn ho dữ dội kèm theo sốt hoặc khó thở. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi nên đi khám bác sĩ nhi khoa bất kể trường hợp nào để loại trừ bệnh ho gà hoặc các tình trạng phổi nghiêm trọng khác nếu trẻ bị ho.
Bài viết trên đã giới thiệu các nguyên nhân trẻ bị ho và các biện pháp khắc phục tình trạng trẻ bị ho lâu ngày tại nhà. Từ đó, bạn có thể góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của con bạn.
Bố mẹ có thể đặt khám cho bé yêu đến các bác sĩ Nhi uy tín trên Ứng dụng YouMed ngay khi cần. Trải nghiệm ngay cảm giác an tâm, nhanh chóng và tiện lợi tại ĐÂY.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Causes a Lingering Cough? Plus 3 Home Remedies to Tryhttps://www.healthline.com/health/cough-that-wont-go-away#cough-duration
Ngày tham khảo: 05/04/2021
-
Safe home remedies for toddler coughhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/326301
Ngày tham khảo: 05/04/2021