YouMed

Tụt huyết áp có nên truyền nước: Lời giải đáp từ bác sĩ

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Tụt huyết áp là một trong những tình trạng rối loạn huyết động của cơ thể. Tình trạng này đôi khi diễn biến nặng đến mức cần can thiệp cấp cứu. Vậy thì tụt huyết áp có nên truyền nước hay không? Có phương pháp nào khác hiệu quả hơn hay không? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Tụt huyết áp có nguy hiểm không?

Thế nào là tụt huyết áp?

Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, có tác dụng đưa máu đi nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Vai trò này được thực hiện nhờ sự co bóp của tim và sức cản từ hệ mạch ngoại vi. Đây cũng chính là hai yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp.

Huyết áp được xem là một trong những thông số cơ bản nhất. Nó giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của con người. Tụt huyết áp sẽ làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy và các dưỡng chất cần thiết. Rối loạn này có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, thiếu máu não.

Huyết áp thường không có một con số cố định, mà nó luôn luôn dao động trong một khoảng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi trị số huyết áp hạthấp hơn 90/60 mmHg qua nhiều lần đo liên tiếp thì gọi là tụt huyết áp. Khi ấy, nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng huyết áp tụt này.

Tụt huyết áp có nguy hiểm hay không?

Trước khi tìm hiểu vấn đề tụt huyết áp có nên truyền nước, bạn đọc nên biết mức độ nguy hiểm của rối loạn này. Nói chung, cả tụt huyết áp và tăng huyết áp đều tiềm ẩn nhiều biến chứng phức tạp. Những biến chứng ấy có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi huyết áp đột ngột bị tụt, người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng. Đồng thời tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực. Nặng hơn, người bệnh sẽ lơ mơ, suy giảm ý thức hoặc ngất xỉu. Từ đó, người bệnh sẽ dễ gây tai nạn hoặc bị chấn thương đe dọa đến tính mạng.

Ngoài ra, một số biến chứng khá nặng khác có thể xảy ra do tình trạng tụt huyết áp như:

  • Suy thận cấp.
  • Suy tim cấp.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Các tình trạng sốc như: Sốc phản vệ, sốc chấn thương,,…
  • Suy tuần hoàn não, có thể dẫn đến tổn thương não. Từ đó gây suy giảm trí nhớ, liệt dây thần kinh, động kinh,…
Suy thận cấp
Huyết áp thấp có thể dẫn đến suy thận cấp

Giải đáp tụt huyết áp có nên truyền nước

Những trường hợp có thể truyền nước

Vậy thì một câu hỏi được nhiều người thắc mắc, đó là tụt huyết áp có nên truyền nước hay không. Phương pháp truyền nước hay truyền dịch thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân bị tụt huyết áp do:

  • Mất nước.
  • Mất máu, chảy máu.
  • Thiếu máu ở mức độ trầm trọng.
Tụt huyết áp có thể truyền dịch
Tụt huyết áp có thể truyền dịch

Mục đích là bù nước cũng như bù máu cho bệnh nhân. Đồng thời, phương pháp này còn được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân không tự uống được. Chẳng hạn như bệnh nhân bị hôn mê, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Hoặc những trường hợp tổn thương vùng hầu họng, thực quản.

Mối nguy hại khi truyền nước không đúng cách

Vậy thì huyết áp thấp có nên truyền dịch hay không? Câu trả lời là “Có” trong những tình huống cụ thể như bài viết đã trình bày. Mặc dù truyền nước là một biện pháp hồi phục huyết áp nhanh chóng. Tuy nhiên, nều truyền không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả sau đây:

  • Bệnh nhân bị thừa nước, thừa dịch dẫn đến quá tải tuần hoàn.
  • Rối loạn nhịp tim, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Phù phổi cấp, suy hô hấp cấp.
  • Truyền nhầm loại dịch sẽ gây sốc phản vệ.
  • Tràn dịch màng bụng, màng phổi.
  • Suy tim, đặc biệt dễ xảy ra ở những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý tim mạch. Chẳng hạn như hẹp hở van tim, hẹp hở van động mạch chủ,…
  • Nhiễm trùng máu.
  • Rối loạn các chất điện giải trong máu.
  • Rối loạn thăng bằng kiềm toan. Có thể dẫn đến rối loạn tri giác, hôn mê.
  • Tắc mạch phổi do khí trong dây truyền lọt vào trong lòng mạch.
  • Tăng đường huyết. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, tình trạng đường huyết tăng sẽ rất nguy hiểm. Có thể xảy ra biến chứng hôn mê do nhiễm toan ceton hoặc do tăng áp lực thẩm thấu máu.
Biến chứng suy tim
Biến chứng suy tim

Cách xử lý khi bị tụt huyết áp

Sau khi nắm được vấn đề huyết áp thấp có nên truyền dịch không, bài viết sẽ cung cấp thêm một số cách xử lý khác khi tụt huyết áp. Đó là những biện pháp sau:

Những biện pháp trị tụt huyết áp tại nhà

  • Ăn uống đầy đủ chất.
  • Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày.
  • Uống nhiều nước đối với những trường hợp còn uống được. Tốt nhất là uống nước lọc, hoặc nước cam, nước dừa.
  • Nhanh chóng ngồi xuống, đầu thấp, chân cao để máu lưu thông nhanh về tim và não.
  • Uống dung dịch Oresol hoặc nước cháo muối trong những trường hợp tụt huyết áp do tiêu chảy.
  • Cầm máu bằng băng ép, garo khi tụt huyết áp do mất máu.
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu ngất xỉu, mất ý thức.
Uống nhiều nước khi bị tụt huyết áp
Uống nhiều nước khi bị tụt huyết áp

Những biện pháp chuyên khoa trị tụt huyết áp

  • Sử dụng thuốc nâng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Thuốc vận mạch, nâng huyết áp được áp dụng tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực.
  • Truyền dung dịch đạm, dung dịch cao phân tử.
  • Sử dụng các thuốc chống sốc, chống dị ứng.
  • Phẫu thuật cầm máu hoặc điều trị các tình trạng chấn thương do tai nạn.

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu được vấn đề tụt huyết áp có nên truyền nước hay không. Từ đó, mỗi người sẽ có hướng xử trí phù hợp để bảo vệ an toàn cho chính mình. Hạn chế để xảy ra những biến chứng nặng do tình trạng tụt huyết áp gây ra.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Understanding Low Blood Pressure -- the Basicshttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

  2. Everything You Need to Know About Low Blood Pressurehttps://www.healthline.com/health/hypotension

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

  3. Low Blood Pressure (Hypotension)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21156-low-blood-pressure-hypotension

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

  4. What a Sudden Drop in Blood Pressure Meanshttps://www.verywellhealth.com/sudden-drop-in-blood-pressure-1324162

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người