Ung thư vú tái phát có dấu hiệu gì?
Nội dung bài viết
Ung thư vú gọi là tái phát khi bệnh trở lại sau khi đã điều trị. Khi bản thân mình hoặc người thân trong gia đình được chẩn đoán và điều trị ung thư vú, chắc hẳn bạn sẽ rất thắc mắc liệu ung thư có quay lại không? Dấu hiệu của bệnh tái phát là gì? Có cách nào làm giảm nguy cơ tái phát không? Cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1. Tổng quan
Ung thư vú tái phát là tình trạng bệnh ung thư trở lại sau điều trị ban đầu. Bệnh có tái phát sớm, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều tháng hay nhiều năm sau kết thúc điều trị. Thời điểm tái phát thường gặp nhất là trong vòng 5 năm đầu sau điều trị. Ung thư vú có thể tái phát bất cứ thời điểm nào sau điều trị, nhưng cũng có thể không tái phát.
Mặc dù mục đích của điều trị ban đầu là loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư, vẫn có một số ít tế bào có thể tồn tại sau điều trị. Những tế bào còn sót lại này tiếp tục nhân chia, trở thành ung thư tái phát. Ung thư có thể tái phát ở cùng vị trí ở khối u ban đầu (tái phát tại chỗ) hay khối u xuất hiện và lan ra ở những vị trí khác của cơ thể (tái phát xa).
Bệnh ung thư tái phát thì khó khăn hơn đối mặt với chẩn đoán lần đầu. Nhưng ung thư vú tái phát không phải là hết hi vọng. Điều trị vẫn có thể loại bỏ ung thư vú tái phát tại chỗ hay tái phát xa. Ngay cả khi không thể điều trị triệt căn, các điều trị khác cũng giúp kiểm soát bệnh trong thời gian dài.
2. Làm sao để nhận biết ung thư vú tái phát?
Sau khi điều trị ung thư vú, chị em nên tự khám vú tại nhà, kiểm tra vùng điều trị và bên vú còn lại. Khi có bất kỳ thay đổi nào, hãy báo ngay với bác sĩ điều trị.
Đồng thời, đừng quên kiểm tra tầm soát ung thư tái phát theo lịch trình của bác sĩ. Ngoài tái khám, bạn cũng đồng thời làm những xét nghiệm như nhũ ảnh, MRI hay siêu âm vú theo chỉ định. Ung thư vú dù tái phát nếu được phát hiện sớm sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn.
3. Triệu chứng ung thư vú tái phát là gì?
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tái phát tại vú rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí khối u phát triển.
3.1. Tái phát tại chỗ
Tái phát tại chỗ là khi ung thư xuất hiện ngay tại vị trí lần đầu tiên nó xuất hiện. Nếu bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u, khối u có thể tái phát ở phần mô vú còn lại. Nếu bạn đã được phẫu thuật cắt toàn bộ vú, khối u cũng có thể tái phát ở phần mô nằm sát thành ngực hay phần da vú.
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tái phát tại chỗ cùng một bên vú có thể là:
- Xuất hiện một khối sờ được ở vú, một vùng dày lên hay vùng mô bất thường.
- Những thay đổi ở da vú: cộm lên, đỏ da, co rúm hay nhăn nheo.
- Viêm hay một vùng da sưng đỏ.
- Chảy dịch núm vú.
Những dấu hiệu tái phát của ung thư vú tại thành ngực sau phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô vú:
- Một hay nhiều hạch không đau sờ thấy dưới da của thành ngực.
- Sờ thấy vùng dày lên dọc theo hay bên cạnh đường sẹo mổ đoạn nhũ.
3.2. Tái phát tại vùng
Tái phát tại vùng là bệnh tái phát ở những hạch lympho gần hay kế cạnh vùng vú đã điều trị. Triệu chứng có thể là bạn sờ thấy một khối cứng, sưng hạch lympho ở:
- Vùng nách dưới cánh tay.
- Gần xương sườn.
- Rãnh dưới xương sườn.
- Ở vùng cổ.
3.3. Tái phát xa
Tái phát xa hay di căn khi ung thư di chuyển đến các cơ quan khác của cơ thể, thường gặp nhất là xương, gan và phổi. Triệu chứng có thể là:
- Những cơn đau như đau ngực, đau lưng hay hông, đau dai dẳng và ngày càng nặng.
- Ho kéo dài.
- Khó thở.
- Mất nhận thức.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau đầu nặng.
- Co giật.
4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Sau khi kết thúc điều trị ung thư vú lần đầu, bác sĩ sẽ lên kế hoạch tái khám để kiểm tra. Trong những lần tái khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra liệu có dấu hiệu tái phát nào không. Hãy hỏi bác sĩ về lịch trình tái khám, bao lâu cần tái khám lại và những xét nghiệm cần phải làm.
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy đến khám bác sĩ ngay để được đánh giá.
Khi đi khám ung thư vú, bạn cần quan tâm những gì? Tìm hiểu trong bài viết: Cần chuẩn bị câu hỏi gì trước khi đi khám bệnh Ung thư vú?
5. Nguyên nhân ung thư vú tái phát
Những phương pháp điều trị như hoá trị, xạ trị hay liệu pháp nội tiết thường được lựa chọn để tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Nhưng đôi khi vẫn có những tế bào ung thư vượt qua được các phương pháp điều trị và tồn tại trong thời gian dài.
Những tế bào ung thư tồn tại dạng ngủ đông trong nhiều năm mà không gây bất cứ triệu chứng gì. Sau đó, có những yếu tố kích hoạt khiến chúng phát triển và lan đến các cơ quan khác của cơ thể.
Cơ chế sinh bệnh của ung thư vú tái phát chưa rõ ràng và vẫn đang được nghiên cứu.
6. Yếu tố nguy cơ tái phát ung thư vú?
Những yếu tố sau được cho là tăng nguy cơ tái phát của ung thư vú:
6.1. Giai đoạn và bản chất của ung thư vú lần đầu
- Có liên quan hạch lympho. Nếu ung thư đã từng di căn đến các hạch lympho vùng vào lần đầu tiên chẩn đoán, nguy cơ tái phát sẽ tăng.
- Khối u kích thước lớn. Những người có khối ung thư kích thước càng lớn thì có nguy cơ tái phát càng cao.
- Bờ cắt dương tính hay gần bờ khối u. Trong quá trình phẫu thuật cắt khối ung thư, phẫu thuật viên sẽ cố gắng lấy toàn bộ khối u và một phần mô lành xung quanh. Sau đó, toàn bộ khối này sẽ được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định xem bờ cắt có còn tế bào ung thư không.
Bờ cắt không tồn tại tế bào ung thư gọi là bờ cắt âm tính. Nếu bờ cắt tồn tại tế bào ung thư (bờ cắt dương tính) hoặc bờ giữa khối ung thư và phần mô lành quá gần nhau, nguy cơ tái phát có thể tăng.
- Ung thư vú dạng viêm có nguy cơ tái phát tại chỗ cao hơn.
- Vài dạng ung thư vú có tiên lượng xấu hơn. Các loại ung thư không đáp ứng với điều trị horrmone hay điều trị nhắm trúng đích (ung thư vú 3 âm tính) có tiên lượng xấu hơn các loại ung thư khác và có nguy cơ tái phát cao hơn.
6.2. Điều trị không đầy đủ
Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chọn thêm các phương pháp khác như hoá trị, xạ trị hoặc điều trị nội tiết. Tuỳ thuộc vào giai đoạn và bản chất tế bào ung thư mà lựa chọn phương pháp điều trị tiếp theo. Những điều trị này để đảm bảo tiêu diệt tối đa tế bào ung thư còn sót lại. Những bệnh nhân không điều trị đầy đủ thường có nguy cơ tái phát cao hơn.
6.3. Yếu tố khác
- Tuổi trẻ hơn. Những phụ nữ trẻ, đặc biệt dưới 35 tuổi khi mắc ung thư vú lần đầu, có nguy cơ cao hơn đối với tái phát.
- Béo phì. Có chỉ số khối cơ thể cao hay béo phì cũng tăng nguy cơ tái phát.
7. Phòng ngừa ung thư vú tái phát như thế nào?
Những cách sau có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú:
7.1. Điều trị đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Tiếp tục các liệu pháp điều trị sau phẫu thuật theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Những biện pháp đó có thể là:
- Liệu pháp hormone. Điều trị với hormone sau phẫu thuật có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát. Phương pháp điều trị này hiệu quả với ung thư vú dương tính với thụ thể hormone. Quá trình điều trị này có thể kéo dài 5 năm hoặc hơn.
- Hoá trị. Với những bệnh nhân có nguy cơ cao, hoá trị đã được chứng minh làm giảm khả năng tái phát. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị với hoá trị cũng sống lâu hơn.
- Xạ trị. Xạ trị có thể kết hợp trước hay sau phẫu thuật nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong việc điều trị. Bệnh nhân có khối u lớn hay ung thư vú dạng viêm ít bị tái phát hơn nếu được điều trị xạ trị.
- Liệu pháp nhắm trúng đích. Khi ung thư vú dương tính cao với protein HER2, điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích có thể giúp làm giảm nguy cơ.
7.2. Thay đổi lối sống
- Giữ tinh thần lạc quan, giảm stress và lo âu. Hãy chia sẻ với người thân và trao đổi với bác sĩ về những điều khiến bạn lo lắng. Tham gia những tổ chức/hội nhóm về ung thư uy tín để cùng chia sẻ. Chọn lọc thông tin trên mạng, hãy tin tưởng vào thông tin chính thống.
- Giữ cân nặng khoẻ mạnh. Giữ cân nặng hợp lý, giảm cân nếu béo phì có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát.
- Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục không chỉ giúp duy trì vóc dáng khoẻ mạnh mà còn giúp tinh thần phấn chấn hơn. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp cải thiện các vấn đề sức khoẻ và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Hãy chọn những bài tập vừa sức, phù hợp với bản thân để duy trì đều đặn.
- Ăn uống lành mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra: một chế độ ăn nhiều chất béo và calories sẽ làm tăng estrogen trong máu. Do đó, giảm lượng chất béo sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ. Tuy vậy, cần ăn uống đầy đủ chất, tăng cường rau xanh và vitamin. Tránh ăn kiêng quá mức để cơ thể thiếu chất.
- Giảm cồn, không hút thuốc lá.
Tuy tỉ lệ không cao, nhưng ung thư vú vẫn có thể tái phát sau khi điều trị. Hiểu về bệnh và chọn lối sống lạc quan, khoẻ mạnh chính là một trong những chìa khoá giúp chị em phòng ngừa ung thư vú tái phát tốt hơn. Đừng quên tuân thủ các chỉ dẫn về điều trị và theo dõi của bác sĩ nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.