YouMed

Ung thư buồng trứng: Chẩn đoán và điều trị

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Xét nghiệm nào giúp hỗ trợ chẩn đoán? Có nên tầm soát ung thư buồng trứng hay không? Nên lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào? vấn đề tình dục, sinh sản sau điều trị ung thư buồng trứng có làm bạn quan tâm?

1. Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ. Ngoài thăm khám, bạn có thể được đề nghị làm những xét nghiệm sau:

1.1. Siêu âm

Xét nghiệm đầu tay. Có thể thấy hình ảnh buồng trứng qua đầu dò đặt trên bụng hoặc đặt trong âm đạo. Tùy kích thước khối u, quan hệ tình dục, tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có  lựa chọn phù hợp.

Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng
Siêu âm để phát hiện chuẩn đoán ung thư buồn trứng

1.2. Dùng chất CA125

Một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy máu để xác định nồng độ một chất. Chất này được gọi là chỉ dấu ung thư buồng trứng – CA125. CA125 được sản xuất bởi một số tế bào ung thư buồng trứng, nếu trong máu có nồng độ chất này cao, có thể đây là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

Tuy nhiên có vài điểm cần lưu ý với chỉ dấu ung thư này. Thứ nhất, CA125 tăng, không có nghĩa chắc chắn bị ung thư. Vì nó cũng tăng trong các bệnh lý lành tính như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung. Thứ hai, CA125 không tăng, không có nghĩa là bạn chắc chắn không bị ung thư buồng trứng. Vì u buồng trứng ác tính cũng có nhiều loại, có loại tiết CA125, có loại thì không.

1.3. Chụp CT bụng – chậu

Cung cấp hình ảnh về buồng trứng tốt hơn, đồng thời có thể thấy được mức độ xâm lấn của khối u tới các cơ quan xung quanh.

1.4. Nội soi ổ bụng

Truyền hình ảnh trực tiếp của khối u lên màn hình. Khảo sát sự di căn và độ xâm lấn của ung thư buồng trứng. Ngoài ra còn có thể trực tiếp lấy một mẫu mô của khối u, để xét nghiệm, xác định tính lành, ác khi cả lâm sàng và xét nghiệm khác đều mơ hồ.

Chụp X-quang ngực nếu bạn có dấu hiệu của ung thư buồng trứng di căn phổi.

2. Các giai đoạn ung thư buồng trứng

Bất kì ung thư nào được chẩn đoán, luôn luôn phải xác định giai đoạn ung thư. Giai đoạn ung thư cung cấp thông tin kích thước và sự lan rộng của khối u. Điều này giúp các bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Ung thư buồng trứng có 4 giai đoạn:

  • I – Ung thư chỉ ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • II – Ung thư xâm lấn đến các cơ quan lân cận như xương chậu hoặc tử cung.
  • III – Ung thư đã lan đến  ruột hoặc các cơ quan khác trong ổ bụng.
  • IV – Ung thư đã lan sang các cơ quan ngoài ổ bụng như gan hoặc phổi.

3. Ung thư buồng trứng có tầm soát được không?

Một công cụ tầm soát bệnh tật hiệu quả khi phát hiện bệnh sớm ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng, giúp điều trị sớm, đạt kết quả tốt nhất. Rất tiếc, hiện tại chưa có một dấu hiệu hay xét nghiệm đơn độc nào có thể được dùng làm tầm soát ung thư buồng trứng hiệu quả.

Để có thể phát hiện bệnh sớm bạn nên chú ý đến cơ thể mình. Biết những gì là bình thường với chính mình, để khi có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể bạn sẽ dễ dàng nhận ra. Và nếu đó có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng, hãy đến gặp bác sĩ.

>> Ngoài ra, tránh yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng như đã đề cập trong bài.

4. Điều trị ung thư buồng trứng như thế nào?

Việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như:

  • Mức độ lan rộng của khối u.
  • Tình trạng sức khỏe chung
  • Độ tuổi
  • Mong muốn có con.

Mục đích của điều trị tối ưu nhất là chữa khỏi ung thư. Tuy nhiên, nếu ubệnh đã di căn hoặc xâm lấn quá nhiều, việc duy nhất chúng ta nên làm là điều trị hỗ trợ, giảm các triệu chứng. Sống những ngày thật đáng sống. 

4.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư buồng trứng. Mục đích là để loại bỏ tất cả các tế bào ung thư hoặc càng nhiều càng tốt.

4.2. Hóa trị

Ung thư buồng trứng: Chẩn đoán và điều trị
Hóa trị dể tiêu diệt tế bào gây ra bệnh Ung thư buồn trứng

Hóa trị là đưa thuốc vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Phần lớn, hóa trị thường được kết hợp có thể trước hoặc sau khi phẫu thuật.

4.3. Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm tia có năng lượng lớn chiếu vào vùng nhất định để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Mỗi một phương pháp đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ khác nhau. Tùy theo mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Đôi khi, nếu bạn may mắn có thể chữa khỏi bệnh ung thư này thì vẫn có những vấn đề “nho nhỏ” làm ảnh hưởng cuộc sống đáng kể không chỉ với người bệnh mà còn với bạn đời.

4.4. Đời sống tình dục của bệnh nhân ung thư buồng trứng sau điều trị.

Bác sĩ thường khuyên tránh quan hệ tình dục vài tuần sau khi phẫu thuật để vết thương mau lành. Tuy nhiên ngay cả khi vết thương đã lành, người bệnh dường như cũng mất nhiều thời gian hơn để sẵn sàng quan hệ. Điều này có thể được lí giải là do:

  • Cắt bỏ buồng trứng gây sụt giảm nhanh chóng các nội tiết tố làm giảm ham muốn. Nói các khác, bệnh nhân bị cắt cả hai buồng trứng nghĩa là họ mãn kinh, dù tuổi còn trẻ.
  • Trong lúc phẫu thuật có thể đụng chạm các dây thần kinh có liên quan đến sự nhạy cảm cần có khi quan hệ.
  • Sự mệt mỏi, căng thẳng trong một thời gian dài để chống chọi lại bệnh tật. Nếu là do nguyên nhân này, bạn có thể chia sẻ với bạn đời để nhận sự cảm thông. Cả hai có thể từ từ cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục.
Ung thư buồng trứng: Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ thường khuyên tránh quan hệ tình dục vài tuần sau khi phẫu thuật

4.5. Khả năng sinh sản và mang thai

Ung thư buồng trứng vẫn có thể xuất hiện ở phụ nữ trẻ tuổi, khi mà họ còn đang xuân sắc, mong chờ thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên có những ung thư xâm lấn tử cung (dạ con), buộc phải cắt cả tử cung. Đồng nghĩa, họ sẽ mãi mãi phải từ bỏ trải nghiệm được mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh con. Đó là một thiệt thòi to lớn của người bệnh. Dù vậy, những trường hợp khác bạn vẫn có thể mang thai tự nhiên được nếu vẫn còn một trong hai buồng trứng, dẫu có thể sẽ khó khăn hơn so với người bình thường.

Trong thời gian hóa trị, bạn không nên mang thai vì nó ảnh hưởng lên thai nhi. Ngoài ra khi có thai, sẽ làm cho việc theo dõi ung thư tái phát khó khăn. Nên thường người bệnh được khuyên không nên có thai trong vài năm đầu sau điều trị.

Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, các bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Chúng ta đã biết mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư buồng trứng. Cho nên, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh rất quan trọng.

>> Hãy tham khảo bài viết về “Ung thư buồng trứng: Nguyên Nhân và triệu chứng” để có những kiến thức nhận biết sớm tình trạng bệnh nếu chẳng may mắc phải.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Living with Ovarian cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/ovarian-cancer/living-with/

    Ngày tham khảo: 15/10/2019

  2. Diagnosis Ovarian cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/ovarian-cancer/diagnosis/

    Ngày tham khảo: 15/10/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người