YouMed

Trẻ bị chó cắn, thú cưng cắn: bạn đã xử trí đúng cách chưa?

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Cho đến thời điểm hiện tại, trẻ em là nạn nhân thường gặp nhất bị mèo cắn, chó cắn. Hậu quả để lại là những vết thương nặng nề. Đặc biệt ở vùng đầu và cổ. Ngay cả khi đó là những con chó được nuôi trong nhà, trẻ bị chó cắn, mèo cắn vẫn là điều không tránh khỏi. Vì vậy, việc xử trí ban đầu và phòng ngừa trẻ bị chó cắn, mèo cắn rất quan trọng. Hãy cùng bắc sĩ YouMed tìm hiểu nhé!

Trẻ bị chó cắn, thú cưng cắn có nguy hiểm không?

Hầu hết các vết cắn từ vật nuôi là từ chó hoặc mèo. Nguy cơ chính trong vết cắn của thú cưng là nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng, không phải bệnh dại. Nếu trẻ bị mèo cắn, khả năng bị nhiễm trùng dễ hơn là trẻ bị chó cắn. Ngoài ra, nếu trẻ bị chó mèo cào, chúng cũng cần phải được điều trị giống như vết thương cắn. Bởi vì móng vuốt của chúng có thể bị nhiễm nước bọt của thú cưng.

Những vật nuôi nhỏ trong nhà khác như: chuột, chim… không mang bệnh dại. Vết thương từ những loài này thường không cần điều trị gì. Loại vết thương này hiếm khi đâm sâu qua da.

Tuy nhiên, nếu con bạn đã bị bất cứ loài vật nào cắn, tốt nhất là đưa trẻ đến khám bác sĩ. 

trẻ bị chó cắn
Nếu trẻ bị chó mèo cào, chúng cũng cần phải được điều trị giống như vết thương cắn

Nếu thú cưng có thể bị bệnh dại, bạn cần làm gì?

Trong trường hợp bạn nghi ngờ rằng trẻ có nguy cơ bị bệnh dại sau khi trẻ bị chó cắn, mèo cắn, bạn nên:

  • Rửa vết thương ngay lập tức với nước và xà phòng trong 10 phút. Nên rửa kỹ vết thương dưới vòi nước.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Trẻ cần được kiểm tra và chích ngừa vắc xin dại và uốn ván. Nếu không chích ngừa vắc-xin bệnh dại, con bạn có thể tử vong.
  • Nếu một con thú hoang hoặc thú cưng bị bệnh vẫn còn ở khu vực xảy ra tai nạn, hãy liên hệ với cơ quan địa phương ngay lập tức. Con vật nên được theo dõi cẩn thận về bất kỳ dấu hiệu liên quan đến bệnh dại. Ngoài ra, chúng cũng nên được cách ly tránh tiếp xúc với con người trong 10 ngày. 
  • Nếu con vật bị bắt hoặc chết, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với chúng. Nước bọt hoặc máu từ động vật dại có thể lây bệnh cho người.
 
thú cưng cắn
Vắc-xin dại hoặc uốn ván cần được tiêm càng sớm càng tốt

Nếu vết thương do con vật khỏe mạnh cắn, bạn nên xử trí như thế nào?

Sơ cứu vết cắn sâu 

Rửa vết thương bằng nước và xà phòng trong 10 phút trước khi đưa trẻ đến bệnh viện. Hầu hết trẻ bị chó cắn, động vật cắn cần được bác sĩ thăm khám vì vết thương thường bị nhiễm trùng. Làm sạch vết thương cẩn thận trong bệnh viện là cách tốt nhất để giữ vết cắn không bị nhiễm trùng. Việc đó quan trọng hơn cả việc dùng thuốc kháng sinh.

Sơ cứu vết cắn nông

Đối với những vết thương không rách sâu vào da, hãy rửa vết thương bằng nước và xà phòng trong 10 phút. Bạn có thể thoa thuốc mỡ kháng sinh vào vết thương hai lần một ngày. Ngoài ra, nên để vết thương tiếp xúc với không khí hoặc dùng một lớp gạc mỏng che phủ lên nó nếu đó là khu vực dễ bị bẩn.

Giảm đau

Nếu trẻ thấy khó chịu vì đau ở vết thương, bạn có thể cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Để biết liều lượng của thuốc, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.

trẻ bị chó cắn cần được làm sạch vết thương
Làm sạch vết thương cẩn thận là cách tốt nhất để giữ vết cắn không bị nhiễm trùng

Cách ngăn ngừa trẻ bị chó cắn, mèo cắn

Khi bạn dạy trẻ em về cách phòng ngừa thú cưng cắn, hãy nói những điều đơn giản. Cùng nhau thảo luận về những gì liên quan đến động vật. Nếu bạn có con nhỏ, hãy luôn giám sát trẻ khi có nuôi thú cưng. Chú ý đến cách trẻ tương tác với động vật để hướng dẫn con bạn học cách chăm sóc thú cưng ngay từ đầu. Dưới đây là một vài lời khuyên quan trọng:

Tránh tiếp xúc với loài vật lạ

  • Tránh những động vật không rõ nguồn gốc. Nếu trẻ nhìn thấy một con chó lạ đi lang thang xung quanh, không được đi theo chúng. Hãy dạy trẻ tránh xa con chó đó.
  • Dạy trẻ tự tin, lặng lẽ bước đi nếu chúng đối mặt với một con chó hung dữ. Hướng dẫn con bạn đứng yên nếu một con chó đi theo chúng. Sau đó, tạo tư thế phòng thủ, đứng cúi đầu xuống, hai tay thấp và siết chặt trước mặt. Nếu trẻ bị chó cắn, hãy dạy chúng che đầu và cổ bằng cánh tay, cuộn tròn thành một quả bóng.
  • Tránh làm tình hình căng thẳng hơn bằng cách la hét, chạy, đánh hoặc có những động tác bất ngờ về phía con vật.

Cư xử với thú cưng cẩn thận

  • Nếu một con chó đang ngủ, đừng làm phiền chúng. Chúng đang cần một nơi thoải mái và an toàn. Chuồng chó là nơi đứa trẻ không bao giờ được đến gần. Nên để chuồng của chó ở gần khu vực gia đình, nơi gia đình thường xuyên dành thời gian với nhau. Đừng cô lập con chó của bạn. Bạn có thể vô tình khuyến khích chúng sẽ có hành vi xấu.
  • Dạy con bạn rằng con chó không phải lúc nào cũng muốn chơi với trẻ. Khi con chó rời đi nghĩa là nó không muốn chơi tiếp. Nó sẽ trở lại chơi nhiều hơn nếu nó cảm thấy thích trẻ. Đây là một cách đơn giản giúp trẻ có thể biết khi nào một con chó muốn chơi và khi nào thì không thích.
  • Không bao giờ chọc ghẹo thú cưng bằng cách lấy đồ chơi, thức ăn của chúng. Hay dọa đánh hoặc đá, kéo tai hoặc đuôi, trèo lên hoặc cố gắng cưỡi chúng.
thú cưng cắn
Không lấy đồ chơi của thú cưng

Luôn theo dõi trẻ khi chơi với thú cưng

  • Nếu bạn không thể quan sát trẻ liên tục, hãy đưa thú cưng ra khỏi phòng trẻ nhỏ.
  • Đừng giao cho trẻ quá nhiều nhiệm vụ đối với thú cưng quá sớm. Trẻ có thể chưa sẵn sàng. Hãy nhớ rằng nếu bạn tặng cho trẻ một con thú cưng, bạn cũng sẽ tự nhận cho mình nuôi một con thú cưng. 

Khi nào nên đưa trẻ bị chó cắn, thú cưng cắn đến bệnh viện?

Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện NGAY LẬP TỨC nếu:

  • Con vật có thể bị bệnh dại.
  • Răng hoặc móng vuốt của chúng đâm xuyên qua da. Nếu bị mèo cắn, vết thương có thể bị nhiễm trùng nhanh chóng và cần được điều trị kịp thời.
  • Vết thương có thể cần phải khâu lại.
  • Vết cắn có dấu hiệu nhiễm trùng. Vùng da xung quanh vết cắn sưng đỏ hay chảy dịch.
  • Con bạn bắt đầu có những triệu chứng không khỏe.

Đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu:

  • Trẻ thấy đau hơn vào ngày hôm sau.
  • Vết thương không lành sau 10 ngày.
  • Bạn lo lắng về sức khỏe của con mình.

Tóm lại, bất kỳ con chó nào cũng có thể tấn công trẻ khi bị đe dọa. Trẻ bị chó cắn, thú cưng cắn đều có nguy cơ nhiễm trùng tại vết thương. Nhưng việc rửa vết thương ngay lập tức có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đó. Đánh giá nguy cơ bị uốn ván và bệnh dại cũng như lựa chọn kháng sinh dự phòng tiếp theo là rất cần thiết trong việc kiểm soát vết cắn của thú cưng. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_biteanhu_hhg.htm
  2. https://www.avma.org/about/dog-bite-prevention.aspx/teaching-children-how-prevent-dog-bites

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người