Ung thư tế bào đáy: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư tế bào đáy là dạng ung thư da liễu phổ biến nhất trên thế giới. Đa phần các dạng ung thư tế bào đáy diễn tiến khá chậm. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ký này sẽ mang lại kết quả khả quan cho bệnh nhân. Vậy các biểu hiện của căn bệnh này là gì? Nguyên nhân nào gây ra ung thư tế bào đáy? Các phương pháp điều trị chủ yếu là như thế nào?
Ung thư tế bào đáy là gì?
Tổng quan về ung thư tế bào đáy
Ung thư tế bào đáy còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào đáy. Đây là dạng ung thư da phổ biến nhất trên thế giới.
Tế bào đáy là một loại tế bào làm nhiệm vụ sản sinh ra các tế bào mới khi lớp sừng ngoài cùng trên da mất đi. Hoạt động này giúp da của chúng ta luôn được tái tạo, toàn vẹn trong điều kiện bình thường.
Ung thư tế bào đáy xảy ra khi có các đột biến gen bất lợi, làm tế bào đáy mất kiểm soát. Chúng thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể và sản sinh liên tục. Như đa phần các ung thư khác, căn bệnh này là kết quả của sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố từ môi trường sống.
Hầu hết nguyên nhân của hiện tượng này là do tiếp xúc lâu dài với bức xạ tia UV. Tia UV hay còn gọi là tia cực tím hiện diện trong ánh sáng mặt trời. Vì vậy, chống nắng hiệu quả là một phương pháp chính để phòng ngừa căn bệnh này.
Xem thêm: Bạn đã chống nắng đúng cách?
Đa phần diễn tiến của căn bệnh này xảy ra khá chậm và hiếm khi gây tử vong cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, tổn thương ác tính có thể gây thiệt hại nhiều đến vùng da lành và xương. Thêm vào đó, khả năng tái phát của ung thư tế bào đáy cũng khá cao. Vì vậy, nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để chẩn đoán kịp thời sẽ nâng cao hiệu quả điều trị.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tế bào đáy
- Phơi nắng dài ngày dưới cường độ cao. Đặc biệt là khi giai đoạn này xảy ra sớm, trước 18 tuổi. Dưới tác động của bức xạ mặt trời đến da, các đột biến trong gen sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ gây ra ung thư. Vì vậy, có thể người bệnh phơi nắng dài ngày từ nhỏ nhưng đến tuổi trung niên hoặc cao hơn mới phát bệnh.
- Những người có làn da trắng và mỏng, kém khỏe mạnh, dễ bị cháy nắng. Đây là lí do vì sao mà các dạng ung thư da thường gặp ở châu Âu và châu Mỹ hơn người châu Á và châu Phi.
- Nguy cơ tăng lên khi người bệnh đã từng bị cháy nắng lúc còn nhỏ. Vì vậy khi cho trẻ nhỏ đi dã ngoại, đi biển,… phụ huynh cần lưu ý vấn đề chống nắng cho trẻ.
- Nam giới có tỉ lệ mắc dạng ung thư này cao hơn nữ giới.
- Gia đình có người từng bị ung thư da. Như đã đề cập, nhiều loại ung thư là kết quả giữa yếu tố di truyền và môi trường sống. Người có người thân từng mắc ung thư da thì bộ gen có thể có sẵn những biến đổi bất lợi.
Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào đáy
Dạng phổ biến nhất của căn bệnh này xảy ra trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thông thường là da vùng đầu và cổ. Các tổn thương này ít khi lan rộng ra những vùng da khác.
Nhưng đôi khi người ta vẫn tìm thấy các ca ung thư biểu mô tế bào đáy trên những vùng da được che chắn. Ví dụ như ung thư xảy ra trên vùng da của bộ phận sinh dục.
Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào đáy rất đa dạng. Chúng biểu hiện tùy theo thể bệnh cơ địa của mỗi người. Hầu hết các tổn thương đều là những thay đổi trên da. Người bệnh có thể nhận biết bằng mắt thường. Cần lưu ý là triệu chứng có thể thay đổi rất đa dạng tùy theo từng người.
Khi mới xuất hiện, người bình thường có thể khó nhận biết rõ ràng các thương tổn. Vì vậy, người bệnh liên hệ với bác sĩ khi thấy các thay đổi lạ mới xuất hiện trên da.
Những dạng thương tổn phổ biến và điển hình
- Tổn thương dạng vảy: Thường ở dạng vảy nằm nông, bằng phẳng trên da. Các vảy có giới hạn rõ ràng, diễn tiến khá chậm. Tổn thương dạng vảy hay gặp ở thân mình.
- Tổn thương dạng u: Phát triển từ từ. Đường kính khối u thường nhỏ, từ một đến vài cm. Sờ vào u thấy chắc, thường không đau, không ngứa.
- Tổn thương dạng xơ hóa: nằm bằng phẳng với mặt da. Có khi ở dạng sẹo lõm. Giới hạn của chúng với vùng da lành không rõ ràng. Vị trí thường gặp là vùng trán hoặc vùng mũi.
- Tổn thương dạng loét: Có thể phối hợp với các tổn thương trên. Tổn thương dạng loét thường lâu lành. Trên bề mặt vết loét thường có vảy đen.
- Hiện tượng tăng sắc tố: đây là dấu hiệu rất thường gặp của ung thư biểu mô tế bào đáy. Đa phần chúng có màu nâu đen. Tuy nhiên các mảng tăng sắc tố màu nâu đen trên da không khẳng định một trường hợp ung thư tế bào đáy. Cần phân biệt với các nguyên nhân khác.
Những thương tổn trên có thể cùng xuất hiện trên da.
Ngoài ra còn có triệu chứng nổi hạch gần vùng da thương tổn. Các hạch này thường cứng chắc, không đau và không di động dưới da.
Làm thế nào để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy?
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám các tổn thương trên da. Việc hỏi bệnh cũng được tiến hành nhằm xác định thêm những thông tin cần thiết. Hoàn cảnh xuất hiện, diễn tiến, các triệu chứng kèm theo, tình trạng sức khỏe cá nhân,… là những thông tin cơ bản. Vì vậy, hãy chú ý đến sự phát triển của những thay đổi bất thường mà bạn nhận biết được.
Tiến hành hỏi về các triệu chứng liên quan
Cụ thể hơn, các câu hỏi thường gặp là:
- Người bệnh phát hiện tổn thương từ lúc nào?
- Tổn thương này có thay đổi theo thời gian hay vẫn giữ nguyên?
- Người bệnh có cảm thấy đau trên vùng da tổn thương hay không?
- Có kèm theo các triệu chứng khác hoặc khó chịu gì khác hay không?
- Trước đây người bệnh từng có chẩn đoán ung thư da hay chưa? Ung thư da đó thuộc loại gì? Nếu có thì điều trị như thế nào?
- Trong gia đình có ai từng mắc ung thư da không?
- Nghề nghiệp của bạn là gì? Bạn sống ở đâu? Có thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không? Có thường xuyên áp dụng các biện pháp chống nắng hay không?
Thăm khám và thủ thuật
Việc thăm khám sẽ được thực hiện trên toàn bộ cơ thể chứ không chỉ ở vùng da có biến đổi. Thăm khám kỹ lưỡng các hệ cơ quan sẽ đảm bảo không bỏ sót các nguyên nhân khác.
Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết da để xác định chẩn đoán. Đây là thủ thuật trích một phần thương tổn để xét nghiệm. Nhờ đó giúp khẳng định bản chất của tổn thương là lành hay ác tính. Nó cũng giúp xác định loại ung thư da mà người bệnh mắc phải. Tùy theo tổn thương của người bệnh mà sinh thiết có thể thực hiện theo những cách khác nhau.
Các phương pháp điều trị hiện có
Nguyên tắc chính trong điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy là loại bỏ triệt để tổ chức ung thư. Sau đó là tái tạo lại da sau khi loại bỏ tổn thương. Giai đoạn này nhằm phục hồi và đảm bảo chức năng của da cũng như tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ trầm trọng của bệnh mà các biện pháp điều trị có thể thay đổi.
Giai đoạn loại bỏ tổ chức ung thư
Nhiều phương thức phẫu thuật khác nhau phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân và trang thiết bị hiện có. Trong đó, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ rộng thương tổn được chỉ định nhiều nhất.
Phẫu thuật với kính hiển vi hiện là phương pháp tối tân nhất. Đây là giải pháp cho hiệu quả cao và đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân. Đặc biệt là các bệnh nhân trẻ. Tuy nhiên chi phí thực hiện khá cao, cần thực hiện nhiều lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Phẫu thuật lạnh, sử dụng tia laser, tia xạ,… cũng là các phương pháp điều trị hiệu quả. Những biện pháp này thường được áp dụng trên người cao tuổi, thể trạng yếu, có các bệnh nền.
Giai đoạn phục hồi tạo hình
Có thể lựa chọn giữa phẫu thuật để tái tạo vùng da tổn thương hoặc để lành sẹo tự nhiên.
Phương pháp phẫu thuật tạo hình:
- Tùy theo mức độ và kích thước của tổn thương mà bác sĩ chọn lựa giữa dùng vạt da gần vùng tổn thương hoặc ghép da.
Phương án lành sẹo tự nhiên áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Thể trạng bệnh nhân quá yếu, không chịu được nhiều lần phẫu thuật.
- Tổn thương xảy ra ở một số vị trí đặc biệt: mũi, góc mắt,…
Hãy trao đổi cẩn thận với bác sĩ điều trị để được tư vấn các phương án phù hợp nhất.
Phòng ngừa ung thư tế bào đáy như thế nào?
Như đã đề cập, nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là do tiếp xúc lâu dài với bức xạ mặt trời. Vì thế, tránh ánh nắng là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để dự phòng bệnh. Cần chú ý đến môi trường sinh hoạt và làm việc. Mọi người cần chống nắng cẩn thận với kem chống nắng và trang phục hay vật dụng che chắn.
Cần lưu ý rằng, tỉ lệ tái phát ung thư biểu mô tế bào đáy còn khá cao. Nên đối với các bệnh nhân đã từng có chẩn đoán ung thư da, hãy tái khám định kỳ 1-2 năm/ lần để kịp phát hiện các tổn thương mới.
Kết luận
Ung thư tế bào đáy là một loại ung thư phổ biến. Đây được xem là loại ung thư ít nguy hiểm hơn các ung thư khác do diễn tiến chậm. Nhận biết sớm những thay đổi khác lạ trên da, đặc biệt các vùng da hay tiếp xúc ánh nắng sẽ giúp chẩn đoán sớm căn bệnh này. Chìa khóa vàng trong phòng ngừa ung thư tế bào đáy là chống nắng hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Basal cell carcinoma (symptoms and causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/basal-cell-carcinoma/symptoms-causes/syc-20354187
Ngày tham khảo: 23/01/2021
-
Basal Cell Carcinomahttps://www.healthline.com/health/basal-cell-carcinoma
Ngày tham khảo: 23/01/2021
-
Basal Cell Carcinoma Overviewhttp://www.skincancer.org/skin-cancer-information/basal-cell-carcinoma/
Ngày tham khảo: 23/01/2021