YouMed

Chứng khó đọc (Dyslexia): nguyên nhân, chẩn đoán và can thiệp

Chuyên viên tâm lý NHIÊU QUANG THIỆN NHÂN
Tác giả: Chuyên viên tâm lý Nhiêu Quang Thiện Nhân
Chuyên khoa: Tâm thần

Một số trẻ ở tuổi đến trường gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là đọc chữ. Thông thường, các bậc phụ huynh cho rằng do trẻ chưa cố gắng. Tuy nhiên, có thể vấn đề đến từ những rối loạn trong quá trình phát triển ở khu vực xử lý ngôn ngữ của não bộ hay còn gọi là chứng khó đọc (dyslexia). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chứng khó đọc hay rối loạn khó đọc ở bài viết bên dưới.

Rối loạn khó đọc là gì?

Chứng khó đọc là một rối loạn học tập liên quan đến khó khăn xoay quanh khả năng đọc, như là đọc chữ, đánh vần, viết và nói. Rối loạn này cũng được gọi là khuyết tật đọc. Chứng khó đọc ảnh hưởng đến các khu vực xử lý ngôn ngữ của não bộ. Các em thường bị hiểu lầm là do trí thông minh kém và không chăm chỉ, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Trẻ gặp khó khăn khi kết nối các chữ cái chúng nhìn thấy với âm thanh mà những chữ này tạo ra.

Trẻ mắc chứng khó đọc thông thường vẫn có thị lực bình thường và cũng thông minh như các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, các em phải vật lộn nhiều hơn ở trường vì mất nhiều thời gian hơn để đọc. Khó xử lý các chữ cái và từ ngữ cũng có thể làm cho các em khó đánh vần, khó viết và phát âm rõ ràng.

Khoảng 5% đến 10% dân số có chứng khó đọc, chẳng hạn như đọc chậm, khó đánh vần hoặc trộn lẫn các từ. Người lớn cũng có thể bị rối loạn học tập này. Một số người được chẩn đoán sớm trong khi những người khác không nhận ra họ mắc chứng khó đọc.

Bên cạnh khó đọc, còn một bệnh khác liên quan đến ngôn ngữ là chứng mất ngôn ngữ. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về: Chứng mất ngôn ngữ (APHASIA).

Có nhiều người mắc chứng khó đọc
Có nhiều người mắc chứng khó đọc

Triệu chứng rối loạn khó đọc như thế nào?

Triệu chứng của rối loạn khó đọc có thể khó nhận ra trước khi trẻ đi học. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể nhận thấy một số dấu hiệu. Khi bé đến tuổi đi học, giáo viên của trẻ có thể là người đầu tiên nhận thấy vấn đề. Mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở từng em, nhưng tình trạng thường trở nên rõ ràng khi một trẻ bắt đầu học đọc.

1. Trước tuổi đi học

Các dấu hiệu cho thấy trẻ nhỏ có thể có nguy cơ mắc chứng khó đọc bao gồm:

  • Nói muộn.
  • Học từ mới chậm.
  • Các vấn đề hình thành từ chính xác, chẳng hạn như đảo ngược âm thanh trong từ hoặc các từ khó hiểu nghe giống nhau.
  • Vấn đề ghi nhớ hoặc đọc tên chữ cái, số và màu sắc.
  • Khó học vần mẫu giáo hoặc chơi các trò chơi gieo vần.

2. Tuổi đi học

Khi con bạn đi học, các dấu hiệu và triệu chứng khó đọc có thể trở nên rõ ràng hơn, bao gồm:

  • Khả năng đọc dưới mức dự kiến ​​của tuổi.
  • Vấn đề xử lý và hiểu những chữ cái mà trẻ nghe thấy.
  • Khó tìm từ đúng hoặc hình thành câu trả lời cho các câu hỏi.
  • Vấn đề ghi nhớ chuỗi sự kiện.
  • Khó phân biệt các chữ và từ tương đồng.
  • Không có khả năng phát âm từ mới.
  • Khó đánh vần.
  • Dành thời gian dài bất thường để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến đọc hoặc viết.
  • Tránh các hoạt động liên quan đến việc đọc.
Bệnh gây nhiều khó khăn cho việc học tập
Bệnh gây nhiều khó khăn cho việc học tập

3. Thanh thiếu niên và người lớn

Dấu hiệu khó đọc ở thanh thiếu niên và người lớn tương tự như ở trẻ em. Một số dấu hiệu và triệu chứng khó đọc phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn bao gồm:

  • Khó đọc, kể cả đọc to.
  • Đọc viết chậm và tốn nhiều công sức.
  • Vấn đề chính tả.
  • Tránh các hoạt động liên quan đến việc đọc.
  • Phát âm sai tên hoặc từ hoặc có vấn đề lấy từ.
  • Khó hiểu những câu chuyện cười hoặc cách diễn đạt có ý nghĩa không dễ hiểu từ những từ cụ thể (thành ngữ), chẳng hạn như “dễ như ăn bánh” có nghĩa là “dễ dàng”.
  • Dành thời gian dài bất thường để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến đọc hoặc viết.
  • Khó khăn khi tóm tắt một câu chuyện.
  • Rắc rối học ngoại ngữ.
  • Khó nhớ.
  • Khó làm toán.

Khi nào nên đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia âm ngữ?

Mặc dù hầu hết trẻ em đã sẵn sàng để học đọc ở trường mẫu giáo hoặc lớp một, nhưng trẻ mắc chứng khó đọc thường không thể nắm bắt vào thời điểm đó. Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm thần nhi hoặc chuyên viên tâm lý nhi và chuyên viên về âm ngữ trị liệu nếu mức độ đọc của trẻ dưới mức dự kiến ​​so với bạn cùng lứa hoặc nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu khó đọc khác ở trẻ.

Khi chứng khó đọc không được chẩn đoán và điều trị, khó khăn trong việc đọc và học tập ở trẻ sẽ tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân rối loạn khó đọc

Chứng khó đọc có xu hướng di truyền qua gen trong gia đình. Nó dường như được liên kết với một số gen nhất định, ảnh hưởng đến cách não xử lý ngôn ngữ cộng với các yếu tố rủi ro trong môi trường. Đây được hiểu như là nguyên nhân của rối loạn khó đọc.

Các yếu tố nguy cơ của chứng khó đọc bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc chứng khó đọc hoặc các khuyết tật học tập khác.
  • Sinh non hoặc nhẹ cân.
  • Phơi nhiễm khi mang thai với nicotine, thuốc, rượu hoặc nhiễm trùng có thể làm thay đổi sự phát triển não bộ của thai nhi.
  • Sự khác biệt cá nhân trong các phần của bộ não với việc xử lý ngôn ngữ.

Biến chứng

Chứng khó đọc có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm:

  • Khó khăn học tập. Đọc là một kỹ năng cơ bản cho hầu hết các môn học khác. Một đứa trẻ mắc chứng khó đọc gặp bất lợi khi học và có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp các bạn cùng trang lứa.
  • Vấn đề xã hội. Nếu không được điều trị, chứng khó đọc có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp, các vấn đề về hành vi, lo lắng, hung hăng và xa lánh bạn bè, cha mẹ,  giáo viên.
  • Vấn đề khi trưởng thành. Không có khả năng đọc và hiểu có thể ngăn trẻ phát huy tiềm năng của mình khi lớn lên. Điều này có thể ảnh hưởng đến giáo dục, xã hội và kinh tế lâu dài.

Trẻ mắc chứng khó đọc có nguy cơ mắc chứng rối loạn thiếu tập trung/hiếu động thái quá (ADHD) và ngược lại. ADHD có thể gây khó khăn trong việc duy trì sự chú ý cũng như sự hiếu động và hành vi bốc đồng. Chứng khó đọc có thể khó điều trị hơn.

Can thiệp chứng khó đọc như thế nào?

Không có cách để điều trị hoàn toàn cho rối loạn này vì sự bất thường nằm trong bộ gen và rối loạn phát triển của não bộ. Đây là một vấn đề ảnh hưởng suốt đời. Tuy nhiên, phát hiện và đánh giá sớm để xác định mức độ cụ thể nhằm can thiệp thích hợp có thể giúp trẻ học tập, phát triển lành mạnh.

1. Can thiệp giáo dục chuyên biệt

Chứng khó đọc được can thiệp bằng các phương pháp và kỹ thuật giáo dục chuyên biệt. Các can thiệp này bắt đầu càng sớm càng tốt. Đánh giá tâm lý sẽ giúp giáo viên phát triển một chương trình giảng dạy phù hợp với từng trẻ.

Giáo viên có thể sử dụng các kỹ thuật liên quan đến thính giác, thị giác và xúc giác để cải thiện kỹ năng đọc ở trẻ. Điều này giúp trẻ phát triển và sử dụng một số giác quan đồng thời để học. Ví dụ, nghe một bài học được ghi âm và truy tìm bằng ngón tay hình dạng của các chữ cái được sử dụng và các từ được nói có thể giúp xử lý thông tin.

Nên có sự giáo dục phù hợp với người mắc chứng khó đọc
Nên có sự giáo dục phù hợp với người mắc chứng khó đọc

Điều trị tập trung vào việc giúp đỡ trẻ:

  • Học cách nhận biết và sử dụng những âm thanh nhỏ nhất tạo nên từ (âm vị).
  • Hiểu rằng các chữ cái và chuỗi ký tự đại diện cho những âm thanh và từ này (ngữ âm).
  • Hiểu những gì trẻ đang đọc.
  • Đọc to để xây dựng tính chính xác, tốc độ và phương pháp đọc một cách lưu loát.
  • Xây dựng vốn từ vựng của các từ được nhận biết và hiểu.

Các buổi dạy kèm với chuyên viên về đọc có thể hữu ích cho nhiều trẻ mắc chứng khó đọc. Nếu con bạn bị khuyết tật đọc nghiêm trọng, việc can thiệp này có thể cần phải xảy ra thường xuyên hơn và tiến độ có thể chậm hơn.

2. Kế hoạch giáo dục cá nhân

Tại các nước phát triển, trường học có nghĩa vụ phải thực hiện những bước trước khi nhập học để giúp trẻ được chẩn đoán mắc chứng khó đọc với các vấn đề học tập. Gia đình và nhà trường sẽ tạo một kế hoạch bằng văn bản, có cấu trúc, phác thảo các nhu cầu của trẻ và chỉ ra trường học sẽ giúp phát triển kế hoạch như thế nào. Đây được gọi là Kế hoạch Giáo dục Cá nhân (IEP).

Vì sao cần phải can thiệp sớm?

Trẻ mắc chứng khó đọc được giúp đỡ thêm ở trường mẫu giáo hoặc lớp một thường sẽ cải thiện kỹ năng của mình. Những can thiệp này giúp trẻ đảm bảo việc học ở các bậc sau.

Với trẻ không được can thiệp sớm, mãi cho đến các lớp sau này, chúng vẫn có thể gặp khó khăn trong việc học các kỹ năng cần thiết để đọc tốt. Trẻ có thể bị tụt hậu về mặt học tập, không bắt kịp bạn cùng lứa và các vấn đề tâm lý sẽ phát sinh.

Một đứa trẻ mắc chứng khó đọc nghiêm trọng có thể không bao giờ đọc như bình thường được. Tuy nhiên, trẻ có thể cải thiện việc đọc bằng các kỹ năng hay giác quan khác và phát triển những chiến lược để nâng cao thành tích học tập.

Cha mẹ có thể làm gì?

  • Giải quyết vấn đề sớm. Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc chứng khó đọc, hãy nói chuyện với bác sĩ và các chuyên gia càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm có thể cải thiện thành công tình trạng này.
  • Đọc to cho con của bạn. Tốt nhất là bắt đầu khi con bạn 6 tháng tuổi hoặc thậm chí nhỏ hơn. Khi con đủ lớn, hãy đọc những câu chuyện cùng nhau sau khi bé đã nghe chúng.
  • Làm việc với trường học của con. Hãy nói chuyện với giáo viên của con và theo dõi sát sao tình hình học của bé.
  • Khuyến khích con đọc, đừng gây áp lực với con. Để cải thiện kỹ năng đọc, một đứa trẻ phải thực hành. Hãy khuyến khích con đọc một cách chậm rãi, đừng gây áp lực với bé.
  • Đặt một ví dụ để đọc. Bạn nên dành thời gian mỗi ngày để đọc một cái gì đó cùng với con (có thể là mỗi người đọc một loại sách khác nhau). Điều này giúp con thấy việc đọc thú vị và được hỗ trợ. 
Hãy khuyến khích trẻ thay vì tạo áp lực
Hãy khuyến khích trẻ thay vì tạo áp lực

Cần hiểu rằng chứng khó đọc là một rối loạn phát triển ở não bộ. Chúng không liên quan đến trí thông minh và năng lực của trẻ. Mặc dù không có cách chữa chứng khó đọc nhưng đánh giá và can thiệp sớm sẽ mang lại kết quả tốt.

Đôi khi, chứng khó đọc không được chẩn đoán trong nhiều năm và chỉ được nhận biết khi các em đến tuổi trưởng thành. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển ở trẻ. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Laura L Bailet, PhD (2006). Nemours Foundation: Understanding Dyslexia.

  2. Dyslexia Basicshttps://dyslexiaida.org/dyslexia-basics/

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

  3. Dyslexia (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dyslexia/symptoms-causes/syc-20353552

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

  4. What is Dyslexia?http://dyslexiahelp.umich.edu/dyslexics/learn-about-dyslexia/what-is-dyslexia

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

  5. What is Dyslexia?http://dyslexia.yale.edu/whatisdyslexia.html

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người