Ung thư biểu mô ống tuyến vú: những điều cần biết
Nội dung bài viết
Ung thư biểu mô ống tuyến vú (DCIS) là một dạng sớm nhất của ung thư vú. Chúng thường không có triệu chứng nhưng phát hiện tình cờ qua thăm khám hay xét nghiệm. Vậy ung thư biểu mô ống tuyến vú có gây nguy hiểm cho người mắc không? Điều trị ung thư biểu mô ống tuyến vú như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Tổng quan
Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ thường do sự bất thường của các tế bào ở ống tuyến dẫn sữa tại vú. DCIS được xem như dạng sớm nhất của ung thư vú. Thường DCIS không xâm lấn. Nhưng nó không có nghĩa là nó không lan rộng tại ống tuyến vú và vẫn có nguy cơ xâm lấn xung quanh. DCIS thường được phát hiện khi tầm soát ung thư vú hay sờ thấy một khối bất thường ở vú.
Thường DCIS không phải bệnh cấp cứu. Do đó chúng ta cần phải đánh giá và cân nhắc phương án điều trị tốt nhất. Điều trị phải gồm bảo tồn vú và xạ trị kết hợp phẫu thuật. Một nghiên cứu cho thấy theo dõi chủ động có thể thay thế phẫu thuật.
Triệu chứng của Ung thư biểu mô ống tuyến vú
DCIS thường không có triệu chứng hay dấu hiệu gì. Tuy vậy, đôi khi có một số dấu hiệu sau:
- Khối u bướu vùng vú.
- Núm vú chảy máu.
DCIS thấy trên nhũ ảnh dưới dạng một điểm calci hóa có hình dạng và kích thước bất thường.
Tham khảo thêm về: Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú mọi chị em phụ nữ cần biết
Bạn nên đi khám bác sĩ khi nào?
Bạn nên đi khám khi thấy có những thay đổi bất thường ở vú để phát hiện kịp thời ung thư biểu mô ống tuyến vú, như là:
- Khối u hay một vùng da đổi màu bất thường.
- Da dày hơn và núm vụ tiết dịch.
Bạn có thể hỏi thêm bác sĩ thời điểm tầm soát ung thư vú và nên lặp lại khi nào. Hầu hết khuyến cáo bạn nên đi tầm soát ung thư vú khi 40 tuổi trở lên. Thậm chí, ung thư vú vẫn có thể tái phát sau khi đã điều trị ban đầu.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư biểu mô ống tuyến vú
Hiện nay nguyên nhân DCIS vẫn chưa rõ ràng. Một số cho rằng DCIS là do những đột biến trong DNA tế bào ống dẫn sữa ở vú. Hiện nay vẫn chưa nghiên cứu rõ yếu tố nào làm kích hoạt sự tăng sinh bất thường tế bào đó. Tuy nhiên có thể lối sống không lành mạnh, môi trường và di truyền tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến vú gồm:
- Lớn tuổi.
- Tiền sử bản thân bệnh lí ở vú lành tính, như loạn sản ống dẫn sữa không điển hình.
- Gia đình có người bị ung thư vú.
- Chưa từng mang thai.
- Có con đầu sau 30 tuổi.
- Bắt đầu có kinh trước 12 tuổi.
- Mãn kinh sau 55 tuổi.
- Một số đột biến gen tăng nguy cơ ung thư vú, như BRCA1 và BRCA2.
Chẩn đoán ung thư biểu mô ống tuyến vú (DCIS) như thế nào?
Một số công cụ giúp hỗ trợ chẩn đoán gồm:
Chụp nhũ ảnh. DCIS thường được phát hiện tình cơ trên phim chụp nhũ ảnh. Nếu kết quả cho thấy có một đốm trắng bất thường (vi calci hóa) với hình dạng và kích thước bất thường, có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm thêm một số xét nghiệm khác.
Sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết, nhà chẩn đoán hình ảnh hay phẫu thuật viên sẽ dùng một đầu kim lấy một mẫu mô nhỏ ở vùng nghi ngờ có bất thường, dưới hướng dẫn siêu âm hay X-quang. Mẫu mô sẽ được gửi phòng xét nghiệm. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đánh giá xem liệu các mẫu mô này có phải bất thường không.
Điều trị DCIS như thế nào?
DCIS thường điều trị rất thành công. Thông thường sẽ phẫu thuật lấy khối u và ngăn chặn sự tái phát.
Ở hầu hết mọi người, phương án điều trị gồm:
- Phẫu thuật bảo tồn (lumpectomy) u vú kết hợp liệu pháp xạ trị.
- Phẫu thuật lấy trọn một bên vú (mastectomy).
Một số trường hợp, phương án điều trị là:
- Chỉ phẫu thuật lấy khối u.
- Phẫu thuật lấy khối u và liệu pháp hormon.
- Một số chỉ theo dõi chủ động kết hợp phẫu thuật.
Phẫu thuật
Sau khi chẩn đoán DCIS, một trong những quyết định hàng đầu là chọn giữa phẫu thuật lấy khối bướu hay phẫu thuật cắt trọn một bên vú.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đây là phương pháp loại bỏ vùng có DCIS và các mô xung quanh hoàn toàn bình thường. Nên vậy nó còn được gọi là phẫu thuật sinh thiết hay cắt bỏ vùng cục bộ. Thủ thuật này cho phép bảo tồn mô vú người bệnh nhất có thể, tùy thuộc số lượng mô bị cắt bỏ. Thường sẽ cần thêm bước tạo hình vú. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u thường có nguy cơ cao hơn khả năng tái phát bệnh. Tuy vậy, so với phẫu thuật trọn vú, tỉ lệ sống còn tương đương nhau. Nếu người bệnh có một số bệnh lí khác, nên cân nhắc các lựa chọn khác. Có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u kèm liệu pháp hormone, chỉ cắt bỏ khối u hoặc không điều trị.
- Cắt bỏ trọn một bên vú. Đây là phương pháp loại bỏ hoàn toàn mô một bên vú. Tạo hình vú trong quá trình làm thủ thuật cắt bỏ hoặc sau đó nhắm phục hồi tạo hình thẩm mĩ.
Hầu hết phụ nữ mắc DCIS (ung thư biểu mô ống tuyến vú) chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên vẫn có thể cân nhắc chọn cắt bỏ trọn một bên vú nếu:
- Khối DCIS kích thước lớn. Nếu dùng cách phẫu thuật lấy khối u sẽ làm mất đi tính thẩm mĩ
- Có nhiều hơn một khối u DCIS. Phẫu thuật cắt bỏ khối u nhiều vùng khác nhau sẽ rất khó khăn.
- Sau sinh thiết thấy các mô xung quanh khối u DCIS bất thường. Lúc này nên ưu tiên lựa chọn phẫu thuật cắt trọn một bên vú.
- Không thể điều trị xạ trị. Thường sau phẫu thuật cắt bướu sẽ xạ trị. Tuy nhiên do nguyên nhân gì đó làm bạn không thể xạ trị được. Ví dụ như bạn đang mang thai 3 tháng đầu, mới xạ trị gần đây hay bản thân quá dễ bị tác dụng phụ của tia xạ, như hội chứng lupus ban đỏ hệ thống.
- Người bệnh mong muốn cắt trọn một bên vú hơn chỉ cắt khối u.
- Bởi vì khối u DCIS thường không xâm lấn, nên không cần phải phẫu thuật lấy hạch vùng gần đó. Nguy cơ bị ung thư hạch di căn là cực kì thấp. Tuy vậy nếu sinh thiết thấy các mô quanh khối u bướu bất thường hoặc bạn cần phẫu thuật cắt trọn bên vú, việc sinh thiết hạch gần đó hay phẫu thuật nạo hạch được xem như là một phần cuộc phẫu thuật.
Xạ trị
Dùng tia X hay proton sóng cao tần nhằm cắt đốt các tế bào bất thường. Thường xạ trị sau khi đã cắt bỏ khối u. Nhằm mục đích chính là giảm khả năng tái phát ung thư hay diễn tiến sang dạng xâm lấn.
Thông thường sẽ có một máy di chuyển quanh cơ thể người bệnh (external beam radiation), ngoài ra còn có loại chỉ xạ trị vùng mô vú bên bệnh (brachytherapy). Tuy nhiên nếu khối DCIS quá nhỏ và mức độ ác tính thấp thì có thể chỉ cần phẫu thuật đơn thuần.
Liệu pháp hormon
Đây là cách ngăn chặn các hormon gắn vào các thụ thể của tế bào ung thư nhằm mục đích ngăn chặn sự tăng trưởng của khối u (thụ thể dương hormon bệnh ung thư vú).
Thường điều trị DCIS không cần dùng liệu pháp hormone. Tuy nhiên có thể cân nhắc kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm giảm khả năng tái phát khối DCIS hay ung thư vú xâm lấn.
Một số phương pháp điều trị thay thế
Vẫn chưa ghi nhận hiện nay có phương pháp thay thế nào điều trị DCIS có thể làm giảm khả năng thành ung thư xâm lấn. Tuy vậy, thuốc thay thế hay thuốc hỗ trợ được dùng để giúp bạn giảm thiểu tác dụng phụ các phương pháp điều trị khác, như căng thẳng. Nếu bạn thấy khó ngủ hay bản thân suy nghĩ quá nhiều, bạn dễ cáu kỉnh hay buồn bã. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc kết hợp một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng.
Theo khuyến cáo bác sĩ, một số liệu pháp sau nên được cân nhắc:
- Liệu pháp hội họa.
- Tập thể dục.
- Thiền định.
- Liệu pháp âm nhạc.
- Tập luyện thả lỏng cơ thể.
- Liệu pháp tinh thần.
Liệu pháp hỗ trợ
Khi được chẩn đoán khối u ống tuyến dẫn sữa ở vú (DCIS), bạn sẽ rất sợ hãi. Để cảm thấy dễ chịu hơn, bạn nên:
- Nghiên cứu các thông tin về bệnh DCIS và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ để có được đầy đủ thông tin
- Nhờ sự giúp đỡ mọi người. Bạn có thể trao đổi với bạn bè về cảm giác hay những lo âu bản thân. Ngoài ra còn có các đội nhóm sẽ lắng nghe và hỗ trợ bạn
- Thay đổi một lối sống lành mạnh. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ăn uống thực phẩm tốt sức khỏe như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết ngày trong tuần. Ngủ đủ mỗi đêm sẽ giúp bạn được dễ chịu.
Ung thư biểu mô ống tuyến vú là bệnh hay gặp ở phụ nữ có tuổi. Triệu chứng thường không rõ ràng. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp là cực kì cần thiết. Nếu bạn phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vú, bạn hãy đi khám ngay nhé. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm kiếm nguyên nhân bệnh và lựa chọn phương án điều trị tốt nhất cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ductal carcinoma in situ (DCIS)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dcis/symptoms-causes/syc-20371889
Ngày tham khảo: 28/08/2020