Trẻ bị nổi mụn nước: Không nên chủ quan
Nội dung bài viết
Mụn nước là bệnh da liễu có thể gặp ở nhiều vị trí trên cơ thể và ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt hơn đối với trẻ bị nổi mụn nước là biểu hiện của nhiều bệnh lý và cách chăm sóc trẻ chưa hợp lý. Các bố mẹ không nên chủ quan mà cần nắm rõ những bất thường ở trẻ để khắc phục kịp thời. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ cung cấp thêm thông tin về nổi mụn nước ở trẻ. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Mụn nước là gì?
Mụn nước là tình trạng da xuất hiện những bọng nước nhỏ li ti hoặc mụn rộp lớn, mọng nước. Mụn nước là những nốt nhỏ (< 5mm), nổi gồ trên da, bên trong chứa dịch trong, hoặc có thể chứa mủ nếu bội nhiễm vi trùng.
Mụn nước có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên da như tay, chân, mông, lưng,… Chúng gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu thậm chí đau đớn. Nhưng nếu gãi và làm vỡ mụn nước khiến dịch bên trong lan ra sẽ khiến lây lan mụn nước sang vị trí lân cận và càng ngày càng mọc nhiều và ngứa hơn. Dịch này khô sẽ để lại vảy cứng màu vàng trên da. Mức độ ngứa cũng bị ảnh hưởng bởi các thực phẩm cay nóng hay dễ gây dị ứng. Ví dụ ớt, tiêu, rượu bia hay hải sản.
Mụn nước có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng. Đa số trường hợp mụn nước mọc riêng lẻ tại 1 vị trí đều không gây nguy hiểm. Tình trạng này có thể do ma sát da, bị côn trùng đốt hoặc do bỏng nhẹ. Mụn nước do ma sát hay bỏng sẽ không có khả năng lây lan và chỉ tạo bóng nước tại một vị trí. Tuy nhiên tình trạng mụn nước có ở khắp cơ thể lại là báo hiệu của triệu chứng bệnh lý. Trường hợp này cần điều trị ngay để tránh lây lan và biến chứng nặng hơn.
Do đó, bạn cần biết các bệnh có thể gây mụn nước toàn thân để có kế hoạch chăm sóc tốt nhất.
Trẻ có thể bị nổi mụn nước ở đâu?
Mụn nước có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể trẻ như:
- Lòng bàn chân: thường có ở trẻ thường đi chân trần, không đi dép ở các khu vực nhiễm bẩn.
- Mặt: có thể tự khỏi sau vài tuần. Trẻ sơ sinh có thể bị nổi mụn nước sau khi sinh và các tuần tiếp theo. Tránh nhầm lẫn giữa mụn nước và mụn trứng cá sơ sinh. Với trẻ em, nguyên nhân gây mụn nước ở mặt thường do viêm da cơ địa (chàm sữa).
- Tay, chân: đặc biệt lưu ý vì có thể là triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn như thủy đậu, bệnh tay chân miệng, bệnh zona, bệnh ghẻ (nhất là ở kẻ tay, kẻ chân).
- Lưỡi, miệng: dễ dẫn tới tình trạng vết loét lan rộng và ăn sâu tới niêm mạc miệng. Nhất là gây khó khăn cho trẻ khi ăn uống và dễ vỡ mụn. Đi kèm có thể là sút cân, gây sốt và nổi hạch.
- Lưng: là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị chàm dị ứng, rôm sảy, thủy đậu,…
- Đầu: thường do dị ứng.
- Mông: mụn nước do bí bởi quần áo, tã bỉm quá chật.
Biểu hiện của trẻ khi bị mụn nước
Ngoài những đặc điểm hình thái chung của mụn nước thì trẻ bị bệnh này sẽ có những biểu hiện bất thường như:
- Quấy khóc.
- Chán ăn.
- Dễ nổi cáu.
- Ngứa ngáy không yên.
- Hay bị giật mình lúc ngủ.
Bố mẹ cần chú ý các bất thường này để sớm nhận biết và điều trị cho trẻ.
Nguyên nhân trẻ bị nổi mụn nước
Mụn nước ở trẻ có thể do thuốc mẹ dùng đối với trẻ còn bú sữa mẹ. Ngoài ra trẻ bị mụn nước có thể do một số tác nhân bên ngoài như:
- Nước bọt hoặc dịch nôn trớ của trẻ dính trên da không được vệ sinh sạch.
- Quần áo, chăn mền làm bằng chất liệu vải cứng hoặc sử dụng bột giặt tẩy mạnh.
- Các chất dễ gây dị ứng như lông động vật, nhựa cây, thuốc, mỹ phẩm,…
- Trẻ bị bỏng gây rộp da.
- Trẻ bị côn trùng cắn.
- Ký sinh trùng (ghẻ).
- Vi khuẩn.
- Virus.
Một số bệnh liên quan có triệu chứng mụn nước ở trẻ như:
Rôm sảy
Trẻ bị nóng và ra nhiều mồ hôi cộng thêm lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn làm cho trẻ bị rôm sảy mà nổi mụn nước. Mụn nước do rôm sảy có thể xuất hiện ở đầu, ngực, vai, cổ, lưng của trẻ. Chúng mọc lấm tấm hoặc thành từng đám khiến trẻ bị ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Biểu hiện là trẻ bị mụn nước ở miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi và tay chân. Mụn nước có kích thước nhỏ khoảng 2 – 3 mm, tồn tại trong vòng 1 tuần rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị.
Bệnh thủy đậu
Trẻ bị nổi mụn nước do thủy đậu thường xuất hiện ở giai đoạn toàn phát. Mụn nước do thủy đậu thường là các nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm. Trẻ bị kèm theo là các nốt ban đỏ và triệu chứng hơi sốt nhẹ đến nặng. Mụn nước này bắt đầu thường nhỏ, rải rác sau đó lan ra rất nhanh toàn cơ thể. Thậm chí mụn này còn có thể xuất hiện ở cả trong miệng, gây ngứa rát, khó chịu. Trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống có thể sút cân, quấy khóc.
Bệnh Zona thần kinh
Bệnh Zona thần kinh có mụn nước thường mọc một bên cơ thể theo chiều dọc. Ngoài trẻ sẽ cảm thấy đau nhói như kim châm và ngứa rát trên vùng da mụn. Sau vài ngày, mụn nước sẽ lan rộng ra vùng lân cận từng đợt này nối tiếp đợt kia. Dịch bên trong mụn nước lúc đầu trong sau khi lan rộng sẽ trở thành màu đục. Tuy nhiên, tình trạng mắc Zona ở trẻ em là rất hiếm.
Bệnh chốc lở
Chốc lở là là 1 dạng nhiễm trùng da rất dễ lây do tụ cầu vàng và/hoặc liên cầu. Trẻ bị lên mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Mụn thường xuất hiện trên mặt, đầu thân mình, các chi, mông.
Viêm da cơ địa
Một tình trạng khác là nguyên nhân khá phổ biến gây mụn nước ở trẻ là viêm da cơ địa.
Cách điều trị mụn nước ở trẻ
Điều trị cho trẻ bị nổi mụn nước thì đầu tiên cần xác định rõ nguyên nhân và vị trí. Bạn cần đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa để xác định mụn nước có liên quan đến bệnh nào nghiêm trọng. Điều trị tận gốc bệnh nguồn bằng thuốc và giảm triệu chứng cho trẻ bằng cách:
- Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ hàng ngày với những trường hợp mụn nước do rôm sảy, mẩn ngứa, bỏng, viêm da, côn trùng cắn nên.
- Đảm bảo quần áo, tã bỉm thoáng mát, mềm mại, không gây kích ứng.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Lau nhẹ nhàng nước miếng và dịch nôn trớ dính trên mặt trẻ.
Mụn nước ở trẻ là tình trạng da phổ biến có mức độ nặng nhẹ tùy nguyên nhân gây mụn. Mụn nước gây ngứa ngáy, sút cân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ vì vậy bố mẹ không nên chủ quan. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân trẻ bị nổi mụn nước để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Trẻ bị nổi mụn nước trên da, chuyên gia khuyến cáo gì?https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-noi-mun-nuoc-tren-da-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-169190099.htm
Ngày tham khảo: 24/11/2022