Tụ máu nội sọ: Những điều bạn cần biết!
Nội dung bài viết
Tụ máu nội sọ là khối máu tụ trong sọ. Nguyên nhân thường là do vỡ mạch máu trong não hoặc do chấn thương như tai nạn giao thông hoặc té ngã. Khối máu tụ có thể nằm trong nhu mô não hoặc dưới sọ và đè lên não. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin hữu ích nhất.
Dấu hiệu nhận biết Tụ máu nội sọ là gì?
Bạn có thể có triệu chứng của tụ máu nội sọ ngay sau khi chấn thương đầu hoặc vài tuần sau hoặc lâu hơn. Sau khi chấn thương, bạn có thể cảm thấy khá ổn. Khoảng thời gian này gọi là khoảng tỉnh.
Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực đè lên não sẽ tăng dần, gây nên các triệu chứng sau:
- Đau đầu tăng dần
- Nôn
- Buồn ngủ và dần dần mất ý thức
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Đồng tử hai bên không đều
- Nói đớ
- Liệt nửa bên đối diện với bên tổn thương đầu
Máu sẽ lấp đầy não hoặc khoảng trống giữa não và hộp sọ. Khi đó, các triệu chứng khác sẽ rõ ràng hơn, như:
- Hôn mê
- Co giật
- Mất ý thức
Nguyên nhân nào gây ra Tụ máu nội sọ?
Chấn thương đầu là nguyên nhân xuất huyết nội sọ phổ biến nhất. Chấn thương đầu có thể do tai nạn xe máy, xe đạp, té ngã, bị hành hung hoặc chấn thương trong thể thao.
Đối với người lớn tuổi, chấn thương đầu nhẹ cũng có thể tạo ra u máu. Đặc biệt khi dùng thuốc kháng đông hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu, ví dụ như aspirin.
Tổn thương não có thể rất nặng mặc dù không có vết thương hở, vết bầm hay tổn thương nhìn thấy rõ khác.
Có 3 loại tụ máu – tụ máu dưới màng cứng, tụ máu ngoài màng cứng và tụ máu trong não.
Tụ máu dưới màng cứng
Xuất hiện khi mạch máu – thường là tĩnh mạch – bị vỡ vào khoang giữa não và màng cứng. Xuất huyết hình thành nên khối máu tụ đè vào nhu mô não. Khối máu tụ lớn có thể gây mất ý thức từ từ và có thể dẫn đến tử vong.
Ba loại tụ máu dưới màng cứng là:
- Cấp tính. Là loại nguy hiểm nhất và thường do chấn thương đầu nặng. Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau đó.
- Bán cấp. Triệu chứng tiến triển chậm hơn, đôi khi mất vài ngày hoặc vài tuần sau chấn thương.
- Mạn tính. Do chấn thương đầu ít nặng hơn. Có thể gây xuất huyết chậm, triệu chứng có thể xuất hiện sau vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Bạn có thể không nhớ về chấn thương đầu. Ví dụ, đập đầu khi bước vào xe ô tô có thể gây xuất huyết nội sọ, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc kháng đông.
Tất cả các loại này đều cần được điều trị khi ngay khi triệu chứng xuất hiện để có thể ngăn ngừa tổn thương não kéo dài.
Nguy cơ tụ máu dưới màng cứng tăng theo tuổi. Nguy cơ cũng cao hơn ở những người có:
- Dùng aspirin hoặc thuốc kháng đông
- Lạm dụng rượu
Tụ máu ngoài màng cứng
Xảy ra khi mạch máu – thường là động mạch – bị vỡ vào khoang giữa màng cứng và hộp sọ. Khối máu tụ sau đó sẽ đè vào nhu mô não. Nguyên nhân thường gặp nhất của máu tụ ngoài màng cứng là chấn thương.
Một số người có tổn thương này vẫn tỉnh táo, nhưng hầu hết đều ngủ gà hoặc hôn mê ngay khi chấn thương. Tụ máu ngoài màng cứng ảnh hưởng đến động mạch trong não có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tụ máu trong não
Xảy ra khi máu tụ trong nhu mô não. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm chấn thương, vỡ phình mạch máu, động tĩnh mạch thông nối kém, tăng huyết áp và u. Chấn thương đầu có thể dẫn đến nhiều khối tụ máu trong não nặng.
Chẩn đoán Tụ máu nội sọ như thế nào?
Chẩn đoán tụ máu nội sọ có thể rất khó vì người có chấn thương đầu có thế trông rất bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ cho rằng xuất huyết nội sọ là nguyên nhân gây mất ý thức sau chấn thương đầu cho đến khi có bằng chứng ngược lại.
Xét nghiệm hình ảnh học là cách tốt nhất để xác định vị trí và kích thước của khối máu tụ. Bao gồm:
- CT scan. Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của não. Là phương tiện hình ảnh học được sử dụng nhiều nhất để chẩn đoán tụ máu nội sọ.
- MRI scan. Sử dụng sóng radio và từ trường để tạo ra hình ảnh trên máy tính.
- Chụp mạch máu. Nếu nghi ngờ có khối phình mạch máu trong não hoặc các vấn đề khác về mạch máu, chụp mạch máu rất có ích để cung cấp thêm thông tin. Xét nghiệm này dùng tia X và thuốc cản quang để tạo ra hình ảnh mạch máu trong não.
Điều trị Tụ máu nội sọ như thế nào?
Khối máu tụ nhỏ và không triệu chứng thì không cần mổ để lấy ra. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện và nặng hơn sau vài ngày hoặc vài tuần sau chấn thương. Do đó, bạn cần được theo dõi các dấu hiệu thần kinh, đo áp lực nội sọ và chụp CT scan lặp lại.
Nếu bạn có dùng thuốc kháng đông, như warfarin (Coumadin, Jantoven), bạn sẽ cần một số liệu pháp đảo ngược tác dụng thuốc. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ xuất huyết. Cách đảo ngược tác dụng thuốc kháng đông bao gồm vitamin K và huyết tương tươi đông lạnh.
Phẫu thuật
Điều trị tụ máu đôi khi có phẫu thuật. Loại phẫu thuật tùy thuộc vào loại tụ máu. Bao gồm:
- Phẫu thuật dẫn lưu. Nếu máu khu trú và có sự chuyển tiếp từ cục máu đông thành máu dạng lỏng, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên sọ và hút máu ra.
- Mở sọ. Khi có khối máu tụ lớn.
Phục hồi
Phục hồi sau tụ máu nội sọ có thể mất nhiều thời gian và có thể không hội phục hoàn toàn. Giai đoạn phục hồi tốt nhất là 3 tháng sau khi chấn thương. Nếu triệu chứng thần kinh vẫn còn sau khi điều trị, có thể sẽ cần đến vật lý trị liệu và trị liệu nghề nghiệp.
Đối phó và hỗ trợ
Người bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc đương đầu với chấn thương não. Người lớn thường sẽ phục hồi trong vòng 6 tháng đầu. Sau đó có thể cải thiện từ từ đến 2 năm sau chấn thương.
Để góp phần vào việc phục hồi, bạn nên:
- Ngủ đủ giấc. Nghỉ ngơi vào ban ngày khi thấy mệt
- Từ từ trở lại cuộc sống bình thường khi cảm thấy khỏe hơn
- Không tham gia các hoạt động thể thao có tương tác và giải trí cho đến khi được bác sĩ đồng ý
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu lái xe, chơi thể thao, đi xe đạp hoặc vận hành máy móc nặng.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Không uống rượu cho đến khi hồi phục hẳn. Rượu có thể cản trở quá trình phục hồi. Uống nhiều rượu có thể tăng nguy cơ tổn thương thứ phát.
- Viết ra những điều bạn khó ghi nhớ.
- Nói chuyện với người bạn tin tưởng trước khi ra quyết định quan trọng.
Phòng ngừa Tụ máu nội sọ bằng cách nào?
Để phòng ngừa hoặc giảm thiểu chấn thương đầu, bạn cần:
- Đội mũ bảo hiểm. Đội mũ bảo hiểm vừa vặn và phù hợp khi chơi thể thao, đi xe đạp, xe mô tô, trượt tuyết, đua ngựa, lướt ván, hoặc thực hiện các hoạt động có thể dẫn đến chấn thương đầu.
- Thắt dây an toàn mỗi khi lái xe.
- Bảo vệ trẻ. Luôn dùng ghế vừa vặn với trẻ, lót đệm mặt bàn và cạnh bàn, chặn cầu thang, buộc đồ nội thất hoặc vật nặng vào tường để tránh bị đổ, không để trẻ trèo lên những chỗ không an toàn.
Tụ máu nội sọ là bệnh lý gây ra do chấn thương đầu hoặc vỡ mạch máu não. Bệnh có thể gây tử vong và cần được điều trị khẩn cấp. Triệu chứng ban đầu có thể chưa xuất hiện, nhưng cần phải theo dõi các dấu hiệu thần kinh để có hướng xử trí kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm mất ý thức, đau đầu dai dẳng, nôn ói, yếu tay chân, nhìn mờ, mất thăng bằng. Nếu bạn có các dấu hiệu trên sau khi chấn thương đầu, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
>> Xem thêm: Ra máu đỏ tươi sau khi hút thai là dấu hiệu của bệnh gì?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Intracranial hematomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/intracranial-hematoma/symptoms-causes/syc-20356145
Ngày tham khảo: 05/09/2020
-
Intracranial hematomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/intracranial-hematoma/diagnosis-treatment/drc-20356149
Ngày tham khảo: 05/09/2020