Vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi?
Nội dung bài viết
Thủy đậu là bệnh do vi-rút varicella zoster gây ra. Căn bệnh này thường bùng phát vào mùa xuân. Thủy đậu rất dễ lây truyền qua đường hô hấp và qua tiếp xúc dịch tiết. Đây là bệnh nhẹ và lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng có thể để lại nhiều biến chứng. Do đó, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa bệnh? Vậy vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên để hiểu rõ về vắc-xin thủy đậu nhé!
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Thông tin về bệnh thuỷ đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê, có đến 20% tỷ lệ trẻ tử vong do tình trạng viêm não biến chứng thủy đậu. Trường hợp may mắn được cứu sống thì người bệnh vẫn có nguy cơ bại não, nằm liệt giường.
Thống kê chỉ ra, có khoảng 30% trẻ sơ sinh tử vong do mắc thủy đậu lây từ mẹ.
Đối với trẻ < 3 tháng tuổi hoặc trẻ có hệ miễn dịch yếu, khi mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm, thậm chí khả năng tử vong cao và việc điều trị rất tốn kém.
Trường hợp phụ nữ mang thai, đặc biệt trong khoảng 13 – 20 tuần, khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến tình trạng sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi như:
- Tình trạng dị dạng ở sọ.
- Bệnh đa dị tật ở tim.
- Hoặc trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ.
Các biến chứng mà bệnh thủy đậu có thể gây ra
Biến chứng viêm da do tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Xuất hiện các nốt thuỷ đậu bội nhiễm có xuất hiện dịch trong bọng nước màu đục là mủ. Tuy nhiên, khi khỏi thường để lại sẹo sâu, khó mờ, gây mất thẩm mỹ. Trường hợp, người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, nốt thủy đậu có thể có hoại tử cả vùng da gây nhiễm trùng máu.
Tình trạng viêm tai do thuỷ đậu bao gồm viêm tai ngoài, viêm tai giữa.
Ngoài ra, thuỷ đậu còn gây tình trạng viêm thanh quản, viêm phổi, viêm cầu thận cấp với triệu chứng tiểu ra máu.
Lưu ý: Biến chứng nặng nhất là viêm não rất nguy hiểm. Thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Mẹ mang thai bị thuỷ đậu có thể gây nguy cơ mắc bệnh ở thai nhi. Đặc biệt ở phụ nữ đang mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ và khi sắp sinh. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng:
- Những vết sẹo dưới da.
- Biến chứng đầu nhỏ.
- Gây đục thủy tinh thể.
- Trẻ nhẹ cân.
- Tình trạng chi ngắn.
- Chậm phát triển.
Tóm lại, tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất để có thể phòng bệnh. Tuy nhiên, vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi là vấn đề mà nhiều bố mẹ quan tâm để đưa trẻ đi tiêm phù hợp.
Tiêm vắc-xin phòng thủy đậu
Chỉ định tiêm phòng vắc-xin thủy đậu để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh thủy đậu cho các đối tượng cụ thể:
- Đối tượng là trẻ > 12 tháng tuổi.
- Chỉ định cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ trước khi có ý định mang thai.
- Các đối tượng nhạy cảm bị phơi nhiễm bệnh thủy đậu trong vòng 3 ngày và có thể lên đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.
Vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi?
Liều dùng
Vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi? Tùy vào từng đối tượng cụ thể sẽ được tiêm phòng với lịch cụ thể khác nhau.
Trẻ em từ 12 tháng – 12 tuổi:
- Nên sử dụng 1 liều đơn 0,5ml tiêm dưới da.
- Thực hiện tiêm 1 mũi nhắc lại sau 4 năm.
Đối tượng là người lớn và thanh thiếu niên > 13 tuổi:
- Nên thực hiện chủng ngừa 2 mũi.
- Lịch tiêm: Bắt đầu bất kì thời điểm nào với mũi 1 và thực hiện mũi 2 cách mũi 1 khoảng 4 – 8 tuần sau đó.
Đường dùng
- Thực hiện tiêm dưới da.
- Lưu ý không được tiêm tĩnh mạch trong bất cứ trường hợp nào.
- Vị trí tiêm: Thường là mặt ngoài của cánh tay phần trên.
Cách dùng (lưu ý của nhân viên y tế)
- Đầu tiên, dùng bơm kim tiêm vô khuẩn rút toàn bộ 0,7 ml nước hồi chỉnh bơm vào lọ vắc-xin bột đông khô.
- Sau đó, lắc nhẹ và trộn đều để bột đông khô tan hết.
- Tiếp đó rút 0,5 ml vắc-xin đã hoàn nguyên. Và thực hiện tiêm dưới da phần mặt ngoài cánh tay phần trên vùng cơ delta hoặc mặt trước của bên đùi.
- Lưu ý nên tiêm vắc-xin ngay sau khi hoàn nguyên.
- Ngoài ra, cần chú ý thời gian bảo quản tối đa vắc xin sau khi hoàn nguyên là 30 phút ở nhiệt độ phòng từ 20 – 25 ºC. Phải bỏ đi nếu quá thời gian sử dụng
Chống chỉ định của việc tiêm vắc-xin thủy đậu?
Người bệnh đang bị sốt hoặc nổi ban, có dấu hiệu dị ứng.
Mắc bệnh liên quan đến tim mạch, bị rối loạn chức năng gan, thận. Hoặc các bệnh về máu hoặc những bệnh có diễn biến bất thường.
Các trường hợp đã tiêm chủng các vắc-xin dạng sống khác trong vòng 1 tháng trước khi tiêm vắc-xin này như:
- Vắc-xin sởi, quai bị, rubella.
- Vắc-xin lao.
- Vắc-xin bại liệt – dạng uống.
Người bệnh bị suy giảm miễn dịch tế bào.
Đã từng bị co giật trước khi tiêm vắc-xin (1 năm trước khi tiêm).
Đã từng bị phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin thủy đậu.
Đối tượng đang mang thai hoặc dự định có thai trong vòng 2 tháng.
Trường hợp mắc các bệnh liên quan đến bạch cầu như:
- Bệnh bạch cầu tế bào lympho T.
- Xuất hiện u lympho ác tính.
- Bạch cầu tủy cấp.
- Đang được điều trị bệnh bạch cầu ở giai đoạn tấn công. Do vậy, hệ thống miễn dịch bị ức chế mạnh do xạ trị.
Tóm lại, bài viết đã làm rõ được vấn đề “Vắc-xin thủy đậu tiêm mấy mũi” để bố mẹ có thể tham khảo và đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng để được thăm khám, sàng lọc và tư vấn lịch tiêm phòng phù hợp. Hãy đến bệnh viện hoặc các nơi tiêm chủng y tế để được tư vấn cẩn thận nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chickenpox/Varicella Vaccinationhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/varicella/index.html
Ngày tham khảo: 06/07/2021
-
Chickenpox Vaccination: What Everyone Should Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/varicella/public/index.html
Ngày tham khảo: 06/07/2021
-
Chickenpox (varicella) vaccinehttps://www.health.gov.au/health-topics/immunisation/immunisation-services/chickenpox-immunisation-service
Ngày tham khảo: 06/07/2021