Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Đa số trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu xuất hiện một khối u trên tuyến giáp. Việc phát hiện sớm tế bào ung thư sẽ giúp bạn có cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn. Bài viết sau của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp thêm thông tin về ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là gì?
Cấu trúc tuyến giáp1
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, bên dưới sụn giáp. Hầu hết mọi người không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được tuyến giáp. Nó có hình dạng giống một con bướm với 2 thùy ở hai bên trái – phải.
Hai thùy của tuyến giáp được nối với nhau bởi một đoạn tuyến hẹp (gọi là eo tuyến giáp). Tuyến giáp sử dụng iod, một khoáng chất giúp tạo ra một số hormone. Tuyến giáp có 2 loại tế bào chính:
- Các tế bào nang sử dụng iod từ máu để tạo ra hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Có quá nhiều hormone tuyến giáp (bệnh cường giáp) có thể gây rối loạn nhịp tim, khó ngủ, căng thẳng, đói, sụt cân và tăng thân nhiệt. Ngược lại, nếu lượng hormone quá ít (bệnh suy giáp) sẽ khiến cơ thể hoạt động chậm chạp, cảm thấy mệt mỏi và tăng cân.
- Tế bào C tạo ra calcitonin, một loại hormone giúp kiểm soát lượng canxi trong máu.
Các loại ung thư khác nhau do tế bào ung thư hình thành từ mỗi loại tế bào khác nhau. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư cũng như việc lựa chọn phương pháp điều trị cần thiết. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về ung thư tuyến giáp qua những bài viết trước.
Triệu chứng ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu2
Ung thư tuyến giáp ở mọi giai đoạn có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào. Đôi khi, khối u chỉ được tìm thấy trong quá trình khám sức khỏe định kỳ và việc phát hiện càng sớm bệnh sẽ làm tăng tỉ lệ điều trị ung thư tuyến giáp thành công. Hầu hết ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu được phát hiện khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ vì sờ thấy khối u ở vùng cổ. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám khi phát hiện cơ thể có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Khó thở.
- Nuốt nghẹn.
- Đau khi nuốt.
- Khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói.
Các khối u ở tuyến giáp rất thường gặp, đa số lành tính. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn mang tâm lý chủ quan, xem thường căn bệnh này. Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu đôi khi cũng được phát hiện khi mọi người làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, thường phát hiện khối u nhờ siêu âm, chụp X-quang hoặc chụp CT vì các vấn đề sức khỏe khác.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu
Mặc dù nguyên nhân chính xác của hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp vẫn chưa được biết đến, song vẫn có trường hợp phát hiện ung thư tuyến giáp có liên quan đến một số tình trạng di truyền. Những thay đổi nhất định trong DNA của một người có thể khiến các tế bào tuyến giáp trở thành ung thư.
Số lượng các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp thường không phản ánh tỷ lệ mắc bệnh của mỗi người. Nhiều bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp chỉ có một yếu tố nguy cơ duy nhất nhưng cũng rất khó để các bác sĩ xác định yếu tố nguy cơ đó có thực sự tác động nhiều vào việc hình thành bệnh ung thư hay không.
Một số yếu tố nguy cơ đã được tìm thấy khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu:
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi3
1. Giới tính và tuổi tác
Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 (giống như hầu hết các bệnh của tuyến giáp) ở nữ giới nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng nguy cơ mắc bệnh ở độ tuổi sớm hơn đối với nữ giới (40 hoặc 50 tuổi) so với nam giới (60 hoặc 70 tuổi).
2. Di truyền
Một số rối loạn di truyền có liên quan đến các loại ung thư tuyến giáp. Do gen bất thường được bố mẹ truyền qua cho con cái. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp được chẩn đoán ung thư tuyến giáp không ghi nhận về tiền sử gia đình mắc bệnh.
Ung thư tuyến giáp thể tuỷ: Khoảng 2 trong số 10 người mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể tuỷ (MTCs) có gen bất thường. Những trường hợp này được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp thể tuỷ gia đình (FMTC). Trong các dạng di truyền này, ung thư thường phát triển từ thời thơ ấu hoặc lúc trẻ ở tuổi mới trưởng thành và có thể tiến triển sớm.
Các bệnh ung thư tuyến giáp khác: Những người có một số bệnh lý di truyền khác dễ nguy cơ mắc các dạng ung thư tuyến giáp phổ biến hơn. Tỷ lệ cao hơn mắc ung thư tuyến giáp xảy ra ở những người có các rối loạn di truyền như:
- Bệnh đa polyp có tính gia đình (FAP).
- Bệnh Cowden.
- Phức hợp Carney, loại I.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp không thuộc dòng tủy có tính gia đình.
Nếu bạn có người thân trực hệ (bố mẹ, anh, chị, em ruột) mắc ung thư tuyến giáp, ngay cả khi không có bất kì rối loạn gen di truyền trong gia đình, bạn có thể có nguy mơ mắc ung thư tuyến giáp. Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mắc bệnh lí giống các thành viên trong gia đình, hãy đi khám để được tư vấn các xét nghiệm di truyền.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi3
1. Tiếp xúc với bức xạ
Tiếp xúc với bức xạ là một yếu tố nguy cơ đã được chứng minh liên quan đến ung thư tuyến giáp. Các nguồn bức xạ có thể do ảnh hưởng từ phương pháp xạ trị, phóng xạ bởi tai nạn nhà máy điện hoặc vũ khí hạt nhân.
Việc từng điều trị bức xạ ở vùng đầu mặt cổ trước đó là một yếu tố nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp. Mức độ nguy cơ phụ thuộc vào lượng bức xạ và độ tuổi mà bạn tiếp xúc. Người ở độ tuổi càng nhỏ, tiếp xúc với lượng lớn phóng xạ sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang và chụp CT cũng là trường hợp tiếp xúc với bức xạ. Nhưng với liều lượng tia xạ thấp hơn nhiều. Vì vậy, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh những xét nghiệm đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp (hoặc các bệnh ung thư khác). Nếu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thì chỉ là nguy cơ thấp. Nhưng để an toàn, bạn không nên thường xuyên làm các xét nghiệm này, trừ khi thực sự cần thiết.
2.Thừa cân hoặc béo phì
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn những người khỏe mạnh.
3. Chế độ ăn uống có iod
Ung thư tuyến giáp phổ biến hơn ở các quốc gia có chế độ ăn uống ít dùng muối iod. Tuy nhiên, việc làm dụng muối iod không những không ngăn ngừa ung thư tuyến giáp mà còn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh. Bên cạnh đó, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân cũng là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình điều trị ung thư.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 thường không gây nhiều nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm nếu được chẩn đoán sớm là 100%. Có rất nhiều cách điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu:
Phẫu thuật4
Phẫu thuật là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để loại bỏ ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu. Tùy vào tính chất khối u mà bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp hay chỉ một thùy của tuyến giáp. Trong quá trị phẫu thuật, các bác sĩ sẽ kết hợp loại bỏ các hạch bạch huyết ở vùng cổ và mô xung quanh tuyến giáp có liên quan đến tế bào ung thư.
Liệu pháp hormone5
Nếu tuyến giáp của bạn đã bị cắt bỏ, cơ thể không thể tạo ra hormone tuyến giáp nữa, bạn sẽ cần uống thuốc bổ sung để thay thế hormone tuyến giáp tự nhiên. Mục đích là giúp duy trì sự trao đổi chất bình thường trong cơ thể.
Chức năng tuyến giáp được điều chỉnh bởi tuyến yên (một cấu trúc trong não). Tuyến yên tạo ra hormone gọi là TSH. TSH sẽ kích thích tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp cho cơ thể. TSH cũng thúc đẩy sự phát triển của tuyến giáp và các tế bào ung thư tuyến giáp. Nếu lượng hormone tuyến giáp thấp, tuyến yên tạo ra nhiều TSH hơn và ngược lại.
Các bác sĩ đã phát hiện ra rằng bằng cách cung cấp liều lượng hormone tuyến giáp cao hơn bình thường, lượng TSH trong cơ thể sẽ ở mức rất thấp. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại. Từ đó sẽ giảm nguy cơ tái phát.
Liệu pháp Iod phóng xạ6
Tuyến giáp của bạn hấp thụ gần như tất cả lượng iod trong cơ thể. Liệu pháp Iod phóng xạ (được gọi là I-131) có thể được dùng để điều trị ung thư tuyến giáp. Iod phóng xạ chủ yếu tập trung đến các tế bào tuyến giáp. Do đó, bức xạ có thể phá hủy tế bào tuyến giáp chứa iod và cả tế bào ung thư tuyến giáp. Liệu pháp điều trị này ít ảnh hưởng đến các bộ phận còn lại trong cơ thể.
Phương pháp Iod phóng xạ có thể được sử dụng để loại bỏ tế bào ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu còn sót lại. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp người bệnh sống lâu hơn nếu mắc phải một số loại ung thư tuyến giáp đã di căn đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Những bệnh lý ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có thể được điều trị bằng nhiều cách: phẫu thuật kết hợp với liệu pháp miễn dịch hay iod phóng xạ. Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trên thực tế, nhóm ung thư tuyến giáp phổ biến nhất (thể nhú và thể nang) cũng có tỉ lệ khỏi bệnh cao khi được điều trị thích hợp. Vậy nên việc tầm soát bệnh ung thư để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị hợp lý là điều rất quan trọng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Thyroid Cancer?https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/about/what-is-thyroid-cancer.html
Ngày tham khảo: 02/04/2023
-
Thyroid cancer - Symptomshttps://www.nhs.uk/conditions/thyroid-cancer/
Ngày tham khảo: 02/04/2023
-
Thyroid Cancer Risk Factorshttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html
Ngày tham khảo: 02/04/2023
-
Surgery for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/surgery.html
Ngày tham khảo: 02/04/2023
-
Thyroid Hormone Therapyhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/thyroid-hormone-therapy.html
Ngày tham khảo: 02/04/2023
-
Radioactive Iodine (Radioiodine) Therapy for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/radioactive-iodine.html
Ngày tham khảo: 02/04/2023