YouMed

Tuyến tiền liệt: Những kiến thức căn bản

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Đây là một cấu trúc nằm nhỏ nằm gọn trong khung xương chậu của nam giới. Cấu trúc này nằm trong hệ thống niệu – dục của nam giới. Tuyến tiền liệt (TTL) liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản của người nam. Bài viết này sẽ nói về cấu trúc, chức năng căn bản của tuyến tiền liệt. Ngoài ra, một số bệnh lý của TTL thường gặp cũng sẽ được đề cập.

Giải phẫu của tuyến tiền liệt (TTL)

Cấu trúc chung của tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước bằng hạt dẻ và nặng khoảng 30 gram (khoảng 1 ounce). Nó là một phần của hệ thống sinh sản nam giới và nằm bên trong cơ thể. Chức năng quan trọng nhất của TTL là sản xuất chất nhờn hỗn hợp với các tế bào tinh trùng từ tinh hoàn tạo nên tinh dịch. Các cơ của TTL cũng đảm bảo rằng tinh dịch được ép mạnh vào niệu đạo và sau đó tinh dịch sẽ được tống ra ngoài khi xuất tinh.

Vị trí tương đối

Tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang và phía trên các cơ của sàn chậu. Trực tràng, hậu môn nằm sau TTL. Do đó, có thể dùng ngón tay có thể sờ thấy tuyến từ trực tràng. Các ống dẫn trong TTL chảy vào niệu đạo, đi qua tuyến tiền liệt. Từ “tuyến tiền liệt” được lấy từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người đứng trước”, mô tả vị trí của TTL. Nhìn từ bên dưới, nơi niệu đạo rời khỏi tuyến, TTL “đứng trước” bàng quang.

Cấu trúc xung quanh

Tuyến tiền liệt được bao bọc bởi một nang là mô liên kết chứa nhiều sợi cơ trơn và mô đàn hồi. Đó là lý do tại sao khi sờ vào TTL sẽ có cảm giác đàn hồi rất tốt. Ngoài ra còn có nhiều tế bào cơ trơn bên trong TTL. Trong quá trình xuất tinh, các tế bào cơ này co lại và ép mạnh chất lỏng đã được lưu trữ trong TTL ra ngoài vào niệu đạo. Điều này làm cho chất lỏng và các tế bào tinh trùng, cùng với chất lỏng từ các tuyến khác, kết hợp để tạo thành tinh dịch, sau đó được giải phóng.

tuyến tiền liệt
Hình minh họa: Cấu trúc đại thể của tuyến tiền liệt. Bladder: Bàng quang. Rectum: Trực tràng. Prostate: Tuyến tiền liệt. Testicle: Tuyến tiền liệt. Urethra: Niệu đạo.

Các bộ phận của tuyến tiền liệt

Mô của tuyến tiền liệt có thể được chia thành ba vùng khác nhau, được liệt kê ở đây từ trong ra ngoài. Các mô tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo giống như các lớp của một củ hành:

  • Vùng chuyển tiếp (Transitional zone) được tìm thấy ở bên trong tuyến và là phần nhỏ nhất của tuyến tiền liệt (khoảng 10%). Nó bao quanh một phần ba trên của niệu đạo.
  • Vùng trung tâm (Central zone) bao quanh vùng chuyển tiếp và chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng của tuyến tiền liệt. Đây là nơi có ống dẫn từ đường sinh dục nam đến tuyến tiền liệt, bao gồm ống dẫn tinh và túi tinh. Ống dẫn này còn được gọi là ống phóng tinh (Ductus precisionulatorius).
  • Vùng ngoại vi (Peripheral zone) là bộ phận lớn nhất của tuyến tiền liệt – khoảng 70% khối lượng TTL là vùng ngoại vi.

Mối liên quan giữa bệnh lý và cấu trúc TTL

Mô vùng chuyển tiếp có xu hướng phát triển lành tính (không phải ung thư) khi về già. Thuật ngữ y học cho sự phát triển này là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH – Benign Prostatic Hyperplasia). Nếu mô này ép vào bàng quang và niệu đạo, nó có thể làm bệnh nhân khó đi tiểu. Đây là một vấn đề phổ biến ở những người đàn ông lớn tuổi. Thay vào đó, các khối u ác tính (ung thư) ở tuyến tiền liệt chủ yếu phát triển ở vùng ngoại vi (phần lớn nhất của TTL).

tuyến tiền liệt 1
Hình ảnh minh họa. Urethra: Niệu đạo. Transitional Zone: Vùng chuyển tiếp. Anterior region: Vùng trước. Peripheral zone: Vùng ngoại vi. Central zone: Vùng trung tâm. External urethral sphincter: Cơ thắt niệu đạo ngoài.

Chức năng sinh lý của TTL

1. Sản xuất chất lỏng cho tinh dịch

Một phần của tinh dịch được sản xuất trong tuyến tiền liệt. Cùng với các tinh trùng từ tinh hoàn, dịch từ túi tinh và các chất tiết ra từ một số cấu trúc tuyến sinh dục phụ và dịch TTL tạo nên tinh dịch. Tất cả các chất lỏng này được trộn lẫn với nhau trong niệu đạo.

Sự bài tiết của TTL rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của các tế bào tinh trùng. Do đó cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới. Chất lỏng loãng, màu trắng đục có chứa nhiều enzym như kháng nguyên đặc hiệu của TTL (PSA). Enzyme này làm cho tinh dịch loãng hơn.

2. Đóng đường dẫn niệu đạo – bàng quang khi xuất tinh

Trong khi xuất tinh, TTL và cơ của bàng quang sẽ đóng niệu đạo lại để ngăn tinh dịch vào bàng quang.

3. Đóng ống dẫn tinh khi đi tiểu

Trong quá trình đi tiểu, các cơ vùng trung tâm đóng ống dẫn của TTL để nước tiểu không thể đi vào.

4. Chuyển hóa hormone

Trong tuyến tiền liệt, hormone sinh dục nam testosterone được chuyển đổi thành một dạng mới.

Các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Là căn bệnh rất thường gặp ở nam giới. 50% nam giới trên 50 tuổi mắc phải bệnh lý này.

tuyến tiền liệt 2
Bên trái: TTL bình thường. Bên phải: TTL phì đại. Nguồn: Internet.

Gọi là phì đại tuyến tiền liệt lành tính vì bệnh lý này hoàn toàn không liên quan gì đến ung thư.

Nguyên nhân gây ra phì đại lành tính TTL

Hầu hết đàn ông có TTL liên tục phát triển trong suốt cuộc đời. Ở nhiều nam giới, sự phát triển liên tục này làm TTL phì đại đủ để gây ra các triệu chứng tiết niệu. Thường do làm tắc nghẽn đáng kể dòng nước tiểu.

Không hoàn toàn rõ ràng nguyên nhân tại sao khiến TTL phì đại. Tuy nhiên, nó có thể là do sự thay đổi trong sự cân bằng của hormone sinh dục khi nam giới già đi.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh

  • Lớn tuổi là nguy cơ hàng đầu.
  • Tiền căn gia đình có cha hoặc anh trai mắc bệnh.
  • Tiểu đường, bệnh tim mạch. Có sự liên quan giữa dùng thuốc chẹn beta trong các bệnh tim làm tăng nguy cơ mắc phì đại TTL lành tính.
  • Lối sống: Những đối tượng ít vận động tăng cao nguy cơ mắc bệnh.

Các triệu chứng

  • Nhiễm trùng tiểu.
  • Tiểu rát, buốt, lắt nhắt.
  • Sỏi thận, sỏi bàng quang.
  • Tiểu máu.

Chẩn đoán

Thăm qua thăm khám, hỏi bệnh và một số xét nghiệm. Ví dụ:

  • Thăm khám hậu môn trực tràng. Sờ, đánh giá mật độ, kích thước, sự đều đặn của TTL.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Xác định chức năng thận.
  • PSA (Một chất do TTL tiết ra). Chất này giúp hỗ trợ tầm soát tìm ung thư TTL.

Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà có nhiều phương pháp khác nhau:

  • Tuổi.
  • Kích thước của TTL.
  • Tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân nói chung.
  • Triệu chứng mà phì TTL mang lại ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống.
  • Thuốc: Các thuốc giãn cơ ở cổ bàng quang, giúp dễ đi tiểu. Thuốc giảm kích thước TTL.
  • Can thiệp thủ thuật cắt TTL qua bàng quang hoặc phẩu thuật.

Ung thư tuyến tiền liệt

Như đã nói, Ung thư TTL thường xuất hiện ở phần ngoại vi của TTL.

Hình minh họa: Ung thư tuyến tiền liệt. Nguồn: Internet.

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Thông thường, ung thư TTL phát triển chậm và ban đầu chỉ giới hạn trong TTL. Ở đây nó có thể không gây hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi ung thư TTL phát triển chậm và có thể chỉ cần điều trị tối thiểu hoặc thậm chí không cần điều trị. Một số trường hợp khác Ung thư TTL lại mạnh và có thể lây lan nhanh chóng.

Nguyên nhân gây ra ung thư TTL

Đến nay, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân thực sự gây ra ung thư TTL là gì.

Yếu tố nguy cơ gây ung thư TTL

  • Tuổi: Tương tự như phì đại lành tính TTL, nguy cơ mắc phải ung thư TTL tăng theo tuổi.
  • Sắc tộc: Ung thư TTL thường gặp ở người da đen, ở đối tượng này người ta cũng dễ bị ung thư tiến triển nhanh hơn.
  • Tiền căn gia đình: Nếu trong gia đình của bạn có một nam giới bị ung thư TTL hoặc nữ giới bị ung thư vú thì làm tăng nguy cơ bị ung thư TTL.
  • Béo phì: Nam giới béo phì nếu mắc phải ung thư TTL sẽ dễ bị loại ung thư tiến triển nhanh.

Triệu chứng và chẩn đoán ung thư TTL

Ung thư TTL có thể có biểu hiện tương tự như phì đại lành tính TTL. Đôi khi nó không có biểu hiện gì.

Bác sĩ chẩn đoán ung thư TTL dựa vào:

  • Siêu âm TTL qua hậu môn trực tràng.
  • Thăm khám TTL qua ngã hậu môn trực tràng.
  • MRI vùng chậu.
  • Sinh thiết TTL làm xét nghiệm mô học.

Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào đối tượng mắc bệnh, loại ung thư và giai đoạn mắc phải mà sẽ có các chiến lược điều trị khác nhau.

  • Theo dõi: Xét nghiệm máu định kỳ thường xuyên, thăm khám và sinh thiết để xác định tốc độ tiến triển.
  • Phẫu thuật cắt bỏ TTL.
  • Xạ trị.
  • Liệu pháp hormon.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How does the prostate work?https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279291/

    Ngày tham khảo: 20/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người