YouMed

Vắc-xin lao (BCG): Những điều bạn cần biết

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC CẨM TIÊN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Chuyên khoa: Dược

Bạn biết gì về vắc xin lao BCG? Những điều lưu ý đặc biệt mà bố mẹ cần để tâm sau khi trẻ được tiêm chủng là gì? Cách xử trí nếu xuất hiện các phản ứng sau tiêm ở trẻ? Hãy cùng theo dõi các vấn đề được phân tích và trình bày trong bài viết dưới đây của dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên.

Vắc xin BCG là gì?

BCG còn được gọi là Bacille Calmette – Guerin, được biết đến là một loại vắc xin phòng ngừa bệnh lao. Trong thành phần vắc xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây ra bệnh lao. Tuy nhiên, vi khuẩn này đã được làm yếu đi. Do đó, chúng không có khả năng gây bệnh và có tác dụng bảo vệ phòng bệnh cho những đối tượng tiêm phòng.

Thường được khuyến nghị tiêm phòng vắc xin lao BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vắc xin này đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm. Trong đó có kể đến với lao viêm màng não với tỉ lệ bảo vệ của vắc xin lên tới 70%.

Trường hợp người lớn không mắc bệnh lao và chưa từng được tiêm chủng trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm cũng nên được chủng ngừa đầy đủ.

Ngoài ra, vắc xin lao BCG cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác.

Lưu ý, loại vắc xin ngừa lao BCG này chỉ cần tiêm chủng ngừa một liều duy nhất mà không cần tiêm thêm các liều bổ sung.

vắc xin bcg
Thông tin về vắc xin phòng lao BCG

Những đối tượng được chỉ định tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao

Vắc xin lao BCG giúp phòng ngừa và kiểm soát Lao. Vắc xin giúp trẻ (hoặc đối tượng tiêm phòng) tạo ra một hệ miễn dịch chủ động đối với bệnh lao. Vắc xin BCG thường được chỉ định tiêm phòng cho các đối tượng sau:

  • Nhóm  đối tượng chưa từng được tiêm phòng trước đó. Nhận biết: không có vết sẹo đặc trưng của vắc xin phòng lao.
  • Các trường hợp có phản ứng Tuberculin (-).
  • Người bệnh bị bệnh lao do các chủng kháng thuốc isoniazid và rifampin.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng vắc xin lao BCG

Chống chỉ định tiêm chủng vắc xin lao BCG cho các trường hợp sau đây:

Phản ứng dị ứng với bất kì thành phần nào trong vắc xin BCG.

Đã bị nhiễm khuẩn Lao.

Tình trạng viêm da có mủ, có phản ứng Tuberculin trên da (+) cao.

Người bệnh sốt >37,5 ºC.

Các đối tượng mắc các tình trạng như:

  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Suy dinh dưỡng thể nặng;
  • Tình trạng viêm tai – mũi – họng, vàng da hoặc viêm phổi ở trẻ;
  • Người tiêm phòng bị bỏng;
  • Giảm gamma globulin trong máu; bị bệnh bạch cầu; bị suy giảm hệ miễn dịch (do thuốc hoặc xạ trị, hóa trị);…

Các đối tượng đặc biệt như: phụ nữ có thai và cho con bú.

Liều lượng và cách sử dụng

Đường dùng

  • Chỉ định tiêm trong da.
  • Vị trí: tiêm ở mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc ở vai trái.
  • Lưu ý, nhân viên y tế cần sử dụng bơm kim tiêm riêng biệt khi tiêm chủng vắc xin lao BCG (thông tin dành riêng cho cán bộ y tế).
Vị trí tiêm vắc xin lao là ở mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc ở vai trái.
Vị trí tiêm vắc xin lao là ở mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc ở vai trái

Liều lượng và cách sử dụng:

Trước khi pha tiêm,  cần phải cẩn thận khi mở ống vắc xin lao BCG, tránh thuốc bị bật ra ngoài.

Thực hiện vô khuẩn khi pha tiêm:

  • Đối với trẻ em < 1 tuổi

Đầu tiên, pha 1 ml nước muối đẳng trương vào mỗi ống có 0,5 mg BCG

Tiếp sau đó lắc cho đến khi tan đều.

Kế đến, thực hiện kĩ thuật tiêm trong da 0,1 ml (nghĩa là trẻ sẽ nhận được 0,05 mg BCG)

  • Trường hợp đối với trẻ em >1 tuổi

Đầu tiên, pha 0,5 ml nước muối đẳng trương vào mỗi ống có 0,5 mg BCG

Tiếp đến, lắc cho đến khi tan đều.

Sau đó, thực hiện tiêm trong da 0,1 ml (nghĩa là trẻ sẽ nhận được 0,1 mg BCG).

Lưu ý, sau khi pha, phải bảo quản thuốc trong điều kiện lạnh ở nhiệt độ 2 – 8 ºC trong vòng 6 giờ.

Cần phải bỏ vắc xin trong các trường hợp

  • Phần còn lại sau tiêm
  • Bảo quản trong 6 giờ sau khi pha tiêm.

Một số lưu ý khi tiêm chủng vắc xin lao BCG

Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi tiêm chủng vắc xin lao BCG

  • Khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh càng sớm càng tốt.
  • Thực hiện tiêm vắc xin BCG 1 liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại và thể tích tiêm là 0,1 ml.
  • Thực hiện kĩ thuật tiêm trong da chính xác và cần phải sử dụng bơm kim tiêm riêng biệt khi tiêm vắc xin.
  • Không tiêm vắc xin đã quá hạn, bột pha tiêm bị ẩm hoặc có tình trạng dính.

Các tác dụng phụ khi tiêm vắc xin lao BCG

Rất hiếm xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em sau khi được tiêm vắc xin BCG đều có phản ứng tại chỗ tiêm. Các phản ứng thường là đỏ, sưng và đau nhẹ tại chỗ tiêm. Các nốt nhỏ tại vị trí tiêm và nó sẽ biến mất sau khoảng 30 phút. Sau đó 2 tuần, xuất hiện vết loét nhỏ. Những vết loét sẽ tự lành và để lại sẹo nhỏ có đường kính ~ 5mm. Vết sẹo chứng minh trẻ đã có miễn dịch.

Với người bệnh bị suy giảm miễn dịch thường các phản ứng sẽ nghiêm trọng và nặng hơn

Sau khi tiêm vắc xin lao BCG có thể đem lại một số tác dụng phụ khác. Cụ thể:

  • Có thể bị sốt nhẹ do nổi hạch hoặc áp xe tại chỗ.
  • Hạch có thể xuất hiện ở các vị trí như nách hoặc khuỷu tay.
  • Tình trạng áp xe thường xảy ra là do bơm kim tiêm chưa được vô trùng hoặc tiêm quá nhiều vắc xin. Một ví dụ điển hình là tiêm dưới da thay vì tiêm trong da.
  • Lưu ý, các triệu chứng này thường xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm và sẽ biến mất trong vòng 1 – 3 ngày.

Phản ứng hiếm gặp:

  • Thường trong 1 triệu ca sẽ có 1 ca gặp phải.
  • Đó là tình trạng nhiễm trùng BCG toàn thân. Người bệnh có thể bị viêm tủy, viêm hạch bạch huyết có mủ.
  • Phản ứng này thường xuất hiện từ 2 – 6 tháng sau khi tiêm vắc xin.

Chăm sóc sau khi tiêm chủng vắc xin lao BCG

Sau khi tiêm chủng vắc xin lao BCG, cần lưu ý những điều sau đây:

  • Cần phải giữ gìn sạch sẽ và khô thoáng nơi tiêm.
  • Tốt nhất nên sử dụng nước sạch hoặc nước ấm để làm sạch vết tiêm khi cần thiết.
  • Tuyệt đối không được sử dụng các chất sát trùng hoặc thuốc mỡ hoặc kem bôi vào vị trí tiêm.
  • Không dùng băng để dán trực tiếp lên vết thương tại vị trí vết tiêm chủng.
  • Trong trường hợp cần phải băng bó thì nên sử dụng băng khô với băng dính dán dọc hai bên, cho phép không khí được lưu thông.

Tóm tại, tiêm vắc xin lao BCG chỉ cần một liều duy nhất. Sau tiêm có thể gặp phải tình trạng đau, sưng tấy tại nơi tiêm. Ngoài ra có thể bị sốt nhẹ do nổi hạch hoặc áp xe tại vị trí tiêm. Hãy theo dõi cơ thể sau tiêm một cách cẩn thận. Nếu có bất cứ tình trạng nào bất thường xảy ra hãy gọi cho bác sĩ để được hỗ trợ và xử trí kịp thời nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vắc xin BCGhttps://www.uofmhealth.org/health-library/d08998a1

    Ngày tham khảo: 10/06/2021

  2. Tổng quan về vắc xin phòng laohttps://www.nhs.uk/conditions/vaccinations/bcg-tuberculosis-tb-vaccine/

    Ngày tham khảo: 10/06/2021

  3. Những điều cần biết về vắc xinhttps://vnvc.vn/tiem-mui-vac-xin-phong-lao-cho-tre-sinh-nhung-dieu-can-biet/

    Ngày tham khảo: 10/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người